Home Tin Tức Thời Sự Một phi cơ Mỹ rớt tại Libya

Một phi cơ Mỹ rớt tại Libya PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Tư, 23 Tháng 3 Năm 2011 08:37

Một chiến đấu cơ loại F-15E Strike Eagle bị rớt chiều tối ngày Thứ Hai gần thành phố Bu Maryam

WASHINGTON (NYT) - Cuộc chiến trên bộ giữa hai phe Libya tiếp tục diễn ra dữ dội hôm Thứ Ba tại Ajdabiya gần Benghazi và hai thành phố phía Tây.


 
Một nhóm quân nổi dậy tập trung trong sa mạc bên ngoài Ajdabiya đang tìm cách đánh chiếm lại thành phố cách Benghazi 150 km về phía Nam. (Hình: Patrick Baz /AFP/Getty Images)
 

Thông tấn xã AP cho biết hôm Thứ Ba, quân của Gadhafi tiếp tục bắn trọng pháo vào những nhóm quân nổi dậy tập trung ở những đồi cát sa mạc bên ngoài Ajdabiya với ý định chiếm lại thành phố chiến lược này đã bị mất một ngày trước khi Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đưa ra Nghị quyết 1973 thành lập vùng cấm bay.

Một phi cơ chiến đấu của Mỹ bị rớt trong đêm, tổn thất đầu tiên cho phía đồng minh đang mở ra các phi vụ oanh kích lực lượng trung thành với Ðại Tá Muammar el-Qaddafi.

Tuy nhiên hỏa lực của hơn 130 hỏa tiễn Tomahawk và các cuộc oanh tạc của đồng minh hiện chưa đạt được điều mà Tổng Thống Obama trong bức thư gửi cho Quốc Hội Mỹ hôm Thứ Hai là Ðại Tá Qaddafi phải rút quân khỏi các thành phố và ngưng mọi hành vi bạo động nhắm vào dân chúng.

Một phát ngôn viên phía nổi dậy, ông Ahmed Khalifa, cho hay hôm Thứ Ba từ thành phố Benghazi rằng hiện vẫn còn giao tranh lớn ở hai thành phố Misurata và Zintan, nơi bị quân của Qaddafi bao vây từ cả tuần nay. Một bác sĩ ở Misrata nói rằng các tay bắn sẻ và trọng pháo của phía Qaddafi làm thiệt mạng 40 người và làm bị thương 189 người khác ở nơi này, trong khi “thế giới vẫn còn đứng xem.”

Một chiến đấu cơ loại F-15E Strike Eagle bị rớt chiều tối ngày Thứ Hai gần thành phố Bu Maryam, 24 dặm phía Ðông Benghazi do trục trặc kỹ thuật. Khu vực này do quân nổi dậy kiểm soát nên không có hỏa lực phòng không địch.

Chiếc F-15E thuộc một đơn vị Không Quân Mỹ ở Anh, xuất phát từ phi trường Aviano Air Base vùng Ðông Bắc nước Ý. Cả hai phi công nhảy dù an toàn khỏi phi cơ.

Ðô Ðốc Samuel J. Locklear III, Tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ ở Âu Châu và Phi Châu kiêm tư lệnh lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp đảm trách vùng cấm bay tại Libya nói với các phóng viên trên soái hạm USS Mount Whitney ở Ðịa Trung Hải là một phi công được trực thăng đồng minh đưa về và một do dân chúng Libya đến trợ giúp, cả hai đã về tới hạm đội và được săn sóc các thương tích nhẹ.

Ông từ chối bình luận một tin tức loan tải trên tờ báo Daily Mail ở Anh theo đó máy bay trực thăng/cánh thẳng Osprey của Thủy Quân Lục Chiến đã bắn xuống những dân làng đến gần viên phi công làm 5 người thiệt mạng và cho biết sẽ còn phải mở cuộc điều tra.

Theo lời Ðô Ðốc Locklear những cuộc oanh kích đã làm vô hiệu hóa gần hết hệ thống phòng không của Libya. Nhưng ông cũng nói thêm là tình hình dân chúng ở thành phố Misurata hãy còn khó khăn vì quân Gadhafi không tuân hành nghị quyết ngừng bắn của Liên Hiệp Quốc và triệt thoái khỏi 4 thành phố Benghazi, Ajdabiya, Misurata và Zawiyah. Ông từ chối không tiết lộ kế hoạch hành động tương lai nhưng nói rằng hiểu rõ tình hình và đang xem xét mọi biện pháp cần thiết.

Trong khi đó, Trung Quốc hôm thứ Ba đã góp tiếng cùng với Brazil và Nga để kêu gọi có cuộc ngưng bắn, trong khi Ấn Ðộ nói rằng không nên có lực lượng ngoại quốc hiện diện ở Libya, Ấn Ðộ, Brazil, Nga, Trung Quốc và Ðức đã không bỏ phiếu tại Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc tuần qua để cho phép có sự can thiệp vào Libya.

Các giới chức Mỹ hôm Thứ Hai nói rằng các cuộc tấn công nhằm phá hủy hệ thống phòng không và thành lập vùng cấm bay ở Libya nay gần hoàn tất, và Washington đang nhanh chóng chuẩn bị chuyển giao quyền chỉ huy cho đồng minh Âu Châu như đã dự tính.

Tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết xong các bất đồng ý kiến giữa đồng minh về cách thức và thời gian tiến hành chiến dịch cũng như về vấn đề ai sẽ nắm quyền chỉ huy. Thủ tướng Anh, ông David Cameron, nói rằng trách nhiệm duy trì vùng cấm bay nên chuyển cho khối NATO, nhưng phía Pháp không đồng ý.

Ngoại trưởng Pháp, ông Alain Juppé, nói rằng: “Liên Ðoàn Ả Rập (Arab League) không muốn toàn thể chiến dịch đặt dưới sự kiểm soát của NATO. NATO không phải là thành phần có các nỗ lực khởi sự việc này.”

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan, hôm Thứ Ba tuyên bố Liên Hiệp Quốc nên là cơ quan chỉ huy tổng quát về các nỗ lực nhân đạo tại Libya, nhấn mạnh rằng quốc gia của ông, một thành viên NATO, “sẽ không bao giờ ở phía chĩa súng vào dân Libya.”

Sự bất đồng ý kiến này tạo ra lo ngại rằng kế hoạch của Mỹ nhằm chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch sẽ bị chậm trễ vì tranh chấp giữa các đồng minh không chịu nhận trách nhiệm.

Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Ba đưa ra một bản thông cáo cho biết Tổng Thống Obama gọi điện thoại cho Thủ Tướng Erdogan và lãnh tụ Qatar, Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani, để nhấn mạnh nhu cầu “cần có một nỗ lực chung của quốc tế, kể cả các quốc gia Ả Rập,” trong chiến dịch quân sự hiện nay ở Libya.