Thế giới Ả rập và những tính toán của Washington |
Tác Giả: Thụy My |
Thứ Hai, 07 Tháng 3 Năm 2011 08:52 |
Chính phủ Mỹ cho rằng hoàng gia Ả rập Xê út sẽ tồn tại qua mọi cuộc cách mạng Theo tờ New York Times, thì chính quyền Obama đã phải nhận ra một sự thật phũ phàng : các vị vua có nhiều cơ hội để sống sót trước làn sóng cách mạng, còn các ông tổng thống thì rơi rụng. Thái tử Ả rập Xê út ( phải) và quốc vương Bahrain. / Reuters Tình thế khó khăn của đương kim Tổng thống Pháp, các cuộc cách mạng tại thế giới Ả rập, vấn đề an toàn thực phẩm là những chủ đề chính của các tuần báo Pháp kỳ này. Le Courrier International trích dịch bài báo trên tờ The New York Times mang tựa đề « Thế giới Ả rập và những tính toán của Washington ». Bài viết nhận xét, từ khi có những cuộc nổi dậy ở các nước Ả rập, đã có hai tổng thống bị lật đổ. Còn các chế độ quân chủ trong khu vực có vẻ khó truất ngôi hơn, và Washington đang trông cậy vào họ. Theo tác giả bài báo, thì chính quyền Obama đã phải nhận ra một sự thật phũ phàng : các vị vua có nhiều cơ hội để sống sót trước làn sóng cách mạng, còn các ông tổng thống thì rơi rụng. Trong khu vực đang dậy sóng trải dài từ Maroc cho đến Iran, hai tổng thống đã bị lật đổ. Đó là Zine El-Abidine Ben Ali ở Tunisia, và Hosni Mubarak ở Ai Cập. Các viên chức cao cấp của Mỹ cho rằng tổng thống Yemen Ali Abdallah Saleh đang trong tình trạng ngày càng nguy ngập hơn. Ngược lại, quốc vương của Bahrain, Hamad Ben Issa Al-Khalifa, cho đến nay vẫn chống chọi lại được với làn sóng phản kháng và có được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, cho dù lực lượng an ninh Bahrain cũng sử dụng bạo lực để đối phó với người biểu tình. Hoa Kỳ nghĩ rằng quốc vương Abdallah của Ả rập Xê út khó thể bị mất ngôi, và các Tiểu vương khác ở vùng Vịnh Perxique cũng thế. Tại Jordanie, cho dù có nhiều cuộc biểu tình lớn, quốc vương Abdallah II vẫn xử sự khôn khéo để có thể tại vị. Hiện tượng này khiến cho chính phủ Mỹ gởi những nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm đến để cam kết ủng hộ và tư vấn cho các hoàng gia trong khu vực, kể cả những nước chủ trương cứng rắn ; nhưng lại giữ một khoảng cách trước các tổng thống độc tài, đang phải đấu tranh để duy trì được quyền lực. Nhìn chung, mục tiêu vẫn là lợi ích của nước Mỹ. Một chuyên gia giải thích, các hoàng gia, bằng cách nào đó có thể tồn tại được trước các biến động, chính quyền có thể bị giải tán nhưng vương triều thì không tan rã, tuy nhiều quốc vương đã lãnh đạo các chính phủ cũng trấn áp người dân không thua các vị tổng thống. Các tổng thống Ả rập thường khoe là mình đã được người dân lựa chọn một cách dân chủ, cho dù đa số cuộc bầu cử là gian dối. Nước sơn hợp pháp này đã đã bị tróc đi khi những sự bất bình trong xã hội bùng vỡ. Đa số các tổng thống trong khu vực điều hành các nước đông dân nhất, không có được nguồn lợi dầu hỏa của các vương quốc vùng Vịnh, giúp cho họ có thể xoa dịu nhân dân bằng cách giảm thuế, tăng lương như vua Ả rập Xê út và Jordanie đã làm. Người Mỹ nhìn nhận rằng họ không có chọn lựa nào khác, ngoài việc ủng hộ các nước như Ả rập Xê út, và tình hình có thể thay đổi nhanh chóng. Ví dụ cụ thể là Libya, nơi đại tá Kadhafi – không phải vua mà cũng chẳng phải tổng thống - đã nhanh chóng bị đẩy đến bờ vực. Ngược với cuộc khủng hoảng Ai Cập, lúc đó Tổng thống Obama đã nhiều lần nói chuyện điện thoại với ông Mubarak, thì lần này không có một nhân vật cao cấp nào của Mỹ nói chuyện với ông Kadhafi cả. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thì Ngoại trưởng Hillary Clinton không liên lạc được với người đồng nhiệm Libya do « trục trặc kỹ thuật ». New York Times nhận định, các sự cố này đã không diễn ra với các quốc vương Ả rập, vì ông Obama và bà Clinton vẫn trao đổi thường xuyên với họ. Chính phủ Mỹ cho rằng hoàng gia Ả rập Xê út sẽ tồn tại qua mọi cuộc cách mạng. Quốc vương Abdallah đã loan báo tăng thêm 10 tỉ đô la trợ cấp để giúp đỡ các thanh niên trong việc kết hôn, mua nhà và lập doanh nghiệp. Hoa Kỳ đã khẩn khoản yêu cầu Riyad không cản trở các nỗ lực của vua Hamad để cải cách Bahrain, một đảo quốc nối với Ả rập Xê út bằng một cây cầu và lệ thuộc nhiều vào nước này. Nỗi lo của Ả rập Xê út là thế lực của phe chi-it sẽ tăng lên so với những người lãnh đạo theo hệ phái sun-nit. Phía Mỹ nhấn mạnh đến các nhượng bộ của Bahrain – nơi Đệ ngũ Hạm đội của Hoa Kỳ trú đóng – khẳng định rằng quốc vương và thái tử nước này đang đi đúng hướng khi chấp nhận thương thảo với phe biểu tình. Còn quốc vương Abdallah của Jordanie tỏ dấu hiệu sẵn sàng nhường lại một phần quyền lực cho một chính phủ được bầu lên, hoặc cho quốc hội. Theo các viên chức Mỹ cũng như các chuyên gia độc lập, thì điều này giúp họ có thể tại vị. Hoa Kỳ cũng hy vọng là các vương quốc này cuối cùng sẽ trở thành các chính thể quân chủ lập hiến.
|