Paris thăm dò một giải pháp chính trị tại Libya |
Tác Giả: Tú Anh |
Thứ Bảy, 26 Tháng 3 Năm 2011 20:41 |
« ông Kadhafi không có khả năng nghe theo lý trí ». Hội nghị thượng đỉnh châu Âu về Libya kết thúc hôm qua 25/03/2011 tại Bruxelles. Toàn thể 27 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ tán đồng chiến dịch quân sự khai diễn từ một tuần lễ qua, cùng lúc chuẩn bị tìm một giải pháp "hậu Kadhafi". Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy (trái), Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) và Thủ tướng Ý David Cameron, trong cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, tại Bruxelles, 25/3/2011 Reuters/Thierry Roge Trái với những lời bình luận bi quan, hồ sơ Libya đã không gây gây chia rẽ nội bộ Liên Hiệp Châu Âu trong hội nghị thượng đỉnh kết thúc hôm thứ sáu 25/03/2011 tại Bruxelles. Hai nước Anh, Pháp, tiên phong trong giải pháp quân sự chống chế độ đàn áp Tripoli đã được toàn thể thành viên khác ủng hộ. Mặc khác, tuy chiến dịch quân sự mới khai diễn có 6 ngày và có thể kéo dài ít nhất là ba tháng, nỗ lực tìm một giải pháp chính trị hậu Kadhafi đã bắt đầu, với điểm hẹn là hội nghị Luân Đôn vào thứ ba 29/03/2011 quy tụ liên quân trong chiến dịch quân sự. Trong cuộc họp báo tại Bruxelles, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố là, vào thứ ba tuần tới 29/3, ông và Thủ tướng Anh David Cameron sẽ thông báo « sáng kiến Anh - Pháp để chứng tỏ rằng quân sự không phải là giải pháp duy nhất », mà « bắt buộc phải có chính trị và ngoại giao ». Cũng theo nhận định của tổng thống Pháp, sỡ dĩ Tây phương phải dùng đến quân sự, là vì « ông Kadhafi không có khả năng nghe theo lý trí ». Song song với các cuộc không tập tiêu diệt lực lượng võ trang, xe tăng và vũ khí hạng nặng của đại tá Kadhafi, giới lãnh đạo Paris và Luân Đôn chủ trương phải liên kết với thành phần chống chế độ Tripoli càng rộng càng tốt và « tiếp xúc » với những người thân cận với lãnh đạo Libya có ý đào thoát. Hội Đồng Quốc Gia Lâm Thời, hiện nay do cựu bộ trưởng tư pháp Libya đứng đầu, tuy được Pháp công nhận và Liên Đoàn Ả Rập xem là « đối tác đối thoại chính đáng », nhưng không phải là đại diện duy nhất của toàn dân Libya. Theo các viên chức Mỹ và châu Âu, cho đến nay, một vài nhân vật cốt cán trong chính quyền Libya tìm cách « thăm dò » ý định của Liên quân. Tổng thống Pháp cho biết, đã có nhiều vụ đào thoát, nhưng ông nêu lên khó khăn là, « khó mà biết rõ chuyện gì xảy ra trong guồng máy Kadhafi ». Tuy nhiên, Tổng thống Pháp không che dấu quyết tâm thúc đẩy chế độ Kadhafi tan rã nhanh chóng, với lời kêu gọi những người thân cận của lãnh đạo Libya là, « còn có lối thoát » an toàn. Những người « có thiện chí bỏ rơi Kadhafi với những hành động điên rồ của ông ta đã đưa Libya vào bế tắc » sẽ có chỗ đứng trong công cuộc «tái thiết xây dựng một nước Libya dân chủ». Cũng trong chiều hướng này, Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng, ngay con trai của đại tá Kadhafi, nếu ngưng hậu thuẫn cha của mình và tuyên bố « chấm dứt đàn áp », thì thái độ này cũng được xem là « một cử chỉ thiện chí ». Đi tiên phong trong quyết tâm hỗ trợ phong trào đối lập về quân sự và chính trị hơn bất cứ một cường quốc nào khác, Paris vẫn tránh tỏ ra là người chỉ đạo tương lai dân chủ cho Libya. Tuy vậy, Pháp đã chìa bàn tay mở cánh cửa hòa giải đến tận Tripoli, theo như hy vọng của các quốc gia Tây phương muốn thấy một quốc gia Libya hòa giải hòa hợp, sau khi lật qua trang sử Kadhafi. Một nhà ngoại giao cao cấp của Pháp thừa nhận « Hội Đồng Quốc Gia Lâm Thời chưa là đại diện của toàn dân Libya. Càng có nhiều người đối lập đóng góp tiếng nói càng tốt ». Tại Bruxelles, Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh, không « thiên vị một phe nào hết ». Tuy ủng hộ chiến dịch quân sự cứu phe đối lập, nhưng Liên Hiệp Châu Âu không muốn xảy ra tình trạng phân cắt lãnh thổ Libya hoặc biến đất nước này thành « vô chủ » như Somalia. Liên Hiệp Châu Âu cam kết hậu thuẫn cho « tiến trình đối thoại, có sự tham gia rộng rãi của mọi thành phần » và bảo đảm « toàn vẹn lãnh thổ của Libya ».
|