Ai Cập: xe tăng không phải để nghiền nát nhân dân |
Tác Giả: Huy Đức |
Thứ Hai, 14 Tháng 2 Năm 2011 12:55 |
Tôi tin rằng rồi lịch sử của đất nước Kim Tự Tháp sẽ mãi mãi khắc ghi hình ảnh những đoàn xe bọc thép biết dừng bánh, chứ không nghiền nát nhân dân của họ BBC đưa tin: Phó Tổng thống Ai Cập, Omar Suleiman vừa phát biểu trên truyền hình rằng "Tổng thống Hosni Mubarak từ chức". Tin ra lúc 16 giờ chiều giờ châu Âu khiến đám đông tại Quảng trường Tahrir ở Cairo reo hò mừng rỡ. Như thế, sau gần ba tuần dân chúng biểu tình, nhà lãnh đạo 82 tuổi phải ra đi sau ba thập niên cầm quyền liên tục. Cuộc cách mạng lật đổ Mubarak ở Ai Cập là cuộc nổi dậy không cần lãnh tụ, một cuộc nổi dậy bột phát đúng nghĩa từ dân chúng. Song tôi vẫn ấn tượng với hình ảnh những quân nhân tay bồng súng ngồi trên những đoàn xe bọc thép lại ân cần tươi cười với những người nổi dậy. Nếu đó là đoàn quân Giải phóng Trung Hoa thì chắc chắn Cairo đã đẫm máu. Nhưng những đoàn xe bọc thép của quân đội Ai Cập đã không như những đoàn xe bọc thép của quân Giải phóng Trung Hoa. Tôi tin rằng rồi lịch sử của đất nước Kim Tự Tháp sẽ mãi mãi khắc ghi hình ảnh những đoàn xe bọc thép biết dừng bánh, chứ không nghiền nát nhân dân của họ. Xin giới thiệu một bài viết của nhà báo Huy Đức trên trang facebook của anh: Người Bạn Ai Cập Có lẽ vì internet bị cắt, tôi không liên lạc được với Olfa, một nữ biên tập viên của Đài truyền hình Ai Cập. Chúng tôi có một năm học tập và trao đổi kinh nghiệm ở Đại học Maryland. Olfa là con dâu của một cố bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập. Chị nhiều lần ngỏ lời mời tôi đến nghỉ ngơi tại biệt thự riêng bên bờ biển chỉ dành cho những kỳ nghỉ mát của gia đình. Dưới chế độ của tổng thống Hosni Mubarak, quân đội có rất nhiều quyền lợi và quyền hành. Mấy ngày qua, khi theo dõi tình hình Cairo, vẫn biết là Mubarak khó lòng chống lại được ý chí của nhân dân, nhưng vẫn cảm thấy mừng khi quân đội Ai Cập tuyên bố không dùng súng đạn. Olfa có đôi mắt vô cùng đẹp. Tôi vẫn nói đùa: “Nhìn mắt của Olfa tôi hiểu vì sao đàn ông Trung Đông lại rất hay chiến tranh”. Khác với chúng tôi, 2-3 fellows share với nhau một apartment, Olfa ở một căn hộ riêng để thỉnh thoảng chồng chị bay tới thăm. Chồng Olfa là dân hồi giáo, anh ấy có quyền được lấy 4 vợ nhưng khi tôi hỏi thì Olfa cười: “Một vợ đã là mệt lắm”. Chị nói: “Cũng có nhiều người đàn ông Hồi giáo học cao, biết rộng vẫn lấy nhiều vợ. Nhưng, những người thực sự văn minh thì lựa chọn cuộc sống một vợ một chồng”. Học kỳ nào tôi cũng lấy mấy lớp về văn hóa, chính trị Trung Đông. Những năm sau sự kiện “11-9”, các trường đại học ở Mỹ nghiên cứu nhiều hơn về Hồi giáo. Ở lớp, tôi vẫn thường tranh luận về “các nền văn minh”. Tôi cho rằng không có “sự xung đột giữa các nền văn minh” mà chỉ có “sự xung đột giữa các trình độ văn minh”. Câu chuyện của Olfa được tôi lấy làm ví dụ. Hồi giữa thế kỷ 20, ở Việt Nam, nếu người vợ để cho đàn ông không phải chồng mình cầm tay đã có thể bị coi là thất tiết. Ngày nay, các cô vợ đã có thể bắt tay, ôm hôn những người bạn đàn ông. Khi đã ở một trình độ văn minh như nhau con người cho dù xuất thân từ đâu cũng có thể chia sẻ rất nhiều giá trị. Trong lớp, có một tiến sỹ người Hàn Quốc, anh vừa học vừa dạy về “Dân chủ và Khổng Tử”. Anh nói, về ảnh hưởng nho giáo thì Hàn Quốc có khi còn nặng hơn Việt Nam. Cuối thập niên 1990, khi người Hàn Quốc dân chủ hóa một cách triệt để hơn, đã có những phong trào đòi “Khổng Tử phải chết”. Một người Hàn Quốc khác mà tôi có dịp share phòng với anh suốt hai tháng ở Santa Cruz, tiến sỹ Byungsik- Phó trưởng đoàn đàm phán quốc tế của Bộ Tài chánh Hàn Quốc- kể rằng: “Nhiều người dân Hàn Quốc cũng bất ngờ khi nhận ra chính dân chủ đã làm cho xã hội Hàn Quốc thực sự ổn định so với hơn hai thập niên độc tài. Và, cho dù, Hàn Quốc từng có những nhà độc tài được coi là anh minh, từng đưa ra những chính sách phát huy nội lực đưa đất nước vươn lên. Nhưng, chỉ từ khi dân chủ thật sự, nền kinh tế Hàn Quốc mới bắt đầu bền vững”. Theo Olfa, nhiều tướng lĩnh Ai Cập xuất thân từ những gia đình dòng dõi, đa số được đào tạo với trình độ văn hóa cao. Cũng không đáng ngạc nhiên khi những chiếc xe tăng được Mubarak điều vô chỉ ngoan ngoãn nằm im trên đường phố và binh lính thì khá thân thiện với những người biểu tình chống chính quyền. Không phải tự nhiên mà các nước thường đặt quân đội trong một bộ gọi là bộ quốc phòng. Quân đội là lực lượng được nuôi để đánh thứ giặc thực sự của nhân dân: ngoại xâm. Quân đội chỉ được dùng để bảo vệ nhân dân và giữ từng tấc đất của cha ông. Dùng quân đội để chống lại nhân dân thì khi có ngoại xâm nhân dân có thể sẽ không còn cho con đi đánh giặc. Chính quyền cho dù dân chủ hay độc tài thì cũng có nhu cầu bảo vệ mình. Hoàn toàn hợp pháp khi lập ra một lực lượng cảnh sát đối phó với biểu tình. Nếu nghĩ đến lợi ích quốc gia thì phải hiểu, dùng quân đội chống biểu tình là điều tối kỵ. Những chiếc xe tăng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc khi nghiến nát nhân dân vào đêm 3-6-1989 ở Thiên An Môn cũng đã nghiến nát hai từ “Nhân dân” trong cái tên của nó. |