Mây phóng xạ, bóng ma đe dọa cả hành tinh |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Tư, 16 Tháng 3 Năm 2011 11:11 |
Cả thế giới đang dõi theo từng « hơi thở » của nhà máy hạt nhân Fukushima Nhật Bản. Nếu điều bất trắc xảy ra, những đám mây phóng xạ không phân biệt được ranh giới quốc gia, mà sẽ đe dọa rất nhiều nước. Phân tích sự việc này, Libération nhận định « Mây phóng xạ, mối đe doa ám ảnh toàn cầu ». Một đám khói lớn thoát ra từ Trung tâm hạt nhân Fukushima Daiichi. Ảnh chụp lúc 10 giờ sáng (02h00 GMT), ngày 16/3/ 2011. Những sản phẩm phân rã phát ra từ các nhà máy hạt nhân bao gồm khí và bụi. Khí này rất dễ phát tán. Trong hỗn hợp khí đó người ta thấy có chất phóng xạ i-ốt và nhiều loại khí hiếm khác như kryton hay xénon. Trong đó, độc hại nhất là chất phóng xạ i-ốt, nó có thể gây bệnh ung thư. Còn trong bụi thì có chất plutonium, uranium, césium…Thế nhưng, theo Libération, thật khó xác định chính xác thành phần cấu tạo của hỗn hợp phóng xạ này. Liên quan đến tình hình tại nhà máy hạt nhân Fukushima, người ta chỉ có thể khẳng định được hiện tượng tăng hàm lượng phóng xạ xung quanh nhà máy, chứ chưa thể xác định chính xác những yếu tố phóng xạ hiện diện. Dù vậy, Chúng ta vẫn có thể đưa ra giả thuyết dựa trên thành phần chất đốt phóng xạ được sử dụng ở nhà máy Fukushima. Một trong những lò phản ứng ở đây sử dụng nhiên liệu hỗn hợp MOX ( một loại hỗn hợp của uranium nghèo và plutonium) và uranium giàu. Theo các nhà khoa học, thành phần cấu tạo của mây phóng xạ phụ thuộc vào việc chất đốt đã được nạp vào lò lâu hay chưa. Trong lò phản ứng vừa đề cập, những thanh đốt MOX chỉ được nạp vào lò hồi tháng 10 rồi. Vì thế, nó còn mới và chứa ít chất phân rã phóng xạ. Cũng giống những đám mây bình thường, mây phóng xạ bay trong bầu khí quyển. Một khi được thải ra khỏi lò, những chất cấu tạo nên đám mây này sẽ phát tán trong không khí. Vận tốc và hướng bay của mây phóng xạ lệ thuộc vào điều kiện thời tiết và độ cao của nó. Nếu mây phóng xạ ở độ cao 1 000m, nó có thể bay khắp thế giới. Libération nhắc lại việc mây phóng xạ trong thảm họa Tchernobyl đã lan tới Châu Âu chỉ trong vài ngày.Thêm vào đó, nếu phân tử phóng xạ càng nóng, thì nó sẽ bay lên càng cao và càng nhanh. Khi có mưa hay có tuyết rơi, bụi phóng xạ sẽ lẫn vào trong nước để rơi xuống đất và sông biển. Từ tối hôm qua (15/3), hướng gió thổi về phía Thái Bình Dương với vận tốc từ 20 đến 30km/h. Theo dự báo của đài khí tượng Pháp, hiện tượng này sẽ kéo dài trong những ngày tới. Một nhà khoa học cho rằng, Tokyo cách nhà máy Fukushima đến 250 km, vì thế nếu có mây phóng xạ, thị bầu khí quyển cũng có thời gian phát tán và làm yếu những phân tử phóng xạ trong không khí. Khi đó, dù có chạm đất, thì độ phóng xạ cũng đã giảm đi nhiều. Còn về mức độ ảnh hưởng của Fukushima đối với thế giới, các chuyên gia đánh giá, hiện tại gió chỉ đạt 30 km/h, vì thế nếu có mây phóng xạ thì cũng phải mất nhiều ngày nữa mới tời bờ bên kia Thái Bình Dương để đi vào lãnh thổ Canada và Hoa Kỳ. Nếu việc đó xãy ra thì hệ thống máy đo phóng xạ của hai nước này sẽ lập tức phát hiện. Libération dẫn lời các chuyên gia kết luận : hiện tại vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn được điều gì.
|