Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02/03/2011 |
Tác Giả: Thụy My | ||
Thứ Năm, 03 Tháng 3 Năm 2011 07:07 | ||
Ấn Độ hiện đang đứng hàng thứ 87/178 trong danh sách các nước tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, sau Brazil và Trung Quốc. Ấn Độ bị tệ nạn tham nhũng làm băng hoại
Liên quan đến châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài viết nói về « Ấn Độ và sự băng hoại do tham nhũng ». Tờ báo cho biết, từ vài tháng nay, đây là chủ đề duy nhất luôn chiếm trang đầu trên báo chí Ấn Độ. Nhiều vụ tai tiếng khiến cho công quỹ bị thiệt hại hàng tỷ euro. Đặc phái viên của Les Echos tại New Delhi điểm qua một số vụ. Trước hết là việc Bộ trưởng Viễn thông Andimuthu Raja cấp giấy phép khai thác dịch vụ điện thoại di động với cái giá rẻ mạt cho các công ty thân hữu, làm thiệt hại cho công quỹ từ 14 đến 28 tỉ euro. Vị bộ trưởng này đã phải vào tù, còn chủ nhân các công ty trên thì đang liên tục bị cảnh sát thẩm vấn. Một vụ nổi đình nổi đám nữa về một tòa nhà tọa lạc ở một khu phố hết sức đắt đỏ của Bombay, được xây trên đất quân đội dành cho vợ góa của các binh sĩ tử trận ; nhưng trên thực tế, thì những người cư ngụ là giới đặc quyền đặc lợi trong quân đội, chính quyền thành phố và các chính khách. Ngoài ra có thể kể các xì-căng-đan chung quanh việc chuẩn bị Đại hội Thể thao Khối Thịnh vượng chung hồi tháng 10 năm ngoái tại Delhi, với các món tiền hối lộ khổng lồ. Phe đối lập đã không ngần ngại gây áp lực tại phiên họp mùa đông của Nghị viện, và đảng Quốc Đại đành chấp nhận thành lập một ủy ban điều tra. Còn Thủ tướng Manmohan Singh thì bị mất uy tín nghiêm trọng, không phải vì ông ăn hối lộ, mà vì ông tạo ra ấn tượng đã bỏ mặc cho nạn tham nhũng hoành hành ở mức độ chưa từng thấy. Các xì-căng-đan trên cũng gây chấn động to lớn trong quần chúng, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu, vì tất cả mọi người đều phải gánh chịu hậu quả của nạn tham nhũng, từ cấp thấp nhất trở lên. Trang web Ipaidabribe.com là nơi để người dân kể khổ : 2.000 rupi (tương đương 32 euro) để khỏi bị cảnh sát bắt sau khi va chạm với xe người khác, 5.000 để được cấp hộ chiếu sau 5 tháng chờ đợi, 250 rupi để làm giấy đăng ký kết hôn, 10.000 để hải quan khỏi tịch thu máy tính xách tay ở sân bay… Chính những người dân nghèo khổ nhất lại bị nhũng nhiễu nhiều nhất : làm bất cứ một thứ giấy tờ gì, nhận được món trợ cấp nào cũng phải chi tiền trà nước. Một cựu giáo sư của đại học Nehru cho biết : « Nếu bạn có chỉ tiêu được 5 ký gạo trợ cấp, thì bạn chỉ nhận được có 3 ký, 2 ký còn lại được bán ra thị trường chợ đen ». Người nghèo bị vòi vĩnh vì họ cô thế, không có khả năng trả đũa. Mallika Sarabhai, vũ công nổi tiếng thường đấu tranh chống tham nhũng nhận định đây là « Tham nhũng trên những người tuyệt vọng », như một người phải chi 100 rupi để bà mẹ đau ốm được nhập viện. Nhưng bà cũng nói thêm là, nếu một anh cảnh sát nhận 200 rupi từ người lái xe, thì cũng đừng quên là anh ta nằm trong số những người lương thấp nhất. Nhìn chung, hiện tượng này mang tầm vóc khổng lồ. Cựu Thủ tướng Rajiv Gahdhi ước tính có đến 85% trợ cấp xã hội – hàng năm lên đến hàng