Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15/02/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15/02/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Tư, 16 Tháng 2 Năm 2011 09:10

 Báo les Echos cũng nhìn về phiá Nhật Bản nhưng tỏ vẻ lạc quan hơn qua hàng tít : Sự vươn lên của Trung Quốc không làm Nhật Bản bị lay động.

Nhật Bản không nao núng dù bị Trung Quốc giành chức cường quốc kinh tế thứ hai

Trụ sở Ngân Hàng Trung ương Nhật Bản tại Tokyo ngày
14/02/2011, hôm Nhật Bản chính thức công nhận bị Trung Quốc
soán ngôi cường quốc kinh tế thứ hai. REUTERS/Toru Hanai

Sự kiện vị trí cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới của Trung Quốc được chính thức khẳng định hôm qua, 14/02/2011, sau khi Nhật Bản thông báo trị giá tổng sản phẩm nội điạ năm 2010, đã được cả 3 tờ Le Monde, Libération và Les Echos bình luận rộng rãi.

Le Monde ngay trang nhất, nhìn về phía Nhật một cách luyến tiếc : kinh tế Nhật vẫn tiếp tục bị Trung Quốc qua mặt. GDP Nhật Bản giảm sụt 0,3%, trong quý tư, xác nhận vị trí của Trung Quốc đứng ngay sau Hoa Kỳ, trong lúc Nhật vẫn phải lặn ngụp trong thời kỳ công nghiệp suy sụp. Tờ báo còn nhìn thấy là Nhật không thể nào bắt kịp được trở lại Trung Quốc.

Báo les Echos cũng nhìn về phiá Nhật Bản nhưng tỏ vẻ lạc quan hơn qua hàng tít : Sự vươn lên của Trung Quốc không làm Nhật Bản bị lay động. Ở trang trong tờ báo chạy hàng tựa lớn : Nhật Bản đã nhường vị trí cường quốc thứ nhì thế giới cho Trung Quốc.

Tờ báo nhắc lại sau khi giữ ‘chức’ nền kinh tế thứ hai thế giới trong suốt 42 năm qua, chỉ thua Hoa Kỳ, Nhật Bản hôm qua đã chính thức công nhận mình đã bị Trung Quốc qua mặt trong năm 2010. Tổng sản phẩm quốc nội của Nhật chỉ là 5.474, 2 tỷ đô la trong lúc GDP của Trung Quốc lên 5.878, 6 tỷ.

Les Echos công nhận đà vươn lên cực nhanh của Trung Quốc. Chỉ mới cách đây 5 năm, tầm vóc kinh tế Trung Quốc chỉ bằng không đầy 1/2 của Nhật Bản. Thế nhưng, tăng trưởng ngoạn mục đã cho phép quốc gia 1,3 tỷ dân này bắt kịp trong một thời gian ngắn quần đảo 127 triệu dân.

Tuy nhiên trong mắt tác giả bài báo, Nhật không hẳn là kém cỏi : năm ngoái GDP của Nhật đã tăng 3,9%, tỷ lệ rất khá, cao hơn nhiều so với một số không ít quốc gia trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE. Kinh tế Nhật cũng đã vươn lên mạnh mẽ trong 3 quý đầu năm trước khi gặp khó khăn trong quý cuối cùng. Theo Les Echos, giới kinh tế ở Tokyo cũng như viên chức vẫn tỏ vẻ lạc quan và loại trừ khả năng Nhật rơi trở lại vào suy thoái.

Trung Quốc đăng quang nhưng người Nhật không rúng động

Nhưng điều mà Les Echos đặc biệt ghi nhận trong hàng tiểu tựa là sự đăng quang của Trung Quốc không làm cho người Nhật rúng động. Bằng chứng là tin Trung Quốc vượt qua Nhật Bản đã được chính quyền thông báo một thản nhiên, và cũng không gây tranh luận gì trong nước. Tokyo có vẻ tự hào, nêu bật thành công trên bình diện xã hội, và GDP bình quân đầu người của mình cao hơn Trung Quốc gắp 10 lần.

Và Châu Á, theo Les Echos, vẫn nhìn Nhật Bản với con mắt thán phục. Tờ báo trích lời giáo sư Sherman Abe, Đại học Hitotsubashi, cho là ‘Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan ca ngợi thành công kinh tế của Nhật và khả năng quốc gia này tạo ra tăng trưởng trên cơ sở chất lượng và giá trị thặng dư, hơn là sản xuất hàng khối lượng lớn’.

Les Echos còn liệt kê một số thành tựu nữa của Nhật như : tỷ lệ thất nghiệp chưa đầy 5%, tuổi thọ người dân rất cao : 82 tuổi, và xã hội ổn định. Vì thế, theo tờ báo, tuy công nhận ảnh hưởng yếu đi của mình và sự vươn lên của Bắc Kinh nhưng Tokyo không có mặc cảm gì đối với Trung Quốc cả.

