Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24/02/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 24/02/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Sáu, 25 Tháng 2 Năm 2011 09:02

Tác giả bài báo kết luận, đó là những hình ảnh của nỗi khổ đau, của sự chết chóc và của tình bạn, cứ như chỉ có Việt Nam là nơi duy nhất sản sinh ra nó.

Cuộc hội ngộ của các phóng viên chiến trường trong Triển lãm ảnh về Việt Nam tại Paris

Trưng bày ảnh chiến tranh Việt Nam tại Triển lãm Nhiếp ảnh
Châu Âu - Paris. Theo Trung tâm Nhiếp ảnh Châu Âu (MEP)

Trên trang văn hóa báo Le Monde hôm nay có bài giới thiệu về một cuộc triển lãm ảnh của phóng viên ảnh chiến trường người Pháp Henri Huet về cuộc chiến tranh Việt Nam với Mỹ qua bài viết: "Chiến tranh Việt Nam : Những hình ảnh, bạn hữu và cái chết".

Hôm mùng 8 tháng Hai vừa qua, tại Trung tâm Nhiếp ảnh Châu Âu tại Paris, đã mở cửa triển lãm ảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng người Pháp Henri Huet, phóng viên chiến trường của hãng tin Mỹ AP. Ông đã bị quân đội Bắc Việt Nam bắn chết khi đang tác nghiệp trên chiến trường tại Lào cách đây đúng 40 năm.

Trong bầu không khí khá xúc động ngày mở cửa, cuộc triển lãm đã hội tụ về một số các gương mặt phóng viên ảnh chiến trường nổi tiếng, từng ghi lại những dấu ấn của cuộc chiến tranh khốc liệt tại Việt Nam. Người ta thấy có mặt Nick Út, phóng viên đã nổi tiếng khắp thế giới với tấm ảnh chụp năm 1972 một cô bé bị bom na-pan đốt cháy, mình trần chuồng chạy hoảng loạn, hay như Christine Spengler, một trong số nữ phóng viên chiến trường rất hiếm hoi, đưa tin về chiến tranh Việt Nam.

Trước những bức ảnh chụp cảnh chết chóc, đau đớn mệt mỏi của những người lính trên chiến trường, các phóng viên chiến trường thời đó đều có chung một hồi tưởng là: « chưa có một cuộc chiến tranh nào để lại dấu ấn trong cuộc đời và sự nghiệp của họ mạnh mẽ như cuộc chiến tranh Việt Nam ».

Trước hết đối với riêng các phóng viên ảnh chiến trường này thì đây là cuộc chiến đẫm máu. Có khoảng 135 phóng viên chiến trường của cả hai bên bị chết trong cuộc chiến này. Bản thân phóng viên Nick Út đã thoát chết, khi chiếc trực thăng định mệnh bị bắn rụng cùng với Henri Huet và ba phóng viên khác.

Anh kể lại : « lẽ ra tôi đã có mặt trên chiếc máy bay đó, nhưng vì chúng tôi đã dàn xếp với nhau nên Henri đã thay chỗ tôi, và ông là người bị chết ». Bản thân Nick Út cũng có một người anh cũng là phóng viên cho hãng AP, đã bỏ mạng trong cuộc chiến này.

Ông Richard Pryne, từng làm trưởng đại điện của hãng tin AP tại Sài Gòn từ năm 1968 đến 1973 kể lại : « Chúng tôi được hoàn toàn tự do xâm nhập vào chiến trường. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến duy nhất của người Mỹ không kiểm duyệt (báo chí) ». Tại thực địa, các phóng viên được quyền đi bất cứ đâu, được quân đội tạo điều kiện để tác nghiệp, được tham dự vào đời sống thường nhật của các binh lính và họ cũng bị nguy hiểm như những người lính, cũng phải hứng chịu các cuộc tấn công của đối phương…

Theo Le Monde, những bức ảnh của Henri Huet đã ghi lại nét chân thực nhất của cuộc chiến tranh này. Ông đã ghi lại những khó khăn của người lính, cảnh những người bị thương nặng hấp hối, những túi xác chết chờ được chuyển về nhà. Một bức ảnh nổi tiếng của ông chụp năm 1966, ghi lại cảnh một bác sĩ quân y đang cố chăm sóc cho một người lính, trong khi bản thân ông cũng bị thương nặng.

Christian Simonpietri, từng là phóng viên của hãng tin Cuba Gramma tại chiến trường Việt Nam khẳng định : « Sau Việt Nam, mọi thứ đã thay đổi. Người Mỹ đã nhận thấy tác động của các hình ảnh. Vì thế mà những cuộc chiến sau đó báo chí đều bị kiểm duyệt chặt chẽ ».

Đối với phần đông các phóng viên có mặt tại chiến trường Việt Nam hồi đó, hồi tưởng lại đều nhận thấy : dẫu gì thì cuộc chiến tranh Việt Nam là những trải nghiệm có một không hai trong cuộc đời của họ. Ông Richard Pryne của hãng AP nói : « những bài viết hay nhất, những kỷ niệm sâu sắc nhất của chúng tôi đều liên quan đến Việt Nam. Và những người bạn tốt nhất tôi cũng tìm được ở đấy ».

