Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05/03/2011 |
Tác Giả: Mai Vân | ||
Chúa Nhật, 06 Tháng 3 Năm 2011 09:04 | ||
Vấn đề là trong số này có những loại thiết bị rất nguy hiểm nếu lọt vào tay các thành phần khủng bố. Nguy cơ vũ khí của Kadhafi lọt vào tay quân khủng bố
Báo chí Pháp vẫn dành nhiều trang để theo dõi diễn biến trên bán đảo Ả Rập, và nhất là tình hình chiến sự Libya. L’Humanité chú ý đến giao tranh ác liệt ở miền Bắc, Le Monde nói về thái độ do dự của phương Tây trong việc dùng vũ lực giúp đỡ phe nổi dậy. Còn Libération lo ngại về nguy cơ kho vũ khí của Kadhafi rơi vào tay quân khủng bố. Hiện nay, theo Libération, trước sự tấn công của lực lượng nổi dậy, quân đội Libya đã tháo chạy tại một số nơi , bỏ lại vũ khí của họ. Vấn đề là trong số này có những loại thiết bị rất nguy hiểm nếu lọt vào tay các thành phần khủng bố. Trong bài báo tựa đề « Kho vũ khí Libya : Nguy cơ khủng bố », tác giả bài báo nhìn thấy đây là một mối đau đầu lớn đối với Washington và khối NATO. Một ví dụ điển hình là hàng chục dàn phóng hoả tiễn điạ đối không SAM 7 mà quân đội Libya đã tích trữ từ nhiều năm qua, sẽ có nguy cơ rơi vào tay các nhóm khủng bố đang tiến hành thánh chiến. Chưa gì mà theo Libération, người ta đã thấy một số tên lửa phòng không này trong tay những người nổi dậy, nhưng thường khi thiếu một mảnh, cho nên chỉ sử dụng để phô trương lực lượng mà thôi. Tờ báo nhắc lại là SAM 7 là loại vũ khí phòng không rất lợi hại, có thể dùng để bắn máy bay dân sự. Nó cũng rất dễ sử dụng cho nên rất được các nhóm khủng bố ưa chuộng. Những nhóm thuộc mạng lưới Al Qaeda dứt khoát sẽ tìm để mua. Vấn đề đáng ngại theo Libération, là những kho vũ khí ở vùng phiá Đông Libya, đầy ắp đủ loại vũ khí, không mấy được canh giữ, trong lúc phe nổi dậy cho thấy là họ không khả năng quản lý nó. Libération cũng nhắc lại những mối lo ngại tương tự sau khi Liên Xô rút khỏi Afghanistan. Khi ấy, Washington đã phải chi rất nhiều để thu hồi lại các tên lửa SAM 7 trong tay du kích quân. Libya : Chiến sự vẫn tiếp diễn Libya : trận đánh Ras Lanuf, tít lớn trang nhất của L’Humanité. Đặc phái viên của tờ báo đã đến tận nơi gởi về bài phóng sự, mô tả tình hình tại thành phố phiá Bắc này mà người ta vẫn tưởng là đã rơi vào tay phe đối lập, nhưng thật ra giao tranh giữa hai bên vẫn ác liệt vào hôm qua. Phóng viên l’Humanité đi theo những người trẻ tuổi trong phe nổi dậy và đã gởi về ảnh chụp cảnh họ chống trả quân đội trung thành với Kadhafi chung quanh thành phố Ras Lanuf vào hôm qua. Le Monde cũng nêu bật tình hình chiến sự sôi sục, với việc máy bay của ông Kadhafi oanh kích các vùng phe nổi dậy chiếm đóng ở phiá Đông Libya vào hôm qua. Trong lúc đó thì phương Tây vẫn chưa đồng nhất ý kiến về biện pháp đối phó. Trong một hàng tít trang nhất tờ báo tóm lược tình hình : "Libya xâu xé lẫn nhau, Phương Tây do dự". Theo Le Monde, trước những cuộc phản công của thành phần còn trung thành với tổng thống Libya, lãnh đạo phe nổi dậy đã yêu cầu được hỗ trợ về không quân dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc. Họ cũng yêu cầu thành lập vùng cấm bay. Libya : Hoa Kỳ thận trọng trước khả năng can thiệp vũ trang Paris và Luân Đôn đã đồng ý thành lập một vùng cấm bay như