Home Tin Tức Thời Sự Thủ tướng Bồ Đào Nha từ chức, Châu Âu đối mặt với khủng hoảng chính trị mới

Thủ tướng Bồ Đào Nha từ chức, Châu Âu đối mặt với khủng hoảng chính trị mới PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Sáu, 25 Tháng 3 Năm 2011 10:19

Ngày thứ tư 23/3, Thủ tướng Bồ Đào Nha José Socrates đã tuyên bố từ chức,

 sau khi đối lập trong Quốc hội bác bỏ kế hoạch kinh tế khắc khổ do ông đề ra, với dự kiến nhờ đến sự trợ giúp quốc tế.

Tổng thống Bồ Đào Nha, ngày hôm nay (25/3), đang tham khảo ý kiến của các đảng phái chính trị tại nước này nhằm chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn.
 

Thủ tướng từ nhiệm của Bồ Đào Nha, ông Jose Socrates trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Châu Âu ở Bruxelles ngày 25/3/11.
Reuters 

Trong thời gian vài tuần trước mắt, sẽ chưa có việc Lisboa yêu cầu Châu Âu « bảo trợ tài chính », tuy nhiên khả năng Châu Âu phải trợ giúp cho Bồ Đào Nha là điều khó tránh khỏi. Nguy cơ khủng hoảng vì vậy, đang đè nặng lên khu vực đồng euro.

Để trấn an thị trường, Chủ tịch khu vực đồng euro, ông Jean-Claude Juncker đã gợi ý, bảo trợ cho Bồ Đào Nha vay 75 tỷ euro.

Cũng cùng lúc đó, hai cơ quan thẩm định tài chính Fitch và Standard and Poor’s đã hạ điểm của Bồ Đào Nha xuống hai bậc, với lý do có nhiều nguy cơ Lisboa không trả được nợ. Việc hạ điểm như vậy, lại càng tăng khả năng Bồ Đào Nha phải nhờ cậy Châu Âu.

Theo Hiến pháp nước này, cuộc bầu cử phải được tổ chức 55 ngày sau quyết định của Tổng thống. Tình hình không rõ ràng hiện nay tại Bồ Đào Nha sẽ có thể kéo dài trong nhiều tuần, cho đến khi nào Lisboa lập được chính phủ mới.

Theo một điều tra dư luận công bố hôm nay, đảng đối lập cánh hữu PSD có thể giành được đa số tuyệt đối, với gần 47% số phiếu, trong khi đó, đảng Xã hội của thủ tướng mãn nhiệm chỉ nhận được 24,5%.

Như vậy, trong khi chờ đợi Bồ Đào Nha có chính phủ mới, một lần nữa, Châu Âu lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị trong khu vực đồng euro, cộng thêm vào cuộc khủng hoảng tài chính sẵn có.

Các đảng chính trị bài Âu, hay không tin tưởng vào Châu Âu, sẽ có thể nhân tình trạng này mà giành được thêm nhiều ảnh hưởng - giống như tại Phần Lan, với đảng dân tộc chủ nghĩa « Những người Phần Lan thực sự », hay tại Pháp, với Mặt trận Quốc gia.