Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19/O3/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19/O3/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Chúa Nhật, 20 Tháng 3 Năm 2011 08:19

Tình hình hiện tại không thuận lợi cho việc thảo luận về đề tài hạt nhân. Có lẽ chính sách hạt nhân hiện tại vẫn tiếp tục và không người nào dám làm điều ngược lại.

Vận động hành lang ảnh hưởng lớn đến chính sách nguyên tử Nhật Bản

Các nạn nhân động đất tạm trú tại khu vực thể dục thể thao
của một trường học địa phương tại Sendai, ngày 19/3/11.
(Reuters)

Cùng với thảm họa Fukushima, nhiều vấn đề đã nổi lên về chính sách hạt nhân của Nhật. Tuy vậy, đã một tuần lễ trôi qua kể từ khi thảm họa xảy ra, hiện tại giới truyền thông của nước này vẫn còn tỏ ra dè dặt một cách đáng ngạc nhiên. Le Monde giải thích « uẩn khúc » trên với bài viết « Sức mạnh của việc vận động hành lang ủng hộ hạt nhân làm tiêu tan mọi ý định tranh luận về chủ đề này ».

Theo Le Monde, nguyên nhân cốt lõi nằm trong lòng Bộ Công Thương Nhật Bản, bộ được giao trách nhiệm phát triển lĩnh vực hạt nhân để đảm bảo sự độc lập về năng lượng của đất nước. Ồng Taro Kono, nghị sĩ đảng Tự do Dân chủ đối lập, đã nhấn mạnh về « mối liên hệ mật thiết giữa bộ này và các công ty năng lượng ». Những mối liên hệ này nhằm mục đích để cho những quan chức thuộc Cơ quan Năng lượng Nhật Bản có được chỗ làm ở các công ty năng lượng sau khi về hưu.

Lĩnh vực hạt nhân vốn đem lại lợi ích kinh tế to lớn. Chín tập đoàn điện lực, đứng đầu là Tập đoàn Điện lực Tokyo (TEPCO), dĩ nhiên kiếm được rất nhiều tiền. Từ đó, họ dùng tiền để bôi trơn cho các dự án hạt nhân mới. Le Monde cho biết, hiện tượng này đã có từ lâu. Năm 1982, chính quyền một thành phố ở miền trung Nhật Bản đã được đề nghị nhận 1 triệu yên (8,8 triệu euro) để chấp nhận việc xây dựng một nhà máy hạt nhân.

Các công ty điện lực cũng đầu tư nhiều cho chương trình quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Bởi thế, nên khi có vấn đề xảy ra, thì truyền hình cũng ít đề cập đến. Trong khi đó, đa số các nhà báo phụ trách vấn đề hạt nhân đều thuộc Câu lạc bộ Báo chí của Bộ Công Thương. Vì thế, họ phải nể mặt nhau, và khi có xì-căn-đan, thì họ cũng có đề cập tới nhưng không hề đặt vấn đề về chính sách hạt nhân của nhà nước.

Tình hình hiện tại không thuận lợi cho việc thảo luận về đề tài hạt nhân. Có lẽ chính sách hạt nhân hiện tại vẫn tiếp tục và không người nào dám làm điều ngược lại.

Tháng 8/2009, đảng Dân chủ của ông Naoto Kan đã kết thúc hơn 50 năm cầm quyền của Đảng Dân chủ Tự do, để chiếm đa số trong Quốc hội. Thế nhưng việc này cũng không làm thay đổi được những chính sách có từ trước, do đảng Dân chủ cầm quyền phần lớn phải dựa vào các nghiệp đoàn. Trong khi đó, ở Nhật Bản, nghiệp đoàn năng lượng rất có ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đó, thật khó có thể khơi dậy được những vấn đề về mật độ dày đặc của các nhà máy hạt nhân trên một đất nước có nguy cơ động đất cao, về hiện tượng tồn đọng rác thải phóng xạ ở các nhà máy hạt nhân, hay việc thảo luận xem Nhật có phải từ bỏ năng lượng hạt nhân hay không.

