Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09/03/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09/03/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Năm, 10 Tháng 3 Năm 2011 07:26

 ... trong bối cảnh xã hội ngày càng căng thẳng, chính phủ đang cố tìm lại uy tín với người dân, và việc đó được tiến hành bằng việc bắt đầu mở cửa chính trị, và bằng một cố gắng bé nhỏ của « đồng chí Ôn ».

Người Trung Quốc tìm kiếm « quyền được hạnh phúc »

"Con đường hạnh phúc" vẫn còn xa ! Ảnh chụp ở một vùng
ngoại ô Bắc Kinh ngày 08/03/2011 (Reuters)

Bài diễn văn đọc trước 3000 đại biểu hôm 05/03/2011 của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tiếp tục thu hút sự quan tâm đặt biệt của báo giới Pháp. Nhật báo Le Monde hôm nay dành bài xã luận trên trang nhất bình luận về sự kiện này. Bài viết chạy dòng tít : « Người Trung Quốc trên bước đường tìm kiếm « quyền được hạnh phúc » 

Mở đầu bài xã luận tác giả nhắc lại việc các nhà sáng lập nước Mỹ đã xem quyền được hạnh phúc, quyền được sống và quyền tự do là những quyền « bất khả xâm phạm » của con người. Những quyền này được ghi rõ trong Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ ngày 4/7/1776. Từ đó, tác giả đặt câu hỏi rằng không biết thủ tướng Ôn Gia Bảo có đọc nhiều những tác giả của bản tuyên ngôn này không, để giờ đây, đến lượt mình, ông Ôn Gia Bảo cũng đề cập đến quyền được hạnh phúc của người Trung Quốc. Tác giả khẳng định đây là việc nên chúc mừng ông Ôn Gia Bảo và nên cổ vũ ông vì đã có khái niệm hạnh phúc rộng nhất dành cho đồng bào ông.

Trong diễn văn ngày 5/3, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tổng kết tình hình kinh tế đất nước 5 năm qua và đề ra kế hoạch phát triển cho 5 năm tới. Ông khẳng định việc giới lãnh đạo đã nhất trí chuyển đổi đường lối phát triển kinh tế, đó là sắp tới, Trung Quốc tập trung tái cân đối tăng trưởng bằng cách theo đuổi một mô hình tăng trưởng vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa đẩy mạnh xuất khẩu, trong khi tăng cường bảo vệ môi trường. Đặc biệt chính phủ ưu tiên đấu tranh chống bất bình đẳng xã hội, một vấn nạn đang gây nhức nhối cho xã hội Trung Quốc, bằng việc tăng lương và chống tham nhũng. Như vậy, trong bài diễn văn chính thức này của nhà nước Trung Quốc, đã xuất hiện những khái niệm về hạnh phúc và sự thoải mái của người dân, hơn nữa, những khái niệm này được xem là ưu tiên chính trị.

Tác giả nhấn mạnh sự bất mãn của người dân do những bất công xã hội vốn đang dai dẳng trong đời sống chính trị Trung Quốc hiện tại. Nước này cũng đang bị ảnh hưởng bởi các phong trào nổi dậy của thế giới Hồi Giáo. Từ giữa tháng 2, nhiều lời kêu gọi biểu tình vào ngày chủ nhật đã liên tiếp xuất hiện ở khoảng 10 thành phố lớn.

Cuối cùng tác giả kết luận : trong bối cảnh xã hội ngày càng căng thẳng, chính phủ đang cố tìm lại uy tín với người dân, và việc đó được tiến hành bằng việc bắt đầu mở cửa chính trị, và bằng một cố gắng bé nhỏ của « đồng chí Ôn ».

