Home Tin Tức Thời Sự Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, một biểu tượng lịch sử

Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, một biểu tượng lịch sử PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Trúc, phóng viên đài RFA   
Thứ Bảy, 19 Tháng 2 Năm 2011 07:37

Người Việt ở Sài Gòn, mỗi dịp đầu năm, thường giữ tục lệ đón giao thừa và xin lộc tại Lăng Ông Bà Chiểu, tức lăng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia Định Thành thưở tiền nhân mở cõi về phương Nam.

  

Ban nghi lễ chuẩn bị cho Ngày lễ hội tại Lăng Ông Bà Chiểu.

 
  Sử chép danh tướng Lê Văn Duyệt, một trong những vị khai quốc công thần triều Nguyễn,  không chỉ có tài chinh đông dẹp tây mà còn là một ông quan thanh liêm rất mực, hết lòng vì dân vì nước.


Lăng Ông Bà Chiểu biểu tượng của người dân Saigòn


Chính vì công trạng đó, ông được tiên đế nhà Nguyễn, vua Gia Long, ban đặc uy “‘nhập triều bất bái”, nghĩa là vào chầu mà không phải quì  lạy. Tương truyền vì ân huệ đó mà  sau này vua Minh Mạng không mấy ưa thích ông.

Vẫn theo chính sử, dưới triều  Minh Mạng, con nuôi Tả Quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi,  vì bất mãn triều đình mà có hành động dấy lọan và đã bị vua Minh Mạng khép tội phản nghịch, truyền tru di tam tộc, cấm nhân gian bá tánh không được cúng bái hoặc viếng mộ Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt. Khi đó, theo lệnh vua Minh Mạng: Quyền Yêm Lê Văn Duyệt Phục Pháp Xứ, mộ quan thượng công bị xiềng xích lại. 

Mãi đến thời Tự Đức, vua mới ban chiếu giải tội cho Tổng Trấn Gia Định Thành, phục hồi công trạng của ông Lê Văn Duyệt đối với tiên đế và đất nước.

Đó là lịch sử, là “cảo thơm lần giở trước đèn” ngày xuân, còn những ai từng sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, những người vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp sau này, thì không người nào mà không biết đến Lăng Ông Bà Chiểu với những tương truyền về uy danh và sự linh hiển của ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt.

những ai từng sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, những người vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp sau này, thì không người nào mà không biết đến Lăng Ông Bà Chiểu với những tương truyền về uy danh và sự linh hiển của ngài Tả Quân Lê Văn Duyệt.

Chẳng thế Tết nào Lăng Ông Bà Chiểu cũng nườm nượp người sớm tối lễ bái, cũng không thể thiếu những nhóm tự nguyện túc trực tại lăng để  cúng tế theo nghi thức, hướng dẫn khách hành hương, sao cho mọi việc diễn ra êm thắm trật tự trong cảnh nô nức hương chong đèn rạng khói hương nghi ngút. Tưởng cần nhắc sau bao thăng trầm, cuối cùng Lăng Ông Bà Chiểu được nhà nước công nhân di sản văn hóa cấp quốc gia, trở thành một biểu tượng lịch sử và tâm linh của người thành phố như trước năm 1975.  
 


Ban nghi lễ trước cổng Lăng Ông Bà Chiểu. Photo courtesy Duong Minh Duc 
  

Chị Diễm, một giáo viên về hưu, cho biết trong những ngày Tết khi  thiên hạ vui xuân thì chị và những người tự nguyện phải trực tại lăng Ông từ mùng Một đến mùng Bảy:

Công việc này của tôi thì đã bắt đầu cách nay hơn mười năm rồi. Đầu tiên thì tôi sinh họat bên lăng Võ Di Nguy,  sau đó được lãnh đạo bên lăng Võ Di Nguy giới thiệu qua Lăng Ông Bà Chiểu vì Lăng Ông Bà Chiểu rất cần những người có kiến thức nhất định để phục vụ cho khách nước ngoài cũng như khách Việt Nam của mình hiểu hơn về lịch sử dân tộc.

