Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07/03/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07/03/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Ba, 08 Tháng 3 Năm 2011 09:02

Theo tờ báo, điều này vừa thiết yếu cho công cuộc hoạch định chính sách kinh tế xã hội, vừa giúp Trung Quốc xóa nhòa hình ảnh một quốc gia thiếu thống kê đáng tin cậy.

Thống kê không xác thực : Mối lo của lãnh đạo Trung Quốc

Cảnh sát canh gác trước nơi họp của Quốc Hội Trung Quốc ở
Bắc Kinh ngày 06/03/2011. REUTERS/David Gray

Cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac phải ra tòa là sự kiện mà báo chí Pháp hôm nay coi trọng nhất, bên cạnh hồ sơ Libya và các láng giềng Ả Rập. Ngoài ra Trung Quốc cũng được đặc biệt quan tâm, với kế hoạch 5 năm (2011-2015) mà Quốc hội nước này sẽ thông qua. Trong tình hình đó, Le Figaro đã nêu bật vấn đề số liệu thống kê không mấy chính xác tại Trung Quốc.

« Trung Quốc muốn bẻ cổ tiếng xấu về thống kê gian dối ». Dưới tựa đề trên đây, nhật báo Le Figaro phân tích cố gắng của giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay để có được những số liệu xác thực về dân số, mà kết quả đợt kiểm tra mới sắp được công bố. Theo tờ báo, điều này vừa thiết yếu cho công cuộc hoạch định chính sách kinh tế xã hội, vừa giúp Trung Quốc xóa nhòa hình ảnh một quốc gia thiếu thống kê đáng tin cậy.

Mở đầu bài phân tích, nhà báo Jean-Pierre Robin so sánh quan điểm của hai lãnh đạo Trung Quốc : đương kim phó chủ tịch nước Lý Khắc Cường, người được cho là sẽ lên thay thế ông Hồ Cẩm Đào kể từ năm 2012, và cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người đã mở cửa kinh tế Trung Quốc.

Đối với ông Lý Khắc Cường, xuất thân là một kinh tế gia, số liệu phải xác thực. Khi khởi động kế hoạch kiểm tra dân số, ông đã yêu cầu là kết quả phải « trung thực, chính xác và đầy đủ ». Theo Le Figaro, đã qua rồi thời kỳ mà ông Dặng Tiểu Bình, khi trả lời một học giả Mỹ về dân số Trung Quốc, đã nói một cách giễu cợt rằng : « Một số địa phương (Trung Quốc) cho rằng tốt nhất là phải có một con số to lớn, một số khác lại suy nghĩ ngược lại ; ai mà biết được sự thật là gì ! ».

Về đợt kiểm tra dân số lần thứ sáu này tại Trung Quốc, lần trước là vào năm 2000, nhật báo Pháp cho biết là nó đã huy động đến 6 triệu nhân viên, và kết quả sẽ được công bố vào tháng tư tới đây. Tác động của công cuộc kiểm tra dân số lần này sẽ rất quan trọng vì nó có thể thúc đẩy Bắc Kinh bãi bỏ « chính sách một con », ban hành từ năm 1979 để ngăn ngừa nguy cơ nhân mãn.

Chính sách này, được cho là đã giảm được 400 triệu trường hợp sinh đẻ trong vòng 30 năm qua, tuy nhiên có thể là nguyên nhân làm cho tỷ lệ sinh sản tại Trung Quốc tuột xuống dưới ngưỡng 1,5%, một tỷ lệ cần thiết để bảo đảm sự kế tục của các thế hệ, nghĩa là giúp cho xã hội khỏi bị lão hóa.

Theo Le Figaro, để có được các số liệu xác thực nhân đợt kiểm tra dân số lần này, chính quyền Bắc Kinh đã cam kết là sẽ không trừng phạt các gia đình không tôn trọng chính sách một con. Đối với với tờ báo, quyết tâm có được những số liệu chính xác, chứ không phải là ‘hợp lòng nhà nước’, đã được thể hiện trong mọi lãnh vực, vì chế độ nhận thức rất rõ các khuyết điểm trong hệ thống thông tin của mình.

Lý Khắc Cường : Các số liệu về GDP không xác tín lắm

Một trong những thí dụ điển hình được Le Figaro nhắc lại là số liệu về GDP của Trung Quốc, công bố mỗi quý một lần, vẫn thường làm cho cả thế giới trầm trồ. Vào năm 2007, khi còn làm Bí thư tỉnh ủy Liêu Ninh, ông Lý Khắc Cường đã công nhận với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc là ông chỉ chú ý đến ba số liệu để đánh giá mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc : « mức tiêu thụ điện, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt và trị giá các tín dụng ».

