Chuẩ̀n bị cho trận không chiến tại Libya |
Tác Giả: BBC |
Thứ Sáu, 18 Tháng 3 Năm 2011 09:52 |
Các nước Phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ đang lên kế hoạch ngăn chặn lực lượng chính phủ Gaddafi tấn công phe nổi dậy Libya nhưng nhiều cường quốc khác như Trung Quốc tỏ ý dè dặt. Hoa Kỳ, Anh và Pháp hy vọng dùng phi cơ ngăn chặn lực lượng của ông Gaddafi ném bom phe nổi dậy Cùng lúc, các phương án quân sự, kể cả việc sẵn sàng bắn hạ phi cơ Libya hoặc ném bom các vị trí của quân đội Libya dưới đất đang được Hoa Kỳ và đồng minh xem xét. Khác biệt ngoại giao Đêm thứ Năm 17/3 vừa qua, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đã bảo phiếu thông qua vùng cấm bay sau các sức ép dư luận muốn có can thiệp để Không quân Libya không bắn phá các mục tiêu do phe phiến quân chiếm giữ ở phía Đông Libya. Nhưng trong tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an, thì có hai thành viên thường trực và Nga và Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng. Ấn Độ, nước đông dân thứ nhì trên thế giới và thường có quan điểm quốc tế khác Trung Quốc, lần này cũng không ủng hộ dù không chống nghị quyết của LHQ. Ấn Độ nêu ra lý do nữa là họ có sáu triệu công dân hiện làm việc hoặc sinh sống ở vùng Bắc Phi và Trung Đông, nên "việc ủng hộ các giải pháp hòa bình, trật tự" là tối quan trọng. Brazil, cường quốc vùng Nam Mỹ cũng tỏ thái độ tương tự. Còn về phía Libya, con trai của Đại tá Gaddafi, ông Saif Gaddafi lên tiếng phản đối hoàn toàn nghị quyết LHQ mà ông cho là "không công bằng", và nói thế giới không nên chỉ nghe theo vài nghìn kẻ phản loạn ở Benghazi. Như thế, liên minh mới chống lại Đại tá Gaddafi của Libya chủ yếu sẽ dựa trên sức mạnh của Hoa Kỳ, Anh và Pháp. Được biết sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Barack Obama đã điện đàm với lãnh đạo Anh và Pháp trong khi có tin rằng liên quân ba nước này sẽ ngăn chặn không quân Libya vào Chủ Nhật, hoặc Thứ Hai tới. Cùng ngày thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ "dè dặt nghiêm trọng" về hành động của Hội đồng Bảo an.
Trung Quốc ra thông cáo nêu quan điểm của họ là "chống dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế". Bắc Kinh cũng nhấn mạnh đến việc bảo toàn chủ quyền và độc lập, thống nhất lãnh thổ của Libya, nước trên thực tế đang bị chia thành khu vực do chính phủ Libya kiểm soát về phía Tây, và phe phiến quân tại một số điểm phía Đông. Trung Quốc cũng kêu gọi giải quyết khủng hoảng qua đối thoại, điều xem ra không có nhiều tính thực tiễn sau khi Pháp đơn phương công nhận Hội đồng lâm thời của phe nổi dậy ở phía Đông, và EU có các biện pháp trừng phạt chính quyền Gaddafi. Mặt khác, chính Liên đoàn Ảrập đã kêu gọi LHQ phải có hành động như lập vùng cấm bay tại Libya. Đại sứ Lebanon Nawaf Salam, thay mặt các nước Ảrập phát biểu hôm qua 17/3 tại LHQ rằng ông hy vọng "bước đi này sẽ khiến chính quyền Libya lùi bước, không đi theo logic của bạo lực". Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil cũng không ủng hộ việc dùng vũ lực chống lại chính quyền của Đại tá Muammar Gaddafi. Mức độ tới đâu? Dù nghị quyết không cho đem quân đổ bộ vào Libya, các nước Hoa Kỳ, Anh và Pháp đang chuẩn bị cho nhiều phương án. Sáng 18/3 theo giờ London, các báo Anh đưa tin các phi cơ Tornado GR4 của Không quân Hoàng gia Anh đã cất cánh từ căn cứ Norfolk, chuẩn bị cho việc kiểm soát vùng cấm bay ở Libya. Nếu mọi việc diễn ra không như ý thì có thể sẽ xảy ra chuyện tăng cường độ vượt quá mức ta hình dung ra, và khi đó, ai biết được mọi chuyện sẽ dừng ở đâu / Simon Tisdall, báo The Guardian Quyết định về một chiến dịch quân sự dù chỉ trên không sẽ được sớm đưa ra. Dự kiến chiến dịch này sẽ gồm các chuyến bay của phản lực cơ, máy bay ném bom, và cả phi cơ do thám. Trên lý thuyết, nếu không quân Libya hoàn toàn không cất cánh thì sẽ không xảy ra va chạm với phe liên quân. Báo The Guardian ra ở London ngày thứ Sáu cho rằng các nhóm đặc nhiệm của Anh (SAS) sẽ có thể đóng một vai trò trong chiến dịch Libya. Khối quân sự NATO dự kiến hôm nay 18/3 sẽ họp tại Brussels để bàn về việc áp dụng nghị quyết LHQ. NATO dự tính dùng căn cứ tại Sigonella ở Sicily và Aviano ở Bắc Ý cùng một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ tại Địa Trung Hải để áp đặt vùng cấm bay. Thủ tướng Pháp, Francois Fillon nói trên truyền hình rằng hành động quân sự chống lại Gaddafi "sẽ diễn ra trong những giờ sau khi nghị quyết LHQ được thông qua". Ngoại trưởng Hillary Clinton, phát biểu tại Tunisia hôm thứ Năm, đã cho rằng việc tấn công từ trên không vào các cơ sở quân sự của phe chính phủ Libya trên mặt đất là có thể xảy ra. Được biết vấn đề chính của liên quân chống Gaddafi không phải là việc kiềm chế, thậm chí tiêu diệt không quân Libya, vốn chỉ có chừng 40 máy bay do Liên Xô chế tạo, đa số cũ kỹ và một vài chiếc Mirage F1 của Pháp. Theo các chuyên gia thì vấn đề gay cấn sẽ là giải quyết quân trên bộ của Đại tá Gaddafi vốn đang trên thế thắng, tiến về phía Benghazi, thành phố trên 1 triệu dân thuộc phe nổi dậy. Phe nổi dậy đã hoan nghênh nghị quyết về vùng cấm bay của LHQ. Các nhóm nổi dậy dù có sự hỗ trợ của một số đơn vị quân đội phản lại Đại tá Gaddafi, chỉ có các súng phòng không lạc hậu , đôi ba phi cơ cũ không có bom, nên không thể chống lại không quân Libya. Hiện truyền thông các nước Anh Mỹ đang đặt câu hỏi nếu vùng cấm bay không tạo ra hiệu quả mong muốn thì liên minh chống Gaddafi sẽ tiếp tục thúc đẩy chiến dịch quân sự tới mức nào. Các nhà bình luận đang so sánh "cuộc chiến Libya" với các chiến dịch quân sự do Phương Tây chủ trì trước đó như chiến tranh Vùng Vịnh, ở Bosnia và Kosovo mà tất cả đều mở đầu bằng không chiến. Phe nổi dậy Libya, vốn không đủ hỏa lực chống lại Không quân của phe Gaddafi, hy vọng vùng cấm bay sẽ bảo vệ họ. Tin trưa ngày 18/3 theo giờ London cho hay Bộ Ngoại giao Libya bất ngờ tuyên bố 'ngưng bắn lập tức' và mời phái đoàn quốc tế vào 'tìm hiểu thực tế' sau nghị quyết Liên Hiệp Quốc. Hiện chưa rõ điều này có làm ngưng lại công cuộc chuẩn bị cho chiến dịch quân sự của liên quân chống Gaddafi hay là không.
|