Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04/03/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04/03/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Bảy, 05 Tháng 3 Năm 2011 09:16

 Giai đoạn « đồng thuận » trong đảng Cộng sản TQ đã chấm dứt

Xe cảnh sát trước Đại sảnh đường Nhân dân (Bắc Kinh), nơi sẽ
diễn ra cuộc họp Quốc Hội Trung Quốc, 03/03/2011
REUTERS/David Gray

Theo nhà chính trị học Pháp Matthieu Timmerman, thì giai đoạn đồng thuận trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc nay đã chấm dứt. Giai đoạn đồng thuận, từ năm 1989, có nghĩa là sau cuộc đàn áp Thiên An Môn cho đến thời gian gần đây, dựa trên một chủ trương rất rõ ràng của Đặng Tiểu Bình : cải cách kinh tế, nhưng giữ nguyên hệ thống chính trị.

Dưới tựa đề « Tại Bắc Kinh, một đại lễ chính trị diễn ra trong không khí cực kỳ căng thẳng », Les Echos hôm nay hướng đến sự kiện chính trị thường niên tại Trung Quốc, kỳ họp đầu năm của Quốc hội, tức « Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc », sẽ khai mạc vào ngày mai, 04/03/2011. Les Echos ghi nhận, thay vì khẩu hiệu «hài hòa », được tuyên truyền lâu nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị một khẩu hiệu mới : xây dựng xã hội « hạnh phúc ».Hai biến cố được quan tâm đặc biệt là diễn văn của ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc, với việc thông báo những chủ trương lớn của chính quyền Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 và, biến cố thứ hai là, một chiến dịch chưa từng có mà Bắc Kinh đang tiến hành, để ngăn chặn những ảnh hưởng của Cách mạng Hoa Nhài.

Trên các trang mạng nước ngoài, tràn ngập các thông điệp của các cây bút ẩn danh, có mục tiêu xóa đi hình ảnh về một Trung Quốc đang rơi vào trạng thái mất niềm tin. Riêng tại Bắc Kinh, 500.000 người tình nguyện, thuộc các lứa tuổi, mang băng đỏ, tham gia bảo vệ an ninh. Cảnh sát có mặt tại nhiều ngã tư để ngăn ngừa các cuộc tụ tập đông người, theo lời kêu gọi của các nhà hoạt động Internet. Hơn một trăm nhà đấu tranh dân chủ, mà chính quyền cho là « nguy hiểm », đã bị khống chế. Một số nhà báo nước ngoài bị gây sức ép, hay đe dọa tước visa.

Như vậy, nhân dịp này, công chúng có thể nhận ra sức mạnh của lực lượng an ninh Trung Quốc, mà ngân sách dành cho họ đang không ngừng tăng lên, trong những năm gần đây.

Bên cạnh các biện pháp trấn áp, nhà cầm quyền Trung Quốc cũng tiến hành một chiến dịch tuyên truyền nhằm quyến rũ người dân. Khẩu hiệu « hạnh phúc » đang được giương cao để thay thế cho khẩu hiệu « hài hòa », vì từ « hài hòa » giờ đã mất thiêng. « Hài hòa », đối với cư dân mạng, đã chuyển nghĩa thành hành động kiểm duyệt Internet. Les Echos ghi nhận một sự việc rất đáng ngạc nhiên là, thông báo của China Daily ngày hôm qua, chỉ có 6% người Trung Quốc cảm thấy hạnh phúc, với mối lo ngại lớn nhất là giá cả đắt đỏ.

Chủ trương xây dựng xã hội hạnh phúc của chính quyền Trung ương, như vậy, đã được các chính quyền địa phương tuân thủ. Tỉnh Quảng Đông đã hứa sẽ xây dựng một « Quảng Đông hạnh phúc » trong 5 năm tới. Còn ông Bạc Hy Lai (Bo Xilai), ngôi sao đang lên của đảng Cộng sản Trung Quốc, phụ trách khu tự trị Trùng Khánh, thì cam kết sẽ làm cho dân cư trong khu vực này trở thành những người hạnh phúc nhất nước vào năm 2015, với việc tăng gấp đôi thu nhập của dân cư tại khu vực nông thôn.

Theo Les Echos, đằng sau các từ ngữ đao to búa lớn này, Bắc Kinh đang phải đối mặt với thách thức cân bằng lại các mục tiêu phát triển. Trong những ngày gần đây, chính quyền Bắc Kinh liên tục đưa ra các hứa hẹn cải cách xã hội và môi trường. Ví dụ như : các gia đình thu nhập thấp sẽ được miễn thuế, hay hỗ trợ cho nông thôn …

Một giáo sư kinh tế của Đại học Công nghệ Bắc Kinh hy vọng vào một đường lối mới sẽ được ban hành, trong đó, giới lãnh đạo chú ý nhiều hơn đến các tiêu chí xã hội và năng lực của các công chức, và quan tâm ít hơn đến mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào chính quyền Trung Quốc có thể đưa ra các biện pháp cụ thể để thực hiện được những hứa hẹn kể trên.

