Home Tin Tức Thời Sự Làn sóng đòi cải cách lan rộng khắp Trung Ðông

Làn sóng đòi cải cách lan rộng khắp Trung Ðông PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Tư, 16 Tháng 2 Năm 2011 13:36

Ở Iran, Bahrain và Yemen, hôm Thứ Hai, dân biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động 

TRUNG ÐÔNG (NV) - Các cuộc nổi dậy thành công ở Ai Cập và Tunisia đang làm dấy lên những cuộc phản kháng chống chính phủ ở nhiều quốc gia khác trong vùng Trung Ðông, nơi hằng ngàn dân chúng ở Iran, Bahrain, Algeria, Jordan, Lybia và Yemen kéo nhau xuống đường đòi hỏi có sự thay đổi sâu rộng.

Ở Iran, Bahrain và Yemen, hôm Thứ Hai, dân biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động, khi chính quyền bảo thủ của các nước này cố tìm cách dập tắt các đòi hỏi tự do chính trị, công ăn việc làm và chấm dứt tệ nạn tham nhũng.

Mặc dù số người biểu tình không đông so với ở Ai Cập, nhưng lời kêu gọi của họ trên đường phố vang vọng lại tinh thần của những cuộc nổi dậy gần đây, vốn lật đổ được những nhà cai trị độc tài.

Tại Iran, hàng chục ngàn người tụ tập chống đối hôm Thứ Hai, đồng thời tỏ tình đoàn kết với cuộc nổi dậy thành công ở Ai Cập, khiến lật đổ được Tổng Thống Hosni Mubarak, người đã nắm quyền suốt 30 năm. Cuộc biểu tình gặp sự đàn áp dữ dội của lực lượng an ninh Iran khiến cho hai người chết, hàng chục bị thương và 1,500 người bị bắt.

Ðây là lần đầu tiên phe chống đối biểu dương sức mạnh sau những cuộc xuống đường hồi năm ngoái nhưng bị chính quyền dẹp tan.

Một số người biểu tình hô to khẩu hiệu: “Mubarak, Ben Ali xong rồi, bây giờ đến lượt Sayed Ali!” Có ý ám chỉ cựu tổng thống Ai Cập, Tunisia, cùng lãnh tụ tối cao của Iran là Khamenei.

Hai lãnh tụ chống đối quan trọng Mehdi Karroubi và Mir-Hossein Mousavi bị quản thúc tại gia hôm Thứ Hai, mọi liên lạc bằng điện thoại và Internet của họ đều bị cắt đứt.

Hôm Thứ Ba, các nhà lập pháp thủ cựu Iran lên tiếng kêu gọi đưa các lãnh tụ phe đối lập ra xử, đồng thời đề nghị án tử hình.

Trong phiên nhóm Quốc Hội hôm Thứ Ba, các nhà lập pháp thân chính quyền đưa nắm tay lên trời, miệng hô lớn: “Mousavi, Karroubi và Khatami đáng tội chết.” Mohammad Khatami từng là tổng thống Iran có tinh thần cấp tiến.

Phe cứng rắn lâu nay vẫn tìm cách đưa các lãnh tụ phe chống đối ra xét xử, nhưng đòi hỏi đem họ ra tử hình cho thấy có sự đòi hỏi gay gắt hơn.

Quốc Hội Iran mới thành lập một ủy ban đặc biệt để duyệt lại tình hình và trong vài ngày tới, mới quyết định xem sẽ có biện pháp nào đối với các lãnh tụ chống đối.

Tại Washington, TT Barack Obama lên án chính quyền Iran đã quá nặng tay đối với những người chống đối, ông nhấn mạnh rằng chính quyền Iran đã mâu thuẫn khi tỏ ra ủng hộ sự nổi dậy ở Ai Cập nhưng lại đàn áp những người biểu tình ở trong nước.

Ngoại Trưởng Hillary Clinton nói, Hoa Kỳ ủng hộ “công khai và trực tiếp” đến tinh thần phản kháng ở Iran. Bà lên tiếng: “Ðiều chúng ta thấy đang xảy ra ở Iran ngày nay chứng tỏ lòng quả cảm của nhân dân Iran, đồng thời lên án thái độ đạo đức giả của chế độ Iran, một chế độ mà trong ba tuần qua đã không ngừng cổ vũ những gì đang xảy ra ở Ai Cập.”

