Home Tin Tức Thời Sự Khủng hoảng điện nguyên tử Nhật Bản

Khủng hoảng điện nguyên tử Nhật Bản PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Tư, 16 Tháng 3 Năm 2011 07:37

Vụ khủng hoảng nguyên tử đã trở nên trầm trọng hơn từ sáng Thứ Ba

TOKYO - Thêm một vụ cháy xảy ra hôm Thứ Tư (giờ Nhật Bản nghĩa là chiều Thứ Ba ở California) tại đơn vị số 4 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima I. Ngày hôm trước nhà máy này đã một lần cháy có lẽ vì khí hydrogen sinh ra do phản ứng ở vỏ lò bị nóng và bắt lửa từ một nhà máy dầu đang cháy gần đó.

 
Một nhân viên của Tokyo Electric Power Co (TEPCO) giải thích về vụ cháy lò số 1 của nhà máy điện nguyên tử Fukushima (hình: JIJI PRESS/AFP/Getty Images)

Thủ Tướng Naoto Kan yêu cầu 140,000 dân chúng sống trong khu vực 30 km (18 dặm) cách xa nhà máy điện nguyên tử Fukushima I nên ở trong nhà và đóng các cửa, đừng đi ra ngoài để tránh nguy cơ nhiễm phóng xạ.

Phóng xạ sau hai vụ nổ và cháy ở lò số 2 và 4 có lúc đã tới 800 lần cao hơn mức bình thường, và gió có thể đưa các hơi toát ra ngoài không khí đi xa.

Tại Tokyo, mức phóng xạ đo được cao 20 lần hơn bình thường, nhưng chưa phải là nguy hiểm. Tuy nhiên tình trạng này cũng làm dân chúng lo sợ.

Một số nhân viên ngoại giao đoàn được di chuyển đi xa hơn về phía Nam thành phố để đề phóng, cũng như các đoàn du lịch được khuyên không nên đến Nhật trong lúc này. Người ta đổ xô đi kiếm mua Iodine, loại thuốc được coi là có khả năng làm giảm tác dụng của phóng xạ.

Máy bay và trực thăng cũng được yêu cầu tránh xa vùng tỉnh Fukushima và các chiến hạm Hoa Kỳ đến trợ giúp công tác cứu trợ nạn nhân sóng thần được chuyển sang bờ biển phía Tây đảo Honshu.

Vụ khủng hoảng nguyên tử đã trở nên trầm trọng hơn từ sáng Thứ Ba khi nhân viên điều hành nhà máy cho biết vụ cháy nổ tại đơn vị 4 làm hổng một khoảng của căn nhà chứa lò phản ứng và hư hại một bộ phận có tên là suppression pool (bể thu hồi), nơi làm hạ nhiệt độ và giữ lại hầu hết cesium, iodine và strontium - các chất có phóng xạ - trong nước nguội. Vụ nổ ở bên trong tòa nhà đặt lò phản ứng số 2 trước đó cũng đã gây hậu quả tương tự.

Nhà máy điện nguyên tử Fukushima I, cũng gọi là Fukushima Dai Ichi, cách Tokyo 150 dặm về phía Bắc, có 6 đơn vị phát điện (6 lò phản ứng hạt nhân).

 Một loạt những rắc rối kỹ thuật đã xảy ra sau thiên tai sóng thần với nguyên nhân chính ở các hệ thống làm nguội và nhiệt độ trong lò lên quá cao có thể làm các thanh nhiên liệu nguyên tử nóng chảy vì thiếu nước bao quanh. Thêm vào đó là một loạt những vụ nổ và cháy, bắt đầu từ đơn vị 1 rồi tới 3, 2 và 4. Hai đơn vị 5 và 6 cũng đang trong tình hình khó khăn.

Những vụ nổ đã làm hư hại tới vòng ngoài là căn nhà đặt các lò nguyên tử. Vòng bảo vệ chính bằng thép dầy và bê-tông bao bọc các lò chưa bị hư hại dù có trường hợp xảy ra nổ phía bên trong. Vỏ của các lò cũng vẫn còn bền vững, do đó những chuyên viên tin tưởng là có thể tiếp tục bơm nước lạnh vào lõi lò để làm giảm nhiệt độ quá cao.

