Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11/02/2011

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11/02/2011 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Bảy, 12 Tháng 2 Năm 2011 09:24

 Nga loan báo sẽ tăng cường sức mạnh quân sự ở vùng quần đảo Kuril tranh chấp với Nhật.

Nga tăng cường sức mạnh quân sự ngoài khơi quần đảo Kuril

Une des îles Kouriles appartenant à la Russie.
Dr. Igor Smolyar, NOAA/NODC

Nga loan báo sẽ tăng cường sức mạnh quân sự ở vùng quần đảo Kuril tranh chấp với Nhật. Nếu nhìn vào nỗ lực phát triển hải quân của các nước khác trong khu vực, trước hết là Trung Quốc và Nhật Bản, rồi Việt Nam, Singapore, thì lâu nay Nga có vẻ chậm chạp hơn. Nhưng bên cạnh mục đích quân sự, còn là lợi ích kinh tế.

Cuộc nói chuyện trên truyền hình tối qua của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và tình hình tại Ai Cập là chủ đề chiếm trang nhất của nhiều nhật báo Pháp ra ngày hôm nay.

Tờ báo cánh hữu Le Figaro không ngần ngại chạy tựa « Việc làm, tư pháp, an ninh – Ông Sarkozy muốn cải cách để bảo vệ ». Tổng thống Pháp đã loan báo dành ngân sách 500 triệu euro để hỗ trợ tạo công ăn việc làm, và những cải cách trong ngành tư pháp cũng như trong vấn đề an ninh. Nhật báo Le Monde đưa tít « Thẩm phán, giáo chức : Mặt trận của một nước Pháp trung lưu ». Còn nhật báo công giáo La Croix chú ý đến vấn đề thuế khóa, chiếc chìa khóa của việc cải cách.

Về tình hình Ai Cập, chân dung Tồng thống Hosni Mubarak chiếm trang nhất của nhật báo cánh tả Libération với tựa đề « Thử thách quyền lực ». Tương tự, hình ảnh ông Mubarak và những người phản kháng cũng được sử dụng làm nền cho trang bìa nhật báo cộng sản L’Humanité. Tờ báo chạy tựa « Mubarak, hành động cuối cùng ».

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Nga tăng cường sức mạnh quân sự ngoài khơi quần đảo Kuril

Trên đây là tựa đề bài viết của thông tín viên Le Figaro tại Matxcơva. Bài báo cho biết, hôm nay Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seiji Maehara viếng thăm Matxcơva, trong bối cảnh cả hai bên Nga và Nhật đều đang cao giọng về vấn đề chủ quyền ở quần đảo này.
.
Chuỗi đảo dài 1.200 km phân cách Thái Bình Dương và biển Okhotsk, với 19.000 dân, đã được Liên Xô cũ sáp nhập vào lãnh thổ của mình vào ngày 28/8/1945, ba ngày sau khi Nhật đầu hàng. Từ đó đến nay, Nhật Bản không ngừng đòi hỏi chủ quyền trên « vùng lãnh thổ phía Bắc ».

Tổng thống Nga Dimitri Medvedev khi đi thăm Nam Kuril tháng 11 trước đây đã làm cho chính quyền Nhật giận dữ, gọi đó là một « sự lăng nhục không thể tha thứ ». Hôm thứ tư, người đứng đầu điện Kremlin lại dấn thêm một bước, khi loan báo sẽ củng cố sự hiện diện quân sự tại vùng đất « chiến lược » và là « một bộ phận không thể tách rời của Liên bang Nga ». Ông Medvedev nói : « Trang bị vũ khí phải đầy đủ và hiện đại để bảo đảm an ninh của quần đảo ».

Le Figaro cho biết, các hệ thống hỏa tiễn phòng không S400, các ra-đa hiện đại và các chiến đấu cơ Sukhoï thế hệ mới nhất có thể sẽ được triển khai, cũng như hai chiếc hàng không mẫu hạm Mistral mà Nga đặt mua của Pháp. Theo dự kiến ban đầu thì một chiếc sẽ được điều đến Hắc Hải – điều này làm cho Washington lo ngại sau cuộc chiến Nga – Gruzia năm 2008 – chiếc kia tại Thái Bình Dương. « Nhưng cuối cùng, tình hình căng thẳng ở Kuril làm cho Matxcơva phải gởi hai chiếc hàng không mẫu hạm đến đó ». Đại tá dự bị Igor Korotchenko, giám đốc Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí giải thích như trên.