Tuy các khẩu hiệu của những cuộc phản kháng trước đây ở Iran hầu hết chỉ nhắm vào Tổng Thống Mahmoud Ahmadinejad và chính phủ của ông, cuộc biểu dương hôm Thứ Hai lại tấn công thẳng vào cấp lãnh đạo tối cao.

Các nhà cải cách hàng đầu kêu gọi TT Ahmadinejad từ chức và hủy bỏ sự kiểm soát bầu cử của giới tăng lữ, trong khi nhiều người trên đường phố lại phẫn nộ về tình trạng kinh tế quá khó khăn và về việc đàn áp giới đối lập. Nhiều nhà báo lẫn giới trí thức đang bị giam cầm, trong đó có 30 người được biết mới bị bắt hôm 8 tháng 2, rõ ràng là nhằm ngăn chặn trước cuộc biểu tình vào ngày Thứ Hai.

Cuộc phản kháng ở Iran cũng bùng lên ở các đô thị khác như Esfahan, Shiraz, Kermanshah và Rasht.
Tại trung tâm thủ đô Tehran, cảnh sát đóng các trạm xe điện ngầm gần công trường Azadi và phong tỏa nhiều đường phố, có nơi biến thành những bãi chiến trường, nơi dân biểu tình ném đá chống lại dân quân Basiji thân chính quyền.

 
Người dân ở Sanabis, Bahrain, mang quan tài của một người biểu tình bị giết chết trong cuộc chống đối hôm Thứ Hai, trong cuộc mít-tinh hôm Thứ Ba.

Cuộc phản kháng này là một phần của làn sóng bất mãn đối với các chính quyền không đại diện cho một ai đang lan tràn ở khắp Trung Ðông. (Hình: Hamad I Mohamed/Reuters)

Ông Mahjoob Zweiri, chuyên gia về vấn đề Iran kiêm giáo sư môn lịch sử đương đại thuộc trường Qatar University ở Doha, nói: “Thật lý thú khi thấy cuộc cách mạng ở Iran lại bị chính người dân của nó đưa ra chất vấn, cũng chính người dân đó nhận thấy cuộc cách mạng không hề đem lại cho họ điều gì quan trọng cả.”

Ở Bahrain, tiểu vương đảo quốc nằm trong Vịnh Ba Tư, gần Saudi Arabia, các quan sát viên nhân quyền cho hay, cảnh sát chống bạo động thẳng tay đàn áp hằng trăm người biểu tình hôm Thứ Hai khiến ít nhất một người chết và ba người bị thương.

Hôm Thứ Ba, hằng ngàn người kéo về công trường chính của thủ đô, cắm lều và căng biểu ngữ, với hy vọng làm được giống như ở Ai Cập, buộc có sự thay đổi ở tầng lớp cao nhất trong nước. Vua xứ Bahrain xuất hiện hiếm hoi trên chương trình truyền hình hòng xoa dịu cuộc đổ máu vừa qua.

Lực lượng an ninh rõ ràng đã được lệnh án binh bất động, chỉ đứng nhìn người biểu tình hô khẩu hiệu chống đối, mỉa mai các tiểu vương đang cai trị đất nước và kêu gọi có cuộc cải cách chính trị sâu rộng, đồng thời chấm dứt việc quốc vương can thiệp vào những quyết định trọng đại của đất nước lẫn các chức vụ trong chính quyền.

Không có lời kêu gọi trực tiếp đòi hỏi nhà vua phải thoái vị, mà hoàng tộc vốn đã trị vị xứ Bahrain trong hơn hai thế kỷ. Nhưng nay nhà vua chợt bị áp lực chưa hề gặp phải trước đây, là phải thay đổi sự quản trị đất nước như thế nào.

Những khẩu hiệu dựng lên ở công trường có nội dung như: thả tất cả tù nhân chính trị, cần có thêm công việc làm và nhà ở, bầu cử lại Nội Các và thay thế vị thủ tướng quá lâu năm Sheik Khalifa bin Salman Al Khalifa.

Cuộc biến động ở Bahrain bước sang ngày Thứ Hai, sau khi cảnh sát tìm cách giải tán gần 10,000 người đến tập trung ở bãi đậu xe của một bệnh viện, để tham dự tang lễ của Ali Abdulhadi Mushaima, 21 tuổi, người bị thiệt mạng trong cuộc tuần hành hôm Thứ Hai.

