Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15/03/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15/03/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Ba, 15 Tháng 3 Năm 2011 10:30

 «Bi kịch Nhật Bản đe dọa tương lai của lĩnh vực hạt nhân».

 
Chủ đề hạt nhân gây đau đầu cho chính giới Pháp

Thành viên của nhóm tranh đấu chống các chương trình năng
lượng nguyên tử "Sortir du Nucléaire" trong một cuộc biểu tình
gần tháp Eiffel, Paris ngày 13/3/11. (Reuters)

Nhật Bản đang phải đối mặt với thảm họa rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy hạt nhân. Trong khi đó, các cường quốc nguyên tử cũng đau đầu trước quyết định tiếp tục hay ngừng hoạt động các nhà máy hạt nhân. Phản ánh sự việc này, Les Échos thông tin: « Tranh luận về nguyên tử lại nổi lên ở Pháp ».

Hầu như tất cả các báo Pháp hôm nay đều dành trang nhất chia sẻ nỗi đau với người dân Nhật Bản.

Trang nhất nhật báo Le Monde chạy dòng tít « Nhật Bản, tiêu điều và sợ hãi ». Tờ báo dành hẳn 10 trang để thông tin về thảm họa lịch sử này. Ngoài những tin về thiệt hại vật chất và nhân mạng, Le Monde đặc biệt tập trung phân tích nguy cơ hạt nhân đang đe dọa Nhật Bản và gây hoang mang cho toàn thế giới.

Libération dành đến 13 trang cho chủ đề động đất ở Nhật Bản. Ngoài bài viết « Mảnh đất của người chết » được chạy tít lớn trên trang nhất, tờ báo này còn có bài phóng sự cho biết, ba ngày sau thảm họa, người ta đã phát hiện hàng ngàn thi thể bị sóng biển cuốn trôi ra cách đất liền đến 500 km .

Le Figaro, Les Échos và La Croix đặc biệt chú ý vào nguy cơ hạt nhân đang đe dọa Nhật Bản với bài viết đăng trên trang nhất « Bi kịch Nhật Bản đe dọa tương lai của lĩnh vực hạt nhân ». Bài viết cho biết, chủ đề hạt nhân đã bắt đầu khuyấy động nhiều cường quốc hạt nhân.

Nhật báo L’Humanité dành trọn trang nhất chạy tít lớn « Bóng ma Fukuhshima chập chờn trên một đất nước vừa bị tàn phá ». Tờ báo cho hay, tình hình vẫn còn đáng lo ngại ở nhà máy hạt nhân miền đông bắc. Người dân thể hiện tình tương thân tương ái, cộng đồng thế giới hướng về người bị nạn.

Tranh luận về nguyên tử lại nổi lên ở Pháp

Vừa hứng chịu động đất và sóng thần, giờ đây, Nhật Bản đang phải đối mặt với thảm họa rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy hạt nhân. Trong khi đó, các cường quốc nguyên tử cũng đau đầu trước quyết định tiếp tục hay ngừng hoạt động các nhà máy hạt nhân. Phản ánh sự việc này, Les Échos thông tin: « Tranh luận về nguyên tử lại nổi lên ở Pháp ».

Sau nhiều năm ngủ quên, bất chợt sau thảm họa Fukushima, cuộc tranh luận về nguyên tử bỗng quay trở lại.

Đảng Xanh Pháp bắt đầu « buộc tội » ngành hạt nhân và kêu gọi đưa vấn đề nguyên tử ra trưng cầu dân ý. Tổng thư ký quốc gia của đảng này là bà Cécile Duflot còn đi xa hơn khi yêu cầu cần phải từ bỏ chương trình hạt nhân ngay lập tức. Bà nhắc lại, từ lâu, những người bảo vệ môi trường yêu cầu hai việc, đó là tổ chức một cuộc tranh luận công khai về năng lượng và tiến hành trưng cầu dân ý về khả năng ngừng hoạt động các nhà máy hạt nhân. Thậm chí trong đảng Xanh còn có người mạnh dạn yêu cầu cho ngừng hoạt động ngay lập tức nhà máy điện nguyên tử Fessenhein, một nhà máy rất cũ kỷ vẫn còn đang hoạt động ở Pháp.

