Home Tin Tức Thời Sự Thảm họa Nhật Bản làm rối loạn công nghiệp điện tử thế giới

Thảm họa Nhật Bản làm rối loạn công nghiệp điện tử thế giới PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Tư, 23 Tháng 3 Năm 2011 09:51

Thảm họa đổ xuống quần đảo Nhật Bản sẽ còn kéo theo nhiều thiệt hại kinh tế

Mười hai ngày đã trôi qua, nước Nhật liên tiếp phải hứng chịu hàng loạt tai họa từ động đất, sóng thần đến sự cố hạt nhân, đe dọa nhiễm xạ thực phẩm ….

Thảm họa đổ xuống quần đảo Nhật Bản sẽ còn kéo theo nhiều thiệt hại kinh tế, về lâu về dài, không chỉ cho nước Nhật mà có thể còn lan truyền ra thế giới. Trên góc độ này, nhật báo La Croix hôm nay có bài : « Thảm họa tại Nhật làm rối loạn ngành công nghiệp điện tử thế giới ».

Người lao động vận chuyển đồ tại kho của hãng Sonny gần cảng Sendai, nơi mới bị sóng thần tàn phá, 23/3/2011.
REUTERS/Kim Kyung-Hoon 

Công nghiệp điện tử là niềm tự hào của nước Nhật, từng làm nên « thần kỳ kinh tế Nhật Bản » trong thập niên 1970.

Báo La Croix nhận thấy trận thiên tai kinh hoàng vừa qua đã làm cho cơ sở của ngành công nghệ cao cấp của cả thế giới gần như rơi vào rối loạn, bởi hàng loạt các nhà cung cấp thiết bị điện tử chủ chốt của Nhật Bản như Sony, Mishubishi, Hitachi đã phải ngừng hoạt động, phần vì ảnh hưởng trực tiếp của động đất, phần vì thiếu điện, thiếu nguyên vật liệu cơ bản.

Ngay từ tuần này, hàng loạt các nhà máy chế tạo điện tử và xe hơi từ Hàn Quốc, đến Đài Loan, sang đến châu Âu rồi qua Mỹ đều lần lượt thông báo phải ngừng một phần hoặc toàn bộ sản xuất, vì không được cung cấp chi tiết thiếu linh kiện từ Nhật Bản.

Thảm họa Nhật Bản sẽ làm kinh tế thế giới lao đao hay không ?

Để trả lời, La Croix nhận thấy, sau những hậu quả về con người và về sự cố hạt nhân, trong tấm thảm kịch này, cả một dây chuyền cung ứng của các xí nghiệp tin học, điện tử và xe hơi đều bị tác động nặng nề.

Tác động đã lan sang tới Hoa Kỳ, Công ty chuyên về thiết bị tin học Hewlett Packard cũng bắt đầu gặp khó khăn với những nhà cung cấp linh kiện của Nhật. General Motor cũng phải tạm thời đóng cửa một nhà máy tại Lousiana lý do tương tự.

Sản phẩm iPad2, dự tính giao hàng cho thị trường châu Âu vào cuối tháng ba này sẽ bị trễ lại. Hàng loạt các sản phẩm điện tử có dính dáng đến các chi tiết công nghệ cao cấp sản xuất tại Nhật Bản cũng bị đình trệ.

Các hãng xe hơi Pháp như Renault cũng đang phải cắt giảm sản xuất tại Hàn Quốc vì thiếu linh kiện điện tử từ Nhật Bản. Hôm qua, hãng xe Pháp PSA Peugeot Citroen cũng thông báo, một phần của bộ phận sản xuất động cơ bị rối loạn, vì bị cắt nguồn linh kiện từ công ty Hitachi.

Hãng Toshiba cũng thông báo đóng cửa tạm thời một cơ sở lắp ráp màn hình tinh thể lỏng (LCD). Những rối loạn sản xuất ở Nhật sẽ còn phải kéo dài ít nhất ba, bốn tháng nữa.

Theo La Croix thì chỉ trong một tuần nay, một phần quan trọng của ngành công nhiệp thế giới mới ý thức được sự «lệ thuộc vào Nhật Bản». Hàng trăm loại thiết bị mũi nhọn, các linh kiện chủ yếu hay các máy công cụ cung cấp cho thế giới đều có xuất xứ từ Nhật. Các chi tiết thiết bị đó có thể là các chất bán dẫn silic, mà chỉ riêng hai công ty Nhật đã chiếm 60% sản lượng thế giới. Toshiba thì là nhà cung cấp chủ yếu cho Apple các chi tiết bộ nhớ và lưu trữ số liệu trong máy tính.

Từ hai mươi năm qua, những tiến bộ công nghệ cùng với tiến trình toàn cầu hóa đã giúp cho công nghiệp Nhật Bản trở nên chuyên môn hóa cao. Nhật Bản là nước sản xuất 35% bộ nhớ được sử dụng trong các loại điện thọai thông minh, 21% các lọai chi tiết bán dẫn khác nhau trên toàn thế giới.

 Hiện tại, Nhật Bản vẫn được ví như là một nguồn sông lớn của ngành công nghiệp điện tử cả thế giới. Trong khi đó, lúc này, công nghiệp Nhật Bản đang bị phong tỏa bởi nạn thiếu điện trầm trọng trên cả nước và công nghiệp của cả thế giới cũng bấn lên. Đúng như nhận định của Le Monde « Nước Nhật khổ sở làm cả thế giới rối bời ».