Home Tin Tức Thời Sự Chiến lược “Trung Quốc hóa” của Best Buy

Chiến lược “Trung Quốc hóa” của Best Buy PDF Print E-mail
Tác Giả: Kiều Tỉnh   
Thứ Hai, 28 Tháng 2 Năm 2011 10:41

 Cuộc chiến tranh giá cả thực sự làm cho Bestbuy gặp khó khăn.

Việc Bestbuy đột nhiên tuyên bố “đóng cửa và rút hết các cửa hàng bán lẻ ở Trung Quốc” kể từ ngày 22/2/2011 đã khiến công chúng Trung Quốc sững sờ và ngạc nhiên. Nhưng thực ra, đây chỉ là chiến lược “Trung Quốc hóa”.

 Bestbuy là tập đoàn bán lẻ đồ điện gia dụng, máy móc điện tử như TIVI, máy tính, thiết bị băng đĩa hình quy mô lớn của Mỹ.

 Năm 2006, Bestbuy bắt đầu xâm nhập vào thị trường máy móc thiết bị gia dụng Trung Quốc với việc mua lại “Công ty điện khí gia dụng Ngũ Tinh” ở Giang Tô. Sau đó, Bestbuy phát triển, hình thành mạng lưới bán lẻ hàng điện tử gia dụng tại Trung Quốc với hàng chục cửa hàng rải rác ở các tỉnh.

Khi đó Bestbuy được dân chúng Trung Quốc rất hâm mộ và đánh giá là hãng bán lẻ tốt nhất ở Trung Quốc với dụng cụ, thiết bị, hàng điện tử chất lượng cao, giá phải chăng, thái độ và công tác phục vụ khách hàng rất tốt, nhất là dịch vụ chăm sóc khách hàng hậu mãi.
   
Bestbuy tượng trưng cho cửa hàng bán lẻ mẫu mực ở Trung Quốc và ăn sâu vào lòng người. Nhiều người luyến tiếc việc Bestbuy ra đi. Tờ “Bắc Kinh buổi sáng”  dẫn thông báo của hãng cho biết nguyên nhân Bestbuy đóng tất cả các cửa hàng ở Trung Quốc là do “Phương thức kinh doanh của hãng không còn phù hợp với mô thức hiện nay ở Trung Quốc”.

Ngoài ra, việc đóng các cửa hàng nhằm đối phó với khó khăn tài chính của hãng hiện nay cũng tiết kiệm chi tiêu và giữ vốn để chờ thời cơ.

Thông báo cho biết Bestbuy trước tiên đóng cửa 9 cửa hàng trong đó có 6 cửa hàng ở Thượng Hải, 2 cửa hàng ở Hàng Châu và Tô Châu. Những cửa hàng khác tiếp tục đóng cửa trong mấy ngày sau.

Bestbuy tuyên bố sẽ bồi thường cho các nhân viên cửa hàng và tiếp tục dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng như những giao dịch còn dang dở. Ông Đường Tư Kiệt, Giám đốc của Bestbuy ở Trung Quốc nói: “Bestbuy sẽ xem xét lại phương thức kinh doanh của mình. Phương thức này hiện không còn phù hợp ở Trung Quốc”.

Tờ “Bắc Kinh buổi sáng” dẫn phân tích của các nhà kinh doanh Trung Quốc cho rằng phương thức kinh doanh của Bestbuy từ trước tới nay là “tiền trao cháo múc”, tức thanh toán tiền mặt mới giao hàng chứ không thanh toán trả chậm, thanh toán theo séc và thông qua tài khoản ở Ngân hàng. Phương thức này thực sự có nhiều bất tiện so với các công ty của Trung Quốc.

 Ngoài ra, thời gian qua ngành điện gia dụng của Trung Quốc có bước tiến nhảy vọt, chất lượng ngang ngửa với hàng ngoại, phương thức thanh toán giản tiện, chăm sóc khách hàng chu đáo và điều quan trọng là giá rẻ hơn nhiều. Cuộc chiến tranh giá cả thực sự làm cho Bestbuy gặp khó khăn.

Ông Lưu Bộ Trần, một chuyên gia về bán lẻ ở Trung Quốc cho rằng để giành giật thị trường, hiện các công ty đều thực hiện chiến lược lập nhiều “cửa hàng liên hoàn khép kín đa cấp”, tức kinh doanh nhiều mặt hàng theo nhu cầu của khách hàng. Xét theo ý nghĩa này thì Bestbuy thực sự không bằng các công ty bán lẻ bản địa phương và nhiều công ty nước ngoài khác hiện nay trên thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, tờ “Bắc Kinh buổi sáng” cho rằng đóng các cửa hàng ở Trung Quốc là một biện pháp khôn ngoan của Bestbuy.

Phó Tổng giám đốc toàn cầu của Bestbuy tiết lộ:  “Rút khỏi Trung Quốc không có nghĩa là vĩnh viễn ra đi. Bestbuy sẽ trở lại khi cần thiết”.

Tờ báo cho biết tuy đóng tất cả các cửa hàng, nhưng Bestbuy đã giao lại toàn bộ công tác kinh doanh cho Công ty điện Ngũ Tinh của Trung Quốc, đối tác chiến lược của Bestbuy từ lâu nay.

Ngũ Tinh sẽ tiếp tục bán đầy đủ các mặt hàng của Bestbuy như trước đây. Ngoài ra, Bestbuy hỗ trợ Ngũ Tinh mở thêm 50 cửa hàng bán lẻ và bổ nhiệm ông Vương Kiện, Chủ tịch HĐQT của Ngũ Tinh, làm Phó Tổng giám đốc Bestbuy trên phạm vi toàn cầu.

Tới năm 2012, số lượng cửa hàng bán lẻ của Ngũ Tinh sẽ tăng lên tới 210 cửa hàng rải khắp Trung Quốc để tiêu thụ hàng hóa của Bestbuy. Bởi vậy, trên thực tế Bestbuy đã thực hiện chiếc lược “Trung Quốc hóa”. Dù không có mặt trên thị trường Trung Quốc, nhưng hàng hóa của Bestbuy vẫn được tiêu thụ như trước. Chiến lược này vừa tiết kiệm được chi tiêu mà vẫn tiêu thụ được hàng hóa.