Vào lúc Nhật Bản có vẻ bình thản như thế, Libération ngược lại ghi nhận thái độ thận trọng của Bắc Kinh, đã không tỏ sự hãnh diện ồn ào như trước đây về các thành tựu của mình. Tờ báo chạy tựa hóm hỉnh, như thì thầm : ‘Sụyt ! Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới’.

Liberation ngạc nhiên trước việc Trung Quốc đón nhận không kèn không trống tin về vị trí kinh tế của mình. Giám đốc cơ quan thống kê chỉ đánh giá : ‘Kết quả này nhờ sự lãnh đão của đảng... và chính sách mở cửa’. Ông còn cảnh báo không nên ‘đắc thắng’ trước các số liệu thống kê, vì tuy GDP của Trung Quốc rất cao, nhưng dân Trung Quốc còn quá đông, cho nên tính GDP theo đầu người, thì Trung Quốc không đạt được đến hạng 100 trong bản xếp hạng quốc tế. ‘Đấy là thực tế.’

Libération nhận thấy thái độ khiêm tốn này rất khác thường so với cách đây 3 năm, vào năm 2007. Lúc ấy, khi vượt qua Đức, Bắc Kinh đã đánh trống thổi kèn loan tin. Trích dẫn báo giơí Trung Quốc, Libération giải thích thái độ trên là do Bắc Kinh e ngại bất ổn định, dân chúng biểu tình đòi cải thiện đời sống của họ.

Hiện nay trên mạng Internet có nhiều thắc mắc tại sao lương hướng vẫn không tăng, hệ thống bảo hiểm xã hội không được cải thiện, trong lúc mà tăng trưởng kinh tế rất ngoạn mục. Nếu chính quyền lại thông báo rầm rộ thành tựu kinh tế của Trung Quốc, thì những đòi hỏi về mặt xã hội sẽ gia tăng theo.

Hiện nay điều mà dư luận Trung Quốc quan tâm không phải là GDP chung, mà là GDP theo bình quân đầu người, và thu nhập của họ, chênh lệch giàu nghèo.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Indonesia : thuần hóa giới Hồi giáo cực đoan không dễ

Cũng về Châu Á, tờ Le Figaro hôm nay nhìn về Indonesia, mà trong chiến dịch chống khủng bố đã có một chính sách nặng phần tâm lý, thu phục nhân tâm : Cố gắng giảm tinh thần quá khích những phần tử hồi giáo cực đoan. Nhưng không phải dễ. Le Figaro chạy tựa bài báo : ‘ Sự lành bệnh ‘khó khăn’ của giới thánh chiến Indonesia’.

Le Figaro cho biết là từ sau cuộc khủng bố ở Bali năm 2002, đất nước Hồi giáo lớn nhất thế giới này đã mở chiến dịch chống khủng bố rất là mạnh mẽ. Một đơn vị đặc biệt gọi là đơn vị 88 được thành lập năm 2004, tập hợp nào những tay súng tinh nhuệ nhất, chuyên viên thiện nghệ trong việc theo dõi, thâm nhập các tổ chức. Họ gồm 600 người hoạt động trong các mạng lưới khủng bố.

Nhưng theo Le Figrao điều mà đơn vị này tự hào, như lãnh đạo của họ, Petrus Golosse giải thích, đó không phải chỉ có truy lùng kẻ khủng bố mà còn làm những người ‘cố vấn tinh thần’. Họ đánh cược trên yếu tố tâm lý để những kẻ quá khích hoàn lương. Họ không xem những người tiến hành khủng bố là những kẻ phạm tội ác vô phương chữa trị mà là những người tinh thần bất ổn định.

Để thu phục những kẻ hung hăng này, trước tiên hết phải cho họ thấy là trước mặt họ, không phải là những người ngoại đạo, đáng diệt trừ như các giáo sĩ quá khích thường rao giảng. Những nguời trong đơn vị này chào các tù nhân của họ bằng tiếng Ả Rập, ngưng giữa chừng việc hỏi cung để cầu nguyện cùng với họ.

Ý ban đầu của việc thực hiện chương trình này là thu thập thông tin, nhưng đồng thời nhờ đến sự hợp tác của các giáo sĩ ôn hoà để thuyết phục những kẻ quá khích là họ đã đi lầm đường.

Nỗ lực là thế, chương trình gặt hái được một số thành công, nhưng không mỹ mãn như mong muốn. Theo tờ báo, trong số 200 người đươc trả tự do sau khi mãn hạn tù thì khoảng 20 người chịu làm việc với cảnh sát, còn số người còn lại thì đã dính trở lại vào những âm mưu khủng bố.

