Dân biểu tình chiếm thành phố lớn thứ nhì Libya |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Tư, 23 Tháng 2 Năm 2011 09:12 |
Ðộc tài Gadhafi đàn áp đẫm máu không ngăn chặn được biểu tình CAIRO (AP) - Chiều Chủ Nhật dân chúng nổi dậy đã giành được quyền kiểm soát Benghazi, thành phố lớn thứ nhì ở Libya, sau cuộc đụng độ đẫm máu với lực lượng an ninh. Một người dân leo lên đứng trên nóc một trạm gác bị đốt cháy bên ngoài đồn công an ở Benghazi sau khi đoàn biểu tình làm chủ được tình hình ở thành phố lớn thứ nhì Libya này hôm Thứ Hai mặc dù nhà độc tài Moammar Gadhafi đàn áp đẫm máu, hàng trăm người bị giết. (Hình: AP Photo/Alaguri) Trên 200 người đã thiệt mạng qua một tuần lễ xảy ra những cuộc biểu tình chống đối nhà độc tài Moammar Gadhafi. Dân chúng hò reo vui mừng trên đường phố Benghazi hôm Thứ Hai, trong khi cuộc nổi dậy chống chính phủ lan tới thủ đô với các cuộc giao tranh lần đầu tiên xảy ra ở công trường ngay giữa Tripoli. Con trai của nhà độc tài xuất hiện trên đài truyền hình cảnh cáo rằng cha ông ta và lực lượng an ninh sẽ chiến đấu “đến viên đạn cuối cùng”. Nhưng trong khi Seif al-Islam Gadhafi còn đang nói trên đài truyền hình nhà nước vào tối ngày Chủ Nhật, các cuộc đụng độ đã diễn ra ngay tại công trường Green Square ở Tripoli cũng như ở ngoài khu vực này và kéo dài đến rạng sáng ngày Thứ Hai, theo các nhân chứng. Họ cho hay các xạ thủ bắn tỉa của chính quyền nổ súng vào đám đông tìm cách chiếm giữ khu công trường, và thành phần ủng hộ ông Gadhafi phóng xe trên đường phố, nổ súng, cán vào người biểu tình. Trước lúc hừng đông, người biểu tình chiếm được hai trong số các đài truyền hình vệ tinh của nhà nước, theo các nhân chứng. Ðến sáng ngày Thứ Hai, Ðại Sảnh Nhân Dân (People's Hall) vẫn còn cháy. Ðây là nơi thường tổ chức các cuộc họp lớn của chính quyền và cũng là nơi Quốc Hội Libya nhóm họp mỗi năm vài lần. Cuộc đụng độ giữa hai phe chống và bênh chính quyền tạo nên nguy cơ rối loạn có thể đi đến nội chiến. Seif al-Islam Gadhafi cảnh cáo sẽ có nội chiến ở Libya nếu các cuộc biểu tình phản kháng tiếp diễn, một lập luận được tiếp tục nhắc lại hôm Thứ Hai trên hệ thống truyền hình nhà nước Libya khi một bình luận gia nói về sự hỗn loạn và “các dòng sông máu” biến Libya “thành một quốc gia Somalia khác” nếu trật tự không được vãn hồi. Những người biểu tình kêu gọi có thêm các cuộc xuống đường khác lúc trời sẫm tối ngày Thứ Hai tại công trường Green Square, một điều có thể đưa đến các cuộc đụng độ mới. Hiện nay đã có các nhóm võ trang của lực lượng dân quân chính phủ, mệnh danh “Ủy Ban Cách Mạng” săn lùng thành phần chống chính phủ ở khu phố cổ trong thủ đô Tripoli. Thành phố này coi như ngưng hoạt động hôm Thứ Hai, với các trường học, văn phòng chính phủ và các cửa hàng khóa chặt ngoại trừ một số lò bánh mì còn mở cửa để phục vụ dân chúng ẩn náu trong nhà. Các cuộc biểu tình phản kháng và tình trạng bạo động vừa qua được coi là trầm trọng nhất từ trước đến nay trong thủ đô 2 triệu dân, một điều cho thấy sự lan rộng của cuộc nổi dậy sau sáu ngày biểu tình ở các thành phố phía Ðông Libya để đòi hỏi chế độ độc tài của Gadhafi phải chấm dứt. Bị ra lệnh giết dân, phi công đào tẩu Chế độ Gadhafi thi hành các biện pháp đàn áp đẫm máu nhất trong tất các quốc gia Ả Rập khi có nỗ lực đối phó với làn sóng phản kháng đang lan rộng trong vùng, vốn đã lật đổ các nhà lãnh đạo ở Ai Cập và Tunisia. Ðài truyền hình Al-Jazeera nói rằng máy bay và trực thăng chiến đấu của không lực Libya hôm Thứ Hai đã bắn xuống những người biểu tình chống chính quyền tại thủ đô Tripoli. Julen Barnes-Dacey, phân tích gia chuyên về các vấn đề Trung Ðông nhận định: “Tôi nghĩ rằng Gadhafi đang cố gắng chiến đấu ở Libya hơn tất cả mọi quốc gia khác