Home Tin Tức Thời Sự Ðịa chấn Nhật rung chuyển kinh tế Á Châu

Ðịa chấn Nhật rung chuyển kinh tế Á Châu PDF Print E-mail
Tác Giả: Chuyển ngữ: V.Giang/Người Việt   
Thứ Hai, 21 Tháng 3 Năm 2011 08:42

Các nhà sản xuất hàng điện tử ở Nam Hàn đối diện với thiếu thốn cơ phận  

SEOUL (AP) - Các chấn động kinh tế tiếp theo thiên tai khủng khiếp ở Nhật hiện đang lan khắp vùng Á Châu. Trong số này, các quốc gia láng giềng với Nhật, là nơi bị nhiều ảnh hưởng nhất.

Quảng cáo điện thoại Galaxy S của Samsung bên ngoài trụ sở hãng này tại Seoul, Nam Hàn. Ðể chế tạo con chip điện tử, Samsung mua 50-60% số lát bán dẫn (wafer) từ công ty Shin-Etsu Chemical Co. của Nhật, nhưng công ty này phải đóng cửa hai nhà máy vì động đất. (Hình: AP Photo/Lee Jin-man, File)
 

Các nhà sản xuất xe hơi ở Thái Lan đang phải giảm mức hoạt động. Các nhà sản xuất hàng điện tử ở Nam Hàn đối diện với thiếu thốn cơ phận.

Hàng ngàn người Nhật hủy bỏ các chuyến du lịch Ðài Loan. Tình trạng người tiêu thụ vội vã đi mua máy chụp hình do Nhật chế tạo đẩy giá máy lên cao ở Trung Quốc, trong khi các giới chức trách nhiệm Ấn Ðộ đang lo ngại về việc tăng giá dầu.

Cuộc động đất ở mức 9.0 Richter và sóng thần ập đến sau đó đã tàn phá khu vực kỹ nghệ vùng Tây Bắc nước Nhật hôm 11 tháng 3 không chỉ tạo ra các thiệt hại về nhân mạng và tài sản, mà còn có thể buộc các công ty quốc tế phải nghĩ đến việc trải rộng các nhà máy sản xuất hay nguồn cung cấp nguyên vật liệu ra nhiều quốc gia để tránh việc phải trông cậy vào một số ít các nhà sản xuất lớn, tập trung vào một nơi.

“Ngay cả trước khi xảy ra thiên tai ở Nhật, có nhiều công ty đa quốc gia đã thấy rằng bị lệ thuộc quá nhiều vào một nguồn sản xuất duy nhất,” theo lời Frederic Neumann, đồng giám đốc cơ quan nghiên cứu đặc trách Á Châu của ngân hàng HBSC. “Chiều hướng mở rộng nguồn sản xuất sẽ không chỉ ảnh hưởng đến Nhật mà cũng còn ảnh hưởng tới Trung Quốc. Việc sản xuất ở Trung Quốc nay đã trở thành tập trung quá nhiều.”

Nam Hàn, một quốc gia sản xuất kỹ nghệ quan trọng trên thế giới, đã là một trong những nơi đầu tiên cảm thấy ảnh hưởng của thiên tai vì các nhà cung cấp vật liệu ở Nhật không thể đáp ứng đòi hỏi của họ vì cơ xưởng hư hại và vì mất điện.

Công ty sản xuất xe hơi Ssangyong Motor Co. phải giảm mức sản xuất vì không đủ phụ tùng từ Nhật, theo lời chủ tịch công ty Pawan Goenka.

Công ty Samsung Electronics Co. và Hynix Semiconductor Inc. mua từ 50 đến 60 phần trăm miếng lát bán dẫn (wafer) dùng để chế tạo chip điện tử từ công ty Shin-Etsu Chemical Co. ở Nhật, nhưng công ty này phải đóng cửa hai nhà máy bị hư hại sau trận động đất. Hoạt động tại các cơ xưởng khác của Shin-Etsu cũng bị ảnh hưởng vì cúp điện dây chuyền.

Công ty Samsung Heavy Indsutries Co. mua từ 30 đến 40 phần trăm số lượng các tấm thép lớn dùng trong việc đóng tàu từ Nhật và nay phải nghĩ đến việc mua từ các nguồn khác nếu sự gián đoạn kéo dài.

Mức lời của các công ty điện tử Ðài Loan nay nhiều phần sẽ sút giảm trong đệ nhị tam cá nguyệt, vì thiếu hụt các phụ tùng từ Nhật, theo lời Alex Huang, một phân tích gia tại công ty tài chánh Mega Securities Corp. tại Ðài Bắc (Taipei).

Tại lục địa Trung Quốc, các công ty nay đang khởi sự tìm thị trường tiêu thụ cho số hàng hóa trị giá khoảng $100 tỉ họ bán sang Nhật mỗi năm.

Công ty Chongqing Kinglong Fine Strotium Chemical Co., ở thành phố Chongqing, bán hơn 80 phần trăm lượng strontium carbonate họ sản xuất sang Nhật, vốn dùng vào việc chế tạo màn hình LCD. “Chúng tôi có thể phải mở rộng thị trường nội địa để đối phó với ảnh hưởng này,” một phát ngôn viên công ty cho hay.

Nhiều công ty Trung Quốc dùng nguyên liệu nhập cảng vẫn còn có đủ hàng tồn trữ để hoạt động, nhưng các công ty phải trông cậy vào những sản phẩm kỹ thuật cao của Nhật trong lãnh vực điện tử và phụ tùng xe cộ đang lo ngại về sự thiếu hụt cũng như giá cả tăng cao.

Tuy sẽ có sự gián đoạn trong việc cung cấp phụ tùng và gây ra trở ngại sản xuất khắp Á Châu, phần lớn các kinh tế gia nói rằng ảnh hưởng của thiên tai tại Nhật đối với sự phát triển của nền kinh tế khu vực sẽ không trầm trọng.

Ðiều này là do sự suy nghĩ rằng Nhật Bản, vốn mất vị thế kinh tế hàng thứ nhì thế giới vào tay Trung Quốc hồi năm qua, không còn có nhiều ảnh hưởng như trước.

“Nhật Bản vẫn còn quan trọng nhưng nhỏ hơn rất nhiều trong hệ thống kinh tế toàn cầu và ít quan trọng hơn trong nguồn cung cấp vật liệu của thế giới so với thời gian trước đây,” theo lời trưởng kinh tế gia Mark Zandi của Analytics thuộc Moody's.

Ngay cả trong lãnh vực sản xuất phụ tùng điện tử, ảnh hưởng của Nhật cũng suy yếu.

Năm 1990, các công ty Nhật chiếm một phần ba trong thị trường xuất cảng phụ tùng điện tử toàn cầu. Sang đến năm 2008, thị phần của họ bị mất đi khoảng một nửa, trong khi các nhà sản xuất ở Nam Hàn, Trung Quốc, Ðài Loan, Thái Lan, Singapore, Philippines và Indonesia gia tăng thị phần của họ. (V.Giang)