Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01/03/2011 |
Tác Giả: Mai Vân / Minh Anh | ||
Thứ Tư, 02 Tháng 3 Năm 2011 07:10 | ||
Ả Rập Xê Út có thể sẽ có những phản ứng mạnh, nếu như có những ý định thay đổi chế độ tại Barhain
Trả lời phỏng vấn Le Monde, ông Laurence Pope, cựu cố vấn Đại sứ quán Mỹ tại Tripoli, cho biết : Hoa Kỳ rất quan ngại về an ninh trước làn sóng nổi dậy của thế giới Ả Rập trong thời gian vừa qua. Theo ông Pope, các cuộc nổi dậy này đã làm thay đổi hình mẫu vốn có trong vùng. Nếu như trước đây, mối đe dọa đối với Mỹ đến từ Iran, và từ nhóm Huynh đệ Hồi giáo ở Ai Cập, thì nay nó dịch chuyển về phía các nước thuộc khối Ả Rập. Theo ông, có hai vấn đề Mỹ lo ngại nhất. Thứ nhất là, sự sụp đổ của chế độ quân chủ tại Bahrain có thế dẫn đến sự can thiệp quân sự của Ả Rập Xê Út, mà hậu quả sẽ khôn lường. Ông Laurence Pope nhận định : « Vương quốc này với đa số dân chúng thuộc hệ phái Shia giữ một vị trí then chốt rất quan trọng của vùng Vịnh. Vì cuộc nổi dậy chống lại sự cai trị của nhà vua Hamad Al-Khaliphay thuộc hệ phái Sunni rất mạnh, còn mạnh hơn cả cuộc nổi dậy tại Yemen. Ta có thể mong rằng chính quyền Barhain sẽ đạt được một thỏa thuận với những người thuộc hệ phái Shia, những người này phần đông là những người theo thuyết cách tân Kitô giáo, chịu ảnh hưởng bởi các trào lưu trung dung. Vấn đề đặt ra là, Ả Rập Xê Út có thể sẽ có những phản ứng mạnh, nếu như có những ý định thay đổi chế độ tại Barhain. Nếu như chế độ này không còn giữ được ảnh hưởng chính trị, tệ hơn nữa nếu như nó bị sụp đổ, có lẽ Ả Rập Xê Út sẽ có những hành động can thiệp quân sự . » Nguyên nhân của hành động can thiệp quân sự này chính là vì, Ả Rập Xê Út đang cai quản một vùng dân cư theo hệ phái Shia nằm sát biên giới với Barhain. Họ không muốn làn sóng nổi dậy này sẽ lan sang nước họ. Hơn nữa, điều quan trọng hàng đầu là, sắp tới đây Hạm đội 5 của Mỹ hiện đang neo tại Barhain sẽ rời vùng Vịnh. Điều này gây lo ngại cho các nước quân chủ là họ phải đối đầu với Iran trong sự đơn độc. Khả năng Ả Rập Xê Út can thiệp vào Barhain sẽ mang lại nhiều phiền phức cho Washington, do việc các nước thuộc thế giới Ả Rập dính liền với Hoa Kỳ : « Washington có thể sẽ rơi vào thế kẹt giữa hai hay nhiều đồng minh ; giữa thiện chí đồng hành với các thay đổi để không bị mất chân tại Trung Đông và một chính sách chính trị thật sự theo định hướng phòng giữ sự cân bằng tại vùng Vịnh ». Vì vậy, nếu như Mỹ không ngăn chặn được Riyad hành động, nếu dân địa phương cho rằng Mỹ bị tê liệt trong khu vực, thì các sự kiện sẽ chuyển biến nhanh hơn và khuynh hướng rơi vào hỗn loạn tăng lên rất mạnh. Vấn đề thứ hai mà Mỹ quan tâm chính là sự hỗn loạn tại Libya hiên nay. Theo ông Pope, sự tan rã của chính quyền Libya sẽ được Kadhafi tận dụng nhằm chia rẽ đất nước thành nhiều vùng. Ông ta tận dụng tối đa bối cảnh này để thực hiện chia vùng và chia bộ tộc và ngăn chặn sự phát triển các thể chế quốc gia. Điều gì sẽ xảy ra nếu như một nước không những không có được khuôn khổ của một quốc gia, mà lại cũng không có một chút cảm giác mình thuộc một cộng đồng nào ? Theo ông Pope, đây chính là mối đe dọa bùng nổ tại các vùng đối nghịch nhau. Đất nước Libya có nguy cơ trở thành một nước Somalia thứ hai nằm bên bờ Địa Trung Hải. Washington thúc đẩy hành động quân sự chống Kadhafi Trang nhất tờ Figaro hôm nay chạy hàng tít lớn « Washington thúc đẩy hành động quân sự chống Kadhafi ». Hàng tựa này nêu bật thái độ quan ngại của Hoa Kỳ trước các diến biến dồn dập tại Libya và vùng Trung Cận Đông. Thái độ của Mỹ cũng được nhiều tờ báo khác tại Pháp chú ý, đặc biệt là Le Monde. Le Figaro ghi nhận : Mỹ muốn hạ bệ ông Kadhafi và không loại trừ biện pháp nào để có thể đạt được mục đích này, kể cả việc thiết lập vùng cấm bay cho phép ngăn không cho chế độ Kadhafi sử dụng không quân đàn áp dân chúng. Đây chính là thông điệp mà bà Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton đã gửi đến cộng đồng quốc tế ngày hôm qua, cho thấy rõ lập trường kiên quyết của chính quyền Mỹ đối với ông Kadhafi. Trước đó, bà Clinton đã tố cáo trước Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc về việc ông Kadhafi đã sử dụng lính đánh thuê và các băng đảng để đàn áp những người biểu tình. Bà đồng thời kêu gọi ông Kadhafi là phải từ chức ngay lập tức. Mỹ cho rằng việc họ triển khai một vài đơn vị không quân và hải quân gần Libya chỉ nhằm mục đích cô lập Kadhafi và ngăn chặn nguồn viện trợ của ông ta. Theo bà Clinton, việc thiết lập vùng cấm bay chỉ là một trong những biện pháp hỗ trợ thêm cho lệnh trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc đã thông qua bao gồm lệnh cấm vận vũ khí, phong tỏa tất cả tài sản của nhà độc tài trị giá khoảng 30 tỷ đô-la và lệnh cấm cấp visa. Ngoài ra, Mỹ dự định phối hợp nỗ lực với Châu Âu, tác nhân chính trong vấn đề Libya, cũng đã xem xét chế độ trừng phạt Kadhafi ngày hôm qua. Bên cạnh đó, theo Le Figaro, bà Clinton đã không giấu diếm, khi cho biết rằng Mỹ cũng nghĩ đến thời kỳ ‘'hậu Kadhafi'’, kêu gọi người Libya xây dựng một chính quyền trên tinh thần tôn trọng quyền lợi của người dân. Họ cũng để ngỏ khả năng cho ông Kadhafi lưu vong. Một số Nghị sĩ Cộng Hòa và Dân chủ Mỹ đang thúc đẩy chính quyền cung cấp vũ khí cho phe đối lập và thiết lập vùng cấm bay. Tuy nhiên, chính quyền Hoa Kỳ hiện cảm thấy rằng việc thiết lập vùng cấm bay thường gặp khó trong liên hệ giữa các lực lượng có tính chất quyết định và chứa đựng nhiều rủi ro. Theo quan điểm của người Mỹ, thì Châu Âu phải đi đầu trong vấn đề Libya. Mặt khác, một cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc có lẽ sẽ rất cần thiết, vì Trung Quốc và Nga có thể sẽ sử dụng quyền phủ quyết của mình. Cải tổ chính phủ Pháp : Alain Juppé cứu tinh của Nicolas Sarkozy ? Về cuộc cải tổ nội các Pháp chủ nhật vừa qua, các tờ báo chú ý trước tiên đến vị tân Ngoại trưởng Alain Juppé. Đối với La Croix : « Ngành ngoại giao Pháp đang tìm một hơi sức mới », tít lớn trang trong, sau những vụ tai tiếng, với vị tân bộ trưởng mang trọng trách định lại hướng đi cho ngành ngoại giao, trước những diễn biến tại thế giới Ả Rập. Tờ Le Monde cũng nhắc lại rằng, ông Alain Juppé được giao nhiệm vụ chỉnh đốn lại một ngành ngoại giao bị mất uy tín. Đối với Le Monde, ông Alain Juppé cũng trở thành cái phao cứu vớt vị tổng thống đang trôi dạt. Nhìn chung, báo giới Pháp nêu bật là, với việc cải tổchính phủ hôm Chủ nhật, ông Sarkozy hy vọng chinh phục lại dư luận Pháp, khi mà điểm uy tín của ông xuống rất thấp, vào lúc chỉ còn 15 tháng nữa là đến ngày bầu lại tổng thống. Tuy nhiên, các tờ báo tỏ ra không mấy tin tưởng về hiệu quả mà tổng thống Pháp có thể giành được. Le Monde ghi nhận trong hàng tít trang nhất : « Sự vươn lên trở lại khó khăn của tổng thống Sarkozy ». Tờ báo nhắc lại là, ông Sarkozy buộc phải thay đổi 3 bộ trưởng quan trọng hàng đầu. Le Monde còn nêu bật tâm trạng hoang mang của những người ủng hộ đảng cầm quyền UMP, cũng như những nghị sĩ phe đa