Người Thượng tị nạn ở Campuchia đối mặt với các rủi ro mới |
Tác Giả: VOA |
Thứ Tư, 16 Tháng 2 Năm 2011 10:14 |
Campuchia là nước ký kết Công ước Tị nạn 1951 và có bổn phận bảo vệ cho những người tị nạn Các tổ chức nhân quyền yêu cầu chính phủ Campuchia bảo đảm an toàn cho người tị nạn, giữa lúc có tin nói rằng Phnom Penh đang chuẩn bị trả một nhóm người Thượng về Việt Nam, nơi họ đối mặt với sách nhiễu và bách hại. Các tổ chức nhân quyền nói rằng những người Thượng xin tỵ nạn này bị tịch thu đất đai và đàn áp tôn giáo ở Việt Nam / Hình: AP Bản tin của IPS đánh đi từ Phnom Penh hôm thứ tư cho biết mối quan tâm về qui chế tị nạn đã được nêu lên sau khi Campuchia đóng cửa một trung tâm tị nạn do Liên hiệp quốc điều hành, vốn là nơi tạm trú của mấy mươi người Thượng tị nạn từ Việt Nam. Theo ước tính của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, hiện có khoảng 300 người Thượng theo đạo Tin lành đang bị cầm tù ở Việt Nam vì niềm tin tôn giáo hoặc chính trị của họ. Campuchia là nước ký kết Công ước Tị nạn 1951 và có bổn phận bảo vệ cho những người tị nạn. Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng người tị nạn ở Campuchia không được đối xử một cách công bằng. Cuối năm 2009 Campuchia ban hành một nghị định mà trên thực tế dành cho họ quyền chung quyết trong việc xác định qui chế tị nạn của những người đến nước họ xin tị nạn. Hãng tin IPS trích lời ông Phil Robertson, Phó Giám đốc bộ phận Á châu của Human Rights Watch, nói rằng “Chúng tôi lo ngại là những người tị nạn trong tương lai sẽ không có được một sự phân xử công bằng.” Ông Robertson cho rằng trong trường hợp có động lực chính trị để làm cho người tị nạn không tới Campuchia, tổ chức ông lo ngại là Phnom Penh sẽ chiều theo lập trường của Việt Nam cho rằng những người đó không phải là người tị nạn. Những người chỉ trích nói rằng có một tiền lệ cho sự lo ngại như vậy. Không lâu sau khi nghị định về người tị nạn được ban hành, chính phủ Campuchia đã gởi trả về Trung Quốc 20 người Uighur trong lúc hồ sơ xin qui chế tị nạn của những người đó đang được cứu xét. Số phận của những người đó đến nay vẫn chưa được rõ, nhưng Trung Quốc đã tuyên án tù dài hạn và án tử hình cho những người Uighur bị tố cáo là dính líu tới vụ rối loạn sắc tộc năm 2009. Sau vụ cưỡng bách hồi cư đó, Trung Quốc và Campuchia loan báo những thỏa thuận thương mại trị giá 1 tỉ 200 triệu đô la. Phát ngôn viên Koy Kuong của Bộ ngoại giao Campuchia bác bỏ nhận định của những người cho rằng những người Thượng tị nạn sẽ bị bách hại khi trở về Việt Nam. Ông Koy nói rằng “Việt Nam là một nước có pháp luật chứ không phải một nước của những kẻ man rợ.” Ông nói thêm rằng Việt Nam hiện nay không có nội chiến và có nền kinh tế đang phát triển rất nhanh chóng. Nguồn: IPS, AP
|