Home Tin Tức Thời Sự Ông Gaddafi không chịu lùi bước

Ông Gaddafi không chịu lùi bước PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Tư, 23 Tháng 2 Năm 2011 09:25

Tình trạng bạo lực khiến giá dầu mỏ lên cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

 

Trong bài diễn văn đầu tiên từ khi có nổi dậy, Đại tá Muammar Gaddafi lên án các cuộc biểu tình chống chính quyền và không chịu từ bỏ quyền lực.

Ông Gaddafi nói cả thế giới kính trọng Libya và các cuộc biểu tình là để phục vụ mưu đồ của "quỷ dữ".

Ông cũng kêu gọi ủng hộ viên của mình ra đường tấn công "lũ gián rệp" đang biểu tình chống lại sự lãnh đạo của ông.

Các nhóm nhân quyền cho hay gần 300 người đã thiệt mạng trong đợt biểu tình lần này.

Đại tá Gaddafi tỏ ra tức giận và khảng khái, tuyên bố ông là người đã mang lại vinh quang cho đất nước Libya. Và vì ông không có chức vụ gì để mà từ chức, ông nói sẽ ở lại cương vị người đứng đầu cách mạng.

Ông nói đợt biểu tình hiện nay là do bè lũ "hèn hạ và phản bội" đang muốn dựng hình ảnh một Libya trong hỗn độn và làm nhục người dân Libya. Ông còn gọi người biểu tình là "lũ chuột" và những kẻ trục lợi.

Trong khi ông Gaddafi nói trên truyền hình, thì có tiếng súng trên đường phố thủ đô Tripoli. Tại Benghazi, thành phố lớn thứ hai đất nước, nhiều người dân đã tháo giầy ném vào màn hình khi nghe phát biểu vì tức giận.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton nói tình trạng bạo lực là "không thể chấp nhận được".

Sau một cuộc họp khẩn cấp hôm thứ Ba, Hội đồng Bảo an LHQ đã lên án việc đàn áp người biểu tình và kêu gọi chấm dứt ngay tình trạng bạo lực.

Nguy cơ nội chiến

Truyền hình nhà nước Libya nói Đại tá Gaddafi chuẩn bị loan báo kế hoạch cải cách trong bài diễn văn của mình, thế nhưng thực tế ông chỉ nhắc tới việc chuyển giao một chút quyền lực cho chính quyền các địa phương.

Trong bài phát biểu giận dữ và khá lộn xộn, Đại tá Gaddafi nói người biểu tình chỉ chiếm chưa đầy 1% dân số Libya.

Ông nói họ được cho uống rượu và ma túy, kêu gọi bắt giữ họ và chuyển cho lực lượng an ninh.

Ông kêu gọi "những ai yêu mến Muammar Gaddafi" to ra đường, không sợ "bè đảng côn đồ".

"Hãy ra khỏi nhà, tấn công chúng ở nơi chúng tụ hội. Hãy cho con cái về nhà vì chúng đang tìm cách đầu độc con trẻ, bắt chúng nó uống rượu say và xô xuống địa ngục."


Đại tá Gaddafi cảnh báo nguy cơ nội chiến

Ông tuyên bố sẽ làm sạch Libya "từng nhà, từng nhà một".

"Nếu cần thì chúng tôi sẽ sử dụng vũ lực, theo luật quốc tế và hiến pháp Libya."

Đại tá Gaddafi cũng cảnh báo rằng nếu tiếp tục có biểu tình thì tại Libya sẽ xảy ra nội chiến hoặc nước này sẽ bị Mỹ chiếm đóng.

Ông lấy việc chính quyền Trung Quốc đàn áp người biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn ra làm bằng chứng rằng khối đoàn kết dân tộc "có giá trị hơn nhiều mấy kẻ biểu tình".

Lãnh đạo Libya cũng chỉ trích các nước phương Tâym, nhất là Anh và Mỹ, đang rắp tâm làm Libya mất ổn định.

