Home Tin Tức Thời Sự Phóng xạ Nhật lan đến California?

Phóng xạ Nhật lan đến California? PDF Print E-mail
Tác Giả: Triệu Phong/Người Việt (tổng hợp)   
Thứ Bảy, 19 Tháng 3 Năm 2011 14:41

 Vô hại, '1 phần triệu dưới mức nguy hiểm'

LOS ANGELES (NV) - Các chuyên gia chính phủ Mỹ có thể đã dò được dấu vết phóng xạ chuyển tải trong không khí từ Nhật sang Hoa Kỳ, nhưng không muốn tiết lộ vì sợ dân chúng hoang mang.


Sơ đồ di chuyển của các phân tử phóng xạ thoát ra từ lò phản ứng nguyên tử bị nổ ở Nhật, bắt đầu bay về hướng Ðông từ Thứ Bảy tuần trước, tin cho biết phóng xạ đã đo được ở Sacramento.

Màu đỏ chỉ ở độ cao cách mặt biển 10 m, và 300 m cho màu xanh. (Hình: Weather Underground)
 
Một nhà ngoại giao xem được báo cáo từ cơ quan “Comprehensive Test Ban Treaty Organization” của Liên Hiệp Quốc, nói với hãng thông tấn AP ở Vienna, rằng đo lường sơ khởi cho thấy những số lượng li ti của phóng xạ đã vào đến California.

Tuy nhiên người này cho biết mức độ “chỉ bằng một phần triệu dưới mức nguy hại cho sức khỏe.”

Chính quyền Mỹ khẳng định không có gì đe dọa đến sức khỏe của công chúng và vẫn tiếp tục theo dõi bằng những dụng dụ đo lường được thiết lập dọc theo vùng Duyên Hải Miền Tây Hoa Kỳ.

Các viên chức cho biết từ Nhật sang Mỹ cách xa đến 5,000 dặm, số lượng phóng xạ truyền đi theo luồng khí qua một đại dương mênh mông đã bị gió, mưa và muối biển làm loãng đi hầu hết, sẽ không gây nguy hại chút nào đến sức khỏe con người.

Chuyên viên về nguyên tử giải thích rằng các nguyên tố chính tỏa ra trong không khí là chất phóng xạ cesium và iodine.

Theo ông Steven Reese, giám đốc Trung Tâm Phóng Xạ tiểu bang Oregon, những chất này kết hợp với muối biển để trở thành cesium chloride và sodium iodide, vốn là các thành tố có nhiều và thông dụng trong thiên nhiên, bị hòa tan ngay trong biển Thái Bình Dương rộng mênh mông.

Giáo sư ngành kỹ sư hạt nhân trường Ðại Học Missouri, William H. Miller góp ý thêm: “Chắc chắn đợt phóng xạ này không có hại gì đến sức khỏe của con người.”

Bác Sĩ Kei Iwamoto thuộc phân khoa Molecular and Cellular Oncology ở trường Ðại Học UCLA nói với báo LA Times rằng, lượng phóng xạ từ Nhật truyền sang California mà một người bị nhiễm phải sẽ rất thấp, có lẽ khoảng một microsievert, tức bằng 1 phần triệu của một đơn vị định lượng phóng xạ sievert (Sv).

Ðể dễ hình dùng hơn, trung bình mỗi người mỗi năm bị nhiễm trong thiên nhiên khoảng 3,000 microsievert, theo con số do Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh, CDCP, đưa ra. Mỗi lần rọi điện quang tuyến trong phòng mạch nha sĩ, cơ thể bị nhiễm khoảng 40 đến 150 microsievert.

Theo Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm FDA, khi rọi bụng bằng máy rà CT, cơ thể tiếp thu 8,000 microsievert.

BS Iwamoto cho biết thêm vụ nổ lò nguyên tử Chernobyl ở Nga hồi năm 1986 là tệ hại nhất mà cũng chỉ lan đến Hoa Kỳ một số lượng nhỏ li ti, không đáng kể đối với sức khỏe con người. BS Iwamoto nói: “Theo kiến thức của tôi vụ này không gây cho ai bị ung thư ở Mỹ.”

Bác Sĩ William Hendee, vật lý gia phóng xạ trường Y Khoa Wisconsin nói, trẻ con dễ bị nguy hại đối phóng xạ hơn người lớn vì cơ thể các em đang phát triển và tăng trưởng nên dễ bị hấp thụ phóng xạ hơn, tuy nhiên mức độ phóng xạ hiện tại không có gì đáng để phải lo âu cho các em.

Khi nghe loan báo luồng khí quyển mang theo phóng xạ từ Nhật sẽ đến Nam California trong ngày Thứ Sáu, nhiều người vội đổ xô đi mua thuốc có chất potassium iodide để uống phòng ngừa. Nhiều chuyên gia cho rằng làm vậy còn hại cho cơ thể hơn là bị nhiễm phải phóng xạ, đặc biệt là ở phụ nữ đang mang thai.

Ở mức độ hiện tại không nên uống thuốc có iodine hay ăn muối iodized salt, ngoại trừ khi mức phóng xạ lên trên mức hàng chục ngàn microsievert. Trường hợp những người sống gần lò nguyên tử bị rò rỉ phóng xạ bên Nhật, thuốc viên có chất potassium iodide bảo vệ tuyến giáp trạng khỏi hấp thụ chất đồng vị phóng xạ iodine-131, bằng cách bao phủ lấy tuyến này.

Còn về việc ăn muối iodized salt thì lại càng không nên nữa vì tối thiểu mỗi ngày phải ngốn hết 3 lbs rưỡi mới có tác dụng.

Bác Sĩ Hendee nói mang mạng che mặt cũng bảo vệ cơ thể được phần nào nhưng cũng không đủ hoàn toàn vì các phân tử phóng xạ nhỏ li ti, tuy nhiên trong tình huống hiện tại chưa cần đến biện pháp đó vì phóng xạ còn quá thấp.

Hồi đầu tuần này Cơ Quan Bảo Vệ Môi Sinh, EPA, cho thiết lập thêm nhiều máy dò phóng xạ trên khắp Hoa Kỳ để làm dịu bớt nỗi lo âu của dân chúng. Ðồng thời hôm Thứ Năm, Tổng Thống Barack Obama nói “mức độ nguy hại” của phóng xạ từ nhà máy hạt nhân bị hư hại ở Nhật không lan đến lãnh thổ Hoa Kỳ.

Các trạm dò phóng xạ sẽ truyền dữ kiện đo được liên tục qua vệ tinh đến EPA và cơ quan này phổ biến đến cho dân chúng qua trang mạng.

Những thông tin này, cùng mẫu vật do nhiều cơ quan liên bang đang thu thập cả trên đất lẫn trong không khí ở Nhật, cũng sẽ được gửi về trung tâm theo dõi mức phóng xạ trong không khí của Bộ Năng Lượng ở California; tại đây, nhiều chuyên viên dùng máy điện toán lập thành nhiều mô hình để tiên liệu phóng xạ tỏa ra từ Fukushima có thể truyền đi trong không khí như thế nào.

Bên trong Phòng Thí Nghiệm Quốc Gia Lawrence Livermore ở gần San Francisco, các khoa học gia, kỹ sư và chuyên viên khí tượng cặm cụi phân tích các biểu đồ và bản đồ, giúp tiên đoán được nơi các chất đồng vị phóng xạ có thể di chuyển đến.

Danien LaVera, phát ngôn viên Cơ Quan Ðiều Hành An Ninh Nguyên Tử , NNSA, nói: “Mô hình giúp cho thấy những gì đang xảy ra lúc tình huống trở nên tồi tệ, khi gió đổi hướng, hay nếu có mưa, để đoán được điều có thể xảy ra. Ủy Ban Ðiều Hành Nguyên Tử, NRC, vừa loan báo không dò thấy phóng xạ ở mức độ nguy hại lan đến Hoa Kỳ, và chúng tôi cũng không thấy điều gì khác với điều họ công bố.”

Trong biến cố ngoài mong đợi, Cơ Quan Quản Trị Tình Trạng Khẩn Trương California, CEMA, sẽ phối hợp với viên chức y tế công cộng tiểu bang cũng như giới chức địa phương đề làm việc.

Bộ Y Tế California cũng mở một đường dây nóng để người dân có thể nêu thắc mắc, đồng thời cũng có một hệ thống biệt lập gồm 8 dụng cụ thăm dò thu thập mẫu không khí, nước và đất đề dò tìm độc chất, kể cả phóng xạ. (TP)