Đối với ông Lý Khắc Cường : « Các số liệu về GDP do con người lập ra (tức là được chế tạo chứ không phải là được quan sát trực tiếp), do đó không xác tín lắm ». Nhận xét này của nhân vật lãnh đạo tương lai tại Trung Quốc đã được Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh ghi lại trong một bức điện mật được website WikiLeaks tiết lộ gần đây.

Theo Le Figaro, các quan sát viên quốc tế tiếp tục xem xét các số liệu về GDP của Trung Quốc với một con mắt đầy nghi ngờ. Một trong những nguyên nhân là số liệu gọi là hàng quý này chỉ có trên danh nghĩa mà thôi vì cách tính của Trung Quốc khác hẳn với các nước phát triển khác.

Họ tính mức tăng trưởng GDP mỗi quý so với cùng kỳ một năm trước đó, chứ không phải là so với quý trước như thông lệ. Các chuyên gia thống kê Trung Quốc lại không điều chỉnh được số liệu căn cứ vào các yếu tố trồi sụt theo thời vụ, chẳng hạn như các kỳ nghỉ lễ Lao động hay Tết nguyên đán, có thể kéo dài từ 4 ngày đến một tuần lễ tùy theo năm.

Ngoài ra, còn có tình trạng chênh lệch từ 2% đến 3% tùy theo vùng vì các lãnh đạo địa phương muốn thỏi phồng số liệu để lấy điểm, làm cho tỷ lệ tăng trưởng toàn quốc phình lên. Số liệu về lương hướng cũng không xác thực vì lẽ trị giá các loại « phiếu tiêu thụ » được các doanh nghiệp cung cấp cho nhân viên chiếm một phần quan trọng trong lợi tức.

Cơ quan thống kê quốc gia của Trung Quốc cũng không có thông tin về tài sản của mỗi người. Danh sách các tỷ phú Trung Quốc chẳng hạn, đều do các định chế ngoại quốc như Forbes hay Hurun công bố.

Trung Quốc tiết lộ chiến lược phát triển từ đây đến năm 2015

Les Echos dành tít lớn trang nhất cho sự kiện, tóm lược các nét chính : để kinh tế không bị hâm nóng, Bắc Kinh mong muốn tăng trưởng kinh tế ‘chừng mực hơn’, và có chất lượng. Bắc Kinh cũng muốn giảm bất công xã hội từ đây đến năm 2015. Tuy nhiên mở cửa chính trị vẫn không nằm trong chưong trình nghị sự.

Les Echos trở lại bài diễn văn của thủ tướng Trung Quốc trước các đại biểu ngày khai mạc khoá họp, với nhận xét mỉa mai là nếu ai còn nghi ngờ về tính chính đáng của chế độ, thì ông Ôn Gia Bảo đã gián tiếp trả lời với danh sách dài những thành tựu đã đạt được trong kế hoạch 5 năm vừa kết thúc : từ Thế vận hội Bắc Kinh, Triển lãm Toàn cầu Thượng Hải, chuyến bay lên vũ trụ, cho đến tỷ lệ tăng trưởng hàng năm trung bình 11, 2%, viêc xây dựng hàng chục ngàn cây số đường sắt và xa lộ, tạo thêm được 52 triệu công ăn việc làm...

Tóm lại, thông điệp rất rõ ràng như ông Ôn Gia Bảo đã trình bày : những thành công rực rỡ đó chứng minh tính ưu việt của chủ nghiã xã hội với đặc thù Trung Quốc. Và Les Echos ghi nhận chỉ sau khi tự khẳng định tính chính đáng, thủ tướng Trung Quốc mới nói đến những mục tiêu trong kế hoạch 5 năm sắp tới, mà điểm đầu tiên là không hề có mở cửa chính trị, cứ tiếp tục đi theo đường hướng được vạch ra từ 20 năm qua. Tuy nhiên trong chiến lược thuần kinh tế này có mục tiêu cải thiện đời sống người dân.

