Home Tin Tức Thời Sự Nhật chen chân vào thị trường mì gói VN

Nhật chen chân vào thị trường mì gói VN PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Ba, 08 Tháng 3 Năm 2011 11:44

Nissin đã hiện diện tại Đông Nam Á, như Thái Lan và Singapore

 

Công ty Nissin Foods Holdings của Nhật cho biết họ sẽ xây nhà máy mì ăn liền tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong nước, với tổng đầu tư dự kiến đặt khoảng 3.4 tỷ yên (41 triệu đôla).

The Wall Street Journal đưa tin vào ngày 08/03 rằng hãng nổi tiếng với các sản phẩm mì cốc (Cup Noodles), sẽ mở một công ty con 100% vốn và một nhà máy mới tại một khu công nghiệp cách Tp HCM khoảng 35 km về phía bắc.

Thông cáo báo chí của hãng này cũng nói rằng công ty sẽ có kế hoạch đưa nhà máy vào vận hành và cho ra sản phẩm để bán vào khoảng tháng sáu 2012.

Tuy nhiên hãng này không cung cấp chi tiết về mục tiêu doanh số bán hàng.

Nissin đã đặt nhà máy tại các nơi khác ở Đông Nam Á như Thái Lan và Singapore, nhưng chưa có cơ sở sản xuất tại Việt Nam.

Quyết định thâm nhập thị trường Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu tăng khi kinh tế tăng trưởng ổn định và thu nhập người dân tăng lên.

Việt Nam tiêu thụ khoảng 4.3 tỷ mì gói (mì cốc) ăn liền trong năm 2009, là mức cao thứ tư trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản, theo Nissin.

Hiện nay, các nhà sản xuất mì ăn liền lớn tại Việt Nam gồm Vina Acecook, Asian Food, Vifon, Masan, Viet Hung...

Vina Acecook (100% vốn Nhật Bản vào năm 2004 sau khi liên doanh với Vifon hơn 10 năm) được cho là đối thủ đang dẫn đầu và sau đó là Asia Food (100% vốn trong nước).

Xét về nhân khẩu thì Việt Nam cũng là thị trường có nhiều triển vọng với công dân dưới 30 tuổi chiếm khoảng 60% dân số.

Thị trường tiềm năng

Đã có nhà đầu tư phản ứng khá gay gắt, thậm chí có thể dừng đầu tư nếu không xử lý được dứt điểm tình trạng cắt điện đột ngột /Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài

Nissin là công ty Nhật Bản mới nhất thâm nhập thị trường Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tại thị trường nội địa Nhật giảm cũng như có quá nhiều người cao tuổi, chưa kể kinh tế yếu kém tạo áp lực về nhu cầu tiêu dùng.

Trong khi đó chuỗi cửa hàng siêu thị cỡ nhỏ Ministop đã công bố kế hoạch mở một chuỗi cửa hàng tại Việt Nam, với cửa hàng đầu tiên mở tại TP Hồ Chí Minh vào tháng Năm, 100 cửa hàng nữa trong vòng hai năm, và sẽ nâng tổng số lên 500 trong năm năm .

Công ty nước giải khát Sapporo Holdings Co kế hoạch sản xuất và mạng lưới bán hàng trong nước, với một nhà máy mới ở gần thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ cho ra sản phẩm vào năm 2012.

Vào tuần trước một số nhà đầu tư Nhật Bản công khai nêu quan ngại về tình trạng thiếu điện tại nhiều nơi, nhấn mạnh chúng gây ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam, ông Đỗ Nhất Hoàng, một quan chức từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho Báo Đầu tư hay.

Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản, với nhiều người xếp Việt Nam nằm trong nhóm bốn địa điểm đầu tư thuận lợi nhất, “vẫn kêu ca nhiều về tình trạng thiếu điện không được kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất - kinh doanh,” quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

“Đã có nhà đầu tư phản ứng khá gay gắt, thậm chí có thể dừng đầu tư nếu không xử lý được dứt điểm tình trạng cắt điện đột ngột,” ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nói một cách thẳng thắn.