Xáo trộn trên thị trường năng lượng thế giới

Biến động trong thế giới Hồi Giáo tiếp tục gây bất ổn cho thị trường năng lượng thế giới. Các nước thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu hỏa OPEC thì chưa thống nhất được quyết sách đối phó với tình hình khủng hoảng này. Nhật báo kinh tế Le Figaro phản ánh sự việc qua bài viết : « Khối OPEC làm mưa làm gió trên thị trường dầu hỏa »

Tờ báo khẳng định, những tin đồn về việc ra đi của Kadhafi, những cuộc thương thảo của khối OPEC về khả năng tăng khối lượng khai thác dầu hỏa trong vài tuần tới…, tất cả đều không thể làm hạ nhiệt thị trường năng lượng thế giới. Giá dầu thô ở New York và Luân Đôn đã giảm nhẹ, nhưng Le Figaro đánh giá đó chỉ là nhất thời.

Ả Rập Xê Út, Koweit, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nigeria đều hứa sản lượng với mục đích là bổ sung phần sụt giảm do cuộc khủng hoảng Libya. Thế nhưng, đến nay, chưa một quốc gia thành viên nào của khối OPEC tuyên bố chính thức về khả năng khai thác vượt mức quota.

Hôm qua, nước đang giữ chức chủ tịch OPEC là Iran đã dội gáo nước lạnh lên thị trường dầu hỏa khi một mực cho rằng lo lắng của người tiêu dùng hiện tại chỉ là do yếu tố tâm lý, chứ trên thực tế thì lượng dầu dự trữ và năng suất khai thác dầu hỏa đang ở « mức chấp nhận được ».

Giới doanh nhân lo ngại rằng xung đột ở Libye và một số nước Hồi Giáo khác sẽ phá vỡ quá trình phục hồi của kinh tế thế giới vốn đang diễn ra chậm chạp và khó khăn. Họ cũng lo ngại về « ngày phẫn nộ » được dự kiến diễn ra vào hôm thứ sáu ở Ả Rập Xê Út, bởi nó có thể lại gây thêm rắc rối.

Thế nhưng, Le Figaro cũng nhấn mạnh giá dầu tăng mức chóng mặt chỉ trong vòng 3 tuần ở Hoa Kỳ không chỉ là do chiến sự ở Trung Đông, mà còn đến từ mức cầu đang tăng của một số nước lớn đang trên đà tăng trưởng mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ. Vì thế, sau Ngânhàng Trung ương Châu Âu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất cân đối trong tăng trưởng ở các quốc gia mới nổi. Le Figaro kết luận : cơn sốt giá dầu hỏa sẽ làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát ở những quốc gia này.

Chưa đến lúc đóng cửa tại Guantanamo

Đến với tình hình chính trị Hoa Kỳ, nhật báo Libération thông tin về sự thay đổi lập trường của tổng thống Obama đối với số phận nhà tù Guantanamo. Bài viết mang dòng tựa « Barack Obama tái khởi động cổ máy Guantanamo ».

Tác giả nhắc lại rằng, lúc đặt chân vào Nhà Trắng năm 2009, tổng thống Obama đã gọi nhà tù Guantanamo là « trung tâm tuyển mộ quân khủng bố ». Ông hứa sẽ nhanh chóng « dọn dẹp » và đóng cửa nhà tù đầy thị phi này. Thế nhưng, hai năm sau đó, vị tổng thống này không còn nói đến việc đóng cửa nhà tù nữa, mà chỉ đề cập đến việc « xử lí một cách nhân bản » các tù nhân. Rồi đến thứ hai vừa qua, tổng thống Obama đã chính thức phủ nhận một trong những lời hứa quan trọng của mình với quyết định : Các tòa án quân sự ở Guantanamo sẽ sớm hoạt động trở lại. Hình phạt giam giữ vô thời hạn cũng được ghi rõ trong một sắc lệnh mới ban hành.

Trong số 172 tù nhân ở Guantanamo, có khoảng 40 người không thể đem ra xét xử vì không có tội danh rõ ràng, và cũng không thể được phóng thích vì họ quá nguy hiểm. Họ sẽ bị giam vô thời hạn. Tuy nhiên, họ có quyền có người đại diện và hồ sơ của họ sẽ được xem xét định kỳ 6 tháng một lần. Một hệ thống thẩm tra tư cách sẽ được thành lập, và cứ 3 năm một lần, sẽ diễn ra một đợt thẩm tra tư cách toàn diện.

