Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận ở Trường Sa |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Sáu, 04 Tháng 3 Năm 2011 13:35 |
Trái với lời phản đối suông như của Việt Nam không có tác dụng, Phi Luật Tân đã có hành động cụ thể.
HÀ NỘI (TH) - Bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm Thứ Năm, 3 tháng 3 năm 2011, vừa lên tiếng phản đối Trung Quốc tập trận ở quần đảo Trường Sa. Theo tin của Tân Hoa Xã, vào ngày 25 tháng 2 năm 2011, một biên đội tàu hộ vệ số 8 của Hải Quân Trung Quốc đã tiến hành diễn tập chống cướp biển ở khu vực quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam có chủ quyền. Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết, hôm 2 tháng 3, đại diện cơ quan này đã gặp đại diện của Ðại Sứ Quán Trung Quốc tại Việt Nam phản đối hoạt động này của phía Trung Quốc. Bản tin nói rằng: “Ðại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam nêu rõ việc Trung Quốc diễn tập quân sự ở khu vực quần đảo Trường Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, hoàn toàn trái với Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Viên chức đại diện Bộ Ngoại Giao Việt Nam không thấy được nêu tên “khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và yêu cầu Trung Quốc không có những hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, cùng các nước ASEAN thực hiện nghiêm túc DOC, góp phần gìn giữ hòa bình ở Biển Ðông.” Mới hai tuần lễ trước đây, ngày 17 tháng 2 năm 2011, Việt Nam phản đối Trung Quốc tập trận tại quần đảo Hoàng Sa vào ngày 3 tháng 2 trước đó, với những lời lẽ tương tự. Trái với lời phản đối suông như của Việt Nam không có tác dụng, Phi Luật Tân đã có hành động cụ thể. Hãng thông tấn AP cho hay, vào ngày 3 tháng 3 năm 2011, khi được cấp báo 2 tàu Trung Quốc ra lệnh đuổi tàu khảo cứu và dò tìm dầu khí của Phi Luật Tân hoạt động ở khu vực gần quần đảo Trường Sa, chính phủ Phi đã gửi ngay một chiến đấu cơ và một tàu quan sát đến nơi và hai tàu chiến Trung Quốc đã phải bỏ đi. Nếu như quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nay đã bị Trung Quốc chiếm hoàn toàn, thì quần đảo Trường Sa còn có cả sự tranh chấp với các nước khác trong khu vực như Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei và Ðài Loan. Một trong những nét chính dẫn tới các sự căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền biển đảo trên biển Ðông vì tiềm năng dầu khí rất lớn dưới lòng đại dương ngoài hải sản. Hôm Thứ Tư, báo chí Việt Nam cho hay Hải Quân Vùng II và III của Việt Nam được nâng cấp từ Bộ Chỉ Huy vùng lên thành Bộ Tư Lệnh Vùng. Ðây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam muốn tăng quyền hạn và trách nhiệm cho hải quân các khu vực này và cũng có thể đồng nghĩa với việc gia tăng quân số, tàu chiến để đối phó với tình thế ngày một căng thẳng nhiều hơn trên biển Ðông. Giới phân tích thời sự quốc tế tin rằng, hành đông gia tăng các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc trên biển Ðông sẽ làm cho các nước nhỏ trong khu vực cảm thấy ngày càng bất an. Trong khi vẫn tuyên bố chỉ hành động tự vệ chứ không đe dọa ai, các cuộc thao diễn quân sự qui mô bắn đạn thật của Trung Quốc phối hợp cả chiến hạm, tàu ngầm, máy bay, trong năm qua và đã hai lần trong năm nay ở khu vực các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy một thứ Trung Quốc bá quyền nước lớn đầy tham vọng lãnh thổ dễ nhìn thấy. (TN) |