VN bắn đạn thật nghiệm thu tên lửa |
Tác Giả: BBC |
Thứ Năm, 31 Tháng 3 Năm 2011 08:15 |
Quân đội Việt Nam vừa tổ chức bắn đạn thật nghiệm thu khí tài và đạn tên lửa trong chương trình nâng cao năng lực quốc phòng.
Báo Quân đội Nhân dân trong bản tin ngắn cho hay sáng thứ Hai 28/03, "Quân chủng Phòng không-Không quân đã tổ chức bắn đạn thật nghiệm thu khí tài và đạn tên lửa trong chương trình cải tiến vũ khí, khí tài chiến đấu" tại Trường bắn Quốc gia TB1 ở tỉnh Bắc Giang. Tuy báo này không cung cấp nhiều chi tiết về buổi diễn tập đạn thật, nhưng hiện diện của các quan chức cao cấp nhất Bộ Quốc phòng như Bộ trưởng Đại tướng Phùng Quang Thanh, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, và Thứ trưởng Trung tướng Đỗ Bá Tỵ, Tổng Tham mưu trưởng; cho thấy tầm quan trọng của sự kiện này. Được biết 5 bài bắn chiến đấu cho bộ khí tài và đạn tên lửa cải tiến đã được các chiến sỹ thuộc Phân đội 152 (thuộc Đoàn B61 Phòng không-Không quân) thực hiện. Báo của Bộ Quốc phòng cho hay: "Đây là kết quả của chương trình hợp tác nghiên cứu, góp phần cải thiện các tính năng vượt trội của khí tài, đạn dược". "Tất cả các kíp chiến đấu, bộ khí tài và các quả đạn đều xuất sắc tiêu diệt mục tiêu theo yêu cầu." Tăng minh bạch Đây không phải lần đầu tiên quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam tổ chức bắn đạn thật, nhưng nội dung và chất lượng đợt tập dượt này chắc chắn hơn hẳn so với lần bắn đạn thật trước vào cuối năm 2009. Cả nghìn hộ dân đã được giải tỏa khỏi khu vực Trường bắn TB1 vài năm trước để phục vụ cho hoạt động bắn đạn thật, được cho là tối quan trọng trong quá trình nâng cấp hiện đại hóa năng lực phòng vệ. Bình luận về bản tin đăng trên Quân đội Nhân dân, nhà nghiên cứu Việt Nam Carlyle Thayer từ Úc châu nói: "Đây là chỉ dấu cho thấy Việt Nam đang tiến tới một sự minh bạch rõ ràng ngày càng lớn trong các chủ đề liên quan tới quốc phòng". "Cũng có thể xem các thông tin dạng này như một hình thức "tâm lý chiến" nhằm tuyên truyền cho kỹ thuật quốc phòng ngày càng hiện đại của Việt Nam trước con mắt nhòm ngó của các nước ngoài". Báo Quân đội Nhân dân trong bản tin cũng cho hay, việc cải tiến vũ khí, khí tài trong đợt bắn thử lần này có mục tiêu "tăng độ tin cậy, khả năng chống nhiễu, tính cơ động và khả năng sống còn cũng như tầm xa đến mục tiêu và xác suất tiêu diệt mục tiêu, số lượng mục tiêu đồng thời bị tiêu diệt của khí tài và đạn tên lửa…" Theo Giáo sư Thayer, một "kẻ thù tiềm năng" của Việt Nam chắc chắn sẽ chú ý đến các chi tiết kể trên và tìm hiểu xem các tính năng này sẽ được sử dụng trong trường hợp nào. Ông Thayer nói: "Mặt khác, thông tin trên Quân đội Nhân dân cũng chứng minh thêm một lần nữa rằng trong chính sách quốc phòng của Việt Nam, tự lực tự cường là một yếu tố quan trọng hàng đầu." Hiện đại hóa quốc phòng Năm 2009, các loại hỏa tiễn được bắn thử là C-75M và C-125M, tức tên lửa tầm ngắn, do Nga sản xuất và thuộc đời cũ, đã mang vào sử dụng từ trong cuộc chiến Việt Nam. Lần bắn đạn thật 3/2011, không rõ chi tiết các khí tài và đạn tên lửa cải tiến là như thế nào. Tuy nhiên, có khả năng vũ khí được mang ra thử thuộc đời hiện đại và có tính năng vượt trội. Hồi năm ngoái, có tin Việt Nam ký hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng thủ Extra của Israel để phòng thủ biển. Đây là loại hỏa tiễn cố định trên mặt đất, dùng để bắn vào tàu chiến nước ngoài, có tầm bắn hơn 150 km, mang đầu đạn 125 kg. Sai số trong bắn trúng mục tiêu vào khoảng 10 mét. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói trước Quốc hội Việt Nam rằng ngân sách cho quân đội trong năm 2011 là 52.000 tỷ đồng, tức khoảng 2,6 tỷ đô la Mỹ. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay số tiền Việt Nam bỏ ra để mua mới hay tân trang vũ khí mỗi năm chiếm khoảng 1,8% GDP. Số tiền Việt Nam dùng để mua sắm trang thiết bị quốc phòng năm 2010 khoảng 2 tỷ đôla. Như vậy, ngân sách 2011 sẽ tăng 70% so với ngân sách năm 2010. Giới quan sát nước ngoài nói chung cho rằng Việt Nam đang nỗ lực nâng cao năng lực phòng thủ biển đảo để đối phó với đe dọa từ nước láng giềng Trung Quốc, mà chi tiêu quốc phòng sẽ tăng 12,7% (tương đương 91,5 tỷ đôla) trong năm 2011.
|