Đức Cha Hoàng Đức Oanh và Giáo Phận Kontum |
Tác Giả: Nguyễn Đức Tuyên |
Thứ Bảy, 26 Tháng 2 Năm 2011 19:27 |
Chúng tôi được tin, vào đầu tháng 3 năm 2011 này, Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh sẽ tới Hoa Kỳ Trên tờ bìa Diễn Đản Giáo Dân số 110 & 111 tháng 1 & 2 năm 2011, có đăng một ngôi nhà thờ có dáng kiến trúc lạ mắt. Nhìn bề ngoài, người ta dễ liên tưởng đến một ngôi nhà rông của đồng bào Thượng. Đến với nhiều nhà thờ ở Kontum, du khách được chiêm ngưỡng bề dày của nền văn hóa Tây Nguyên được tái hiện, từ khu hoa viên với nhà rông cao vút, hay các bức tượng làm bằng rễ cây, từ các hoa văn nghệ thuật độc đáo vừa trang nghiêm, huyền bí vừa hết sức gần gũi pha lẫn đường nét phóng khoáng trên cung thánh nhà thờ, trên hệ thống gỗ và rui mè... Tất cả đều mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Mầu xanh lá rừng với những nét hoa văn trang trí, chứng tỏ các nhà kiến trúc đã có một cái nhìn hôi nhập văn hóa cao độ. Hỏi tại sao trên vùng cao nguyên lại có ngôi nhà thờ mới độc đáo như vậy, những người biết chuyện cho biết: ngôi nhà thờ này ở trên quốc lộ 24, cách Kontum 20 km, thuộc xã Dak Tre, huyện Kon Ray, và vị quản nhiệm là linh mục Hòa. Nhà thờ ở trên đường hành hương Đức Mẹ Măng Đen, rồi đi Quảng Ngãi ở ngã ba Thạch Trụ. Đúng ra, nhà thờ Đức Mẹ Măng Đen, cách Komtum 52km phải được xây cất trước, nhưng chính quyền không cho xây cất, nên Đức Cha Micae quyết định cho xây nhà thờ này như điểm dừng chân giữa đường. Vùng này giáo dân Bahnar rất đông, trước đây họ phải kéo nhau về nhà thờ Chính tòa, còn gọi là nhà thờ Gỗ để tham dự các thánh lễ lớn như Giáng Sinh, Phục Sinh, v,v. Ngôi nhà thờ chưa hoàn tất, trước cửa nhà thờ vẫn còn đống đất và chung quanh nhà thờ chưa được thiết kể đầy đủ. Ở Việt Nam phần đông là như vậy, có đến đâu, lo đến đấy. Bây giờ ta sang đến câu chuyện Măng Đen. Vào Mùa Vọng năm 1971, Tòa Giám Mục, đã xây dựng trên một triền núi tại Măng Đen một pho tượng Đức Mẹ Fatima có tràng hạt giăng trên hai bàn tay. Vào dịp lễ Thánh Gia Thất năm ấy Đức Cha Phaolô Seitz Kim, Giám Mục Kontum, đã tới cử hành thánh lễ tại đây. Năm 1974 chiến sự đã biến vùng đồi núi này thành chốn hoang tàn. Pho tượng vẫn đứng cô đơn trên tượng đài giữa cánh rừng hoang vắng. Điều đáng nói là pho tượng, vẫn nguyên vẹn, đã được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1983 bởi một đôi vợ chồng bên lương nhưng chưa có sự ứng xử cụ thể nào đối với pho tượng. Cuối năm 2006, ông Lành là người công giáo đầu tiên đuợc thấy pho tượng Đức Mẹ dã bị Cụt Tay. Chính ông đã trình báo ngay cho Tòa Giám Mục Kontum. Và rồi một phái đoàn gồm Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, cùng một số linh mục, tu sĩ đến kính viếng Đức Mẹ Măng Đen lần đầu tiên. Và ngày 09-12-2007, lần đầu tiên Đức Giám Mục Giáo Phận cùng các linh mục, tu sĩ, và hơn 2.000 thường dân (cả giáo lẫn lương, cả Kinh lẫn Thuợng) đã dâng thánh lễ long trọng kính Đức Mẹ tại đây. Vai