thế nếu ông Kadhafi không chấm dứt cuộc đàn áp, nhưng tại Washington, thì giải pháp này đang gây chia rẽ. Nếu Thượng nghị sĩ John McCain tán đồng, thì ngược lại bộ trưởng quốc phòng Robert Gates chống đối vì theo ông đây là hành động chiến tranh chống lại một quốc gia lớn. Thành lập một vùng cấm bay bắt đầu bằng việc tấn công Libya để phá hủy hệ thống phòng không của nước này. Đây là một chiến dịch phức tạp, và phải được Quốc hội Mỹ cho phép, đồng thời đòi hỏi triển khai lực lượng trên quy mô lớn. Trên vấn đề này, theo nhật báo Libération, điều mà tổng thống Obama muốn, đó là để chính dân Libya một mình đánh đuổi Kadhafi. Tổng thống Mỹ đã kêu gọi tổng thống Libya ra đi, nhưng ông vẫn tỏ thai độ không mấy sốt sắng về một sự can thiệp của nước ngoài, và nhất là Washington không muốn tạo cảm giác là cuộc cách mạng được hậu thuẩn của Hoa Kỳ. Theo Libérartion, kịch bản lý tưởng nhất đối với Washingon, là những nguời thân cận Kadhafi bỏ rơi ông, hay lấy quyết định ám sát ông để giúp Libya lật qua một trang sử mới. Truớc mắt theo tờ báo, hai tuần sau khi thành phố Benghazi rơi vào tay phe nổi dậy, những người này chỉ mới thành lập được một hội đồng quân sự bao gồm 5 sĩ quan, - một tổng tham mưu trưởng, một người phó, và đại diện 3 binh chủng. Quân đội mới cũng đã được thành lập để bảo vệ những vùng mà phe nổi dậy đã chiếm được, tuy nhiên quân số chưa biết là bao nhiều. Theo người phát ngôn lực lượng nổi dậy thì họ bao gồm 60% người tình nguyện và 40% là binh lính thực thụ. Về Châu Á, Tờ Le Monde chú ý đến sự kiện tập đoàn Coca Cola đang bị người dân Ấn Độ kiện vì làm cạn nguồn nước của họ. Trong khi đó, Le Figaro nhìn qua Trung Quốc, với khoá họp thường niên của Quốc Hội khai mạc hôm nay. Tờ báo nêu bật « những nỗi lo ngại của Bắc Kinh vào thời điểm kế hoạch 5 năm mới », tít bài báo trang quốc tế. Trung Quốc : Mối lo ngại lớn về ảnh hưởng của cách mạng hoa lài Mở đầu bài báo, tác giả Julie Desné ở Thượng Hải, nhắc lại là vào thời kỳ cuối những năm 50, Mao Trạch Đông đã thẳng tay đàn áp phong trào Trăm Hoa. Giờ đây, một cánh hoa khác đang làm lãnh đạo Trung Quốc tháo mồ hôi hột trước ngày quốc hội khai mạc. Những thông tin trên mạng kêu gọi thực hiện ‘cách mạng hoa lài’, đã làm không khí vốn căng thẳng vào thời điểm họp thường niên này, căng thẳng hẳn lên thêm một bậc. Tác giả Julie Desné kể lại là mỗi chủ nhật, công an mặc đồng phục và cả thường phục đều tuần tra cẩn mật tại trung tâm Bắc Kinh cũng như Thượng Hải. Và tuần qua thì còn có những đội xe quét đường phố nữa. Đây là những nơi mà người biểu tình kêu gọi tập họp, nhưng quả là một cuộc cách mạng ma, vì công an và báo giới nước ngoài còn đông hơn là người xuống đường. Theo phân tích của bài báo, lãnh đạo Trung Quốc đang bước đi một cách thận trọng, họ không hề muốn là việc chuyển quyền dự kiến cuối năm 2012, bị xáo trộn bởi bất cứ điều gì. Ưu tiên hiện nay là bảo đảm ổn định xã hội cho kế hoạch 5 năm 2011-2015, trong lúc mà nổi bất bình người dân ngày lan rộng : Bất bình trước chênh lệch thu nhập ngày càng cao, bất bình trước nạn tham nhũng, nạn lạm quyền. Trong bối cảnh đó, lạm phát cao đang là mối đau đầu khác đối với chính quyền. Theo Le Figaro, ‘Phát triển hài hoà’, chủ trương của chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ là hướng chính của kế hoạch 5 năm mới mà Quốc hội sẽ thông qua trong kỳ họp này. Và trong đó có vấn đề phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường. Chính quyền Trung ương, đã thấy là sự ổn định gắn liền với kinh tế, cho nên đã muốn tự bảo vệ mình với chính sách tạo điều kiện cho mọi người được hưởng thành quả tăng trưởng. Cuba : Một cuộc cách mạng mới đang manh nha Le Figaro hôm nay cũng nhìn sang Cuba, đang khám phá kinh tế thị trường. Dưới tựa đề ‘cuộc cách mạng mới ở Cuba’, tờ báo nhìn thấy là những biện pháp cải tổ quan trọng đang làm Cuba thay đổi. Thay đổi lớn nhất là hoạt động tư nhân được khuyến khích. Mục tiêu của chính quyền là ít nhất 40% dân chúng làm việc trong lãnh vực tư từ đây đến năm 2020, và đến cuối năm nay, thì khoảng 500.000 công chức sẽ phải ra làm việc bên ngoài khu vực nhà nước. Bài báo mô tả trước tiên nỗi vui sướng của những người tự lập, như trường hợp ông Eduardo, đã về hưu. Ông là cựu chiến binh trong cuộc chiến ở Angola, là phi công dọc ngang bầu trời Châu Phi trong những điều kiện rất là nguy hiểm. Năm 1979, ông đươc chính phủ tặng thưởng cho một chiếc xe hơi, một chiếc Fiat 126, do Ba Lan chế tạo, mà ông ví như ‘một hũ yaourt trên 4 bánh xe. Đây là một quà thưởng rất quý hiếm mà ông nâng niu chăm sóc. Và cũng như tất cả người Cuba, ông tìm cách kiếm thêm chút tiền tiêu, và sử dụng ‘hũ yaourt’ của ông làm taxi. Dĩ nhiên là taxi lậu. Với chủ trương mới, ông Ediard đã sung sướng khoe giấy phép, giờ đây ông đường đường chính chính chở ai ông muốn, và ông đã chở vị khách hàng nước ngoài : đặc phái viên của báo Le Figaro. Phóng viên Le Figaro cũng đã đến một nhà hàng thật sang trọng mang tên Paradar El Garrauje, có nào là hồ bơi, nào là người phục vụ với cổ áo thắt nơ trắng. Nhà hàng mở cửa vào tháng giêng và chủ nhân cũng khoe giấy phép của mình. Ông cho biết chỉ cách đây ba tháng thôi, ông không được phép thuê nhân công. 178 ngành nghề được tự do hoá tại Cuba Theo tờ báo, kể từ đầu tháng giêng nơi cấp giấy phép hành nghề ghi nhận mỗi ngày hơn 3000 đơn xin. Đường phố La Habana đã thay đổi diện mạo : hiệu ăn tư nhân mở cửa công khai đón chào khách, không còn lén lút như trước đây, những cửa hiệu bán CD, DVD cũng vậy, và sao chép đĩa một cách tận tình ! Hiện nay theo Le Figaro, có 178 ngành nghề được tự do hoá tại Cuba, và chính quyền có kế hoạch giảm biên chế, thải bớt 1 triệu công nhân viên nhà nước, 500.000 trong 6 tháng tới đây. Tuy nhiên, theo bài báo, những cải cách trong xu hướng tư nhân hoá này dĩ nhiên có hai mặt. Theo Le Figaro, quy ước xã hội hiện hành cho đến nay tại Cuba rất đơn giản : công việc làm bảo đảm, với đòi hỏi về hiệu quả không cao, đánh đổi lại thì lương rất thấp ; giáo dục, y tế tốt và miễn phí, nhà ở, chuyên chở, lương thực thực phẩm giá rất thấp, hầu như miễn phí, nhưng xã hội bị kiẻm soát rất chặt chẽ. Đứng về mặt kinh tế thì thế cân bằng này không hiệu quả, nhưng dẫu sao nó cũng là một thế cân bằng. Những cải tổ hiện nay sẽ phá vỡ sự cân bằng đó, và có thể dẫn đến nguy cơ xáo trộn xã hội. Le Figaro đã trích dẫn nhật báo Cuba Gramma, cho biết là công an nước này đã phải chuẩn bị đối phó với những hậu quả của những biện pháp kinh tế mới. |