Home Tin Tức Thời Sự Mỹ 'sẽ không đem quân đi đâu nữa'

Mỹ 'sẽ không đem quân đi đâu nữa' PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Hai, 28 Tháng 3 Năm 2011 22:13

Sự sụp đổ của ông Assad sẽ làm suy yếu trầm trọng khả năng bành trướng ảnh hưởng của Iran trong vùng Trung Ðông  

WASHINGTON (WSJ) - Trước những chỉ trích ồn ào từ cả hai phía Dân Chủ lẫn Cộng Hòa và đông đảo dân chúng không muốn thấy có thêm can dự quân sự ở ngoại quốc, chính phủ Obama nay tìm cách trấn an dư luận là sẽ không tham dự hành động quân sự nào để ngăn chặn tình trạng bạo động chính trị ở Syria, dù rằng nhà nước đang có hành động đàn áp dữ dội thành phần đối lập.

Ngoại Trưởng Hillary Rodham Clinton và Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates khi cùng xuất hiện trong chương trình “Meet the Press” của hệ thống truyền hình NBC hôm Chủ Nhật. (Hình: AP Photo/NBC, William B. Plowman)
 
Ngoại Trưởng Hillary Rodham Clinton và Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates khi thảo luận tình hình Syria và Trung Ðông trong chương trình “Meet the Press” hôm Chủ Nhật nói rằng họ không tìm cách huy động cộng đồng quốc tế để có hành động chống lại Syria và lực lượng an ninh của Tổng Thống Bashar al-Assad, như từng làm ở Libya.

Một luận cứ góp phần đưa đến quyết định này cũng vì cho rằng Tổng Thống Assad có thể là một người cải cách, và cũng vì sự đàn áp ở Syria “chưa đến nỗi nặng nề” như ở Libya.

Phản ứng của chính quyền Obama cho thấy sự khó khăn trong việc duy trì một chính sách nhất quán về các cuộc nổi dậy đòi tự do dân chủ ở Trung Ðông.

Một số nhà lập pháp Mỹ lại cho rằng Washington có nhiều lý do, và quyền lợi, trong việc lật đổ chế độ Assad hơn là đối với chế độ Moammar Gadhafi ở Libya. Syria là đồng minh chiến lược thân cận nhất của Iran, và Damascus đóng vai trò quan trọng trong việc võ trang cho các nhóm dân quân Iraq, Lebanon và trong các lãnh thổ Palestine.

Nhiều giới chức Mỹ và Âu Châu tin rằng sự sụp đổ của ông Assad sẽ làm suy yếu trầm trọng khả năng bành trướng ảnh hưởng của Iran trong vùng Trung Ðông, dù rằng cũng có lo ngại rằng các cuộc chiến tôn giáo và bộ tộc sẽ bùng nổ sau đó.

Tuy nhiên, bà Clinton nói rằng Washington vẫn còn hy vọng ông Assad có thể tách khỏi Iran và thúc đẩy các cải cách kinh tế cũng như chính trị.

“Nhiều thành viên Quốc Hội ở cả hai đảng đến Syria những tháng gần đây cho hay rằng họ tin ông Assad là người cải cách,” bà Clinton cho biết khi xuất hiện trong chương trình “Face the Nation” của hệ thống truyền hình CBS.

Trong khi đó, một số giới chức Mỹ từng tham dự vào các nỗ lực ngoại giao ở Trung Ðông cho hay những hành động hòa hoãn với ông Assad hoàn toàn không đem lại tiến triển gì. Theo họ, Syria lại tiến gần Iran hơn nữa và ngày càng gửi thêm nhiều võ khí tối tân đến lực lượng khủng bố Hezbollah ở Lebanon.