Les Echos ghi nhận, cách đây 5 năm, vào lúc khởi đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 11, lãnh đạo Trung Quốc đã từng đề ra chủ trương chỉ giới hạn tăng trưởng ở mức 7,5%, nhưng kết quả là, như ai cũng biết, tỷ lệ này đã vượt quá 10%. Vậy việc nói một đằng làm một nẻo như vậy liệu sẽ tiếp tục tái diễn ?

Giai đoạn đồng thuận trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc đã chấm dứt

Cũng trong số báo này, Les Echos đã phỏng vấn nhà chính trị học Matthieu Timmerman, giảng viên tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh. Ông Matthieu Timmerman là tác giả một bài phân tích về đặc điểm của chế độ chính trị Trung Quốc, có nhan đề « Huyền thoại về sự chuyển hóa dân chủ tại Trung Quốc 1989-2008 ».

Đồng ý với nhà Hán học Jean-Philippe Béja, nhà chính trị học Pháp cho rằng, giai đoạn đồng thuận trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc đã chấm dứt. Giai đoạn đồng thuận, từ năm 1989, có nghĩa là sau cuộc đàn áp Thiên An Môn, cho đến thời gian gần đây dựa trên một chủ trương rất rõ ràng của Đặng Tiểu Bình : cải cách kinh tế, nhưng giữ nguyên hệ thống chính trị.

Mô hình tuyệt đối ưu tiên kinh tế này đã biết đến những thành công lớn cho đến trước Thế vận hội 2008, thời điểm mà nhiều vấn nạn xã hội buộc chính quyền phải quan tâm trước hết đến các biện pháp giải quyết. Nhà chính trị học Matthieu Timmerman cũng lưu ý độc giả đến lối sống hai mặt của chính quyền Bắc Kinh hiện nay. Kể từ năm 1989, chính quyền luôn muốn thể hiện với phương Tây như là một đất nước của « hòa bình » và «cải cách », nhưng thực tế bên trong của nước này là khác hẳn.

Trang nhất các nhật báo Pháp

Với tựa đề « Đại tá Kadhafi phản công trên thực địa và trên các phương tiện truyền thông », nhật báo Le Monde hôm nay chú ý mô tả các trận đánh của quân đội Kadhafi nhắm vào các thành phố do quân nổi dậy nắm giữ.

Libération và Le Figaro tiếp tục chú ý đến vụ tình nghi gián điệp tại hãng xe hơi Renault. Hiện nay các cơ quan điều tra không tìm ra được bằng chứng để chứng minh những người bị tình nghi là các gián điệp làm việc cho Trung Quốc.

Trong khi đó, các nhật báo La Croix, Les Echos và l’Humanité quan tâm đến vấn đề kinh tế Pháp. L’Humanité đặt câu hỏi về bản bản cáo của Cơ quan kiểm tra tài chính công của Pháp, vừa được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Nicolas Sarkozy, về so sánh tình trạng tài chính Pháp-Đức. Còn theo La Croix, trên con đường tìm đến sự thống nhất với Berlin, Thủ tướng Pháp vừa khẳng định, ngày hôm qua, việc xóa bỏ « chế độ miễn thuế cho một số thu nhập cao » (bouclier fiscal) và tiến hành cải cách chế độ Thuế tài sản thừa kế (ISF). Les Echos thì đưa ra các đánh giá đầu tiên về hai kịch bản của cuộc cải cách Thuế tài sản thừa kế.

Libya : Đối mặt với chế độ Kadhafi là một đội quân đủ mọi thành phần

Nhật báo Libération và Le Figaro hôm nay chú ý đến lực lượng nổi dậy đang bị quân đội Kadhafi tấn công tại thành phố Brega. « Đến với những người nổi dậy tại thành phố Brega hoang vắng » là phóng sự của Le Figaro. Năm người trong một đơn vị quân nổi dậy bảo vệ Brega, mà Le Figaro tiếp xúc, vừa mới đăng ký vào quân tình nguyện từ ít ngày nay. Họ nguyên là một sinh viên tiếng Anh, một cầu thủ bóng bầu dục của đội tuyển Libya, một thợ sơn, một tiến sĩ vật lý và một cảnh sát. Họ chỉ biết nhau vừa đúng hai ngày. Vũ khí của họ gồm có một súng trường Klachnikov và một thanh gươm. Tất cả những người này đã đăng ký vào quân tình nguyện tại Benghazi, đại bản doanh của quân nổi dậy, và chỉ trải qua một vài ngày, thậm chí một giờ huấn luyện quân sự. Chỉ duy nhất có một người cảnh sát là một cựu binh, đã từng phục vụ trong lực lượng an ninh đặc biệt của quân đội Kadhafi.