chục tỉ euro – không đến được tay người thụ hưởng. Đó là do Nhà nước thống lĩnh lãnh vực kinh tế, cái gì cũng phải thông qua chính quyền có toàn quyền hành động. Một doanh nhân Pháp cho biết, muốn mở khách sạn cần phải có 140 giấy phép ! Bên cạnh đó là nhu cầu tài trợ cho chiến dịch tranh cử của các đảng phái. Tất cả khiến cho đại biểu dân cử và các viên chức bắt tay với nhau để ăn hối lộ. Theo nhà xã hội học Dipankar Gupta, thì nếu chi 500 rupi cho một viên chức cấp thấp, có thể ông ta chỉ giữ lại có 50 rupi thôi, số còn lại cống nộp cho cấp trên. Ấn Độ hiện đang đứng hàng thứ 87/178 trong danh sách các nước tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, sau Brazil và Trung Quốc. Các công ty nước ngoài hoạt động tại đây cũng phải « nhập gia tùy tục ». Để có được giấy phép xây dựng, khai hải quan hay thương lượng mức thuế, họ buộc phải chi hoa hồng, và nhiều người điều hành công ty đã chọn cách trả tiền trọn gói cho một luật sư hay nhà tư vấn để họ thu xếp giùm, coi như không biết. Tờ báo đặt câu hỏi, liệu cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiện nay có giúp thay đổi được gì không ? Giáo sư Arora đưa ra ba lý do để hy vọng. Trước hết là sự giúp sức của các kỹ thuật mới, chẳng hạn trong việc giúp đưa các món trợ cấp đến tận tay người thụ hưởng không thông qua các cấp trung gian, thứ đến là luật về quyền được thông tin sẽ giúp phơi bày mọi hoạt động của chính quyền, và cuối cùng là sự tích cực của các tổ chức phi chính phủ. Các tổ chức này đang quyết liệt đấu tranh, cùng với báo chí cũng như Tòa Thượng thẩm, tăng cường thúc đẩy các nhà điều tra. Tuy vậy người dân vẫn tỏ ra ngờ vực, họ cho rằng không có chính phủ nào có thể dấn sâu hơn trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, vì tất cả các đảng đều đang được hưởng lợi. Theo ông Dipankar Gupta, thì « Vài cá nhân sẽ bị trừng phạt, nhưng cả hệ thống vẫn còn đó ». Còn bà Mallika cho rằng : « Sẽ không có gì thay đổi, khi mà một viên chức cao cấp không bị buộc phải bồi hoàn số tiền đã tham nhũng, mà điều này thì chưa từng xảy ra ở Ấn Độ ». Trung Quốc : Hai mặt của vấn đề lạm phát Cũng liên quan đến kinh tế châu Á nhưng tại Trung Quốc, Les Echos nhận định Bắc Kinh đã thở phào nhẹ nhõm, vì vẫn kiểm soát được nền kinh tế. Những số liệu thống kê mới nhất cho thấy các hoạt động kinh tế đã có chậm lại, và giá bất động sản cũng đã được ghìm cương. Hôm chủ nhật Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã giải thích, tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc năm 2011 có thể chỉ ở mức 7% thay vì 8% như đã công bố. Từ nhiều tháng qua, Bắc Kinh đã tăng lãi suất và tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Các nhà đầu tư thì lo ngại chính phủ sẽ can thiệp mạnh tay hơn, khi giá tiêu dùng đã tăng 5%, gây khó khăn cho người nghèo vốn dành phần lớn thu nhập cho chi tiêu ăn uống, và giá địa ốc như con ngựa bất kham. Nhưng theo tác giả bài báo, thì tại Trung Quốc, lạm phát không chỉ tiêu cực nhưng còn mang tính tích cực. Tiền lương tăng lên sẽ làm giảm tính cạnh tranh, và như vậy phương Tây sẽ bớt chỉ trích. Đồng thời việc này sẽ làm tăng tiêu thụ, giúp nền kinh tế dựa