Sự cố Fukushima Nhật Bản buộc châu Âu xem xét lại an toàn các cơ sở hạt nhân |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Tư, 16 Tháng 3 Năm 2011 07:46 |
Thảm họa Fukushima đã làm dấy lên những lo ngại trên toàn thế giới.
Các chuyên gia hạt nhân Liên hiệp châu Âu họp tại Bruxelles ngày 15/3/ 2011, nhằm phối hợp xem xét chính sách hạt nhân sau tai nạn Fukushima Nhật Bản. Thảm họa Fukushima đã làm dấy lên những lo ngại trên toàn thế giới. « Trông người mà nghĩ đến ta ». Sự cố nghiêm trọng xẩy ra tại nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản Fukushima buộc các nước châu Âu phải hành động, tiến hành kiểm tra mức độ an toàn của các cơ sở hạt nhân. Ngày 15/3, ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng, ông Gunther Ottinger đã triệu tập một cuộc họp tại Bruxelles, với sự tham dự của đại diện các chính phủ, các nhà máy điện nguyên tử và các cơ quan an toàn hạt nhân. Hiếm khi nào châu Âu đạt được đồng thuận chung nhanh chóng đến như vậy. Đại diện của Ủy ban châu Âu cho biết, việc kiểm tra các nhà máy điện nguyên tử sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia độc lập trong sáu tháng cuối năm nay. Trong những tuần tới, trên cơ sở những thông tin thu thập được qua các sự cố tại Nhật Bản, Ủy ban châu Âu sẽ chuẩn bị các đề xuất liên quan đến nội dung kiểm tra, qua đó đề ra được những tiêu chuẩn chung. Mục đích là đánh giá lại những nguy cơ, động đất, sóng thần, tấn công của khủng bố, mất điện. Đương nhiên, thời gian hoạt động và kiểu loại nhà máy hạt nhân sẽ được tính đến trong quy trình kiểm tra này. Công việc chuẩn bị xác định những tiêu chuẩn chung để kiểm tra sẽ được tiến hành từ nay đến cuối tháng sáu và Ủy ban châu Âu sẽ triệu tập thêm các cuộc họp ở cấp cao hơn bao gồm đại diện các quốc gia và cơ quan an toàn hạt nhân để thảo luận về hồ sơ này. Chương trình kiểm tra được tiến hành trên cơ sở tự nguyện, chứ không bắt buộc. Đồng thời, châu Âu cũng sẵn sàng chấp nhận cho các đối tác khác tham gia như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ. Hiện nay, bên trong Liên Hiệp Châu Âu, có 153 lò phản ứng hạt nhân, đặt tại 13 quốc gia thành viên, trong đó riêng nước Pháp đã có tới 58 lò. Về mặt công nghệ, nhiều nhà máy điện hạt nhân tại châu Âu cùng thế hệ với nhà máy Fukushima của Nhật Bản. Điều này giải thích vì sao, các giới chức tại châu Âu đã có phản ứng nhanh chóng sau tai nạn ở Nhật Bản. Không đợi đến khi cuộc họp của Ủy ban châu Âu kết thúc, ngày hôm qua, thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo cho đóng cửa ngay lập tức và trong thời hạn ba tháng, tất cả những nhà máy điện nguyên tử hoạt động trước năm 1980. Thảm họa Fukushima đã làm dấy lên những lo ngại trên toàn thế giới. Tổng thống Barack Obama tuyên bố là ông mong muốn Hoa Kỳ xem xét làm thế nào để cải thiện mức độ an toàn của các nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ. Còn thủ tuớng Vladimir Putin đã yêu cầu tiến hành nghiên cứu về an toàn trong lĩnh vực này ở Nga. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA lại lo ngại là sư cố này có nguy cơ làm chậm trễ việc phát triển các công nghệ hạt nhân dân sự và gây khó khăn cho công cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Trong những ngày qua, tai nạn ở Fukushima là cơ hội để các tổ chức bảo vệ môi trường, đảng Xanh ở châu Âu vận động công luận, nhấn mạnh đến hiểm họa hạt nhân. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, một số nước châu Âu không sẵn sàng từ bỏ điện nguyên tử. Ví dụ tại Pháp, tỷ lệ điện hạt nhân chiếm tới 80% tổng sản lượng điện quốc gia và nhờ vậy giá điện của Pháp rẻ hơn so với một số quốc gia châu Âu vào khoảng 40%. Tại Đức, mặc dù phong trào vận động từ bỏ hạt nhân rất mạnh nhưng lãnh đạo tập đoàn điện RWE, ông Jurgen Grossmann, được AFP trích dẫn, thẩm định rằng châu Âu có thể từ bỏ điện hạt nhân trong 80 năm nữa. Còn hiện nay, việc từ bỏ điện nguyên tử chẳng có ích lợi gì nếu lại phải đi nhập điện hạt nhân của nước láng giềng.
|