Phụ trách chính về quân sự tại Briga là một viên tướng của quân đội Libya. Với khoảng 2.000 quân trong tay, như ông cho biết, nhưng có vẻ như các lệnh từ người chỉ huy không đến được các lực lượng tại chỗ. Theo nhóm chiến binh năm người kể trên, mỗi nhóm tự xoay xở để chiến đấu độc lập. Quân nổi dậy bảo vệ thành phố đã đẩy lui mười cuộc tấn công, và tiếp tục chờ đợi kẻ thù xuất hiện.

Libération mô tả trận đánh vừa xảy ra, kéo dài từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Quân của Kadhafi đến bằng hàng chục xe tải và xe ca. Dường như không có xe tăng, vì nếu có, thì không biết làm thế nào lực lượng phòng ngự có thể đương đầu được. Libération nhận định, lực lượng tấn công có vẻ không chuyên nghiệp, và không có mục tiêu rõ ràng. Với một lực lượng phòng vệ mỏng manh như vậy tại sân bay Brega, không khó khăn gì mà có thể chiếm được địa điểm chiến lược này. Như vậy, theo nhận xét của Libération, kênh truyền hình Al-Jezira của Qatar có vẻ phóng đại qui mô của cuộc tấn công của Kadhafi vừa qua tại Brega, mà trên thực tế có thể chỉ là một động thái nghi binh. Phần lớn các chiến binh nổi dậy đến mặt trận này, sau khi biết có một tấn công tại đây, thông qua các tin tức mà họ xem được trên truyền hình.

Libya : Người lao động da đen Châu Phi bị phân biệt đối xử

Cũng về cuộc khủng hoảng tại Libya hiện nay, tờ L’Humanité chú ý đến một góc khác : thảm trạng của những người lao động Châu Phi da đen hiện đang bị kẹt tại nước này, bị quên lãng và bị phân biệt đối xử, qua phóng sự gửi về từ Benghazi. Làm việc cho một xí nghiệp xây dựng Thổ Nhĩ Kỹ, lương tháng khoảng 250 euro, nay bị bỏ rơi, một thanh niên đến từ Tchad là Mohammed, không biết làm thế nào có thể trở về nước nhanh chóng. Anh than phiền bị những người Libya, có trang bị vũ khí, cướp lấy tiền bạc. Một công nhân người Soudan thì cho biết, người ta chỉ quan tâm giúp đỡ người phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi và Châu Á, còn dân da đen thì bị bỏ mặc.

Theo L’Humanité, có một quan niệm phân biệt chủng tộc đang được lực lượng nổi dậy truyền bá, theo đó, các lực lượng thân Kadhafi bao gồm toàn lính đánh thuê người Phi Châu da đen, còn giữa người Libya với nhau thì không có chuyện đánh giết.

Pháp : Cải cách chế độ thuế tài sản thừa kế (ISF), một chủ đề gây tranh cãi

Chủ đề cải cách chế độ thuế tài sản thừa kế, hay gọi theo ngôn ngữ chính thức là « thuế đoàn kết đối với tài sản», là chủ đề được nhiều nhật báo Pháp quan tâm hôm nay. Với tựa đề « ISF : chính phủ bảo vệ một cuộc cải cách công bằng, còn cánh tả lên án, đây là một món quà giành cho những người giàu », Les Echos đưa ra các quan điểm khác nhau về chủ đề này.

Theo Thủ tướng Pháp, việc tiến hành cải cách cho phép làm cho chế độ thuế khóa của Pháp và Đức xích lại gần nhau, và tạo điều kiện thuận lợi cho các thế hệ trước có thể truyền lại cho các thế hệ sau, những thành quả lao động của mình. Bộ trưởng Tài chính Pháp ủng hộ « một chế độ thuế tính đến khả năng của những người nạp thuế, đơn giản và có hiệu quả về mặt kinh tế ».

Theo chủ tịch Ủy ban tài chính của Quốc hội Pháp, một cơ quan phản biện chính trong lĩnh vực này, việc nâng ngưỡng tài sản phải đóng thuế lên mức 1,3 triệu euro không nhắm vào chỗ tạo điều kiện cho những người thuộc tầng lớp trung lưu tại Pháp, với tài sản trung bình là 200.000 euro, mà chủ yếu là để ưu đãi những người rất giàu.