Những ngày cúng Ông hoặc những ngày lễ Tết thì khách khứa đến nhiều.Tết người ta vui chơi thì chúng tôi làm việc cật lực. Lăng Ông Bà Chiểu được thành phố Hồ Chí Minh chọn làm ban nghi lễ của thành phố. Trước khi đi tảo mộ cho nhà mình thì 25 Tết chúng tôi phải qua tảo mộ cho lăng Lê Văn Duyệt, lăng Võ Di Nguy, tất cả các lăng nào mà mình giữ. Qua Hai Mươi Sáu thì  chuẩn  bị để Hai Mươi Bảy thì  quân dân chính đảng dâng Tết cho Ông Lê Văn Duyệt.

sau bao thăng trầm, cuối cùng Lăng Ông Bà Chiểu được nhà nước công nhân di sản văn hóa cấp quốc gia, trở thành một biểu tượng lịch sử và tâm linh của người thành phố như trước năm 1975.    

Hai Mươi Tám Tết thì chúng tôi lại cúng  dâng bánh tét cho đền Hùng, bây giờ thành phố Hồ Chí Minh đã có một cái đền Hùng, đem đất Tổ từ Phú Thọ về trong này để thờ cúng. Ba mươi Tết thì dựng nêu tại Lăng Ông. Bắt đầu đêm Ba Mươi thì chúng tôi phải trực Tết, tức là lúc đó người ta đến viếng Ông nhiều lắm.
Rồi mùng Một mùng Hai cho tới mùng Năm mùng Sáu coi như là trực hết, ngày nào cũng vậy , một ngày ba ca, một ca mấy chục người  trực, để mà  giữ gìn vệ sinh, giữ gìn an ninh trật tự.   
Ngoài đức Tả Quân,  trong lăng còn thờ hai quân thần triểu Nguyễn khác là quan Kinh Lược Sứ  Phan Thanh Giản và Thiếu Phó Lê Chất, tổng trấn Bắc Thành. Tuy nhiên thờ phượng quan thượng công Lê Văn Duyệt vẫn là việc chính ở đây. 

Giữ đúng nghi thức truyền thống tiểu cung đình triều Nguyễn
Có thể nói Lăng Ông Bà Chiểu là nơi duy nhất trong thành phố còn giữ tục dựng nêu ngày Tết và chỉ hạ xuống vào ngày mùng Bảy:

Thường người ngọai quốc họ vào trong lăng là họ đi theo thân nhân. Rồi thân nhân họ hỏi mình thì họ hỏi tiếng Việt . Thí dụ tại sao phải thờ chung như vậy, hay là tại sao có ba bàn thờ, một ở ngoài  một chính giữa một  ở trong, thì mình phải giải thích cho họ nghe trung điện là ở giữa , chính điện là ở trong và ở ngoài là phòng hương.

Còn nếu trường hợp mà họ hỏi khúc mắc quá chúng tôi không trả lời được thì chúng tôi mời thầy Đức tới để mà giải quyết.  Anh Đức là tiếng Anh giỏi, nắm vững mấy chục năm nay rồi, anh trả lời trơn tru với người ta. Còn tụi tôi nói là phục vụ mấy chục năm ở lăng mà chuyên môn không rành bằng anh Đức.

chúng tôi cố gắng giữ nghi thức cúng ông theo đúng truyền thống tiểu cung đình triều Nguyễn.

Ô. Dương Minh Đức

Người chị Diễm vừa đề cập chính là ông Dương Minh Đức, một thành  viên trong Ban Quý Tế, tức những người thuộc đội cúng lễ theo nghi thức cổ truyền, cũng là công việc tình nguyện ở Lăng Ông Bà Chiểu: 

Sau khi  nhà nước cho phép những người tiền nhiệm của chúng tôi lấy lại cái lăng để thờ thì chúng tôi cố gắng giữ nghi thức cúng ông theo đúng truyền thống tiểu cung đình triều Nguyễn.
Cái thứ hai là chúng tôi cố gắng giữ gìn những gì còn có thể giữ được, tức là những hoa văn những kiến trúc, những di sản văn hóa vật thể và cả những di sản văn hóa phi vật, chẳng hạn cúng kiến là phi vật thể, thì chúng tôi cố gắng duy trì những cái đó  càng nguyên bản càng tốt.

Thứ ba, về nhạc lễ, chúng tôi cũng cố gắng nhờ những nhà chuyên môn giúp để cho đúng theo nghi thức của triều Nguyễn, chẳng hạn như giáo sư Trần Văn Khê đã giúp chúng tôi nhiều. 

