Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21/O3/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 21/O3/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Ba, 22 Tháng 3 Năm 2011 08:17

 

Xã luận của báo Libération nhận định rằng, nhờ có sự can thiệp của quốc tế mà tối chủ nhật (20/3) thành phố Benghazi và hàng triệu người dân đã tránh được một cuộc tắm máu trong gang tấc.

 
Những lý do dẫn đến cuộc can thiệp quân sự vào Libya

Phi cơ của không quân Anh ngày 21/03/2011.
Reuters/Andrew Winning

Sau khi Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực quân sự chống Libya, từ chiều ngày 19/03/2011, liên quân quốc tế gồm Hoa Kỳ , Pháp và Anh đã bắt đầu mở các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng của đại tá Kadhafi. Thời sự Libya trở lại nóng bỏng hơn so với thảm họa động đất và hạt nhân ở Nhật Bản. Các báo thi nhau khai thác mọi khía cạnh của cuộc can thiệp.

Khung cảnh chiến tranh thực sự với khói lửa bom đạn mịt mù, chiến đấu cơ khạc lửa trên bầu trời… Đó là những hình ảnh có thể thấy trên hầu khắp trang nhất các báo ra hôm nay tại Pháp.

Nhật báo kinh tế Les echos chạy tựa lớn “Kadhafi dưới lửa đạn của phương Tây”, còn Le Figaro thì chạy tựa lớn “ Bẫy đang khép lên Kadhafi”, trong khi đó báo L’humanité gọi đây là “cuộc chiến tranh không mang tên”. Libération chạy tựa lớn bằng trích lời một người nổi dậy tại Benghazi nói: “Kadhafi đã tính chuyện tiến hành một cuộc tàn sát”.

Vậy thì đâu là lý do cho cuộc can thiệp quân sự của phương Tây chống Libya? Câu hỏi này được La Croix đem ra mổ xẻ với hàng tựa “Libya, những lý do can thiệp”.

Xã luận của La Croix nhận định, sau nhiều tuần lễ lưỡng lự rồi thương lượng ngoại giao, một liên quân quốc tế đã hình thành để hỗ trợ những người nổi dậy chống chính quyền Libya. Theo La Croix, có thể nói một cách đơn giản là tấn công quân sự của phương Tây nhằm chặn cuộc tấn công của quân đội Kadhafi đang tiến về phía đông, giành lại những thành phố do quân nổi dậy chiếm cứ.

Xã luận báo La Croix đặt câu hỏi liệu người ta có thể gọi sự can thiệp của liên quân vào Libya là một cuộc “chiến tranh chính nghĩa ” được không ? Trước tiên tờ báo công giáo khẳng định rằng “ thực ra mà nói thì không bao giờ có chiến tranh chính nghĩa. Chiến tranh chưa bao giờ là một tin mừng, vì nó mang đến đau khổ và chết chóc. Tuy nhiên, nó có thể chính đáng về mặt đạo lý”.

Theo La Croix chiến dịch quân sự của phương Tây có mục đích làm chấm dứt hành động dùng vũ lực đàn áp cuộc nổi dậy của người dân Libya chống lại chế độ của đại tá Kadhafi, bùng lên từ hôm 15 tháng hai vừa qua. Các cuộc tấn công được bắt đầu từ hôm thứ bảy 19/3 bằng đòn không kích của Pháp phối hợp với tên lửa từ hạm đội và tàu ngầm của quân Anh và Mỹ. Tiếp theo chiến dịch được mở rộng thêm bằng các cuộc ném bom nhằm vào thủ đô Tripoli. Hai mục tiêu được lựa chọn của các cuộc tấn công này là : Hệ thống phòng không của Libya; các chiến xa của quân đội Kadhafi trên đường tấn công vào thành phố của phe nổi dậy.

Giai đoạn tiếp theo là tấn công vào cơ sở hậu cần, phá hủy khả năng kháng cự của quân chính phủ. Với mục tiêu tấn công như vậy của liên quân, La Croix khẳng định “ cộng đồng quốc tế đang tỏ tình đòan kết với “mùa xuân A rập”. Theo tờ báo thì lãnh đạo độc tài Libya đã trở thành biểu tượng của sự áp bức các dân tộc Ả Rập. Các nước phương Tây đang muốn chứng rằng “ họ đang bảo vệ những giá trị của mùa xuân Ả Rập”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố hôm thứ bảy vừa rồi : “ Các dân tộc Ả Rập đã lựa chọn tự giải phóng cho mình khỏi sự trói buộc từ quá lâu nay.