trò của những người bên lương, làm nên nét riêng biệt của Măng Đen. Pho tượng Đức Mẹ Măng Đen tỏ ra “thiêng” và “quyền năng” cách thầm lặng trước tiên với người bên lương, rồi sau đó cũng tỏ ra “thiêng” đối với những người khác, cả giáo lẫn lương -- họ đều “nhận được nhiều ơn lành từ Mẹ”. Bây giờ chính quyền địa phương có kế hoach tạo khu du lịch (gọi là Đà Lạt thứ hai), có rừng thông bạt ngàn và rừng nguyên sinh. Mục đích là đón du khách từ miền duyên hải (Quảng Ngãi, Bình Định) lên nghỉ mát vì chỉ cách Quốc Lộ 1 (Thạch Trụ) 100km, có nhiều villa rất đẹp do các đại gia từ Sài Gòn đầu tư để đón gió, nhưng đến nay khách du lịch đông nhất vẫn là đi hành hương Đức Mẹ Măng Đen, vì nhiều ơn lành Người ban cho, đặc biệt đối với người lương... Ngày nay, Măng Đen trở thành một địa điểm hành hương nổi tiếng nhưng nhà thờ thì không có. Vài nét sơ lược về Giáo Phận Kontum Nhà thờ gỗ Kon Tum do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, tọa lạc trên một diện tích rộng giữa trung tâm thị xã, có kiến trúc kết hợp giữa phong cách Roman với kiểu nhà sàn của người Bahnar. Công trình này hoàn toàn bằng gỗ, được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây dựng. Trong khuôn viên nhà thờ còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm, cơ sở mộc để giáo dục, đào tạo và tạo việc làm cho nhiều mảnh đời không may. Kontum, đươc phiên dịch là Dân Làng Hồ, bởi theo nguyên ngữ, KON là làng và TUM là hồ. Giáo Phận Kontum ngày nay bao gồm 2 tỉnh Kontum và Gia Lai. Sau 1975, Kontum được gọi là vùng thuộc Tây Nguyên, có diện tích khoảng 450km bề dài từ Bắc xuống Nam và khoảng 140km chiều rộng từ Đông sang Tây. Bắc giáp Đà Nẵng và Quảng Ngãi, Đông giáp Bình Định và Phú Yên, Nam giáp Dăk Lăk, Tây giáp Lào và Campuchia. Vào giữa năm 1853, thầy sáu Nguyễn Do nhận chức linh mục ở Gò Thị, sau đó ngài được Đức Giám Mục Cuénot ủy nhiệm việc truyền giáo vùng cao nguyên. Cha Nguyễn Do vào rừng núi An Khê học tiếng Thượng, sau đó đến vùng phía Tây Bắc và tìm ra một thung lũng khá rộng, đất đai phì nhiêu nằm bên sông Đakbla. Cha chọn nơi này làm địa điểm truyền giáo. Đồng bào Công Giáo lúc đó phần đông là người Bình Định và Quảng Ngãi, lập thành làng Gò Mít, nay là khu Tân Hưng, trung tâm thị trấn Kontum.
Sau 80 năm truyền giáo, ngày 18.1.1932, Tòa Thánh tách Kontum khỏi Giáo Phận Qui Nhơn thành Giáo Phận mới, gồm ba tỉnh Kontum, Pleiku, Đăk lăk và một phần Attopeu thuộc Lào (năm 1944 đã cắt trả lại cho Giáo Phận Hạ Lào). Nay Tỉnh Pleiku được gọi là Gia Lai. Các Giám Mục đã cai quản Giáo Phận Kontum gồm có: Đức Cha Martial Jannin Phước (1933-1940), Đức Cha Gioan Simon Khâm (1942-1951), Đức Cha Phaolô Seitz Kim (1952-1975), Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc (1975-1995), Đức Cha Phêrô Trần Thành Chung (1981- ), nghỉ hưu và Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh (2003-). Kontum có trên 10 sắc tộc khác nhau, đông nhất là người Giarai, Bahnar và Sơđăng.
Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh, người mục tử dấn thân và can đảm. Ngày 16.07.2003 Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô 2 đã nhận đơn từ chức của Đức Cha Trần Thành Chung, và đã bổ nhiệm linh mục Micae Hoàng Đức Oanh làm giám mục kế vị với khẩu hiệu: “Cha Chúng Con”. Ngài sinh năm 1938 tại Hà Tây, thuộc tổng giáo phận Hà Nội. Đã theo học tiểu chủng viện từ năm 1952-1954 tại thành phố này. Khi cộng sản nắm quyền hành miền Bắc vào năm 1954, ngài di cư vào Nam và tiếp tục theo học tại Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse, số 6 đường Cường Ðể, Sài Gòn . Mãn tiểu chủng viện, là chủng sinh xuất sắc ngài được tuyển chọn để theo học triết và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt của Dòng Tên từ năm 1960-1969, và đã mãn trường với văn bằng cử nhân thần học. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 22.12.1968 và đã nhập vào giáo phận Kontum. Sau khi thụ phong linh mục, ngài đã được bổ nhiệm làm cha phó, giám đốc trường học, giáo sư tiểu chủng viện và cha xứ. Từ năm 1996, ngài nắm giữ chức Tổng Ðại Diện của giáo phận. ĐC Hoàng Đức Oanh được coi như một vi giám mục năng động, xông xáo, khó nghèo, can đảm và dấn thân. Ngài viết khá nhiều thư mục vụ, luôn quan tâm đến đời sống siêu nhiên và trần thế của giáo dân, đặc biệt là lãnh vực giáo dục, ngày nay đã trở thành độc quyền của nhà nước. Ngài nói, “Trường lớp mà trở thành “xí nghiệp kinh doanh” thì trường lớp trở thành lò đúc người!”Viết thư cho học sinh, ngài nói:” Năm nay cha vẫn nghe có tiếng “càm ràm” về chuyện thi học kỳ vào chính ngày đại lễ. Có ghi nhận năm nay nhiều nơi không còn thi vào ngày lễ nữa. Còn những nơi vẫn còn thi thì sao? Chúng ta đã nói với nhau: hãy nhìn “cái chuyện đó” là “chuyện nhỏ!” Cần thấy xa hơn. Nhìn vượt cao hơn. Nhà Nước Việt Nam đã và đang độc quyền giáo dục trên toàn quốc từ sau 1975. Từ đường lối, chương trình, giáo khoa cho đến đào tạo và quản lý đều nằm gọn trong tay nhà nước theo xã hội chủ nghĩa vô thần duy vật.” Ngài quan tâm đến giáo dân ở vùng sâu, vùng xa, nên hàng năm, những dịp Lễ Giáng Sinh ngài thường đến với họ. Tuy vậy, ngài vẫn gặp những cản trở do các cấp chính quyền dùng luật rừng ngăn cản mà nhiều thông tin ở hải ngoại đã được biết. Hãy nghe ngài kể một chuyện:”Tại Huyện Kon Chro: Dịp Tết Nguyên Đán 2010 vừa qua, tôi, Giám mục Giáo phận Kontum, đến dâng lễ tại nhà một giáo dân, thôn 6, xã An Trung, nằm dọc xa lộ Trường Sơn Đông. Phía Giáo Hội có viết giấy trình báo Chính Quyền địa phương. Thánh lễ diễn tiến tốt đẹp! Sau đó, chủ nhà “được mời đi làm việc liên tục” chẳng còn giờ làm ăn! Kết cục chủ nhà được mời tự nguyện ký biên bản “nhận tội đã quy tụ người bất hợp pháp” và hứa “sẽ không mời linh mục tới làm lễ nữa”. Còn giám mục thì được quý cán bộ dằn mặt trước giáo dân với những lời đe dọa “nếu tiếp tục đến dâng lễ, sẽ bắt trói và nhốt!” Giáng Sinh 2010, ĐC Oanh và mấy linh mục, giáo dân đã trở thành những người “homeless” nổi tiếng trong chính Giáo Phận của ngài. Đức tính cao quí của ngài là tinh thần hiệp thông “thực”được thể hiện trong những biến cố sẩy ra tại Giáo tỉnh Hà Nội trong năm 2010 và về vấn đề đất đai không những của Giáo Hội Công Giáo mà cả khắp dân gian. Trong một văn thư gửi nhà cầm quyền, ngài viết:” Khắp nơi đều có người dân đi kiện đòi đất đai, tài sản. Chính quyền