vào mức cầu nội địa – mục tiêu chủ yếu của chính phủ trong những năm sắp tới. Mọi việc diễn ra có vẻ suông sẻ với các toan tính của Bắc Kinh nhằm ổn định tỉ lệ lạm phát ở mức hơi thấp hơn nhịp độ hiện nay một chút. Không quá cao để đỡ gây sốc cho các địa phương vốn đang đối mặt với các món tín dụng khổng lồ, mà cũng không quá thấp, tức là khoảng 4%. Đây là tỉ lệ mà kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế đề nghị cho các nước phát triển vào năm ngoái. Tác giả nhận xét, cho đến nay chưa có nước nào thành công trong việc kìm chế lạm phát ở biên độ dao động cao như thế. Tuy vậy, đừng quên rằng Trung Quốc cũng đã giữ được tỉ lệ tăng trưởng 10% trong suốt ba thập kỷ qua… Áp lực quốc tế về mặt tài chính lên ông Kadhafi Quay lại với tình hình Libya, các nhật báo Pháp hôm nay chạy nhiều tựa khác nhau. Le Monde nhận xét « Phương Tây chia rẽ về phương cách làm đại tá Kadhafi phải quy phục ». Trong khi Washington triển khai quân ở cạnh Libya, nhưng khó thể áp đặt được vùng cấm bay, thì châu Âu đặt vấn đề về một hội nghị thượng đỉnh. « Tripoli : Trò bịp lớn của Kadhafi » tựa trên trang nhất của Le Figaro, và ở trang trong, nhật báo cánh hữu đăng bài phóng sự ở tâm điểm nơi cố thủ cuối cùng của chế độ, đang bên bờ vực hỗn loạn. Đặc phái viên của nhật báo cộng sản L’Humanité tại Benghazi nêu ra quyết tâm của những người tình nguyện đang chuẩn bị trận sống mái cuối cùng với phe dân quân theo Kadhafi, là « Chính chúng tôi sẽ giải phóng Tripoli ». Trong các khía cạnh mà các báo Pháp mổ xẻ, có vấn đề áp lực của quốc tế về mặt tài chính lên ông Kadhafi và những người thân cận. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp cho rằng, cần bảo đảm sao cho thu nhập từ dầu lửa không đến được tay ông Kadhafi, và ông ta không thể bán được các tài sản nhẩt là cổ phiếu, để trả cho đội quân đánh thuê. Nhưng một chuyên gia về vấn đề rửa tiền nhận xét, việc này không thể thực hiện được một khi công nghiệp dầu lửa Libya chưa được quốc hữu hóa. Và hoạt động tài chính thì rất phức tạp. Rất có thể ông Kadhafi là cổ đông của một công ty, công ty này có phần hùn trong một quỹ đầu tư, quỹ này lại hiện diện trong nhiều quỹ khác ở nhiều nước khác nhau chẳng hạn, cái tên Kadhfi chỉ nằm trong số các cổ đông thứ yếu, và như thế các biện pháp trừng phạt chỉ có thể có tác dụng hạn chế. Tạm thời, các chính phủ tấn công vào các tài sản hữu hình đã biết rõ. Ngân hàng Trung ương Áo hôm thứ hai loan báo đã phong tỏa 1,2 tỉ euro của Libya, Đức đóng băng hai triệu euro của một con trai ông Kadhafi. Nhà xuất bản sách giáo khoa lớn nhất thế giới của Anh Pearson cũng phong tỏa các cổ phần của Libya. Theo tờ Telegraph, thì ông Kadhafi có đến 32,2 tỉ euro tiền mặt chủ yếu cất giữ tại Anh quốc, và một ngôi nhà trị giá đến 11,7 triệu euro tại đây. Còn Ý cũng dự định phong tỏa phần hùn của Libya trong các ngân hàng, công ty hàng không, dầu hỏa, viễn thông, hàng hải, bóng đá…Chính phủ Pháp kêu gọi các công ty tài chính báo cho cơ quan chống rửa tiền tất cả những dấu hiệu đáng ngờ. Còn Thụy Sĩ, Hoa Kỳ thì đã nhanh chóng phong tỏa tài sản của Libya, trong đó riêng tại Mỹ ước tính tối thiểu là 30 tỉ đô la. |