Tại cuộc triển lãm này, người ta cũng có thể thấy lại những bức ảnh nổi tiếng, mà các đồng nghiệp nổi tiếng của Henri Huet chụp trong chiến tranh Việt Nam, như của các phóng viên Nick Út, Eddi Adams, Dana Stone hay Lary Burows ... Tác giả bài báo kết luận, đó là những hình ảnh của nỗi khổ đau, của sự chết chóc và của tình bạn, cứ như chỉ có Việt Nam là nơi duy nhất sản sinh ra nó.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Libya, cuộc cách mạng đang tiến bước

Các báo Pháp hôm nay vẫn tiếp tục theo dõi từng bước biến chuyển chuyển của phong trào nổi dậy tại Libya. Lướt qua trang nhất các báo độc giả có thể nhận thấy ngay phong trào phản kháng chế độ Kadhafi đang có chiều hướng thắng thế.

Báo Le Monde chạy tựa : « Tại Tobrouk, hy vọng về một nước Libya mới » với bức ảnh lớn cho thấy các binh sĩ quân đội Libya tại thành phố Tobrouk đã ra nhập hàng ngũ những người biểu tình chống chế độ của đại tá Kadhafi. Báo l’Humanité với hàng tựa lớn : « Libya : Miền đông được giải phóng khỏi Kadhafi ». Tờ báo cho biết sau các thành phố Benghazi, Tobouk, đến lượt Cyrenaique, khu vực có nhiều dầu mỏ nhất của đất nước đã thoát khỏi sự kiểm soát của chính quyền. Còn tờ Libération dường như đã tin tưởng vào thắng lợi của phong trào nổi dậy với hàng tựa lớn : « Ở nước Libya được giải phóng ». Trong Khi đó báo Le Figaro nhìn xa hơn một chút, đề cập đến vấn đề sau các phong trào nổi dậy ở các nước Ả Rập : « Libya- Tunisia : Châu Âu lo ngại một cuộc di cư ồ ạt ».

Vẫn là đề tài về những biến động ở các nước Ả Rập, La Croix trở lại với Tunisia, nơi mà cuộc cách mạng « Hoa nhài » đã thành công nhưng « Tunisia đang mò mẫm với nền dân chủ » để tìm kiếm cho mình một mô hình chính trị mới cho đất nước vừa thoát khỏi chế độ độc tài.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Làn sóng nổi dậy trong thế giới Ả Rập và những hệ lụy tới Nga

Phong trào nổi dậy lan rộng hiện nay ở Tunisia, Ai Cập hay Libya không còn là vấn đề riêng của khu vực Bắc Phi, Trung Cận Đông. Tác động của nó đang được nhiều nước trên thế giới quan tâm theo dõi. Về chủ đề này, báo Le Monde có bài : « Các cuộc cách mạng và nổi dậy trong thế giới Ả Rập đang đánh động đến Matxcơva ».

Theo tờ báo, sự sụp đổ của các chế độ vẫn được coi là bảo đảm ổn định ở Bắc Phi sẽ gây tổn thất lớn cho xuất khẩu vũ khí của Nga. Thông tín viên của tờ Le Monde tại Matxcơva cho hay, trong chuyến đi chớp nhoáng đến vùng Kapkaz hôm 22/2 vừa qua, tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã đưa ra một dự báo : các cuộc nổi dậy trong thế giới Ả Rập sẽ dẫn đến tình trạng những kẻ « cuồng tín » lên nắm quyền và gây tan vỡ tại những nước này.

Sau khi tiên liệu những điều tồi tệ nhất đối với bán đảo Ả Rập, tổng thống Nga cho biết « một kịch bản tương tự » đã được soạn thảo cho nước Nga, nhưng nó đã thất bại. Như vậy là tổng thống Nga có lo ngại phong trào cách mạng ở những nước Bắc Phi và bán đảo Ả Rập có những « hệ lụy trực tiếp » tới Liên bang Nga. Ông Medvedev cảnh báo : « chúng ta có nguy cơ đối mặt với những tình huống bùng nổ và sự nảy nở của chủ nghĩa cực đoan trong tương lai. Phải nhìn thẳng vào tình hình, đó là vấn đề rất nghiêm túc đòi hỏi chúng ta phải có những cố gắng lâu dài ».

Tác giả bài báo ghi nhận thấy, từ khi nổ ra phong trào phản kháng ở Bắc Phi, Nga chỉ mới lên tiếng kêu gọi kiềm chế mà không hề lên án việc đàn áp dã man những người biểu tình. Matxcơva cũng đón nhận một cách lạnh nhạt sự sụp đổ của các chế độ toàn trị, đồng thời nhiều nhân vật cấp cao trong chính quyền Nga vẫn cho đó là âm mưu do phương Tây và …. Google điều khiển.

