Nhân viên CIA Mỹ có mặt tại Libya trước khi tổng thống Obama ký sắc lệnh |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Sáu, 01 Tháng 4 Năm 2011 09:05 |
Nhóm nhân viên tình báo Mỹ mang theo ít thiết bị, đã từ Ai Cập, theo đường bộ, thâm nhập vào Libya. Nguồn tin chính phủ Mỹ ngày hôm qua, 31/03/2011, cho hãng Reuters biết cách nay khoảng 2 – 3 tuần, tổng thống Barack Obama đã ký lệnh cho phép cơ quan tình báo Mỹ, CIA được quyền đưa ra và áp dụng các biện pháp để giúp đỡ lực lượng nổi dậy chống chế độ Kadhafi. Quân nổi dậy Libya ở Ajdabiyah, ngày 1/4/11. / REUTERS/Finbarr O'Reilly Tuy nhiên, luật pháp Hoa Kỳ trao cho tổng thống một số đặc quyền, trong đó có quyền cho phép CIA tiến hành các hoạt động bí mật mà không cần phải ký sắc lệnh. Do vậy, theo các nguồn tin chính thức của chính phủ Mỹ, trước khi tổng thống Obama ký sắc lệnh, các nhân viên CIA đã được phái sang Libya để tiếp xúc với phe nổi dậy và đánh giá khả năng của lực lượng này. Ông Bob Baer, trước đây làm việc cho CIA tiết lộ là nhóm nhân viên tình báo Mỹ nói trên mang theo ít thiết bị, đã từ Ai Cập, theo đường bộ, thâm nhập vào Libya. Nhiệm vụ của nhóm này là xác định xem ai trong số lực lượng nổi dậy có thể đứng ra thành lập đơn vị quân đội. Tiểu ban phụ trách tình báo của nghị viện Hoa Kỳ dường như chỉ được thông báo về lệnh của tổng thống Obama sau khi các nhân viên CIA đã có mặt tại Libya. Theo một nguồn thạo tin thì chính quyền Washington dự tính phái các thành viên thuộc lực lượng đặc nhiệm đã từng tham gia huấn luyện quân đội Afghanistan, nay có thể sang Libya hỗ trợ cho CIA tổ chức và huấn luyện lực lượng nổi dậy. Dự án này đang được tích cực chuẩn bị nhưng chưa được đệ trình lên tổng thống để phê duyệt. Trong khi đó, đài truyền hình Mỹ ABC đưa tin là hàng chục nhân viên lực lượng đặc nhiệm Anh và nhân viên tình báo Anh MI 6 cũng đang có mặt tại Libya. Về mặt chính trị, vụ Ngoại trưởng Libya Moussa Koussa từ chức và xin tỵ nạn tại Anh Quốc là một vố đau cho chính quyền Kadhafi. Theo nhật báo The Guardian, thì ông Mohammed Ismail, một nhân vật thân cận với Saif al-Islam, con trai ông Kadhafi, đã có những cuộc tiếp xúc và thương lượng bí mật với các quan chức Anh Quốc. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Anh từ chối bình luận về thông tin này. Còn tại Libya, theo nhiều nhân chứng cho AFP biết, chiến sự đã diễn ra vào sáng nay gần cảng dầu Brega, cách Tripoli 800 km về phía đông. Hôm thứ tư, quân đội trung thành với Kadhafi đã chiếm lại được cảng dầu Ras Lanouf, cách thành phố Benghazi 370 cây số về phía đông, sau đó, tiến về Brega. Theo đô đốc Mike Mullen, chỉ huy Bộ Tham mưu liên quân Mỹ thì quân đội Libya chưa đến mức tan rã, cho dù các vụ oanh kích của liên quân quốc tế đã loại khỏi vòng chiến đấu gần một phần tư quân số các lực lượng trung thành với Kadhafi. Kể từ ngày hôm qua, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã nắm quyền chỉ huy chiến dịch quân sự tại Libya. Theo tổng thư ký NATO, Anders Fogh Rasmussen, thì « nhiệm vụ của Liên minh chỉ hoàn thành khi không còn mối đe dọa đối với thường dân » thế nhưng, ông không thể nói trước được thời điểm. Đồng thời, lãnh đạo khối NATO cũng chống lại việc trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy tại Libya, với lập luận, NATO can thiệp quân sự là để bảo vệ thường dân chứ không phải để vũ trang cho người dân. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet khẳng định việc chuyển giao vũ khí cho lực lượng nổi dậy không phù hợp với nội dung nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Còn thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo là vũ trang cho lực lượng nổi dậy Libya có nguy cơ hỗ trợ cho khủng bố. |