Tờ báo nhận xét, nếu nhìn vào nỗ lực phát triển hải quân của các nước khác trong khu vực, trước hết là Trung Quốc và Nhật Bản, và sau đó là Việt Nam, Singapore, thì Nga có vẻ chậm chạp hơn. Ngoại trừ các tiềm thủy đĩnh nguyên tử mà Nga vốn đi trước Nhật, hạm đội Thái Bình Dương của Nga khá già nua, có tuổi thọ trung bình đã trên 20 năm. Đương nhiên là Bộ tham mưu Hải quân Nga đòi hỏi điện Kremlin phải đầu tư thêm, và giới quân sự cũng cho Nhật là một mối đe dọa về an ninh. Ông Konstantin Sivkov, Viện phó Viện nghiên cứu các vấn đề địa lý chính trị nhận xét : « Không nên quên rằng, khác với Nga, có đến 90% hạm đội Nhật là sẵn sàng chiến đấu ».

Tokyo đã bác bỏ thẳng thừng luận điểm trên. Các nhà ngoại giao Nhật nhắc lại, chính sách quốc phòng mới được chính phủ đề ra vào cuối năm 2010 nhắm vào việc đối phó với mối đe dọa ở phía tây nam chứ không phải ở phía bắc, nơi có quần đảo Kuril. Họ tỏ ý nghi ngờ về mối liên quan giữa việc tranh chấp này và dự định điều hàng không mẫu hạm Mistral đến vùng Viễn Đông. Nhưng dù sao đi nữa, thì chiếc mẫu hạm đầu tiên cũng không thể được giao trước ba năm.

Le Figaro kết luận, áp lực quân sự chỉ là một trong nhiều phương diện ảnh hưởng đến chính sách của Nga về quần đảo Kuril, vì Nga còn có nhiều dự án kinh tế ở đây. Trữ lượng dầu khí, ma-nhê và titan dồi dào đã thúc đẩy Matxcơva gồng mình, xắn tay áo trước Tokyo.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Trung Quốc hạng tư thế giới về bằng sáng chế

Liên quan đến châu Á, phụ trang kinh tế của Le Figaro cho biết, trong năm 2010 Trung Quốc đã đăng ký đến 12.337 bằng sáng chế. Con số này tăng đến 56,2% chỉ trong vòng một năm, và gấp ba so với năm 2006, đưa Trung Quốc lên hàng thứ tư thế giới về mặt sáng tạo, chỉ sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đức.

Thông tín viên của Le Figaro tại Bắc Kinh nhận xét, Trung Quốc nói riêng và Đông Bắc Á nói chung, không chỉ đi đầu về mặt tăng trưởng mà còn về sáng tạo nữa. Theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới được công bố hôm thứ tư, thì con số bằng sáng chế trong năm qua đã tăng hơn dự kiến, đặc biệt tại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Các sáng chế của Trung Quốc có số lượng tăng vọt trong lãnh vực chuyển giao công nghệ điện tử (33%) và kỹ thuật nano (220%). Trong số 10 công ty sáng tạo hàng đầu thế giới, có ba công ty Nhật, hai công ty Trung Quốc và một của Hàn Quốc.

Ngoài số lượng, người ta còn đặt ra câu hỏi về hiệu quả thực sự của các sáng chế Trung Quốc. Ông Patrice Nordey, giám đốc Trung tâm theo dõi về kỹ thuật và sáng tạo của BNP tại châu Á cho rằng có hai vấn đề. Một là nỗ lực nghiên cứu của Trung Quốc chú trọng về ứng dụng hơn là về cơ bản, điều này trước mắt có lợi về kinh tế nhưng sẽ hiếm có được những bước nhảy vọt về kỹ thuật. Thứ hai, là số tiền đầu tư cho nghiên cứu. Tuy nhiên theo ông thì Bắc Kinh đang có mọi lợi thế cần thiết, từ cơ cấu, số lượng các nhà khoa học được đào tạo, cho đến tiền bạc và một chiến lược thực thụ để vươn lên được đỉnh cao.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Lời kêu gọi dân chủ của luật sư mù bị quản thúc

Cũng về Trung Quốc, Libération có bài viết về ông Trần Quang Thành, người luật sư mù dù bị quản thúc tại gia và theo dõi 24/24, nhưng vẫn thành công trong việc ghi âm một tuyên bố mạnh mẽ chống lại chế độ.