cần xem xét và nhận ra cái “bất cập, bất công” và mau chóng tìm cách giải quyết thỏa đáng. Đã đến lúc không chỉ dựa trên 1,2 nghị định để “đá qua đá lại” hay “chụp đủ thứ mũ” cho người dân lành trong khi quá nhiều vụ tai tiếng “vi phạm” của các cán bộ thì lại “bỏ qua quá dễ dàng”. Càng không thể dùng vũ lực hay hệ thống thông tin “như hiện nay” để bịt miệng người dân”. Người Việt ở trong nước cũng như hải ngoại, ai cũng tâm đắc câu chuyện cổ tích mà Đ C Micae kể: “Tôi nhớ câu chuyện cổ tích thế này: Một hôm môn đệ hỏi thầy: thưa thầy, hạnh phúc là gì? Tự do là gì? Ông thầy không trả lời. Mấy ngày sau nhà hiền sĩ gọi người đệ tử đi chơi, đến nhại mồ hôi rồi nhảy xuống khúc sông tắm. Khi đang tắm vui vẻ mát mẻ, nói chuyện trời đất mông lung. Thì ông thầy bất thình lình túm tóc của người học trò dí xuống, nó ngộp thở nó ngoi lên. Dí xuống lần thứ hai, nó ngộp thở nó ngoi lên. Ông thầy dí lần thứ ba nó gần chết, nó đạp ổng một cái. Ông thầy buông nó ra, nó ngoi lên, ông thầy hỏi: Con đã hiểu hạnh phúc là gì chưa? Tự do là gì chưa? Và tôi nói, người có niềm tin tôn giáo cũng như anh đệ tử kia vậy. Người có niềm tin tôn giáo cũng tha thiết được sống với niềm tin của mình. Hễ ai mà ép buộc thì chịu không nổi. Ép lần thứ nhất ráng chịu. Ép lần thứ hai cũng ráng mà chịu. Ép lần thứ ba thì chúng tôi cũng phải đạp. Mà khi đạp như thế thì xin đừng ai hiểu là chúng tôi phản động hay là âm mưu lật đổ chính quyền hay diễn tiến này nọ (…). Không có đâu, chỉ có muốn thở (…). Chúng tôi được tin, vào đầu tháng 3 này, Đức Giám Mục Hoàng Đức Oanh sẽ tới Hoa Kỳ, để tiếp xúc với các tín hữu Công Giáo hải ngoại. Có lẽ ngài sẽ cho chúng ta biết thêm về thực trạng Giáo Phận Kontum mà ngài cai quản, những khó khăn mà ngài và giáo dân đang gặp phải, những triển vọng cho những năm sắp tới. Điều mà giáo dân muốn biết là làm cách nào mà năm 2008, cánh đồng truyền giáo của Giáo Phận Kontum đã đón nhận tới 20,000 người về với Thiên Chúa và làm sao, năm 2009 Giáo Phận lại “bội thu” tới 30,000 người. Đây qủa là một phép lạ, nhưng không thể không nói tới bàn tay con người, với những nỗ lực cầu nguyện và quyết tâm của con dân Kontum mà người đứng mũi, chịu sào không ai khác là Đức Giám Mục đáng kính Hoàng Đức Oanh. Được biết, 9 giờ sáng ngày Thứ Bảy, 12.3.2011, cùng với Đức Cha Mai Thanh Lương, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh sẽ đâng thánh lễ tai Trung Tâm Công Giáo Orange và sau đó, ngài sẽ gặp mặt với các tín hữu tại hội trường Trung Tâm. Hãy đến để nghe câu truyện Tây Nguyên đầy bí ẩn và biết đâu, chúng ta lại không được nghe thêm một câu chuyện cổ tích nữa. Hãy nghe lời chân tình và trăn trở của ĐC Oanh :”Anh chị em thấy và nghĩ gì khi nhìn thấy Giáo phận trải rộng trên một diện tích hơn 25,110 km2 với dân số là 1,500,000 người, trong số này mới có 224,624 người mang danh công giáo tại 81 nhà thờ lớn nhỏ và 276 địa điểm mới tạm gọi là "Nhà nguyện" làm nơi gặp nhau, nghe Lời Chúa và cầu nguyện. Những con số: 65 linh mục, 107 chủng sinh và ứng sinh, 371 tu sĩ nam nữ, 1,210 Yao Phu, 1,043 chức việc và 1,850 giáo lý viên: tất cả đều là hồng ân Chúa ban, nhưng tới nay vẫn chủ yếu phục vụ "người trong nhà" tại các địa sở dọc theo những trục lộ chính, còn tại các vùng sâu vùng xa thì hầu như chưa có người chăm lo. "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít!" (Mt 9,37). |