Phương Tây tìm phương án để yểm trợ phe nổi dậy tại Libya |
Tác Giả: Thanh Phương |
Thứ Sáu, 04 Tháng 3 Năm 2011 13:13 |
NATO không tìm ra được một chiến lược chung trên hồ sơ Libya. Liên minh Bắc Đại Tây Dương dứt khoát loại trừ khả năng can thiệp quân sự trực tiếp và không tính đến một chiến dịch « duy trì hòa bình ». Ngay cả nước Pháp cũng rất ngần ngại vì sợ làm dấy lên phong trào bài châu Âu ở các nước Ả Rập. Bản thân NATO còn rất lúng túng về vấn đề Libya / REUTERS/Yves Herman Trước việc Kadhafi phản công dữ dội, các nước phương Tây đang cố tìm một phương án để yểm trợ phe nổi dậy, nhất là hôm qua (02/03/11), các lãnh đạo phe này đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc cho phép oanh kích vào lực lượng lính đánh thuê châu Phi chiến đấu cho Kadhafi. Nhưng hiện giờ, có thể nói là cả Hoa Kỳ lẫn châu Âu đều rất dè dặt, chưa biết nên chọn phương án nào. Trong cuộc họp ngày hôm qua tại Bruxelles, đại sứ của 28 nước thành viên khối NATO đã không tìm ra được một chiến lược chung. Liên minh Bắc Đại Tây Dương dứt khoát loại trừ khả năng can thiệp quân sự trực tiếp và hiện giờ cũng không tính đến một chiến dịch « duy trì hòa bình » trên lãnh thổ Libya. Đơn giản chỉ là vì một số quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ dứt khoát chống lại phương án này. Ngay cả nước Pháp cũng rất ngần ngại vì sợ làm dấy lên phong trào chống châu Âu ở các nước Ả Rập. Nói chung, ai cũng sợ sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao trầm trọng, đặc biệt do nước Nga đã báo trước là một chiến dịch can thiệp vào Libya sẽ bị xem như là mưu toan của khối NATO muốn kiểm sát vùng Bắc Phi. Về phần Hoa Kỳ cũng rất thận trọng trên vấn đề can thiệp quân sự vào Libya, tuy vẫn nói là « không loại trừ một phương án nào », một khi Kadhafi còn dũng vũ khí để chống lại nhân dân Libya, như lời Ngoại trưởng Hillary Clinton nói hôm qua. Hiện giờ, hai chiến hạm của Mỹ đang đậu ở ngoài khơi Lybia, trong đó có tàu chở trực thăng Kearsarge. Hai chiến hạm này có khả năng yểm trợ cho các chiến dịch nhân đạo cũng như quân sự, nhưng trước mắt, các phương tiện quân sự của Mỹ chỉ được sử dụng vào mục đích cứu trợ nhân đạo. Bản thân Hoa Kỳ cũng phải tính đến phản ứng của khối Ả Rập. Ngoài ra, Washington sợ rằng, về lâu dài, Libya sẽ chìm trong hỗn loạn và trở thành giống như là Somalia, tức là một lãnh thổ không có luật pháp và cũng không có chính quyền, một mảnh đất lý tưởng để Al Qaida hoạt động. Cơn ác mộng ở Somalia cho tới nay vẫn còn ám ảnh tâm trí của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Cũng có người đề nghị nên trang bị vũ khí cho phe đối lập Libya, nhưng cả trong vấn đề này, Ngoại trưởng Clinton cũng rất thận trọng. Theo bà, hiện giờ chưa thể biết được ai là đối lập thật sự, ai là kẻ cơ hội, trong vô số những lực lượng đang chiến đấu chống Kadhafi. Cho nên, giải pháp khả thi nhất hiện nay đó là thiết lập một vùng cấm bay, giống như ở Irak trước đây, để ngăn không cho Kadhafi dùng không quân oanh kích quân nổi dậy và thường dân các vùng giải phóng. Đây là phương án đã được Hoa Kỳ và các đồng minh trong khối NATO thảo luận từ một tuần qua. Sáng kiến này được sự đồng tình của các thượng nghị sĩ Mỹ. Ngay cả Liên đoàn Ả Rập cũng có thể sẳn sàng ủng hộ giải pháp nói trên. Trên lý thuyết, khối NATO có đủ phương tiện quân sự để bảo đảm tuân thủ vùng cấm bay này : máy bay trinh sát Awacs, máy bay tiêm kích, máy bay tiếp nhiêu liệu và radar. Liên minh Bắc Đại Tây Dương cũng có thể sử dụng các căn cứ của Mỹ trên nước Ý. Nhưng thực hiện điều này không phải là đơn giản. Hơn nữa, quyết định lập một vùng cấm bay ở Libya là thuộc về Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Hiện giờ, chưa có nước nào chính thức đề nghị thảo luận về vấn đề này ở Hội đồng Bảo an, mà nếu có được đem ra thảo luận thì chưa chắc sẽ có sự đồng thuận giữa các thành viên của Hội đồng, nhất là giữa các thành viên thường trực.
|