Trong đoạn video được đưa lên YouTube hôm qua, ông Trần Quang Thành tuyên bố: « Người ta nói rằng đôi khi nhân dân có được một chính quyền xứng đáng, nhưng đây không phải là trường hợp của Trung Quốc. Cả nước đang là nạn nhân của chế độ độc đảng. Người dân trở thành nô lệ, luật pháp bị giẫm đạp. Những người con của đất nước phải can đảm đấu tranh và giành thắng lợi trước đảng, bằng các hành động cụ thể ».

Libération nhận định, việc quay lén một tuyên bố của ông Thành có vẻ như một nhiệm vụ bất khả thi. Có ít nhất 22 cảnh sát mặc thường phục trang bị gậy gộc canh gác ngày đêm tất cả các ngõ vào ngôi làng ông đang cư ngụ, các camera theo dõi được gắn tại mỗi ngã tư, đường dây điện thoại bị cắt, sóng di động bị làm nhiễu và dân làng được lệnh không được đến gần nhà ông. Dù vậy, tài liệu trên vẫn đến được China Aids, một tổ chức phi chính phủ Mỹ. Hiệp hội này cho biết, một thành viên chính phủ Trung Quốc, bức xúc trước cách đối xử với ông Thành, đã chuyển giúp tới họ.

Dẫn lời Khổng Tử, ông Trần Quang Thành nói tiếp, xin trích : « Một xã hội không dựa trên công lý thì không thể ổn định lâu dài được…Đảng Cộng sản vi phạm Hiến pháp, luật pháp, các hiệp định quốc tế, hành động vô đạo đức và vô nhân đạo…Tôi kêu gọi mọi người tố cáo và lên án ». « Sự trấn áp, về lâu về dài là không có lối thoát, và đảng cần theo con đường dân chủ…Hệ thống xã hội hiện nay đang ở cuối con đường ».

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


Khuôn mặt diều hâu mới của Hạ viện Mỹ

Nhìn sang nước Mỹ, thông tín viên của Le Monde vẽ nên chân dung bà Ileana Ros Lehtinen, chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ của Hạ viện, một khuôn mặt « diều hâu » mới ở Washington.

Nếu Fidel Castro gọi bà là « con chó sói hung dữ », Hugo Chavez dùng từ « kẻ ngoài vòng pháp luật », thì bà Lehtinen cũng không ngần ngại gọi ông Castro là « khủng long » và ông Chavez là « kẻ lừa đảo ». Là người Mỹ gốc Tây Ban Nha đầu tiên tại Hạ viện, có giòng máu Do Thái trong người, bà bênh vực Israel tận tình, kịch liệt chống đối chính sách có phần hòa dịu của ông Obama đối với Iran và Cuba, cũng như thái độ trước tình hình Ai Cập. Khi ông Hồ Cẩm Đào đến thăm nước Mỹ, bà nói thẳng là ông đã sai lầm khi không trả tự do cho giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba. Còn Tổng thống Nga Dimitri Medvedev thì bị chỉ trích về nhân quyền, bằng một lá thư đưa tận tay.

Cho dù quyền lực Ủy ban Ngoại giao Hạ viện cũng chỉ hạn chế, nhưng bà muốn tận dụng để nói lên tiếng nói của phe diều hâu Mỹ.

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------


WikiLeaks "sinh con đẻ cái"

Đó là tựa đề bài báo trên Le Monde, nói về trang web OpenLeaks, được nhân vật số hai của WikiLeaks nay đã ly khai, sáng lập nên. Một số trang web tương tự cũng sẽ ra đời nay mai.

Tờ báo cho biết, ông Daniel Domsheit-Berg, sáu tháng sau khi ra đi vì những bất hòa với người sáng lập WikiLeaks là Julian Assange, đã thành lập trang web OpenLeaks, hoạt động dựa trên các nguyên tắc tương tự. Điểm khác biệt với WikiLeaks là, thay vì ký hợp đồng độc quyền với một số hạn chế tờ báo lớn trên thế giới, OpenLeaks liên kết với các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông. OpenLeaks hy vọng vào nguồn tài trợ từ những người ủng hộ, và hỗ trợ kỹ thuật của vài nhà tài trợ lớn. Để minh bạch về thu chi, một quỹ tài chính đã được thành lập tại Đức.

Bên cạnh đó, tại Connecticut, Hoa Kỳ, hệ thống LocaLeaks đang được chuẩn bị, tại Bruxelles, là Brussels Leaks, và một số mini WikiLeaks nội bộ nữa như Transparency Unit của kênh truyền hình Ả rập Al Jazira, và trang web Rospil.info ở Matxcơva cũng sẽ ra đời.