Home Tin Tức Thời Sự Biểu tình đòi dân chủ chống nhà độc tài Gadhafi ở Libya

Biểu tình đòi dân chủ chống nhà độc tài Gadhafi ở Libya PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Năm, 17 Tháng 2 Năm 2011 08:43

 Một thực trạng phức tạp của chính trị Bahrain là tôn giáo

CAIRO (AP) – Thành công ở Tunisia và Ai Cập của phong trào quần chúng đòi hỏi dân chủ, biểu tình chống chính quyền độc tài, đã lan tràn đến nhiều nước Trung Đông và mới nhất là tại Libya.

 Hàng trăm người dân Libya đã đụng độ với lực lượng an ninh vào lúc sáng sớm tại Benghazi, thành phố lớn thứ nhì ở Libya, trong cuộc biểu tình phát khởi hôm Thứ Ba và kéo dài đến 4 giờ sáng Thứ Tư. Người biểu tình hô khẩu hiệu đả đảo nhà độc tài Moammar Gadhafi và phản đối chế độ tham nhũng. Cảnh sát và thành phần võ trang ủng hộ chính quyền nhanh chóng đàn áp người biểu tình bằng vòi phun nước và bắn đạn cao su vào họ, theo ông Shami.

 
Dân chúng Bahrain ăn sáng tại công trường “Ngọc Trai” trung tâm thủ đô Manama trước khi biểu tình chống chính quyền. (Hình AP / Hasan Jamah)

Các cuộc nổi dậy ở Tunisia, Ai Cập, Yemen, Bahrain và Iran đã làm rúng động khu vực Trung Đông và tạo ra các áp lực chưa hề có lên thành phần Gadhafi, nhà lãnh đạo độc tài có quyền lực vô biên tại Libya từ hơn 40 năm qua.

 Cũng giống như các cuộc nổi dậy lật đổ hai nhà độc tài lâu đời ở hai quốc gia giáp giới Libya là Ai Cập và Tunisia, giới tranh đấu ở Libya dùng các trang mạng xã hội như Facebook và Twitter để khuyến khích người dân trong nước họ có hành động. Người tranh đấu ở Libya kêu gọi một cuộc xuống đường lớn lao vào ngày Thứ Năm.

 Các cơ quan truyền thông nhà nước Libya không loan tải tin tức gì về các cuộc biểu tình chống chính phủ mà chỉ nói rằng những người ủng hộ ông Gadhafi biểu tình hôm Thứ Tư ở thủ đô Tripoli, cũng như ở Benghazi và các thành phố khác. JANA, cơ quan thông tấn nhà nước Libya,  trích thuật lời phát biểu của phía biểu tình ủng hộ ông Gadhafi nói rằng sẽ "bảo vệ nhà lãnh đạo và cuộc cách mạng." Bản tin gọi thành phần biểu tình chống chính phủ là "bọn hèn nhát và phản quốc."

 Ông Gadhafi, từ lâu vẫn bị thế giới Tây Phương lên án, tìm cách đưa quốc gia này ra khỏi tình trạng cô lập đã loan báo năm 2003 là từ bỏ chương trình chế tạo võ khí hủy diệt, từ bỏ khủng bố và bồi thường cho nạn nhân vụ nổ bom ở vũ trường La Belle disco ở Berlin năm 1986 và vụ nổ phi cơ hãng Pan Am trên bầu trời Lockerbie ở Scotland.

Các quyết định này mở cửa đưa đến mối quan hệ thân thiện hơn với Tây Phương và tháo gỡ các biện pháp  trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, nhưng ông Gadhafi tiếp tục bị tố cáo là vi phạm nhân quyền ở quốc gia Bắc Phi này.

 Cuộc biểu tình phản kháng hôm thứ Ba và sáng sớm ngày thứ Tư có vẻ bùng ra vì thất bại trong cuộc thương thuyết giữa chính phủ và một ủy ban đại diện hàng trăm gia đình có thân nhân thiệt mạng khi lực lượng an ninh nổ súng trong nhà giam ở Abu Salim năm 1996. Chính quyền Libya khởi sự bồi thường cho các gia đình này nhưng ủy ban đòi hỏi phải truy tố những kẻ có trách nhiệm.

 Tuy nhiên những người biểu tình, được khuyến khích bởi các cuộc nổi dậy lật đổ chế độ của tổng thống Tunisia Zine Al Abidine Ben Ali và tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, không tự giới hạn vào một vấn đề duy nhất mà kêu gọi có các cuộc cải cách chính trị và kinh tế sâu rộng hơn. Vụ biểu tình xảy ra sau khi một số nhóm đối lập lưu vong hôm Thứ Hai kêu gọi dân chúng lật đổ ông Gadhafi và có sự chuyển giao quyền hành ôn hòa.