Điều này khó thể xảy ra, trừ khi kịch bản xấu nhất ở Fukushima trở thành hiện thực. Thế nhưng, một chuyên gia cho rằng, nếu có đặt vấn đề về chính sách hạt nhân, thì việc đó cũng đến từ sức ép của của dân, chứ không phải từ nhà nước.

Nhật Bản trong thử thách: Cứu trợ chậm và thiếu

Liberation cũng quan tâm đến tình hình Nhật Bản với bài viết « Nhật Bản trong thử thách tinh thần đoàn kết ».
Động đất và sóng thần đã tàn phá hơn 500 km bờ biển Nhật Bản, tức gấp 4 lần trận sóng thần Aceh năm 2004 ở Indonesia. Hôm thứ sáu rồi, ở Fukushima lại xảy ra động đất với cường độ mà theo Nhật Bản lên đến 7 độ Richter. Thủ tướng Naoto Kan đã phải thốt lên : « Khó khăn thật là to lớn ». Ông này cũng động viên người dân: « Đất nước chúng ta đã được xây dựng lại một cách kỳ diệu sau thế chiến thứ hai, và hôm nay một lần nữa, với sức mạnh đoàn kết, chúng ta sẽ xây dựng lại đất nước ».

Libération nhận định, chính phủ đã ra sức che giấu sự yếu kém trong việc huy động người dân cả nước giúp đỡ các nạn nhân. Hàng cứu trợ đến rất chậm do khó khăn về hệ thống truyền thông. Hơn nữa, lượng hàng cứu trợ lại rất thiếu. Libération cho rằng, điều này thật « lạ lùng » khi nó diễn ra ở một nước giàu như Nhật Bản.

Chỉ trong vài ngày mà có đến 24 người chết ở các trung tâm di tản. Ở vùng đông bắc nước này hiện tại có đến 2.000 trung tâm di tản với 440.000 người lánh nạn. Đa số, họ phải ăn uống thiếu thốn, chỉ có một bữa ăn, hay thậm chí không có gì để ăn trong ngày. Có gần 800. 000 người dân khác cũng thiếu lương thực, do không có tiền để mua, hoặc không có gì để mua. Một nhân viên cứu hộ cho biết, nếu tình hình này tiếp diễn, các nạn nhân sẽ phải chết đói.

Nhiều trung tâm di tản không điện, không nước, không khí đốt. Người may mắn lắm cũng chỉ được sưởi ấm bằng lò than đốt lên giữa hoang tàn đổ nát. Nhiều trung tâm không có điện và gaz để làm nóng thức ăn, vì thế người dân phải ăn thức ăn nguội lạnh trong khi nhiệt độ bên ngoài chỉ có 5°C. Hiện tượng thân nhiệt bị hạ xuống đang ngày càng nhiều. Một bác sĩ cứu hộ cho biết, hiện tại chưa có nguy cơ xảy ra đại dịch, nhưng nếu tình hình thiếu thốn kéo dài thì đại dịch sẽ không còn xa nữa.

Nhiều tổ chức phi lợi nhuận đã lên án sự chậm chạp trong công tác cứu hộ của chính phủ Nhật. Một nhân viên cứu hộ cho rằng, phần lớn những nạn nhân sẽ còn ở trong các trung tâm di tản vài tháng, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Thêm vào đó, chính phủ không tổ chức hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân, nhất là cho các bé mà cha mẹ đã bị sóng thần cướp đi và đang suy sụp tinh thần và đang thiếu đói.

Người Tây Tạng hoang mang khi đức Đạt Lai Lạt Ma rời chính trường

Liên quan đến tình hình Tây Tạng sau khi Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rút khỏi chính trường, Le Monde có bài nhận định « Sự rút lui của đức Đạt Lai Lạt Ma làm tăng thêm nỗi sợ hãi của người Tây Tạng ».