Từ lúc  được nâng lên hàng di sản văn hóa cấp quốc gia, việc quản lý Lăng Ông Bà Chiểu tức lăng đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, trở thanh có hệ thống hơn với Ban Quản Lý và Ban Quý Tế:
Hệ thống thứ nhất là Ban Quản Lý, chính quyền cử người vào để quản lý về mặt hành chánh và tài chánh. Chúng tôi một
 
Những ngày lễ Tết ban nghi lễ cúng và dâng hương. Photo courtesy Dương Minh Đức
mặt cũng tham gia vào Ban Quản Lý đó một người hai người,  và cái chính của chúng tôi là Ban Quý Tế,  không quản lý về mặt nhà nước  mà quản lý về nghi thức cúng tế.

về nhạc lễ, chúng tôi cũng cố gắng nhờ những nhà chuyên môn giúp để cho đúng theo nghi thức của triều Nguyễn, chẳng hạn như giáo sư Trần Văn Khê đã giúp chúng tôi nhiều. 

 

Lý do khiến ông Đức, chị Diễm và nhiều người khác kiên trì tham gia vào việc cúng tế, giữ vệ sinh trật tự , bảo tồn nét văn hóa đặc thù của Lăng Ông Bà Chiểu trước hết là vì lòng ngưỡng mộ kèm theo sự tin tưởng nơi một vị võ tướng hiển hách khi còn sinh thời và hiển linh khí đã quá vãng. Đó cũng là niềm tin của bá gia bá tánh, ông Dương Minh Đức nói tiếp,  khi đến viếng lăng đức Tả Quân Lê Văn Duyệt:

Ngài là tổng trấn Gia Định thành, cái làm người ta nhớ về ngài là ngoài khả năng quân sự ra thì ngài là một nhà chính trị, ngài rất yêu nước , rất thương dân và quan trọng nhất là ngài thanh liêm lắm. Kể cả nhiều người không thích ngài thì người ta cũng phải nói ngài là  vị quan rất thanh liêm.

Trong lòng nhân dân miền Nam hay nhân dân Đồng Nai Cửu Long, người  ta  luôn luôn nhớ ơn ngài là một nhà lãnh đạo sáng suốt, nhà chính trị có tài, một người thương dân yêu nước và có tầm  nhìn quân sự cũng như chính trị.

Được công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia
Về lịch sử lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, gọi nôm na là Lăng Ông Bà Chiểu, ông Dương Minh Đức nhắc lại:

Năm 1810,  khi mới xây dựng thì lăng chỉ là cái nhà lá sơ sài, phía trước không có hàng rào, rồi  nhân dân từ từ xây dựng khang trang cho tới năm 1975.
Sau 1975, cũng giống như tất cả các đình chùa miếu mạo ở thành phố Hồ Chí Minh và các nơi trong nước Việt Nam, thời điểm đó là thời điểm khó khăn, Lăng Ông không được thờ cúng.

Có một lúc sau 1975, đoàn thể thanh niên thành phố Hồ Chí Minh muốn sử dụng Lăng Ông làm trụ sở sinh họat  nhưng không thành:

Rồi có một thời gian bí thư huyện ủy quận Bình Thạnh, ông Nguyễn Chơn Trung, dự định là phá  lăng nhưng không lâu sau thì lăng được  nhà nước công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia. Do đó từ chuyện đưa vô Luật Di Sản thì mọi việc trở nên rõ ràng hơn.

Đối với em từ xưa nhân dân mình có câu “Uống Nước  Nhớ Nguồn”. Em nghĩ cái đó là  một phần trong đạo đức của mỗi con người cần phải có. Công việc tuy nhỏ nhưng em nghĩ mình cố gắng hết sức  để thể hiện lòng biết ơn của mình đối với những người có công với đất nước và dân tộc.

Hoàng, học sinh lớp 11

Thường thì cuối tháng Bảy đầu tháng Tám Âm Lịch hàng năm là những ngày quan trọng nhất vì đó là lễ Kỳ Yên tức ngày giỗ đức Tả Quân Lê Văn Duyệt. Thế nhưng yếu tố khiến Lăng Ông trở nên nổi tiếng mà không  đền chùa miếu mạo nào trong thành phố có thể sánh nỗi, đó là giao thừa và lễ bái đầu năm :

Từ mười một giờ đêm cho đến bốn giờ sáng thì người ta liên tục đổ vào trong lăng để xin lộc giao thừa,  xin xăm và chiêm bái đức ông, đặc biệt rất đông người Hoa. Thành thử ra chúng tôi hướng dẫn số người đông nghẹt  đi từ ngoài cổng vào là theo một đường đi ra. Nếu đi ngược lại là nghẽn đường.

Còn bàn về sự linh thiêng mà dân Gia Định nói riêng và dân thành  phố nói chung đặt vào lăng đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, ông Dương Minh Đức nêu một thí dụ mà ông biết:

Trước 1975, khi tòa án không xử được những vụ việc gì đó thì người ta đem nhau vô lăng người ta thề,  có cái chuyện đó.