Nhưng nếu cuối cùng đi tới trường hợp tệ hại nhất là không thể hạ được nhiệt độ bên trong ruột lò thì các thanh nhiên liệu sẽ bị phơi trần ra khỏi lớp nước bao quanh và đi đến, tình trạng gọi là “melting down.”

Lớp vỏ bọc của các thanh nhiên liệu làm bằng kim loại zirconium sẽ nóng chảy rồi cháy - zirconium fire - và mức phóng xạ sẽ lên cao gấp hàng ngàn lần gây nên một thảm họa nguyên tử khủng khiếp.

Các giới chức của TEPCO, công ty điện lực sở hữu các nhà máy điện nguyên tử Fukushima nói rằng sẽ sử dụng trực thăng để tưới nước lạnh xuống qua lỗ hổng rộng 26 feet ở tòa nhà đặt lò phản ứng số 4.

Bể thu hồi, nằm phía bên ngoài vỏ lò, chứa những thanh nhiên liệu đã dùng hết nhưng vẫn còn khả năng phóng xạ và khi bị nóng sẽ tạo phản ứng phát sinh hydrogen gây ra nổ. Việc này sẽ chỉ có thể làm trong một vài ngày tới khi mức phóng xạ đã giảm không gây nguy hiểm cho phi hành đoàn trực thăng. Trong khi đó việc bơm nước biển vẫn được tiếp tục trong nỗ lực làm nguội lò phản ứng.

Biến cố nguyên tử đang xảy ra ở Nhật Bản cho đến nay chưa tới mức độ nguy hiểm nhưng đã làm toàn thế giới quan tâm, nhất là ở những nước đã có hay sẽ xây dựng các nhà máy điện nguyên tử.

Các nước Âu Châu trong số có Pháp là quốc gia mà 75% điện lượng sản xuất từ những nhà máy nguyên tử đang theo dõi sát tình hình để tìm phương cách hành động thích ứng.

Thụy Sĩ tạm cho ngưng kế hoạch xây nhà máy điện nguyên tử mới. Thủ tướng Ðức, bà Angela Merkel cho lệnh tạm ngưng hoạt động 7 nhà máy đã xây dựng từ trước năm 1980 để kiểm tra lại tình trạng an ninh.

Trung Quốc hiện có 13 nhà máy điện nguyên tử và đang tiến hành dự án xây dựng thêm 25 nhà máy khác từ nay đến năm 2020, nói rằng sẽ tiếp tục như kế hoạch và rút kinh nghiệm Nhật Bản để thực hiện những biện pháp an toàn chặt chẽ.

Kế hoạch $150 tỷ phát triển điện nguyên tử của Ấn Ðộ lâm vào tình thế khó có thể thực hiện đầy đủ với những sự chống đối từ trước và được tăng cường do vụ khủng hoảng ở Nhật. Các quan sát viên cho rằng chương trình này sẽ phải chậm lại ít nhất là 10 năm. Hôm Thứ Ba, dân chúng Ấn Ðộ biểu tình phản đối một nhà máy điện nguyên tử đang được xây dựng ở Jaitapur.

Hoa Kỳ có 104 nhà máy phát điện nguyên tử. Riêng California là tiểu bang nhiều động đất nên có những dư luận lo ngại về nhà máy San Onofre. Tuy nhiên những giới chuyên môn giải thích rằng hiểm họa động đất - sóng thần tại California khác hẳn với Nhật Bản. Hơn nữa nhà máy San Onofre đã có đủ biện pháp đề phòng như thiết kế chịu đựng được động đất mạnh 7.0 độ và một bức tường cao ngăn sóng thần,

Bộ Trưởng Năng Lượng Steven Chu nói với các phóng viên là chương trình điện nguyên tử của Hoa Kỳ sẽ vẫn tiếp tục xúc tiến với tất cả các sự cân nhắc thận trọng cũng như sử dụng kỹ thuật tân tiến và rút kinh nghiệm từ bài học Nhật Bản. Lò phản ứng nguyên tử của nhà máy Fukushima I do công ty General Electric chế tạo cách đây gần nửa thế kỷ và bây giờ được coi như đã lỗi thời. (HC)