Home Tin Tức Thời Sự Tổng thống Indo trước sóng gió Wikileaks

Tổng thống Indo trước sóng gió Wikileaks PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 14 Tháng 3 Năm 2011 14:08

 Gia đình tổng thống Yudhoyono, gồm cả một số thân nhân, đã “dùng quyền lực để kiếm lợi”.

Wikileaks nói thân nhân của Tổng thống Indonesia “lạm dụng quyền lực” đang khiến ông bực bội và sứ quán Mỹ ngỏ lời hối tiếc nhưng báo chí địa phương lại đòi làm rõ câu chuyện.

Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono và vợ, bà Herawati đều bị nêu tên trong Wikileaks

Hai báo Úc (The Age và The Sydney Morning Herald) cuối tuần qua đã đăng các cáo buộc họ nói là Wikileaks ghi từ điện tín của sứ quán Mỹ ở Jakarta về chuyện làm ăn của gia đình ông Susilo Bambang Yudhoyono, đặc biệt là vợ ông, bà Kristiani Herawati.

Wikileaks nói giới ngoại giao Hoa Kỳ than phiền rằng gia đình tổng thống Yudhoyono, gồm cả một số thân nhân, đã “dùng quyền lực để kiếm lợi”.

Chưa kể, tờ The Age, trích Wikileaks, còn cho rằng "Ông Yudhoyono đích thân can thiệp với công tố viên và thẩm phán để bảo vệ các nhân vật chính trị tham nhũng và gây áp lực với đối thủ chính trị của ông".

Ông cũng, theo các nguồn này "dùng cả cơ quan tình báo Indonesia vào việc theo dõi các đối thủ chính trị, và ít nhất là một bộ trưởng trong chính phủ của chính ông".

Các tiết lộ này cũng nói cựu phó tổng thống Jusuf Kalla đã "trả các khoản tiền to để chiếm quyền kiểm soát chính đảng lớn nhất nước".

Vợ ông Yudhoyono, bà Herawati và gia tộc thì bị cho là "kiếm những khoản tiền to nhờ quan hệ chính trị".

Ông Yudhoyono vốn là một vị tướng trong quân đội nhưng được bầu làm tổng thống dân sự năm 2004 và tái đắc cử năm 2009.

Vụ việc càng gây khó khăn cho quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ và nước láng giềng quan trọng là Úc vì Tổng thống Yudhoyono là người bỏ nhiều công sức xây đắp cho các quan hệ này.

Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama cũng vừa có Bấm chuyến thăm Indonesia cuối năm ngoái.

Phản đối và hối tiếc

Indonesia đã triệu đại sứ Hoa Kỳ đến hôm thứ Sáu tuần trước để phản đối chính thức.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Indonesia, ông Scot Marciel đã bày tỏ sự hối tiếc về vụ việc nhưng nói ông không thể bình luận về “các thông tin mật được tiết lộ”.

Ông Marciel nói với các nhà báo rằng “Các thông tin đại sứ quán gửi về Washington đôi khi có thông tin dạng thô (raw) và thường không hoàn chỉnh, có khi chưa được xác tín”.

Tuy nhiên, ông nói việc Wikileaks công bố các nội dung tiết lộ là “cực kỳ vô trách nhiệm”, và muốn nói với người Indonesia và gia đình Tổng thống Yudhoyono “lời hối tiếc sâu sắc nhất”.

Nhưng các báo Indonesia cũng có nhiều bài về vụ Wikileaks về gia đình tổng thống và đòi phải làm sáng tỏ vụ việc.

Trang web Suara Karya (suarakarya-online.com) xác nhận rằng người dân Indonesia “ngạc nhiên trước tin do hai tờ báo Úc nêu".

Tuy không báo nào nói rằng họ đồng ý với cách đưa tin của báo Úc hoặc xác tín những cáo buộc nghiêm trọng này nhưng cũng muốn chính quyền nhân đây phải làm rõ vụ việc.

Trang web Suara Karya cho rằng người dân Indonesia “muốn biết vấn đề thực sự, và muốn thấy tính trung thực của Tổng thống Yudhoyono, vợ ông và gia đình ông, được thử thách thực sự”.

Báo Kompas (www.kompas.com) cũng viết rằng Indonesia “cần tập trung vào giải quyết các vụ việc chưa xong như nạn ma tuý tràn lan, nạn tham nhũng và vụ ‘sóng thần chính trị’ do Wikileaks đưa ra.

Đây không phải là lần tiên Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono bị dư luận quốc tế quan tâm với luồng tin tức tiêu cực.

Hồi tháng 10/2010, ông phải bỏ chuyến thăm cấp nhà nước đến Hà Lan để tránh va chạm với tòa án tại đây trong vụ đòi bắt giữ ông.

Khi đó, một nhóm ly khai từ Indonesia đã yêu cầu tòa án Hà Lan ra lệnh bắt ông Yudhoyono vì như họ nói là "vì các vi phạm nhân quyền ở vùng đảo Nam Molucca".

Lúc đó, tổ chức vận động cho Molucca độc lập - RMS - nói thành viên của họ bị bắt tại Indonesia vì "nhảy điệu vũ chiến tranh".