Nhìn chung theo tờ báo, thủ tướng Trung Quốc muốn đánh vào những bất công xã hội ngày càng sâu đậm ở Trung Quốc, vốn được xem là mối đe doạ chủ yếu đối với sự ổn định của chế độ. Cho nên cần phải cải thiện đời sống nông dân, tăng lương tối thiểu. Thu nhập từ lao động phải được tăng nhanh hơn là từ vốn tư bản. Chiến lược đề ra sẽ dựa trên cột trụ này, và dĩ nhiên còn có việc tăng cường chiến dịch chống ‘thu nhập bất chính’, tức là do tham nhũng.

Les Echos trích dẫn hãng tin Bloomberg, nhìn thấy có cái gì đó mỉa mai khi những lời cam kết trên của thủ tướng Ôn Gia Bảo lại được đưa ra trước một cử toạ mang tính chất tiêu biểu của xã hội Trung Quốc, nơi mà 70 người giàu nhất tập hợp một tài sản lên đến 75 tỷ đô la, trong lúc mà 70 nghị sĩ giàu nhất Quốc Hội Mỹ thì tài sản chỉ độ 4,8 tỷ đô la mà thôi.

Trung Quốc : sau tăng trưởng kinh tế sẽ là phát huy hạnh phúc ?

Nhật báo Le Monde cũng chú ý đến khía cạnh cải thiện đời sống người dân Trung Quốc trong bài báo trang quốc tế tựa đề : « Sau khi tìm kiếm tăng trưởng bằng mọi giá, Bắc Kinh giờ đây muốn ‘hạnh phúc’ cho người dân ».

Theo tác giả bài báo, sở dĩ hai từ ‘hài hoà’ và ‘hạnh phúc’ được nhắc đi nhắc lại hiện nay, đó là để ‘đáp lại’ tình hình xã hội ngày càng căng thẳng, khiến cho chính quyền phải đề cao cảnh giác vào lúc các chế độ độc tài trên thế giới đang gặp sóng gió.

Bài báo nhắc lại là các nhà báo nước ngoài muốn theo dõi các cuộc xuống đường tại Trung Quốc được kêu gọi trên internet, thì đã bị công an mời về đồn từng người một, và bị đe doạ trục xuất một cách thẳng thừng hay gián tiếp.

Cách mạng Hoa lài làm lãnh đạo Bắc Kinh lên cơn sốt

Libération cũng nhìn về phiá Trung Quốc đã nêu lên điểm đang làm chính quyền lên cơn sốt : những lời kêu gọi biểu tình theo gương cách mạng Hoa Lài trên internet. Những người kêu gọi là ai, không ai biết, người đáp ứng xuống đường chẳng thấy bao nhiêu, nhưng công an thì du tăng cường rất đông ở những nơi đươc kêu gọi tụ tập, ở trung tâm các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải... Tờ báo chạy hàng tựa : « Giới ly khai ma làm Bắc Kinh đau đầu ».

Bài báo mô tả cảnh khu phố thương mại ở trung tâm Bắc Kinh hôm qua, không khác gì một thành phố bị bao vây, bị đặt trong tình trạng thiết quân luật : hàng trăm cảnh sát được triển khai dọc theo con đường lớn, ngăn chặn lối ra vào, kiểm tra giấy tờ người đi đường.

Các nhà báo muốn vào khu phố này đều bị đuổi ra, trong số này có phóng viên của Libération. Họ được giải thích rõ ràng là không được hành nghề tại đấy. Theo Libération, chính quyền kiểm soát khá hữu hiệu mạng internet, cho nên người dân Bắc Kinh không hay biết về những lời kêu gọi xuống đường, mà các tác giả bí mật đưa ra, kêu gọi dân chúng phản đối chính quyền bằng cách ‘đi dạo’ mỗi chủ nhật, vào khoảng 14 giờ, tại những nơi nhất định, tại Bắc Kinh, Thượng Hải, cũng như tại 39 thành phố khác. Dù chỉ đi dạo, không mang biểu ngữ, cũng không hô khẩu hiệu, nhưng đã khiến chính quyền lên cơn sốt.

Libération nhắc lại thật ra chưa có một cuộc biểu tình nào lớn, đáng gọi là biểu tình diễn ra cho đến ngày này, và cũng không có gì cho thấy Trung Quốc đã chín muồi cho một cuộc cách mạng, nhưng lực lượng công an và quân đội được triển khai ngày càng đông mỗi chủ nhật bắt đầu làm người dân cảnh giác.

