Đưa công nhân Việt Nam ra khỏi Libya |
Tác Giả: BBC |
Thứ Sáu, 25 Tháng 2 Năm 2011 10:16 |
Di tản khỏi Libya bằng hàng không gặp khó khăn vì các chuyến bay thương mại đã bị hủy Trong khi tình hình bất ổn tại Libya vẫn tiếp tục, giới chức Việt Nam cho hay họ sẽ "bằng mọi cách" đưa hàng ngàn người lao động Việt Nam rời khỏi nước này. Được biết có tới khoảng 10 ngàn công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam đang làm việc tại đây và hiện một số đã và đang được đưa về nước. Hãng AP đưa tin trích thuật lời ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng cục quản lý lao động ngoài nước, cho biết khoảng 2 ngàn công nhân Việt Nam đang được di tản bằng đường bộ sang các nước láng giềng của Libya và sau đó sẽ được lên máy bay đưa về Việt Nam. Ông Quỳnh cũng nói thêm là chính phủ Việt Nam đang làm việc với các nhà thầu ngoại quốc để đưa con số 8 ngàn công nhân còn lại về nước. Phần lớn họ làm việc trong ngành xây dựng và có tới khoảng 5 ngàn người làm việc tại thủ đô Tripoli. Trong khi đó hãng AFP trích thuật ông Lê Hữu Hùng, tham tán tại tòa đại sứ Việt Nam ở thủ đô Tripoli, cho biết: "Cho tới nay không có ai bị thương nhưng hiện đang ở trong tình trạng khó khăn, thiếu lương thực, nước uống và phương tiện đi lại". "Chúng tôi đang cố gắng di tản họ bằng mọi cách," ông nói thêm. Trước đó, hôm 18/1, Cục quản lý lao động ngoài nước cũng đã có Công văn số 211 yêu cầu các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam sang Libya làm việc phải chỉ đạo cán bộ quản lý tại nước Bắc Phi này theo dõi và báo cáo kịp thời nếu có ảnh hưởng tới tính mạng, công ăn việc làm và thu nhập của công nhân. Truyền thông tại Việt Nam cũng đưa tin về việc một số công nhân người Việt đã được di tản. Tàu đưa người di tản bằng đường thủy từ thành phố Benghazi Theo tờ Sài gòn Tiếp Thị, khoảng 200 người lao động Việt Nam đầu tiên theo dự trù sẽ về đến Hà Nội hôm nay, 25/2, nhưng hiện vẫn đang bị kẹt lại, trong khi đó một nhóm 400 người khác đã tới Ai Cập an toàn. Trong cuộc phỏng vấn với Sài gòn Tiếp Thị, đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, ông Phạm Sỹ Tam, cho biết Sứ quán Việt Nam tại Ai Cập đã cử người túc trực ở điểm biên giới giữa Ai Cập và Libya để đón người lao động Việt Nam di tản qua ngả này. Ông Tam được trích thuật nói rằng khó khăn hiện nay là làm sao thu xếp các chuyến bay để đưa công dân Việt Nam về nước và việc này tùy thuộc vào sự trợ giúp của chính phủ Ai Cập, nước hiện đang có một số lượng lớn công dân nhiều nước khác nhau bỏ chạy khỏi Libya đổ sang nước này. Ngoài ra một số người lao động Việt Nam làm việc cho các công ty Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya đang đi bằng tàu biển đến Thổ Nhĩ Kỳ, theo ông Phạm Quang Tùng, bí thư thứ nhất tòa đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, được Sài gòn tiếp thị trích thuật. Hiện tại việc di tản ra khỏi thủ đô Tripoli bằng đường hàng không đang gặp khó khăn vì các chuyến bay thương mại đều đã bị hủy và 2 sân bay tại thủ đô Tripoli không hoạt động.
|