trong vùng và như thế có triển vọng đưa đến nhiều bạo lực nặng nề và xung đột mở rộng ngoài tầm kiểm soát. Nhưng việc dùng đến không quân cho thấy có lẽ đấy là hành động cuối cùng và tuyệt vọng. Khi đã phải xạ kích xuống ngay thủ đô của mình thì khó mà tin rằng chính quyền ấy có thể sống còn”. Hai phi công Libya lái một chiếc máy bay chiến đấu kiểu Mirage F-1 do Pháp chế tạo đã được phép đáp xuống phi trường quốc tế đảo quốc Malta giữa Ðịa Trung Hải hôm Thứ Hai. Thông tấn xã Reuters cho biết hai đại tá không quân này cất cánh từ một căn cứ gần Tripoli và bay thấp để tránh bị theo dõi cho đến khi ra tới hải phận quốc tế, đã xin ti nạn với lý do không muốn thi hành lệnh bắn xuống dân biểu tình. Trong khi đó đài truyền hình Arabiya cho biết 160 người chết trong các cuộc đụng độ ngày Thứ Hai ở Tripoli. Mặc dầu đương đầu với sự đàn áp quyết liệt, những người chống đối kêu gọi tiếp tục biểu tình tại công trường chính vào buổi tối. Theo dự đoán cả hai phía đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đụng độ lớn. Phản ứng quốc tế Thủ tướng Anh, ông David Cameron, đang viếng thăm quốc gia láng giềng Ai Cập, gọi sự đàn áp của chính phủ Libya là điều “kinh hãi.” “Chúng ta có thể nhìn thấy điều đang xảy ra ở Libya là sự kinh hãi và không thể chấp nhận được khi chế độ dùng các biện pháp đàn áp tàn độc nhất nhắm vào người dân chỉ muốn quốc gia họ-một trong những quốc gia khép kín và có chế độc tài chuyên chế nhất-có sự tiến bộ,” ông cho báo chí hay tại Cairo. Theo tin của trang điện tử RTTNews, tờ nhật báo Quryna ở Libya trên website của họ cho biết Bộ Trưởng Tư Pháp Mustafa Mohamed Abud Al Jeleil phản đối việc đàn áp dân chúng bằng vũ lực, đã từ chức hôm Thứ Hai. Chưa có tin chính thức xác nhận điều này, tuy nhiên trong vòng 24 giờ vừa qua đã có các đại sứ Libya ở Liên đoàn Á Rập, Trung Quốc và Ấn Ðộ từ nhiệm. Cựu đại sứ Libya tại Liên Ðoàn Ả Rập (Arab League) ở Cairo, ông Abdel-Moneim al-Houni, người vừa từ chức ngày hôm trước để đứng về phía người biểu tình, đưa ra một thông cáo đòi hỏi Gadhafi “phải bị mang ra xử cùng với các phụ tá, các cấp chỉ huy an ninh và quân đội” về vụ thảm sát ở Libya. “Chế độ Gadhafi đang bị ném vào thùng rác của lịch sử vì ông ta phản bội quốc gia và người dân mình,” theo lời ông al-Houni. Hai công ty dầu hỏa ngoại quốc lớn nhất ở Libya là Statoil và BP cho hay họ đang rút nhân viên của mình ra khỏi nơi đây. Bồ Ðào Nha gửi phi cơ đến đón kiều dân và các quốc gia EU cùng Thổ Nhĩ Kỳ gửi tàu đến đón dân của mình đang làm việc ở Libya về nước. Gadhafi còn trong nước Theo tin của BBC lúc 5 giờ chiều, giờ California, ngày Thứ Hai, đài truyền hình nhà nước Libya đã chiếu một đoạn phim nói là phát trực tiếp, trong đó Moammar Gadhafi có một tuyên bố ngắn ngủi: “Tôi ở Tripoli, không phải ở Venezuela”. Trước khi có lời tuyên bố lạ thường này, một số nguồn tin nói rằng dường như Gadhafi đã trốn khỏi Libya. Ngoại Trưởng Anh William Hague nói rằng ông nhận được những tin cho biết Gadhafi đang trên đường đi Caracas, thủ đô Venezuela. Buổi phát hình Gadhafi, chỉ trong vòng không tới 1 phút, diễn ra lúc 2 giờ đêm sáng Thứ Ba (4 giờ chiều Thứ Hai tại California) trong lúc lực lượng an ninh đang đụng độ với người biểu tình tại thủ đô Tripoli. Ngồi ở ghế bên tài xế trong một chiếc xe cũ màu trắng, mở cửa và tay cầm dù che mưa, “Tôi thỏa mãn vì đêm nay đang nói trước giới trẻ tại công trường Green Square”, theo lời Gadhafi. Người ta phỏng đoán là qua sự việc này Gadhafi muốn chứng tỏ là chính quyền đang làm chủ được tình thế tại Tripoli. Thứ Trưởng Ngoại Giao Khaled Kayem trước đó cũng đã nói trên truyền hình rằng “Nhà lãnh đạo của chúng ta cũng như toàn thể các giới chức chính quyền vẫn còn ở trên đất nước Libya”. (H.C.)
|