Trung Quốc lại cảnh cáo về việc khai thác dầu hỏa tại Biển Đông |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Năm, 24 Tháng 3 Năm 2011 08:46 |
Đối với Bắc Kinh, khu vực Trường Sa, mà họ gọi là Nam Sa, thuộc chủ quyền của Trung Quốc Đúng một hôm sau khi Philippines xác nhận kế hoạch xúc tiến việc khai thác dầu khí tại vùng Reed Bank gần quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa tất cả những ai có ý định tương tự. Đối với Bắc Kinh, khu vực Trường Sa, mà họ gọi là Nam Sa, thuộc chủ quyền của Trung Quốc, cho nên không ai có quyền tự ý thăm dò dầu khí trong vùng này nếu không được phép của Bắc Kinh. Reuters / Google Map
Đại diện bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đe dọa : « Bất kỳ hoạt động của các nước hoặc các công ty thăm dò dầu khí trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc mà không được phép của chính phủ Trung Quốc đều bị coi là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, và ... bất hợp pháp và vô giá trị ». Tuyên bố của Trung Quốc được đưa ra 24 tiếng đồng hồ sau khi bộ Năng lượng Philippines xác nhận việc Công ty dầu khí Forum Energy, trụ sở tại Anh Quốc, đã hoàn tất giai đoạn thăm dò địa chấn tại vùng Reed Bank ở Biển Đông, ngoài khơi Philippines, và chuẩn bị công việc khoan giếng. Là một công ty con của tập đoàn Philippines, Philex Mining Corp., Forum Energy đã được trao quyền thăm dò và khai thác mỏ khí đốt Sampaguita ở khu vực Reed Bank, cách quần đảo Trường Sa 150 cây số về phía Đông. Bà Khương Du đã tuyên bố như trên khi được mời bình luận về kế hoạch của Manila, nhưng không hề nêu đích danh Philippines hoặc công ty Forum Energy, cũng như không nói rõ là khu vực được thăm dò thực sự nằm trong vùng biển của Trung Quốc hay không. Theo các nhà phân tích, thái độ cố tình mập mờ của Bắc Kinh thể hiện ý muốn lợi dụng trường hợp của Philippines để gởi tín hiệu đe dọa đến toàn bộ năm nước đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại vùng Trường Sa, từ Philippines, Việt Nam, Malaysia, cho đến Brunei và Đài Loan. Lời cảnh cáo cũng nhằm hù dọa các công ty dầu khí quốc tế có hợp đồng thăm dò và khai thác với các láng giềng của Trung Quốc. Trong thời gian qua, một số tập đoàn dầu khí Anh Mỹ làm ăn với Việt Nam đã từng bị Bắc Kinh dọa nạt, buộc chinh quyền Mỹ phải lên tiếng. Sau cùng, tuyên bố hôm nay của Bắc Kinh, khi nhắc đến khái niệm « vùng biển tiếp giáp », được cho là cách thức để Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền của trên khoảng 80% diện tích Biển Đông, nằm trong tấm bản đồ hình chữ U mà họ đã công khai hóa vào tháng 5 năm 2009. Đòi hỏi này được Bắc Kinh lập đi lập lại cho dù đã bị hầu hết các chuyên gia quốc tế đánh giá là không có cơ sở.
|