Hiện còn chưa rõ bài phát biểu dài một tiếng đồng hồ này là thu trực tiếp hay ghi hình từ trước.

Thệ́ nhưng nó được thu hình tại căn cứ Bab al-Azizia ở Tripoli, vẫn còn nhiều chỗ hư hại vì bom Mỹ năm 1986.

40 năm cầm quyền

Phóng viên chuyên an ninh của BBC Frank Gardner nói ông Gaddafi tỏ ra xa rời thực tại, như thể ông đang sống trong một thế giới riêng suốt 40 năm cầm quyền.

Lãnh tụ Libya nói ông chưa ra lệnh sử dụng vũ lực, trong khi phe đối lập nói hơn 500 đã thiệt mạng và hơn 1.000 người mất tích - chỉ dấu cho thấy hoặc ông Gaddafi không được thông tin hoặc bị huyễn hoặc.

Chính quyền Libya đã phản ứng kiên quyết đối với các vụ biểu tình nổ ra trong nước.

Phóng viên nước ngoài hoạt động tại Libya bị kiểm soát chặ̣t và đa phần thông tin từ nước này lọt ra ngoài không thể kiểm chứng được.

Thế nhưng các nhân chứng nói một số phần t̉ử đánh thuê nước ngoài đã tấn công dân thường trên phố và chiến đấu cơ bắn xuống người biểu tình từ trên cao.

Phóng viên BBC Jon Leyne, ở miền đông Libya, nói khu vực này đã nằm dưới sự kiểm soát của phe đối lập và người dân tỏ ra hết sức phấn khởi.

Nhiều nhân viên cảnh sát và binh lính đã bỏ chạy sang phía bên kia.

Dân địa phương cho hay chính quyền nơi đây đã sụp đổ từ thứ Năm tuần trước ngay sau các cuộc biểu tình đầu tiên. Người ta cho rằng chỉ còn lính đánh thuê nước ngoài là tiếp tục chiến đấu bảo vệ Đại tá Gaddafi mà thôi.

Phóng viên của chúng tôi nhận định rằng chính thể của ông Gaddafi về thực chất đã suy sụp thế nhưng câu hỏi còn lại là quá trình này kéo dài bao lâu và sẽ gây ra thương vong mức độ nào.

Nhiều nhà ngoại giao Libya, kể cả đại sứ nước này ở Mỹ, đã quay lưng lại với ông Gaddafi và kêu gọi cộng đồng quốc tế có hành động. Họ cũng kêu gọi LHQ thiết lập vùng cấm bay trên không phận Libya.

Bộ trưởng Nội vụ Abdel Fattah Younes al-Abidi được tin đã từ chức tối hôm thứ Ba, kêu gọi quân đội "tham gia và phụng sự yêu cầu của người dân". Tin cũng cho hay Bộ trưởng Tư pháp Mustapha Abdeljalil từ chức từ thứ Hai.

Trong các diễn biến khác:

•Hàng chục nghìn người nước ngoài đang tìm cách rời Libya
•Trung Quốc kêu gọi Libya bảo đảm an toàn cho công dân nước này sau khi có tin hàng trăm công nhân xây dựng Trung Quốc bị những kẻ trấn lột có vũ trang đe dọa.
•Ba tàu của Thổ Nhĩ Kỳ được điều tới Benghazi để sơ tán 3.000 công dân Thổ. Một nghìn người khác đã được chở đi bằng máy bay.
•Italy sẽ gửi ba chiếc C-130 tới sơ tán 1.500 người Ý từ Libya
•Mỹ khuyến cáo những người không phận sự rời Libya
•Bộ Ngoại giao Anh khuyên công dân rời Libya tuy đa số trong 3.500 người sống ở đây đã về nước
Tổ chức Human Rights Watch nói ít nhất 62 xác người đã được mang tới nhà xác các bệnh viện ở Tripoli từ hôm Chủ nhật, thêm vào con số 233 người chết bên ngoài thành phố.

Tình trạng bạo lực khiến giá dầu mỏ lên cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.