 


Dân chúng đi lễ trong Lăng Ông. Photo courtesy Duong Minh Duc

Chị Diễm thì kể là ngay những đứa trẻ cũng tin tưởng rằng đức Tả Quân Lê Văn Duyệt linh lắm, đứa nào ăn gian nói dối là ngài biết liền:

Rồi có một thời gian bí thư huyện ủy quận Bình Thạnh, ông Nguyễn Chơn Trung, dự định là phá  lăng nhưng không lâu sau thì lăng được  nhà nước công nhận di sản văn hóa cấp quốc gia.

Ô. Dương Minh Đức

Tôi còn nhớ ngày xưa, thời tôi còn nhỏ, mất một cái gì là cứ “có ngon thì dám qua bên lăng Lê Văn Duyệt mà thề  hay không”. Ai mà có lòng  gian thì sợ dữ lắm.

Và không chỉ là biểu tượng văn hóa hay lịch sử, theo những người tình nguyện phục vụ tại Lăng Ông Bà Chiểu, đây còn là nơi chốn ngừơi ta có thể học hỏi. Theo chị Diễm, hiện có một số học sinh lớp Mười  hay lớp Mười  Một tham gia phục vụ trong lăng. Tuy nhiên, chị nói tiếp, vì các em còn đi học nên thời giờ hạn chế hơn những người lớn đã về hưu như chị. 

Còn thành viên  Ban Quý Tế Dương Minh Đức:

Cái điều tôi được nhiều nhất khi tham gia vào Ban Quý Tế của Lăng Ông là tôi có dịp để dạy cho con cháu mình trước tiên là biết thờ cúng cho đúng nghi thức cổ truyền. Thứ hai, vì đức ngài là một vị quan rất thanh liêm, một đức tính hiếm có của một vị quan lại, mà thời nào thì quan thanh liêm cũng được người ta thờ phụng. Tôi nghĩ đó là tấm gương tốt cho con cháu noi theo.

Hoàng, học sinh lớp Mười Một trường Phổ Thông Gia Định, năm nay đảm trách công việc hầu chuông tại  điện xin xăm trong Lăng Ông, cho biết công việc không có gì nặng,  chỉ phải tội khói nhang nhiều quá  nên nhiều khi rất ngộp:

khi tham gia vào Ban Quý Tế của Lăng Ông là tôi có dịp để dạy cho con cháu mình trước tiên là biết thờ cúng cho đúng nghi thức cổ truyền. Thứ hai, vì đức ngài là một vị quan rất thanh liêm, một đức tính hiếm có của một vị quan lại, mà thời nào thì quan thanh liêm cũng được người ta thờ phụng. Tôi nghĩ đó là tấm gương tốt cho con cháu noi theo.

Ô. Dương Minh Đức

Tại hồi cấp Hai em có học về ông Lê Văn Duyệt, biết ông rất  có công trong việc mở mang bờ cõi miền Nam của mình. Thứ hai nữa em cảm thấy không khí trong đó thanh bình, ít xô bồ xô bộn như ở ngoài.

Người  ta cũng tới hỏi em là sao con  còn trẻ mà lại đi hầu chuông, thì em nói em vào đây để giúp đỡ thôi. Đối với em từ xưa nhân dân mình có câu “Uống Nước  Nhớ Nguồn”. Em nghĩ cái đó là  một phần trong đạo đức của mỗi con người cần phải có. Công việc tuy nhỏ nhưng em nghĩ mình cố gắng hết sức  để thể hiện lòng biết ơn của mình đối với những người có công với đất nước và dân tộc. .

Đó là câu chuyện về những người đang góp phần bảo tồn văn hóa tại lăng đức Tả Quân Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn, mà tâm huyết được biểu lộ qua lời ông Dương Minh Đức: 

Nói đúng ra  quá trình đô thị hóa thành phố Hồ Chí Minh thì những đình chùa miếu mạo dần dần biến mất, chúng tôi cố gắng giữ lại những gì còn có thể giữ lại được để sau này con cháu theo đó mà làm.

Ngoài Lăng Ông Bà Chiểu, những người như ông Đức hay chị Diễm hoặc em Hoàng còn tham gia  vào việc chăm sóc đền Hùng và những lăng miếu khác trong thành phố như lăng đức Bình Giang Võ Di Nguy, đền Bình Hòa, đền Hòa Long chẳng hạn.