Phản ứng trước sự kiện này, Đảng Cộng hòa cho rằng điều đó cho thấy chính phủ của tổng thống Bush đã không sai lầm khi cho mở trung tâm giam giữ này.

Tìm hiểu về nguyên nhân chuyển hướng của tổng thống Obama, Libération nhận định, nguyên nhân chính là do dư luận Hoa Kỳ vốn không quan tâm đến vấn đề Guantanamo. Theo các thăm dò về vấn đề này, người dân Mỹ hầu như không còn quan tâm gì đến việc đóng cửa nhà tù Guantanamo. Điều họ lo lắng duy nhất là làm sao giam giữ những tên khủng bố càng xa nơi họ ở càng tốt.

Châu Á, đất lành của ngành giáo dục Đại học ?

Cuối cùng trong lĩnh vực giáo dục, phụ trang Giáo Dục báo Le Monde có bài « Châu Á, thiên đàng của giáo dục đại học ». Bài viết cho biết, Trung Quốc và Singapore đang trở thành điểm thu hút mới của giáo dục đại học thế giới.

Đại học Chicago, một trong những trường đại học danh giá nhất Hoa Kỳ, với 8 giải Nobel và mới rồi là 1 giải Fields Ngô Bảo Châu, vừa mở chi nhánh đào tạo đại học ở Bắc Kinh. Giám đốc trường ông Robert Zimmer khẳng định : « Kế từ đây, cần hiện diện ở đó (Trung Quốc) ». Theo ông Zimmer, từ 7 năm nay, Đại học Chicago đã có một chi nhánh ở Paris. Thế nhưng, hiện tại, trường này muốn có mặt ở Trung Quốc. Đại học Chicago đã chọn Bắc Kinh và đã xây dựng ở đó một cơ ngơi lớn gấp 3 lần so với cơ sở ở Paris.

Le Monde nhắc lại, cách đây 15 năm, giáo dục đại học tập trung mạnh ở Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản. Nhưng kể từ nay, bản đồ khoa học thế giới sẽ đa dạng hơn và sẽ được tái cấu trúc với sự lớn mạnh không ngừng của Châu Á, kế đến là Nam Mỹ với Brazil và các quốc gia Vùng Vịnh.

Một chuyên gia nhận định, hiện tại là khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, Châu Á hiểu rõ rằng sự phát triển từ đây phải thông qua giáo dục đại học và nghiên cứu ; nhiều quốc gia trong đó có Trung Quốc và Singapore đã đầu tư mạnh cho giáo dục, hiện tại họ chưa có giải Nobel nào, nhưng sức nghiên cứu khoa học ở đó đang rất mạnh mẽ.

Le Monde còn thông tin thêm rằng, các trường đại học ở Trung Quốc, Singapore và một vài trường ở Ấn Độ đã thành công trong việc thu hút các nhà khoa học lớn gốc Châu Á trở về phục vụ đất nước. Họ cũng đã thành công trong việc giữ chân được những sinh viên ưu tú nhất.

Ông Arnoud de Meyer, cựu hiệu trưởng trường Thương Mại Cambridge, hiệu trưởng Đại học Quản lý Singapore, cũng nhận định, nếu cách đây 20 năm, những gia đình Châu Á giàu có ở Châu Á tranh nhau cho con đi học ở Mỹ, Úc hay Anh, thì kể từ đây, họ bắt đầu ưu ái một số trường đại học chất lượng cao tại đất nước họ.

Cuối cùng, Le Monde dẫn lại nhận định của bà Susan Hockfield, giám đốc Học Viện Công Nghệ Massachusetts Hoa Kỳ (MIT) cho rằng, Mỹ có nguy cơ mất vị thế thống trị trong khoa học do cạnh tranh thế giới ngày càng khốc liệt, nhất là với Trung Quốc, trong việc thu hút hay giữ chân các nhà nghiên cứu tài năng hay những sinh viên ưu tú. Bà cũng cho rằng, vào năm 2020, trong số 20 trường đại học đứng đầu thế giới, sẽ có 5 trường đến từ đất nước Á Châu này.