Cuộc cách mạng này đã tạo ra một hy vọng to lớn trong tâm của những người muốn chia sẻ những giá trị dân chủ và nhân quyền. Nhưng không phải không có nguy hiểm. Trong những khó khăn và thử thách mà các dân tộc A rập đang gặp phải thì họ phải cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Đó là nghĩa vụ của chúng ta”.

Trong khi đó, báo Libération cũng khẳng định sự cần thiết phải có sự can thiệp của quốc tế vào Libya : “ để mặc cho Kadhafi sát hại dân mình, tức là gửi một thông điệp tai hại đến các nhà độc tài trong khu vực rằng họ được bảo đảm không bị trừng phạt, giữa lúc mà các dân tộc A rập đang hừng hực khí thế đấu tranh vì tự do. Trái lại, cuộc can thiệp này đặt các chế độ tòan trị dưới một sức ép, thúc đẩy họ phải cải cách, giống như Vua Mohammed VI đã làm ở Maroc”. Xã luận của báo Libération nhận định rằng, nhờ có sự can thiệp của quốc tế mà tối chủ nhật (20/3) thành phố Benghazi và hàng triệu người dân đã tránh được một cuộc tắm máu trong gang tấc.

Pháp đi đầu trong chiến dịch can thiệp

Libération cho biết 17h 45 các máy bay Rafal và Mirage của không quân Pháp bắt đầu tấn công vào các chiến xa của quân đội Libya. Rất nhanh sau đó quân đội Mỹ và Anh đã tham chiến nhằm vào các mục tiêu là hệ thống phòng không của Kadhafi đặt dọc bờ biển.

Ai chỉ huy chiến dịch? Theo Libération, quân Mỹ giữ vai trò lãnh đạo. Trước khi mở màn chiến dịch, hôm thứ sáu Paris khẳng định muốn cùng cùng phối hợp chỉ huy từ Pháp và Anh. Nhưng cuối cùng thì chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya đã được điều hành chính từ tổng hành dinh căn cứ quân sự Mỹ tại Stuttgart (Đức). Ngoài ra còn có khoảng hơn một chục sĩ quan liên lạc của châu Âu và Canada có mặt trên chiến hạm Mỹ tại Địa Trung Hải để điều phối các cuộc tấn công và thiết lập vùng cấm bay. Hôm qua Hoa Kỹ cho biết dự tính sẽ mau chóng trao lại quyền chỉ huy và điều phối các chiến dịch quân sự cho liên quân. Nếu như đến giờ liên quân tham chiến chỉ gồm ba nước Anh, Pháp, Mỹ thì nhiều nước khác đã tỏ ý muốn nhanh chóng tham gia vào chiến dịch của liên quân. Hôm qua các nước Ý, Bỉ, và Đan Mạch cho biết họ sẵn sàng dành các chiến đấu cơ phục vụ liên quân. Paris cũng cho biết là Qatar cũng sẽ gấp rút cử 4 máy bay chiến đấu tham gia chiến dịch. Các tiểu vương quốc Ả rập cũng hứa sẽ hỗ trợ liên quân.

Cuộc “can thiệp quân sự có giới hạn” sẽ còn tiếp diễn đến đâu ?

Theo Libération, sau làn sóng tấn công đầu tiên nhằm vào hệ thống phòng không và chiến xa nằm giáp với căn cứ của những người nổi dậy, hôm nay liên quân tiếp tục tấn công vào các cơ sở hậu cần của quân đội Libya. Hiện tại liên quân vẫn tiếp tục tăng cường hỏa lực trong những giờ tới. Tàu sân bay của Pháp Charles de Gaulle kèm theo ba tàu hộ tống và một tàu ngầm nguyên tử lọai tấn công, ngày hom qua đã xuất phát từ cảng Toulon đến vùng chiến sự trong 48 giờ tới. Hơn hai chục chiếc tàu chiến và tàu ngầm khác, trong đó có 11 chiếc của Mỹ hiện đã nằm trực diện với bờ biển Libya.

Như vậy là cuộc chiến vẫn còn kéo dài và trở nên phức tạp hơn và thiệt hại về người chắc chắn sẽ không tránh khỏi trong cuộc can thiệp này. Theo Le Figaro: “cuộc chiến tranh này chỉ có thể được sự ủng hộ hòan tòan khi giành chiến thắng. Một chiến dịch không quân không thể đủ để kiểm soát một lãnh thổ rộng lớn gấp ba lần nước Pháp. Le Figaro nhận định, để tránh không bị sa lầy nguy cơ chia cắt đất nước Libya thì lực lượng nổi dậy phải biết tấn dụng sự trợ giúp mang đến cho họ để tổ chức và tự thực hiện phản công tiến tới thiếp lập một chế độ mới ở Tripoli. Những người nổi dậy đang có được sự hỗ trợ rộng rãi. Phần còn lại là hy vọng họ có khả năng làm được điều đó hay không.”

