Home Tin Tức Thời Sự Thành phố ở Libya 'rung động' vì biểu tình

Thành phố ở Libya 'rung động' vì biểu tình PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Tư, 16 Tháng 2 Năm 2011 09:18

Hàng trăm người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát và ủng hộ viên chính phủ tại thành phố Benghazi của Libya.

Các nhân chứng nói với BBC vụ biểu tình qua đêm diễn ra sau khi một nhà bất đồng chính kiến có tiếng đã bị bắt.

Luật sư Fathi Terbil từ Hội Gia đình Hồi giáo Châu Phi này sau đó được trả tự do nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn.

Ông Gaddafi lãnh đạo Libya từ năm 1969


Ông Terbil đại diện cho thân nhân của hơn 1.000 tù nhân mà người ta tố cáo đã bị sát hại bởi lực lượng an ninh tại nhà tù Abu Salim ở Tripoli hồi năm 1996.

Trong khi đó ông Mohammed Ali Abdullah từ Mặt trận Cứu rỗi Libya nói với BBC gia đình của luật sư bị bắt đã ngồi biểu tình trước nơi người thân của họ bị giam giữ và nhiều người khác cùng tham gia biểu tình.

Ông Abdullah cũng nói cảnh sát đã dùng hơi ngạt, vòi rồng và cả một số kẻ côn đồ mang dao để giải tán người biểu tình.

Những diễn biến ở Libya xảy ra sau hàng loạt các cuộc biểu tình vì dân chủ tại các nước Arab trong vài tuần gần đây khiến các nhà lãnh đạo Tunisia và Ai Cập mất chức.

Các nhà tổ chức biểu tình ở Libya đang kệu gọi xuống đường toàn quốc vào ngày mai, thứ Năm.

Cảnh sát bị thương

Hiện chưa có những nguồn tin độc lập khẳng định những gì thực sự xảy ra ở Benghazi nhưng các nhân chứng nói có lúc số người biểu tình lên tới 2.000.

Người Libya mong muốn nhiều hơn nữa. Libya là nước cực kỳ giàu có mà dân số chỉ có sáu triệu.

Họ cũng nói có người biểu tình đã ném đá vào cảnh sát.

Một nhân chứng muốn giấu tên nói với BBC:

"Người Libya mong muốn nhiều hơn nữa. Libya là nước cực kỳ giàu có mà dân số chỉ có sáu triệu. Người dân Libya muốn có thu nhập bình quân đầu người ít nhất phải trong nhóm năm nước có thu nhập cao nhất thế giới.

"Các cơ quan chính quyền, bệnh viện, trường học cần được điều hành tốt hơn.

"Ngoài ra tham nhũng cũng rất phổ biến và người dân đã chán nản.

"Muốn làm gì cũng phải biết ai đó, phải có quan hệ và hiển nhiên là phải có tiền."

Một báo tư nhân của Libya nói 14 người bị thương trong đó có 10 sĩ quan cảnh sát.

Nhân dân trị?

Truyền hình nhà nước Libya trong khi đó chiếu cảnh vài trăm người ở Benghazi lên tiếng ủng hộ chính quyền.

Nhưng các quan chức chính phủ không bình luận gì về cuộc biểu tình tại thành phố cảng cách thủ đô Tripoli khoảng 1.000 km.

Đây là thành phố lớn thứ hai ở Libya với dân số 670.000 người.

Benghazi có lịch sử không ưa gì nhà lãnh đạo hiện nay Đại tá Gaddafi kể từ khi ông tiến hành cuộc đảo chính năm 1969 và tiếm quyền.

Ông Gaddafi luôn nói rằng Libya do một loạt các ủy ban nhân dân cùng tham gia điều hành nhưng hầu hết các nhà quan sát đều nói đây là quốc gia cảnh sát trị mà ông Gaddafi luôn ngồi ở ghế chỉ huy.

Khu vực Trung Đông đã chứng kiến một loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ xuất phát từ những bất bình về tình trạng thất nghiệp, giá sinh hoạt tăng cao, tham nhũng và lối cai trị độc đoán

Làn sóng mở đầu với việc lật đổ nhà lãnh đạo Tunisia Zine al-Abidine Ben Ali hồi tháng Giêng.

Tuần trước Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã từ chức.

Biểu tình trong mấy ngày qua cũng diễn ra tại Yemen, Bahrain và Iran.