Ngân sách quân sự Trung Quốc tăng trên 12%, gây thêm lo ngại trong khu vực |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Bảy, 05 Tháng 3 Năm 2011 09:39 |
Các vũ khí tối tân mà Trung Quốc đang và sẽ trang bị đều nhằm mục tiêu tấn công.
Hôm nay 4/3/2011, một ngày trước khóa họp thường niên Quốc hội Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh cho biết ngân sách quốc phòng năm nay sẽ tăng thêm 12,7%. Tiết lộ này đã lập tức làm dấy lên nhiều mối lo ngại, đặc biệt từ các nước láng giềng của Trung Quốc. Lực lượng đặc biệt Trung Quốc diễu hành nhân kỷ niệm Quốc khánh. / Reuters Phát biểu với báo chí vào hôm nay, ông Lý Triệu Tinh, nguyên Ngoại trưởng Trung Quốc, hiện là phát ngôn viên Quốc hội, đã cho biết là ngân sách năm 2011 dành cho quốc phòng sẽ được tăng lên thành 601,1 tỷ yuan trong năm nay, tương đương với gần 92 tỷ đô la. Con số này sẽ nằm trong bản báo cáo ngân sách sẽ được Quốc hội Trung Quốc xem xét trong khóa họp mở ra từ ngày mai, 05/03/2011. Dù ngân sách quốc phòng đã tăng vọt như trên, ông Lý Triệu Tinh vẫn khẳng định là Trung Quốc luôn kềm chế chi phí quân sự của mình, cho rằng chi tiêu quốc phòng của nước ông chỉ bằng 6% tổng ngân sách của Trung Quốc mà thôi, « tương đối khiêm tốn » so với phần còn lại của thế giới. Đối với vị cựu Ngoại trưởng, việc Trung Quốc gia tăng ngân sách quân sự không hề đe dọa bất kỳ nước nào. Cho dù vậy, Nhật Bản vào hôm nay đã lập tức tỏ ý lo lắng. Ngoại trưởng Nhật Bản, Seiji Maehara, tại một cuộc họp báo, đã nhận xét rằng 12,7% là một tỷ lệ tăng trưởng chi tiêu quốc phòng rất cao, do đó Nhật Bản bị buộc phải hết sức quan ngại. Đối với Tokyo, vấn đề càng hệ trọng hơn khi chế độ Bắc Kinh nổi tiếng không minh bạch trong vấn đề chi phí quốc phòng. Không chỉ có Nhật Bản, mà nhiều nước khác, từ Hoa Kỳ đến các láng giềng khác của Trung Quốc đều quan ngại trong đó có Ấn Độ. Theo thông tín viên Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, vào hôm nay, ông Lý Triệu Tinh đã đặc biệt ve vuốt New Delhi. Cả Nhật Bản lẫn Ấn Độ đều phản ứng quan ngại, nhưng Bắc Kinh chỉ quan tâm đến việc trấn an New Delhi mà thôi. « Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Ấn Độ để bảo đảm hòa bình tại vùng biên giới hai bên ». Phát ngôn viên khóa họp Quốc hội Trung Quốc đã tuyên bố như trên khi tiết lộ ngân sách khổng lồ dự trù cho quân đội Trung Quốc trong năm nay : 65,6 tỷ euro. Đà gia tăng ngân sách quốc phòng Trung Quốc đã vọt lên trở lại theo tỷ lệ viết bằng hai chữ số, cụ thể là 12,7%, so với vỏn vẹn 7,5% trong năm 2010. Cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới như đang muốn cấp tốc bắt kịp khoảng cách về công nghệ so với Mỹ và Nga, cho dù tỷ trọng chi tiêu về quân sự trong ngân sách quốc gia còn khiêm tốn, ít ra là trên số liệu chính thức. Theo Hoa Kỳ, số liệu chính thức đó chỉ bằng một phần ba chi phí thực thụ. Được tăng trưởng kinh tế kích thích, chương trình hiện đại hóa đạo quân lớn nhất thế giới hiện nay vào tháng Giêng vừa qua, đã được đánh dấu bằng chuyến bay đầu tiên của một chiến đấu cơ tàng hình « chế tạo tại Trung Quốc ». Theo một số chuyên gia Mỹ, quân đội Trung Quốc còn có thể tiếp nhận chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của mình trong năm nay, sớm hơn một năm so với thời hạn dự trù. Đối với giới phân tích, việc ngân sách quốc phòng tăng vọt phản ánh uy lực ngày càng mạnh của quân đội Trung Quốc trên chính trường nước này. Hệ quả, theo chuyên gia Willy Lam thuộc trường Đại học Trung Hoa tại Hồng Kông là Bắc Kinh sẽ khẳng định thêm lập trường của họ trên trường quốc tế và trong lãnh vực an ninh, nhất là đối với Mỹ, Nhật hay Đài Loan. Còn theo ông Rick Fisher thuộc Trung tâm Đánh giá và Chiến lược Quốc tế, vì phải đối mặt với lạm phát trong nước và nhận thức được sự nguy hiểm khi quân đội đi theo phong trào biểu tình như tại thế giới Ả Rập, chính quyền Trung Quốc đã phải tìm cách chiêu dụ quân đội. Trả lời hãng tin Pháp AFP, chuyên gia này kết luận là việc tăng chi tiêu quân sự đã góp phần giúp cho chế độ được "sống còn". Cho đến nay, Trung Quốc luôn cho rằng công nghệ quân sự của họ bị lạc hậu từ 20 đến 30 năm so với Mỹ, và việc họ hiện đại hóa quân đội chỉ có mục đích duy nhất là "phòng thủ". Lập luận này, theo AFP, khó đứng vững vì các vũ khí tối tân mà Trung Quốc đang và sẽ trang bị đều nhằm mục tiêu tấn công.
|