Theo giới chuyên gia, nỗ lực trên đáng hoang nghênh, nhưng chương trình còn qua nhiều điểm yếu vì chỉ tập trung trên việc cải thiện điều kiện giam cầm ví dụ như cải thiện chế độ ăn uống, chưa đủ tính cách thuyết phục.

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Tunisia và Ai Cập : Làm sao thu hồi tiền bị lãnh đạo biển thủ ?

Tờ La Croix hôm nay, nhìn đến hai vị lãnh đạo Tunisia và Ai Cập, người thì chạy trốn, kẻ thì từ nhiệm, và nêu câu hỏi đích đáng là làm thế nào thu hồi lại các món tiền mà các nhà độc tài đã biển thủ ?

Phe cánh tổng thống Tunisia Ben Ali nắm trong tay 4 tỷ euro, còn Tổng thống Ai Cập Mubarak và giới thân cận, từ 30 đến 50 tỷ. Từ 10 đến 20% số tài sản kếch xù này nằm ở ngoại quốc. Nhưng La Croix, khi  nhìn lại những quy định và cuộc hợp tác giữa các quốc gia ngày càng chặt chẽ hơn, chưa mất hết hy vọng.

Công ước Liên Hiệp Quốc chống tham nhũng, thông qua năm 2004, và được 140 quốc gia ký kết, trong đó có Ai cập và Tunisia, đã quy định là các quốc gia phải hợp tác để hoàn trả lại tài sản mà các lãnh đạo tham nhũng đã biển thủ. Ở Pháp, công ước có hiệu lực vào năm 2007 với đạo luật chống tham nhũng.

La Croix nhắc lại là 2 ngày sau khi ông Ben Ali ra đi, bộ trưởng kinh tế Pháp đã giao trách nhiệm cho Tracfin, cơ cấu đặc trách chống rửa tiền, báo động cho giới ngân hàng, chưởng khế, văn phòng điạ ốc, để họ thông báo ngay những giao dịch mờ ám trong tài khoản ngân hàng của ông Ben Ali và giới thân cận ở Pháp.

Các tổ chức như Sherpa và Minh Bạch Quốc tế cũng đệ đơn trước toà để ngành tư pháp theo dõi. Theo La Croix thì Công tố viện Paris đã ra lệnh giữ một chiếc máy bay của gia đình Ben Ali ở sân bay Le Bourget. Thụy Sĩ hôm 20/01 và Châu Âu, ngày 31/01, đã phong toả tài sản của tổng thống Tunisia.

Đối với ông Mubarak Thụy Sĩ đã tiên phong quyết định phong toả tài sản của lãnh đạo Ai Cập. Theo La Croix, người ta đang chứng kiến một giai đoạn mới trong hợp tác quốc tế. Việc trao đổi thông tin đã tiến nhanh, và các ngân hàng, theo tờ báo, sẽ gặp nhiều rủi ro hơn khi cho phép những giao dịch liên quan đến tài sản bất chính.

Cần phải giúp đỡ người dân Tunisia và Ai Cập

Nhìn về Tunisia và Ai Cập, bài xã luận trên trang nhất báo La Croix, lên tiếng thúc giục quốc tế trợ giúp cho hai quốc gia này. Bài báo nêu bật những khó khăn, tính phức tạp của tình hình.

La Croix nhận thấy việc ông Ben Ali chạy trốn, ông Mubarak từ nhiệm chỉ mang đến cho dân chúng hai quốc gia một sự phấn khởi nhất thời. Nhưng trên hai bờ sông Nil, 2/3 người dân phải sống qua ngày, không có thu nhập bảo đảm.

Tại Tunisia, nỗi thống khổ vì nghèo khó của thanh niên đã được phơi bày qua số hàng ngàn người chạy sang Ý trong mấy ngày qua. Cho nên những giải pháp chính trị tạm thời, với chính quyền chuyển tiếp có trọng trách tổ chức bầu cử tự do, vấn dề cuộc sống thực tế người dân, thu nhập của họ, phải là một vấn đề ưu tiên cấp bách.

La Croix nhắc nhở là những phong trào đãu tranh xã hội trong 5 năm qua đã góp phần làm suy giảm ổn định tại hai quốc gia này. Ở Tunisia những cuộc biểu tình có tổ chức hay tự phát trong những ngày này cho thấy nỗi tức giận đang bùng lên trở lại trong tầng lớp bình dân. Ở Ai Cập, từ công nhân ngành may mặc cho đến công chức, nhân viên ngành y tế, và cả cảnh sát, cũng xuống đường.

Theo tờ báo thời gian không phải là đồng minh thuận lợi cho các chính quyền chuyển tiếp, cải tổ là một vấn đề dài hơi, mất nhiều thời gian, trong lúc những đòi hỏi từ phiá dân chúng rất là cấp bách. Châu Âu, theo bài báo phải đóng một vai trò trong tình hình này, chứ không chỉ có việc đóng cửa biên giới.