Theo Le Monde, Matxcơva không sợ cuộc cách mạng kiểu như ở Bắc Phi lan sang Nga, mà chỉ lo ngại các cuộc cách mạng tại Ả Rập sẽ làm tổn hại đến các hợp đồng bán vũ khí cho các nước trong khu vực này. Là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới chỉ sau có Hoa Kỳ, Nga có các khách hàng ruột mua vũ khí đó là Libya, Ai Cập, Yemen và Bahrain. Các nước này đã ký hợp đồng mua vũ khí của Nga với trị giá lên tới 7,4 tỷ euros. Hiện tại, Matxcơva cũng đang trong quá trình thương lượng với chính quyền của Kadhafi một hợp đồng mua tên lửa S-300, xe bọc thép, máy bay chiến đấu với trị giá lên tới gần một tỷ rưỡi euro. Những biến động ở thế giới Ả Rập có thể khiến cho các hợp đồng bán vũ khí béo bở không thể tiếp tục được. Đó mới là mối quan tâm lớn của nước Nga lúc này.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Vai trò của các bộ tộc ở Libya trong lãnh đạo đất nước

Mặc dù lãnh đạo Kadhafi lên truyền hình đưa ra những tuyên bố đe dọa dìm phong trào phản kháng trong « biển máu », nhưng hôm nay đến ngày thứ 9, cuộc nổi dậy của người dân Libya đang ngày càng lan rộng trong khi chính quyền mất dần kiểm sóat ở nhiều vùng. Để giúp độc giả hiểu thêm về tình hình, báo La Croix hôm nay có bài viết thực tế lãnh đạo đất nước ở Libya và chính quyền đang lung lay như thế nào.

Theo La Croix, thì đất nước Libya nằm dưới sự lãnh đạo của một liên minh gồm ba bộ tộc. Hiện tại ông Mouammar Kadhafi vẫn giữ được sự ủng hộ trung thành trong bộ tộc của mình. Một bộ tộc khác thì đã quay sang chống lại ông. Kadhafi chắc chắn sẽ bị đổ nếu bộ tộc thứ ba đứng về phía những người nổi dậy.

Theo La Coix, trong vòng 24 giờ, lần lượt nhiều nhân vật thân cận đã quay lưng lại với Kadhafi. Đầu tiên là bộ trưởng Tư pháp, rồi đến Nội vụ, các vị đại sứ của Libya tại Indonesia, Ấn Độ, Malaysia và Hoa Kỳ đều đã bất hợp tác với lãnh đạo Kadhafi. Hôm thứ Hai đầu tuần, lãnh đạo bộ tộc Warfallah cũng tuyên bố không còn « anh em » gì với Kadhafi, và chấm dứt ủng hộ chế độ.

Hệ thống chính trị của nước Bắc Phi này dựa trên liên minh của ba bộ tộc lớn là : Warfallah, Kadhafa (của Kadhafi) và bộ tộc Makarha. Các bộ tộc ở Libya là một sự bảo lãnh về mặt tinh thần rất lớn cho dân chúng. Dưới mỗi bộ tộc lớn, có các tộc nhỏ có người nằm trong các vị trí then chốt của chế độ, như vệ sĩ, mật vụ, lực lượng không quân…

Theo tác giả bài báo, bộ tộc Warfallah chiếm lĩnh khu vực miền đông, trong khi Kadahfa quản lý miền trung và Makarba kiểm soát miền tây đất nước. Theo các chuyên gia về Libya, nếu như bộ tộc Kadahfa là nòng cốt của chế độ thì bộ lạc Warfallh chiếm số đông. Quân đội thực tế không phải là sự hậu thuẫn chủ yếu của chế độ, nhưng Kadhafi có thể dựa vào ủy ban cách mạng và lực lượng không quân. Đến lúc này đất nước Libya đang bị chia rẽ, Kadhafi thì bị cô lập nhưng vẫn tỏ ra ngạo mạn, đe dọa đàn áp phong trào phản kháng không thương tiếc, đồng thời ông ta còn quả quyết rằng « không một bộ tộc nào có thể thống trị bộ tộc khác ».

Một đe dọa khác đối với chế độ đó là sự phát triển của các nhóm Hồi giáo. Nên nhớ là trong khoảng từ năm 1993 đến 1998, Nhóm các chiến binh Hồi giáo Libya đã nổi dậy chống lại chế độ và sau đó bị dìm trong máu. Chuyên gia chính trị tại Libya, Hasni Abidi được bài báo trích dẫn, nhận định : « Mouamar Kadhafi đang thực thi một chính sách nguy hiểm. Hy vọng ông ta mau chóng bị đổ để hạn chế số nạn nhân ». Theo nhà phân tích này, vị thế của Kadahfi giờ đây có điểm tương đồng với trường hợp của Saddam Hussein của Irak năm 1991, người đã gây ra cuộc nội chiến khiến cho 100 nghìn người dân thường bị chết và, hệ quả là, chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 1 nổ ra với sự can thiệp của liên quân quốc tế.