số trong Quốc Hội, khi chỉ còn 15 tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống ở Pháp. Libération cũng cùng nhận định, và tự hỏi trong hàng tựa lớn trang nhất : « Bầu cử tổng thống : nếu không phải là ông ? », bên cạnh có ảnh vẽ ông Sarkozy vẻ mặt tiu nghỉu. Tờ báo thiên tả nhận thấy là, cho dù đã có cải tổ hôm chủ nhật, nhưng cánh hữu bắt đầu hoài nghi về ông Sarkozy. Tờ báo cũng nêu tên những người đang chực sẵn : từ thủ tướng Fillon cho đến cựu thủ tướng Villepin… và nhất là ông Juppé, vị bộ trưởng đang lên. Theo Libération, lần đầu tiên các dân biểu đảng cầm quyền UMP đã gợi lên khả năng chọn một ứng cử viên khác đại diện phe đa số cho cuộc bầu cử vào năm 2012. Với uy tín ông Sarkozy ở mức rất thấp (theo kết quả thăm dò thực hiện hai ngày 17 và 18/02, 66% người Pháp không tin tưởng ông Sarkozy), vào lúc cuộc bầu cử địa phương sẽ được tổ chức vào hạ tuần tháng 3 này (ngày 20 và 27), các ứng cử viên đảng UMP lo ngại về nguy cơ thất bại hầu như thấy trước. Chẳng những thế, họ còn lo cho cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 9 tới đây, vì sự mất tin tưởng của dân chúng đối với tổng thống sẽ ảnh hưởng đến cánh hữu nói chung. Tưởng nhớ nữ minh tinh Annie Girardot Báo chí Pháp hôm nay nhất loạt tưởng niệm nữ diễn viên điện ảnh Annie Girardot, qua đời hôm qua thọ 80 tuổi. Dù không nổi tiếng nhiều như Brigitte Bardot hay Catherine Deneuve, những tên tuổi nổi bật cùng thời trong nền điện ảnh Pháp, nhưng Annie Girardot cũng đã từng ghi đậm dấu ấn của mình trong lòng người Pháp. Tài năng diễn xuất của Annie Girardot đã được công nhận với 3 giải César về Nữ diễn viên điện ảnh xuất sắc (1977, 1996, 2002), và hai giải Molière dành cho diễn viên sân khấu lỗi lạc, đặc biệt là Giải Molière danh dự năm 2002 khen tặng toàn bộ sự nghiệp của bà. Lẽ dĩ nhiên là báo chí Pháp đã nhấn mạnh rất nhiều đến tài năng của người quá cố, tuy nhiên mỗii tờ lại chú ý đến một khía cạnh đặc thù. Với hàng tựa « Annie Girardot, một tài năng sẽ được ghi nhớ », nhật báo Libération như muốn gợi lại căn bệnh mất trí nhớ Alzheimer mà nữ diễn viên đã phải chịu đựng vào lúc cuối đời và đã dũng cảm thừa nhận những khi tỉnh trí. Le Figaro thì chú ý đến nguồn gốc bình dân của cô khi chạy tựa « La môme Giardot » (Cô bé ranh mãnh), lấy lại một biệt danh từng được tặng cho nữ ca sĩ Edith Piaf cũng cùng xuất thân từ giới bình dân Paris. Chính đạo diến tên tuổi người Pháp Claude Lelouch đã gọi Annie Giardot là ‘‘Nhân vật Piaf của nền điện ảnh’’. Đối với Le Figaro, « Với tính khí vừa bốc lửa, vừa dễ bị trầm cảm, cô là một con người hết mình lao vào cuộc sống. Cô thấy rằng cuộc sống là ‘một trò vớ vẩn’, nhưng cô đã nắm lấy nó không một chút gian lận ». Riêng La Croix thì nhấn mạnh đến tính chất nổi loạn của Annie Giardot khi mệnh danh cô là một « Antistar » (Phản minh tinh), thường thủ vai những phụ nữ « tính tình cứng rắn, bất khuất, gần gụi với người khác và với thời đại của mình, mong muốn thoát ly. » Khi viết hàng chữ trên, có lẽ La Croix liên tưởng đến bộ phim "Mourir d’Aimer" (Chết Cho Tình Yêu), của đạo diễn André Cayatte vào năm 1970, trong đó Annie Girardot thủ vai chính. Bộ phim kể lại câu chuyện bi thương của một cô giáo cấp 3, 32 tuổi, đã bất chấp áp lực của xã hội, để yêu một cậu học trò trẻ mới 17 tuổi. Bị bố mẹ cậu ta và xã hội chống đối mãnh liệt, cô giáo này đã phải quyên sinh. Bộ phim đã được trình chiếu năm 1970 tại Sài Gòn, và đã từng khiến dư luận xôn xao tại Pháp, châu Âu hay Hoa Kỳ. |