Hôm thứ tư 16/3/2011, một nhà sư Tây Tạng 21 tuổi tên là Lobsang Phuntsog đã tự thiêu ở khu tự trị Aba, tỉnh Tứ Xuyên. Sự kiện này diễn ra vào lúc nỗi hoang mang đang xâm chiếm 6 triệu người Tây Tạng về người kế thừa đức Đạt Lai Lạt Ma. Vị sư này tự thiêu và thét to : « Đức Đạt Lai Lạt Ma vạn tuế ». Lúc đó, cảnh sát chạy đến và đánh nhà sư này. Hàng trăm người dân và sư sãi đã xuống đường biểu tình.

Sau khi thương nghị với chính quyền, mọi người đã đưa nhà sư về tu viện, và sau đó đưa đến bệnh viện. Do bị thương quá nặng, nên nhà sư đã chết vào lúc 3 giờ khuya hôm đó. Tân Hoa Xã đã dẫn lời phát ngôn nhân của chính quyền địa phương cáo buộc các nhà sư đã ngăn cản cảnh sát đưa nạn nhân đi bệnh viện.

Cái chết của Phuntsog đã khiến 500 người xuống đường biểu tình tố cáo sự đàn áp của chính phủ Bắc Kinh đối với người Tây Tạng. Cuộc biểu tình diễn ra ở tại thành phố Dharamasala của Ấn Độ, nơi sinh sống của đức Đạt Lai Lạt Ma. Những người biểu tình đe dọa làn sóng nổi dậy ở các nước Ả Rập sẽ ập đến Tây Tạng.

Sự siết chặt thông tin của chính phủ Trung Quốc và sự khó khăn của các tổ chức lưu vong Tây Tạng trong việc xác minh lại thông tin ở Tây Tạng, làm cho tình hình rất bất ổn. Nhà Tây Tạng học Robert Barnett thuộc đại học Columbia ở New York nhận định, sự rút lui của đức Đạt Lai Lạt Ma đối với người Tây Tạng là một sự kiện « bi thảm ». Đó cũng chính là lý do vì sao mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã kêu gọi có quyết định bầu ra người kế thừa trong những ngày tới.

Theo ông Barnett, người Tây Tạng ở trong nước chỉ nghe thông tin về sự ra đi này một cách rất hạn chế qua các phương tiện truyền thông của nhà nước Trung Quốc. Vì thế, rất có nguy cơ là họ cảm thấy bị bỏ rơi.

G7 giúp giảm áp lực lên đồng yen

Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro có bài thông tin về việc đồng yen giám giá với dòng tựa « Các nước G7 làm giảm áp lực của đồng yen ».

Trong đêm thứ năm rạng sáng thứ sáu 18/3, các nước G7 đã quyết định phối hợp hành động nhằm đối phó với hiện tượng đồng yen tăng giá do hậu quả của sóng thần và động đất. Bộ trưởng Kinh tế Pháp, bà Christine Lagarde đánh giá, hành động kiểu này là rất hiếm, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2000.

Kết quả là đồng yen đã giảm giá ngay trong ngày thứ sáu, với mức 80,99 yen đổi một đô la, trong khi trước đó là 78,95 yen đổi một đô la. Một hệ quả ngoài dự đoán là đồng euro đã tăng lên so với đồng đô la. Các ngân hàng trung ương của Pháp, Anh và Canada cho biết đã bán ra đồng yen, nhưng không cho biết số lượng cụ thể là bao nhiêu. Còn ngân hàng Trung ương Mỹ thì bán ra lượng đồng yen tương đương 50 triệu đô la.

Về phần mình, hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã bơm thêm 3 000 tỉ yen (28 tỉ euro) vào thị trường tiền tệ. Như vậy, kể từ đầu tuần, Nhật đã bom vào thị trường này 37 000 tỉ yen (333 tỉ euro). Sự can thiệp kịp thời cúa các ngân hàng đã kích thích các thị trường chứng khoán.

Đối với Nhật Bản, thì quyết định trên của nhóm G7 là dấu hiệu thể hiện niềm tin vào Nhật Bản. Thủ tướng Naoto Kan hôm qua đã khẳng định, người Nhật sẽ quyết tâm hành động để vượt qua thảm kịch này.