Và theo tờ báo, cũng như để xác nhận nổi lo sợ kỳ lạ của chính quyền bị một phong trào quần chúng làm hụt hẫng, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua quyết định của chính phủ, tăng 13,8% ngân sách an ninh nội chính, vượt hơn cả ngân sách của quân đội.

Pháp : Phiên xử cựu tổng thống Chirac nhiều khả năng bị hoãn

Ông Jacques Chirac phải ra trước toà tiểu hình, là sự kiện sốt dẻo mà các báo hôm nay đặt lên hàng đầu, nhưng chạy hầu như cùng một tựa như ghi nhận của Le Figaro : « Vụ xét xử có khả năng bị dời lại ».

Le Monde cũng cùng quan điểm, cho là phiên tòa có thể không diễn ra, còn La Croix thì dự đoán rằng vụ xử có thể bị dời lại đến nhiều tháng.

Lybia lâm vào nội chiến

Về thời sự thế giới, tình hình Libya và các nước láng giềng Ả Rập tiếp tục là hồ sơ lớn. Các cặp mắt đổ dồn trước tiên về Libya nơi mà « cuộc nội chiến đang diễn ra vẫn ác liệt », một tít trang nhất của Le Figaro, hoặc như hàng tựa của Libération : « Kadhafi phản công ».

Ở trang trong dưới tựa đề « Những người trung thành với Kadhafi phô trương lực lượng », đặc phái viên Le Figaro trong khu vực, tường thuật về những trận phản công hôm qua, với lực lượng của tổng thống Libya sử dụng xe tăng và máy bay tiếp tục tấn công về phiá đông hầu chiếm lại những nơi đã rơi vào tay phe nổi dậy.

Đứng về mặt phương tiện, rõ ràng là quân chính phủ mạnh hơn phe nổi dậy, thế nhưng không dễ dàng đánh bật được lực lượng ‘cách mạng’, vũ khí yếu kém hơn nhưng vẫn cầm cự, không chỉ ở phiá đông mà ở phiá Tây, như ở thành phố Zawiya, chỉ cách thủ đô Tripoli không đầy 50 cây số.

Hiện nay theo Le Figaro, phe nổi dậy đã kiểm soát vùng biên giới với Ai cập. Báo giới nước ngoài hiện nay đã có mặt tại nhiều thành phố mà người nổi dậy đang kiểm soát. Trong mắt Le Figaro, cuộc cách mạng Libya đang chuyển thành một cuộc nội chiến.

Báo Le Monde đã cử đặc phái viên đến vùng phiá Đông Libya và đã tường thuật cảnh chiến tranh thành phố Brega, mô tả một cuộc đối đầu không cân xứng về vũ trang, một bên là không quân oanh kích, một bên có vài chiếc xe khập khiễng, trang bị súng B40, hay súng chống tăng, súng cá nhân là AK.

Lính nổi dậy không thuộc hạng lão luyện, nhưng họ đã tạm thời chiếm giữ được Braga, một thành phố nhỏ nhưng mang tính chiến lược đối với cả vùng phiá Đông Libya, hơn nữa đây là một cảng dầu hoả, có nhà máy lọc dầu, nhà máy hoá dầu.

Obama tiến thoái lưỡng nan trên hồ sơ Libya

Nhìn về tác động của tình hình Libya, Le Figrao nhận thấy là các cuộc cách mạng Ả Rập đang là nổi đau đầu của Tổng thống Mỹ Obama. Ông đang tiến thoái lưỡng nan : ngồi nhìn một cách bất lực lực lượng trung thành với Kadhafi giết hại dân chúng, hay can thiệp quân sự vào một cuộc xung đột đang chuyển thanh nội chiến phức tạp, khó lường ?

Tuần qua, tổng thống Mỹ đã chơi lá bài ngoạn mục, kêu gọi Kadhafi ra đi, ngoại trưởng Clinton không loại trừ bất cứ khả năng nào kể cả thành lập vùng cấm bay. Washington hy vọng là giới thân cận Kadhafi sẽ bỏ rơi ông ta và ngả về theo phe đối lập.

Thực tế lại không diến ra như vậy, và Kadhafi đã phản pháo, làm xáo trộn ván bài và đưa Libya vào cảnh hỗn loạn. Chính quyền Mỹ lâm vào thế kẹt, giữa một bên là ý muốn chấm dứt biển máu, và một bên là nỗi lo ngại bị lún vào một cuộc chiến thứ 3 kéo dài triền miên trên đất Hồi giáo.