Về phần mình, đảng Xã hội, một đồng minh thân thiết của đảng Xanh, không chia sẻ quan điểm này. Thư ký phụ trách lĩnh vực năng lượng của đảng Xã hội cho rằng, khi tiến hành trưng cầu dân ý, nếu người dân đồng ý cho các nhà máy hạt nhân ngừng hoạt động, thì khi đó nước Pháp sẽ gặp khó khăn, bởi ba phần tư điện năng nước này là điện hạt nhân. Theo bà này, thỏa đáng nhất là tổ chức thảo luận về vấn đề này trên phạm vi toàn quốc. Bà Martine Aubry, thư ký thứ nhất đảng Xã hội thì yêu cầu kiểm tra tất cả các nhà máy hạt nhân ở Pháp. Theo bà, nếu nhà máy nào có mức độ an toàn quá thấp, thì khi đó có thể cho ngừng hoạt động.

Đảng Xã hội và đảng Xanh Pháp dự kiến đến mùa hè năm nay sẽ có thỏa thuận chung về kế hoạch hành động cho cuộc tranh cử tổng thống năm 2012. Les Échos đánh giá, sự bất đồng quan điểm này là dấu hiệu cho thấy sắp tới sẽ có sự tranh cãi nẩy lửa giữa hai đảng này.

Trong khi đó, Tổng thống Nicolas Sarkozy đã hứa sẽ đề ra sáng kiến của Pháp về cách quản lý năng lượng trên thế giới. Tuy nhiên, chủ nhân điện L’Élysée tuyên bố dứt khoát rằng nước Pháp sẽ không ngừng khai thác hạt nhân. Trước đó, Bộ trưởng Sinh thái Pháp đã cảnh báo không nên lợi dụng thảm kịch đang diễn ra ở Nhật để biến nó thành một đề tài chính trị. Bộ trưởng Công nghiệp Pháp thì khẳng định, nước Pháp không thể có đủ năng lượng chỉ với năng lượng tái tạo.

Như vậy, theo Les Echos, trong tình hình nước sôi lửa bỏng này, chính phủ Pháp đang giữ thế « phòng thủ».

Sự bình tĩnh đáng ngạc nhiên của người Nhật

Ttrước thảm họa kinh hoàng mà thiệt hại về nhân mạng và vật chất rất khó được đánh giá chính xác trong hiện tại, sự bình tĩnh và tình đoàn kết của người Nhật trong hoạn nạn đã khiến nhiều người trầm trồ thán phục. Phản ảnh sự việc này, nhật báo L’Humanité có bài nhận định « Một đất nước bình tĩnh và đoàn kết ».

Tác giả cho biết, trước đe dọa sẽ có dư chấn trong những ngày tới và lo sợ về nguy cơ phóng xạ đến từ các nhà máy hạt nhân, nhiều người ngoại quốc sống ở Nhật đã bắt đầu rời khỏi Tokyo. Thế nhưng người dân Nhật thì ngược lại. Tokyo những ngày này dường như khá yên tĩnh. Nhiều công ty cho phép nhân viên không phải tới nơi làm việc do các phương tiện giao thông đang ngưng trệ và do cúp điện.

Vào khoảng từ 17 giờ đến 19 giờ hôm qua, 330 .000 hộ dân ở vùng Tokyo đã bị cúp điện. Tàu điện ngầm vẫn hoạt động tốt, nhưng không có xe lửa. Các cửa hàng cạn hàng hóa, các trạm bán xăng thì hết xăng. Thế nhưng, người dân vẫn rất bình tĩnh, và tự giác giảm mức tiêu thụ điện. Một vài người còn đi làm việc dù được phép nghỉ. L’Humanité nhận định, đây là giờ phút dành cho tình đoàn kết và sự cảm thông với những vùng bị thảm họa. Một đại diện của đảng Cộng sản Nhật Bản tâm sự : « Chúng tôi đã mất nhiều đồng chí, nhiều thành phố đã bị tàn phá ».

Thủ tướng Nhật Naoto Kan cho biết đã phái quân đội đến vùng thiên tai để tìm kiếm những người sống sót. Ông Naoto Kan cũng đã bổ nhiệm một quan chức cao cấp làm Tổng thư ký quốc gia đặc trách điều phối công tác cứu hộ tình nguyện.

Nhật báo Le Monde cũng ca ngợi người Nhật Bản trong bài viết « Sự bình tĩnh đáng ngạc nhiên của người Nhật».

Tác giả cho biết, công tác chuẩn bị đối phó động đất được chuẩn bị rất bài bản ở nước này. Ban Đối phó Thảm họa được đặt dưới sự điều hành của Thủ tướng Naoto Kan. Ban này thường xuyên diễn tập chống động đất.

