Home Tin Tức Thời Sự SCE: Nhà máy điện nguyên tử San Onofre rất an toàn

SCE: Nhà máy điện nguyên tử San Onofre rất an toàn PDF Print E-mail
Tác Giả: Ðỗ Dzũng/Người Việt   
Thứ Năm, 17 Tháng 3 Năm 2011 09:30

Nhà máy San Onofre được xây dựng để chịu đựng trận động đất tối đa là 7.0 độ Richter

SAN ONOFRE, California (NV) - “Nhà máy điện nguyên tử San Onofre được thiết kế bảo đảm an toàn, ngay cả trong trường hợp có động đất hoặc sóng thần.” Ðó là lời xác nhận của ông Steve Conroy với nhật báo Người Việt.

 
 Nhà máy điện nguyên tử San Onofre. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ông Conroy là phát ngôn viên công ty điện lực Southern California Edison (SCE), công ty sở hữu cơ sở điện nguyên tử nằm ở sát phía Nam Quận Cam.

“Khi xây dựng nhà máy này vào thập niên 1980, chúng tôi đã làm nhiều nghiên cứu khoa học liên quan đến động đất và sóng thần. Nhà máy nằm sát biển, có đủ nước để làm nguội lò nguyên tử, có bức tường cao 30 feet để ngăn sóng thần.

Trong trường hợp bị mất điện, chúng tôi có 4 máy phát điện dự phòng, đặt ở độ cao từ 50 feet tới 60 feet so với mực nước biển,” ông Conroy giải thích thêm.

Tiến Sĩ Phạm Kim Long, ủy viên Giáo Dục Quận Cam và là kỹ sư nguyên tử năng của nhà máy điện này, cho biết: “Những máy phát điện này được để trong một nơi rất an toàn, ngay cả hỏa tiễn cũng không bắn được.”

“Về độ cao, các nhà máy ở Fukushima được xây từ thập niên 1970, máy phát điện để ở chỗ thấp. Vì thế, khi sóng thần ập vào, những máy phát điện này bị hư và họ không có kế hoạch dự phòng lâu dài, nên mới xảy ra chuyện như vậy,” Tiến Sĩ Long giải thích.

Và ngay cả trong trường hợp mất điện như các lò phản ứng nguyên tử ở Fukushima bên Nhật, SCE vẫn có đủ nước để làm “ngập” lò ngay lập tức, ông Conroy cho biết.

Trận động đất 9.0 độ Richter xảy ra ngoài khơi Ðông Bắc nước Nhật hôm 11 tháng 3 đã tạo ra một đợt sóng thần đánh vào bờ biển Fukushima, làm mất điện hệ thống làm nguội lò phản ứng nguyên tử. Sau đó, những lò này bị sập, làm rò rỉ phóng xạ ra một vùng có bán kính tới 20 dặm.

Một yếu tố quan trọng nữa là nhà máy điện San Onofre được xây dựng trên vùng đất cao, nên sóng thần khó ảnh hưởng.

Tiến Sĩ Phạm Kim Long cho biết: “Cơ sở điện lực San Onofre được xây cao hơn mặt nước biển tới 35 feet. Vì thế, nếu có sóng thần như bên Ðông Bắc nước Nhật thì cũng không đụng tới được.”

Nhà máy San Onofre được xây dựng để chịu đựng trận động đất tối đa là 7.0 độ Richter, theo ông Conroy cho biết, và động đất giống như Nhật rất khó xảy ra tại miền Nam California.

“Các nhà địa chất đã nghiên cứu rất kỹ thềm lục địa ngoài khơi California, không giống như của Nhật. Tại Nhật, vụ động đất vừa qua tạo ra nhiều rung chuyển, ngay cả sau đó. Vùng biển California không phải như vậy,” ông Conroy giải thích.

Ông Conroy cũng cho biết, trong những ngày qua, đại diện của SCE đã giải thích vấn đề này cho rất nhiều cộng đồng tại Quận Cam, mặc dù một số người vẫn còn hoài nghi.

“Trong buổi họp của Hội Ðồng Thành Phố San Clemente mới đây, chúng tôi đã thuyết trình và bảo đảm mức độ an toàn của nhà máy San Onofre, vì một số cư dân vẫn lo lắng,” ông Conroy nói. “Và như tôi nói, an toàn giúp tránh được thảm họa. Bức tường chắn sóng thần ở nhà máy San Onofre có thể nói là lớn nhất và an toàn nhất.”

Ngoài ra, SCE luôn cập nhật kỹ thuật mới và nghiên cứu an toàn nguyên tử, theo ông Conroy cho biết.

“Chúng tôi luôn chuẩn bị cho trường hợp động đất lớn nhất xảy ra,” ông khẳng định.

Trong khi đó, các cơ quan hữu trách tại Quận Cam tiếp tục theo dõi diễn tiến tình trạng của các lò nguyên tử vừa bị thiệt hại tại Nhật và liên lạc trực tiếp với các cơ quan hữu trách của liên bang và tiểu bang, theo một thông cáo báo chí của văn phòng GSV Janet Nguyễn.

Nữ GSV này cũng cho biết Quận Cam đã chuẩn bị các biện pháp khẩn trương và đề phòng nếu hậu quả của tai nạn nguyên tử tại Nhật lây lan đến không phận của quận hạt.

Tại một số tiểu bang và lãnh thổ ở miền Tây Hoa Kỳ, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Sinh (EPA) đang bắt đầu đo mức độ phóng xạ trong không khí, nước uống, sữa và nước mưa, qua hệ thống RadNet, tin của hãng AP cho biết.

California hiện có 12 trạm theo dõi mức độ phóng xạ trong không khí. EPA cũng có 40 trạm di động để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, EPA đặt thêm 2 trạm tại Hawaii và 2 trạm khác tại đảo Guam. Tại Alaska, EPA đang đặt thêm 3 trạm tại Dutch Harbor, Nome và Juneau.

Tuy vậy, giới chức tại các tiểu bang miền Tây không nghĩ rằng phóng xạ ở mức độ nguy hiểm có thể đến Hoa Kỳ, cách Nhật khoảng 5,000 dặm.