Bệnh viện Salmaniya Medical Complex cho biết vụ tử vong thứ nhì xảy ra khi một người bị trúng đạn bắn chim, trong cuộc xô xát ở bãi đậu xe.

Bộ Trưởng Nội Vụ Bahrain, Trung Tướng Rashid bin Abdulla Al Kahlifa, bày tỏ “nỗi cảm thông sâu sắc” đối với gia đình của nạn nhân. Ông giải thích lời cam kết của quốc vương rằng cái chết sẽ được điều tra và người trách nhiệm sẽ bị đem ra truy tố nếu xét thấy đã sử dụng bạo lực quá đáng chống lại người biểu tình.

Các nhà lãnh đạo ở Bahrain từ nhiều năm nay công nhận quyền công dân cho người Sunni từ khắp nơi ở trong vùng di dân đến Bahrain, nhằm để củng cố thành phần trung thành với chế độ, đồng thời để giành vị thế địa dư đối với người Shiite, vốn chiếm 70% dân số 500,000 người. Phần lớn người Sunni gốc từ Jordan, Syria và các nước khác, được tuyển làm cảnh sát hoặc các chức vụ khác liên quan đến ngành an ninh.

Người Shiite trong nước từ lâu vẫn than phiền bị đối xử kỳ thị. Vụ bố ráp mầm mống chống đối năm rồi dẫn đến các cuộc nổi loạn và xung đột tại các ngôi làng của người Shiite, và cuộc xử án sau đó ở Bahrain đem 25 người Shiite ra truy tố tội chống lại cấp lãnh đạo. Nhiều người bị bắt tố cáo họ bị tra tấn ở trong tù.

Bahrain có nền kinh tế yếu kém hơn so với láng giềng giàu tài nguyên năng lượng trong vùng như Saudi Arabia và Qatar, nơi mang lại cho người dân nhiều tiện ích xã hội. Trữ lượng dầu hỏa của Bahrain thì nhỏ nhoi, trong khi vai trò trung tâm tài chánh trong vùng bị Dubai lấn át.

Yemen bị dân chúng xuống đường chống đối trong bốn ngày tiếp. Báo cáo cho thấy có ít nhất 17 người bị thương trong hai cuộc chạm trán riêng biệt giữa người chống đối với phe ủng hộ chính phủ.
Ở Jordan hằng trăm người bộ tộc Bedouin phong tỏa đường sá, đòi hỏi chính quyền trả lại đất đai họ sở hữu trước đây.

Tại Lybia, một cuộc phản kháng vào ngày Thứ Năm sẽ đòi hỏi chấm dứt nạn tham nhũng trong chính quyền và sự vi phạm nhân quyền của chính phủ Tổng Thống Moammar Kadafi.

Ở Algeria, phản kháng tiếp tục diễn ra để chống lại nạn giá cả thực phẩm tăng vọt và mức thất nghiệp tăng cao, đồng thời nhắm đến việc loại bỏ Tổng Thống Abdelaziz Bouteflika.

Tại Ai Cập, tổ chức Huynh Ðệ Hồi Giáo lâu nay bị cấm hoạt động, hôm Thứ Ba tuyên bố sẽ lập thành một đảng chính trị một khi nền dân chủ được lập nên ở Ai Cập. Tuy nhiên họ hứa sẽ không có ai ra ứng cử tổng thống, để trấn an sự lo sợ ở trong nước lẫn hải ngoại rằng họ muốn tìm cách nắm lấy quyền bính.

Ðồng thời các tân lãnh tụ quân đội tỏ dấu cho thấy tổ chức này sẽ không còn bị cấm hoạt động trên chính trường.

Tại Washington, TT Obama ca ngợi hội đồng quân nhân Ai Cập đã làm việc để hướng đến cuộc bầu cử và trả lại quyền kiểm soát đất nước cho giới dân sự.

Ở Tunisia, lệnh giới nghiêm ban đêm được hủy bỏ nhưng tình trạng khẩn trương, vốn được đem ra áp dụng từ hôm 14 tháng 1, vẫn còn duy trì cho đến khi có thông báo mới hơn. (TP)