Home Tin Tức Thời Sự Lính của Gaddafi đẩy lui phe nổi dậy

Lính của Gaddafi đẩy lui phe nổi dậy PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Ba, 29 Tháng 3 Năm 2011 08:56

Các tay súng nổi dậy buộc phải tháo lui khỏi Nawfaliya, cách quê của ông Gaddafi Sirte 120km.

 

Các lực lượng trung thành với chính phủ Libya đã tăng cường phản công, đẩy lui phe nổi dậy khỏi thị trấn chủ chốt Bin Jawad.

Sự phản công của chính phủ diễn ra trong khi đại diện các nước nhóm họp ở London về tương lai Libya.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bào chữa cho quyết định can thiệp bằng quân sự và quả quyết vai trò của Mỹ chỉ giới hạn.

Ông cũng nói lật đổ Đại tá Muammar Gaddafi bằng vũ lực sẽ là một sai lầm.

Từ trọng điểm Benghazi phe nổi dậy đã tiến về miền Tây trong mấy ngày qua - phần lớn nhờ sự yểm trợ trên không của liên quân - và chiếm các thị trấn và thành phố quan trọng như Ras Lanuf, Brega, Uqayla và Bin Jawad.

Nhưng hôm nay phe nổi dậy nói quân chính phủ sử dụng vũ hạng nặng để ngăn chặn sự tiến công của họ.

Các tay súng nổi dậy buộc phải tháo lui khỏi Nawfaliya, cách quê của ông Gaddafi Sirte 120km.

Binh lính chính phủ đóng ở phía tây của Bin Jawad pháo kích vào phe nổi dậy ở hướng đông, phóng viên BBC Nick Springate đang có mặt tại chỗ cho biết.

Phe nổi dậy trả đũa bằng tên lửa Katyusha.

Một phát ngôn nhân của Ngũ Giác Đài ở Washington, Phó Đô đốc Bill Gortney, nói vì phe nổi dậy không được tổ chức tốt, những thắng lợi về quân sự của họ sẽ mong manh.

Misrata lâm nguy

Ông nói rõ ràng họ được lợi khi Hoa Kỳ sử dụng máy bay trang bị nhiều vũ khí bay ở độ cao thấp để chống lại các lượng của ông Gaddafi.

Đại sứ của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice hôm nay cho biết người Mỹ không loại trừ khả năng trang bị vũ khí cho phe nổi dậy ở Libya.

Hải quân Mỹ nói Hạm đội VI tấn công ba tàu của Libya vốn đã bắn bừa bãi vào các tàu buôn ở cảng Misrata, tây Sirte.

Một tàu bị phá hủy và gây hư hại nặng cho một chiếc khác, giới chức nói với Reuters.

Một cư dân ở Misrata nói với BBC lính chính phủ tấn công thành phố bằng xe tăng và vũ khí hạng nặng.

 Các lãnh đạo phe nổi dậy ở Benghazi nói có ít nhất 124 người thiệt mạng ở Misrata trong chín ngày qua.

Một phát ngôn nhân của phe nổi dậy nói nhờ sự can thiệp của liên quân mà Benghazi thoát cảnh thảm sát nhưng bây giờ điều đó sẽ xảy ra ở Misrata.

Đài phát thanh của phe nổi dậy kêu gọi dân chúng hãy tham gia chống chế độ Gaddafi.

Nato bây giờ chỉ huy chiến dịch can thiệp và quả quyết sẽ giữ vai trò vô tư trong cuộc khủng hoảng này, nhưng Nga một lần nữa tỏ ý quan ngại, nói rằng can thiệp vào một cuộc nội chiến là không được phép theo Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an LHQ.

Quốc tế can thiệp

Các nhân vật cao cấp của Mỹ, Anh, Pháp, khối Ả Rập cùng Tổng thư ký LHQ đã họp tại London để bàn về Libya.

Chính phủ Libya không tham dự nhưng phe nổi dậy được mời dự các cuộc họp bên lề mà thôi.

Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Anh David Cameron nói các nước tham dự muốn "giúp nhân dân Libya trong lúc họ cần" và tạo điều kiện để gầy dựng ''một tương lai phi bạo động và phi đàn áp".

Ông nói các nước dự họp hãy tái khẳng định cam kết cho nghị của của LHQ về Libya, đảm bảo nhanh chóng viện trợ nhân đạo và giúp người dân trong giai đoạn hậu chiến.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon ca ngợi tốc độ phản ứng của cộng đồng quốc tế, và nói rằng việc chuyển đổi qua một chính phủ và xã hội dân chủ ''cần có thời gian và sự trợ giúp của tất cả chúng ta".

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói hành động quân sự sẽ tiếp tục cho đến khi nào Đại tá Gaddafi tuân thủ nghị quyết.

Nhưng bà nhấn mạnh: "Chúng ta không thể và phải tránh áp đặt ý nguyện của chúng ta lên họ nhưng chúng ta có thể và phải hổ trợ họ khi họ tìm cách quyết định định mệnh của chính họ".

Trước đó tại Washington, Tổng thống Barack Obama khẳng định chính sách của Mỹ đối với Đại tá Gaddafi.

''Chúng ta sẽ không để chế độ còn có vũ khí, chặn các nguồn tài chính, trợ giúp phe đối lập, và làm việc cùng với các nước khác, để nhanh chóng đi đến ngày Gaddafi rời khỏi quyền lực,'' ông nói.

Tuy vậy, ông Obama nói sự can dự của Hoa Kỳ "sẽ hạn chế".