Mỹ vẫn muốn tập trận với Việt Nam |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Ba, 22 Tháng 2 Năm 2011 08:09 |
Hoa Kỳ từng có nhiều cuộc diễn tập chung với nhiều nước Ðông Nam Á HONG KONG 21-2 (NV) - Tư Lệnh Hạm đội 7 ở khu vực Thái Bình Dương cho hay Hoa Kỳ đang thảo luận với phía Việt Nam về các cuộc thăm viếng và hoạt động chung trong năm nay dù một tướng lãnh của quân đội Việt Nam nói chưa chủ trương tập trận quốc tế. Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC khi ông cùng soái hạm USS Blue Ridge của ông ghé Hongkong, Phó Ðô Ðốc Scott Van Buskirk cho hay Hải quân Mỹ đã cử nhiều phái đoàn tới Việt Nam để thuyết phục Việt Nam tập trận chung như trong khuôn khổ các hoạt động Phối Hợp Sẵn Sàng Chiến đấu và Huấn Luyện Trên Biển gọi tắt là CARAT (Cooperation Float Readiness and Training). Ông nói một phái đoàn Mỹ mới tới Việt Nam gần đây để thảo luận việc diễn tập chung và các chương trình thăm viếng của chiến hạm Mỹ trong tương lai. Hoa Kỳ từng có nhiều cuộc diễn tập chung với nhiều nước Ðông Nam Á mà năm ngoái có một cuộc diễn tập chung CARAT mà Cam Bốt tham gia lần đầu tiên. Tuần trước, Thứ Trưởng Quốc Phòng CSVN Nguyễn Chí Vịnh nói trong một cuộc phỏng vấn của báo Quân Ðội Nhân Dân rằng “Việt Nam chưa nhận được lời mời tham gia tập trận CARAT của Hoa Kỳ tại khu vực một cách chính thức.” Và ông còn nói thêm rằng “cho đến thời điểm này Việt Nam không tham gia các cuộc diễn tập quân sự”. Ông cũng phủ nhận Việt Nam gửi 3 sĩ quan đến quan sát hay tham gia tập trận Hổ Mang Vàng 2011 tổ chức ở Ðông Bắc Thái cùng với Hoa Kỳ, Thái Lan và một số quốc gia khác khai diễn từ ngày 7 đến 18 tháng 2, 2011. Ngày 7 tháng 11 năm 2009, soái hạm USS Blue Ridge cùng với khu trục hạm USS Lassen do một hạm trưởng gốc Việt, Trung Tá Lê Bá Hùng, đã cập cảng Tiên Sa ở Ðà Nẵng trong một cuộc thăm viếng được dư luận rất chú ý. Trong bài diễn văn đọc tại “Hiệp Hội Á Châu” ở Hongkong ngày 21 tháng 1, 2011 ông Van Buskirk nói rằng Hải quân Hoa Kỳ đã duy trì sự hiện diện liên tục ở khu vực. Hiện lực lượng hải quân Hoa Kỳ, qua Hạm đội 7 được tăng cường mạnh mẽ và tối tân hơn bao giờ hết, từ số lượng đến phẩm chất và khả năng tác chiến. Bài diễn văn của ông cũng kể ra lần đầu tiên có sự tập huấn chung giữa hải quân Mỹ và Hải quân Việt Nam kể từ thời chiến tranh đến nay, cùng sự sử dụng cơ sở của Việt Nam để sửa chữa tàu chiến. Ðầu tháng 8 năm ngoái, nhân dịp đánh dấu Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, một chiến hạm Hoa Kỳ ghé cảng Tiên Sa, Ðà Nẵng và hàng không mẫu hạm nguyên tử USS George Washington đi ngang Ðà Nẵng có mời một số quan chức Việt Nam xuống thăm viếng. Tướng lãnh và bình luận gia báo chí của Bắc Kinh nhao nhao lên bình luận, đe dọa. Trước những sự phản ứng của Trung Quốc, Hà Nội đã tỏ ra thận trọng và tránh né những hành động hay tuyên bố có thể làm Bắc Kinh khó chịu cho dù Bắc Kinh vẫn có các hành động khiêu khích. Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội, bà Nguyễn Phương Nga, phản đối Trung Quốc tổ chức tập trận ở khu vực Hoàng Sa, quần đảo Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi dù đã bị Hải quân Trung Quốc cướp đoạt từ tháng 1, 1974. Tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc tập hải quân trận qui mô trên biển Ðông chỉ 3 ngày sau khi bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố trong Hội Nghị ASEAN Mở Rộng rằng Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trên biển Ðông và sẵn sàng đóng góp giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của các nước trong khu vực. Ðối lại các hành động khiêu khích biểu lộ chủ đích bá quyền nước lớn của Bắc Kinh nhằm đe dọa và áp lực Việt Nam, Hà Nội vẫn rất thận trọng tránh né dù chỉ là những cuộc tập huấn nhỏ bé với lực lượng Mỹ.
|