Ngoài ra, ở trường, học sinh cũng được huấn luyện kỹ càng về việc tìm nơi trú ẩn khi có động đất, cách dùng bình chữa cháy, cách sử dụng mũ chống sốc được đặt trong hộc bàn học sinh. Các cửa hàng thì luôn dành sẵn một quầy bán dụng cụ dùng khi xảy ra thảm họa như mũ bảo hộ, nhu yếu phẩm…

Học sinh cũng được học trong sách giáo khoa câu chuyện về một nông dân nhanh trí cứu được đồng bào mình. Câu chuyện xảy ra khi người nông dân này đang làm rẫy ở đỉnh đồi, thì bỗng một trận sóng thần ập tới. Không có thời gian để chạy về làng báo động cho mọi người, ông đã nhanh trí đốt luôn đám rẫy của mình. Mọi người thấy đám rẫy bốc cháy vội chạy lên đỉnh đồi để chữa cháy. Thế là mọi người thoát nạn.

Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đánh giá cao sự bình tĩnh của người Nhật trước thiên tai. Ngoài việc được chuẩn bị kỹ càng như vừa nêu trên, còn nguyên nhân gì khác khiến họ có được sự bình tĩnh như vậy ? Họ là người không biết lo lắng hay họ có khả năng tự chủ được bản thân ? Trước những hình ảnh kinh hoàng, những mảnh đời màn trời chiếu đất, cả thế giới đều thấy lo âu. Thế nhưng, Le Monde cho rằng, trong hoàn cảnh đó, phải làm gì đây ? Người dân Nhật chỉ còn phải biết chấp nhận sự bất lực của chính mình. Họ chỉ còn biết hy vọng và chờ đợi.

Le Monde cũng đưa ra một cách giải thích khác mang màu sắc tôn giáo. Tờ báo cho rằng, người Nhật, dù có phải là tín đồ phật giáo hay không, thì ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Phật Giáo. Phật giáo cho rằng «Có sinh thì có diệt ». Vì thế, con người chọn cách bình thản chấp nhận « lẽ dĩ nhiên » của tạo hóa. Ở Nhật Bản, ngay từ thở ấu thơ, mỗi người điều đã quán triệt điều đó.

Trong bài xã luận đăng trên trang nhất, Le Monde cũng không tiếc lời khen tặng phẩm cách của người Nhật trước thảm họa kinh hoàng, đó là sự bình tĩnh, một tinh thần đoàn kết.

Du lịch tại vùng đất người Hmông ở Hà Giang

Cuối cùng , chúng ta đến với ngành du lịch. Nhật báo La Croix giới thiệu một địa điểm tham quan ở tỉnh Hà Giang để khám phá đời sống của đồng bào người Thái và người Hmông. Bài viết được đăng trên trang Du lịch với dòng tựa « Trên đường mòn của người Hmông ở Miền Bắc Việt Nam ».

Địa điểm cách Hà Nội 320 km , cách tỉnh Vân Nam của Trung Quốc chỉ vài cây số, trên độ cao 1.500 m so với mực nước biển. Đường xá cheo leo. Cảnh trí thì rất « Việt Nam », với đồng ruộng, trâu bò, những phụ nữ đội nón lá. Ngô được trồng thẳng hàng trên những khoảnh đất, xung quanh có trồng bầu bí và đậu. Đây là cách canh tác phổ biến ở đây do thiếu đất mà nhân khẩu thì đông.

Dọc đường đi, người ta nhận ra bà con dân tộc qua những chiếc áo chàm, khăn quấn đầu xanh, hồng hay vàng. Đối với người nước ngoài, thật khó để phân biệt giữa « nguời Hmông đen », « người Hmông đỏ », « người Hmông đa sắc ».

Trên đỉnh cao, người ta có thể nhìn xuống đáy thung lũng, giữa lưng chừng đồi những chú ve râm ran ca hát. Dưới ruộng, những con trâu miệt mài làm việc. Bên vệ đường, thỉnh thoảng du khách bắt gặp những đóa hoa lan khoe sắc. Du khách cũng có thể đến thăm những ngôi làng nhỏ với nhà lợp ngói hay tôn do chính phủ hỗ trợ chi phí xây cất để duy trì cuộc sống của những tộc người này. Ngoài ra, du khách còn được tham quan chợ người dân tộc với nào là chè, trái cây, đũa gỗ, muỗng kim loại, chén sành, quần áo truyền thống, gà, heo …

Cuối cùng, du khách có thể thưởng thức đặc sản ở các quán ăn nhỏ ven đường. Đặc biệt, người dân rất hiếu khách. Họ sẵn sàng mở cửa tiếp khách dù tiếng Việt của họ không tốt lắm.