Home Tin Tức Thời Sự Mỹ không sợ hỏa tiễn Trung Quốc

Mỹ không sợ hỏa tiễn Trung Quốc PDF Print E-mail
Tác Giả: V.Giang   
Thứ Ba, 15 Tháng 2 Năm 2011 19:42

 Phó Ðô Ðốc van Buskirk nói rằng Hải Quân Mỹ không có ý định thay đổi hoạt động của mình

YOKOSUKA, Nhật (AP) - Hỏa tiễn nhằm tiêu diệt hàng không mẫu hạm, được coi là biểu tượng cho sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, sẽ không khiến Hải Quân Mỹ phải thay đổi hoạt động của mình trong vùng Thái Bình Dương, theo tư lệnh Ðệ Thất Hạm Ðội Mỹ trong cuộc phỏng vấn mới đây.

Các phân tích gia quân sự cho rằng hỏa tiễn Dong Feng 21D có thể làm thay đổi cán cân quân sự ở Á Châu, nơi các hải đội hàng không mẫu hạm Mỹ đã làm chủ đại dương từ cuối Ðệ Nhị Thế Chiến.

Một mô hình hỏa tiễn của Trung Quốc triển lãm tại viện bảo tàng Bắc Kinh hồi tháng 12, 2010. Trung Quốc nói họ chế tạo thành công hỏa tiễn DF 21 D có thể bắn trúng hàng không mẫu hạm của Mỹ. (Hình: Liu Jin/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, Phó Ðô Ðốc Scott van Buskirk, tư lệnh Hạm Ðội 7 của Mỹ, cho hãng thông tấn AP hay trong một cuộc phỏng vấn rằng Hải Quân Mỹ không xem loại hỏa tiễn đáng sợ này là mối đe dọa không cách chống đỡ cho hàng không mẫu hạm của mình.

“Ðây chẳng phải là nhược điểm cho hàng không mẫu hạm hoặc Hải Quân Mỹ. Ðây chỉ là một loại võ khí, một loại kỹ thuật hiện được sử dụng,” theo Phó Ðô Ðốc van Buskirk, trong cuộc phỏng vấn trên hàng không mẫu hạm USS George Washington, chiếc tàu duy nhất có căn cứ nhà ở vùng Tây Thái Bình Dương.

Hỏa tiễn DF 21D đặc biệt ở chỗ có thể có khả năng đánh trúng một mục tiêu đang di chuyển và được bảo vệ chặt chẽ - như hàng không mẫu hạm USS George Washington - với sự chính xác tối đa. Ðây là một đòi hỏi vô cùng khó khăn, đến nỗi Liên Xô đã phải từ bỏ việc nghiên cứu loại võ khí tương tự nhiều năm trước đây.

Hỏa tiễn này có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ vì tốc độ nhanh chóng từ khi rời khỏi giàn phóng, không cho hàng không mẫu hạm hay chiến hạm lớn khác có đủ thời giờ để đưa ra biện pháp chống đỡ.

 Ðiều này có thể làm suy yếu trầm trọng khả năng của Washington nhằm can thiệp vào một cuộc chiến có thể xảy ra liên quan đến Ðài Loan hay Bắc Hàn cũng như không bảo đảm an toàn cho tàu Mỹ khi di chuyển trong hải phận quốc tế gần bờ biển dài 11,200 dặm (18,000 km) của Trung Quốc.

 Tướng van Buskirk, với hạm đội chịu trách nhiệm hầu hết khu vực Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương, có khoảng 60 đến 70 chiến hạm và 40,000 thủy thủ cùng lính Thủy Quân Lục Chiến dưới quyền mình, nói rằng khả năng của hỏa tiễn Trung Quốc chưa được chứng minh. Nhưng ông cũng công nhận rằng hỏa tiễn này có gây ra quan tâm đặc biệt. “Bất cứ khả năng tấn công mới nào cũng là điều chúng tôi tìm cách theo dõi,” ông cho hay.

“Nếu đây là điều chưa được coi là có khả năng thay đổi cán cân lực lượng thì cũng sẽ có những thứ khác,” ông nói. “Khả năng thay đổi cán cân lực lượng từng được dùng để chỉ nhiều loại võ khí khác nhau. Tôi nghĩ điều này cũng tùy thuộc vào định nghĩa thế nào là khả năng chiến đấu. Ðây là một trường hợp đặc biệt, cho một khả năng rất đặc biệt - một điều có thể có ảnh hưởng lớn.”

Việc phát triển hỏa tiễn của Trung Quốc xảy ra trong lúc hải quân quốc gia này ngày càng có nhiều hoạt động hơn ở khu vực quanh bờ biển của họ và ở trong những khu vực có tranh chấp hải phận.

Cuối năm ngoái, Trung Quốc và Nhật đối đầu nhau trong cuộc tranh chấp ngoại giao liên quan đến mấy hòn đảo mà cả hai bên đều cho của mình. Một hải đội gồm 10 chiến hạm Trung Quốc, kể cả tầu ngầm và khu trục hạm tối tân, di chuyển qua eo biển Miyako hồi tháng 4, lần đầu tiên có một đoàn tàu đông đảo như vậy ở khu vực này.

Các chuyên gia quân sự cho rằng đây là cách Trung Quốc thăm dò phản ứng của Nhật và Mỹ cũng như chứng tỏ khả năng hoạt động của hải quân họ. Trung Quốc cũng mạnh mẽ bày tỏ sự không hài lòng về việc hàng không mẫu hạm Mỹ hoạt động trong vùng bán đảo Triều Tiên, nói rằng các chiến hạm này đe dọa an ninh cho thủ đô Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Phó Ðô Ðốc van Buskirk nói rằng Hải Quân Mỹ không có ý định thay đổi hoạt động của mình vì mối đe dọa mới và sẽ tiếp tục các chuyến tuần tiễu quanh Nhật, bán đảo Triều Tiên, Philippines và các nơi khác khi cần thiết.

“Chúng tôi sẽ không thay đổi hoạt động của mình chỉ vì kỹ thuật nào đó được sử dụng, nhưng chúng tôi sẽ theo dõi kỹ càng và có biện pháp thích ứng.”