An ninh tại miền Nam Thái Lan ngày càng tồi tệ |
Tác Giả: V.Giang |
Thứ Năm, 10 Tháng 3 Năm 2011 09:10 |
Thành phần phiến quân Hồi Giáo hoạt động bí mật đã mở ra cuộc nổi dậy ở khu vực cực Nam Thái Lan BANGKOK (AFP) - Tình trạng bạo động đang trên đà gia tăng ở các tỉnh cực Nam Thái Lan, theo chính quyền Bangkok, tiếp theo sau một loạt các vụ tấn công bằng súng và bom ở khu vực đa số dân theo Hồi Giáo này. Quân đội Thái Lan xem xét hiện trường một vụ đánh bom tại tỉnh Narathiwat, phía Nam Thái Lan, làm bốn quân nhân thiệt mạng và sáu cảnh sát viên bị thương. (Hình: Madaree Tohlala/AFP/Getty Images) “Tôi phải công nhận rằng tình trạng bạo động đang gia tăng nhưng giới hữu trách nhất quyết có các nỗ lực tối đa để giải quyết vấn đề,” theo ông Tawin Pleansri, tổng thư ký Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, cho báo chí hay. “Rất khó để kiểm soát một khu vực rộng lớn như vậy. Dù rằng các hoạt động của phiến quân có sút giảm nhưng mức độ trầm trọng lại tăng lên,” ông cho hay. Thành phần phiến quân Hồi Giáo hoạt động bí mật đã mở ra cuộc nổi dậy ở khu vực cực Nam Thái Lan, nằm sát với Malaysia, từ đầu năm 2004, khiến hơn 4,400 người, cả Phật Giáo lẫn Hồi Giáo, thiệt mạng. Mức độ bạo động có vẻ gia tăng gần đây, với một loạt các vụ nổ bom, kể cả vụ xảy ra hồi tháng 1, làm thiệt mạng chín người. Một vụ tấn công táo bạo hiếm thấy xảy ra một tuần trước đó, nhắm vào một đồn lính, khiến ít nhất bốn binh sĩ thiệt mạng. Giới hữu trách cho hay phiến quân có vẻ đã đổi chiến thuật, chú trọng vào tấn công gây tổn thất nặng nề hơn. Một lực lượng an ninh khoảng hơn 60,000 người đồn trú ở khu vực này cho đến nay cũng không tiêu diệt được phiến quân và giới chức trách nhiệm nói rằng việc nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến là điều khó xảy ra. Vấn đề này không thể được giải quyết chỉ trong vài tháng, theo lời ông Suthep Thaugsuban, phó thủ tướng đặc trách an ninh quốc gia. Phía chống đối nói rằng chính phủ Thái Lan không chịu giải quyết những oán than của người dân thiểu số theo đạo Hồi, kể cả các lời tố cáo về hành động áp bức của quân đội và những gì bị coi là không tôn trọng bản sắc văn hóa và tôn giáo của họ. |