Thiên tai Nhật Bản, lại thêm tai họa cứu trợ nhân đạo

Tình hình dầu sôi lửa bỏng ở Libya không làm khuất được những diễn biến tai họa của người dân Nhật. Nước Nhật vẫn chưa thoát ra khỏi nỗi kinh hoàng của trận động đất và sóng thần từ hôm 11/3. Các báo hôm nay vẫn tiếp tục theo dõi diễn tiến từng ngày của chiến dịch khắc phục hậu quả thiên tai tại Nhật Bản.

Cuộc chạy đua với thời gian vẫn tiếp tục xung quanh trung tâm điện hạt nhân Fukushima. Sau một tuần hành động cấp tập trong hỗn loạn, việc làm nguội các lò phản ứng và các bể chứa thanh nhiên liệu hạt nhân của nhà máy Fukushima vẫn là ưu tiên hàng đầu. La Croix cho biết vẫn chưa kiểm soát được trung tâm Fukushima. Các nguy cơ nhiễm phóng xạ xung quanh khu vực nhà máy điện vẫn tăng lên từng giờ. Các chuyên gia về an toàn hạt nhân nhận thấy tình hình tại chỗ vẫn rất nghiêm trọng và bất ổn. Các phương tiện do công ty Tepco và chính phủ Nhật triển khai vẫn chưa đạt được kết quả tức là bảo đảm các lò phản ứng có thể bị nguội về lâu về dài.

Theo Le Monde, khôi phục lại mạng lưới điện phục vụ việc bơm nước làm nguội các lò phản ứng lúc này là một ám ảnh lớn cho đội cứu hộ trung tâm Fukushima hiện đang trong đống hoang tàn. Tình hình ở nhà máy điện Fukushima có chiều hướng tiến triển tích cực tức là không xấu đi hơn, tuy nhiên chưa có gì bảo đảm chế ngự thành công được những sự cố có thể xảy ra. Nguy cơ phát tán phóng xạ từ các lò phản ứng vẫn còn đâu đó trong khu vực nhà máy Fukushima.

Mười ngày sau khi xảy ra thảm họa động đất, dường chính quyền Nhật dành nỗ lực nhiều cho việc cứu các lò phản ứng ở Fukushima hơn là cho những nạn nhân sống sót. Báo L’Humanité cho biết, theo con số chính thức, khoảng 360 nghìn người đã được sơ tán khỏi vùng bị nạn và đang được trú trong 2700 trung tâm đón tiếp tạm thời của chính phủ. Tình trạng của những người này hiện đang rất đáng lo ngại.

Vẫn theo tờ báo thì những người sống sót đang thiếu thốn đủ thứ. Cứu trợ y tế không đủ, hỗ trợ tâm lý hầu như không có, chăn ấm, lương thực cũng không đủ để phân phối . Nhiều trung tâm đón tiếp còn bị mất điện, nước trong khi mà nhiệt độ ngoài trời giá lạnh. Một số trường hợp tử vong trong các trại lánh nạn đã được báo chí Nhật thông báo. Ở những vùng bị nạn khác nhiều người dân sống sót thương phải tự xoay sở lo cho bản thân mình trong khung cảnh đổ nát tan hoang.

Trong khi đó báo le Monde nhận thấy: “ tình tạng vệ sinh y tế trong khu vực bị nạn đang trở nên nguy cấp. Các bác sĩ lo ngại bệnh dịch sẽ lan tràn trong dân chúng lâm nạn. Theo tờ báo những ngừoi chịu đựng khổ sở nhất đó là những bệnh nhân từ trước khi xảy ra động đất. Hiện tại họ đang phải nằm điều trị trong các bệnh viện bị hư hại nghiêm trọng, có nơi người bệnh còn không được chăm sóc vì các thiết bị y tế bị hỏng và thuốc men không có. Trong số những người bị nạn, rất đông là những người già, sức lực đã kiệt quệ.

Theo các bác sĩ tại Iwate, nguy cơ dịch bệnh đang hiển hiện. Từ một trận thiên tai kinh hoàng đến đe dọa hạt nhân, giờ đây người Nhật đang phải đối mặt với tai họa về cứu trợ nhân đạo.