 Một giới chức chính phủ Libya, yêu cầu được dấu tên, cho hay có 14 người, kể cả 10 cảnh sát viên, bị thương trong các vụ đụng độ hôm Thứ Ba. Ông cho hay phía biểu tình, võ trang bằng dao và gạch đá, đã tấn công khi cảnh sát tìm cách giải tán họ.

 Yemen  và  Bahrain

 Tại Yemen, lực lượng an ninh được triển khai khắp thủ đô Sanaa để đối phó với các cuộc biểu tình đã kéo dài suốt một tuần lễ và chưa đi tới biến động lớn. Nhưng tại Aden, hải cảng miền nam, hai người thiệt mạng hôm Thứ Tư trong cuộc đụng độ với cảnh sát. Tổng thống Ali Abdullah Saleh đã cầm quyền từ 32 năm khi Yemen còn là hai miền Nam – Bắc cho tới khi quốc gia Yemen thống nhất.

 Cuộc biểu tình ở Bahrain  qua tới ngày thứ  ba và có hai người thiệt mạng. Bộ trưởng Nội vụ Bahrain nói rằng đã cho mở cuộc điều tra và bắt giữ các nghi can, tuy nhiên không cho biết thêm chi tiết.

Khác với Ai Cập, Bahrain là một nước nhỏ chỉ có khoảng 500,000 công dân bản quốc và một số tương đương như vậy người lao động nước ngoài.  Người biểu tình cũng dựng lều và trang bị đồ ngủ qua đêm ở công trường nhưng không khí ít căng thẳng và có vẻ như ngày hội.

Theo phong tục Hồi giáo, thường đàn ông và đàn bà tụ tập thành nhóm riêng. Mọi người uống trà, ăn bánh và trái cây do dân chúng ủng hộ, dùng bữa sáng trước khi tiếp tục biểu tình.

 Tin giờ chót do thông tấn xã AP cho biết sáng Thứ Năm, giờ Bahrain (chiều Thứ Tư giờ California) cảnh sát sử dụng hơi cay và đạn cao su mở cuộc tấn công vào những người biểu tình ngủ qua đêm ở công trường Ngọc Trai. Nhóm đối lập Al Wefad nói có hai người chết trong cuộc đụng độ với cảnh sát

 Một thực trạng phức tạp của chính trị Bahrain là tôn giáo. Hoàng gia và lãnh đạo chính quyền phần lớn là Hồi giáo Sunni trong khi 70% dân chúng là Hồi giáo Shiite. Thành phần lãnh đạo biểu tình không rõ ràng và tỏ ra thiếu tổ chức.

Theo một công điện ngoại giao mật vừa được WikiLeaks công bố, đại sứ Hoa Kỳ Adam Ereli ở Bahrain nói rằng quốc vương Hamad nối ngôi cha năm 1999 đã ban hành rất nhiều cải cách bao gồm bãi bỏ các luật lệ hà khắc, chấp nhận tranh luận chính trị, cải thiện quan hệ với cộng đồng Hồi giáo Shiite và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Yemen và Bahrain đều có vai trò quan trọng trong chiến lược của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Chính quyền Yemen cho đến nay là một đồng minh chống khủng bố và Bahrain là nơi đặt bản doanh của hạm đội 5 Hoa Kỳ, được coi như tiền đồn trong việc đương đầu với Iran.

Tình trạng Trung Đông đặt ra các thử thách mới cho Mỹ. Tổng thống Barack Obama hôm thứ Ba xác nhận rằng ông quan tâm về sự ổn định của khu vực và khuyến khích các chính phủ liên hệ hãy có hành động cải cách trước khi quá trễ.

 Marina Ottaway, giám đốc Trung Đông vụ của viện nghên cứu hòa bình quốc tế Carnegieở Washington nói rằng bà không tin rằng ở đâu Hoa Kỳ cũng ủng hộ những người chống đối. “Theo tôi đường lối này được quyết định theo từng quốc gia, với rất nhiều do dự bởi vì Hoa Kỳ có những lợi ích trong việc duy trì quyền lực của các nhà lãnh đạo ấy”.

 Libya là quốc gia có trữ lượng dầu lửa lớn nhất ở Phi Châu, theo số liệu của BP năm 2009 là 44 tỷ thùng. Trong tháng đầu năm nay, mỗi ngày Libya sản xuất khoảng 1.6 tỷ thùng dầu lửa.  (HC)