Home Tin Tức Thời Sự Chuyện Nước Pháp Tuần Thứ 06

Chuyện Nước Pháp Tuần Thứ 06 PDF Print E-mail
Tác Giả: Từ Nguyên, Paris   
Thứ Bảy, 12 Tháng 2 Năm 2011 09:18

Tối 10. 2, tổng thống Sarkozy đã lên truyền hình đề nghị một số biện pháp để giải quyết vấn đề này cùng những vấn đề nhân dụng, an ninh, y tế, xã hội khác...

Chống Nicolas Sarkozy
TÒA ÁN ĐÌNH XỬ 

                  Biểu tình trước Pháp đình tại Paris

Tuần nay có hai chuyện chiếm hàng đầu của thời sự. Vụ tòa án chống lại những lời chỉ trích nặng nề của tổng thống Sarkozy đối với hoạt động của ngành Tư pháp nói chung và vụ bà bộ trưởng Ngoại giao đi nghỉ ở Tunisie, một chuyến đi chơi của gia đình trở thành...một quốc sự. Vụ liên quan bà bộ trưởng lúc đầu sôi nổi nhưng kéo dài không được mấy ngày vì bị một vụ khác lấn áp : Thủ tướng Pháp, cùng thời điểm đó, cũng là thượng khách của tổng thống Ai Cập, người đang bị dân chúng chống đối! Dư luận được biết những chuyện này nhờ tuần báo Con Vịt Buộc (Le Canard Enchainé) và những bài viết trên mạng lưới.

Tối 10. 2, tổng thống Sarkozy đã lên truyền hình đề nghị một số biện pháp để giải quyết vấn đề này cùng những vấn đề nhân dụng, an ninh, y tế, xã hội khác...Các nghiệp đoàn thẩm phán, ngành tư pháp quyết định tiếp tục cuộc đình công, ngưng xử án.

CẦN THÊM PHƯƠNG TIỆN

Chừng 5 000 thẩm phán, luật sư trên toàn quốc về Nantes họp đại hội rồi xuống đường phản đối chính phủ vì một lời tuyên bố của tổng thống Sarkozy nhân vụ cô Laetitia Perrais bị hạ sát một cách tàn nhẫn. Trong khi đó tại hầu hết thành phố lớn các thẩm phán, luật sư, các nghiệp đoàn nhân viên ngành tư pháp với biểu ngữ xuống đường...Paris gần 1 000, Marseille, 400, Lyon 350...theo Reuters.

Chuyện cô Laetitia xảy ra như sau : Gần nửa đêm 18.1.2011, Laetitia, 18 tuổi, rời khách sạn quán ăn La Bernerie en Retz (Loire Atlantique) nơi cô làm việc ra về. Ngày hôm sau, người em song sinh tìm thấy chiếc xe gắn máy của cô gần nhà.

Trong ngày 20.1, Tony Meilhon, được thấy xuất hiện với Laetitia trong ngày 18, bị kêu tới Cảnh sát. Thanh niên 31 tuổi này từng bị kết án 13 lần từ năm 16 tuổi, liền bị câu lưu và giải tòa vì bị nghi là bắt cóc và giết người. Anh ta khai rằng đã đụng vào xe của Laetitia khiến cho Laetitia tử thương và rồi...vức xác xuống sông Loire.

Ngày 29.1, hai ngàn người trong thành phố đã biểu tình thầm lặng thương tiếc Laetitia. Ngày 1.2, xác của cô gái bị chặt nhiều khúc được tìm thấy trong một cái ao. Cho tới nay, Cảnh sát vẫn còn hút nước để tìm thêm thi thể của nạn nhân.

Hai ngày sau, lúc tới thăm thành phố Orléans, tổng thống Nicolas Sarkozy tuyên bố rằng Cảnh sát và quan tòa “đã lơ là” trong vụ kiểm soát Tony Meilhon, kẻ đã nhiều lần phạm tội. Tổng thống cho rằng có sự trục trặc trong việc điều hành ngành công lực và tòa án, và hứa sẽ trừng phạt thích đáng. Phản kháng lời tuyên bố của Sarkozy, các thẩm phán ở Nantes bắt đầu cuộc đình công rồi tràn lan khắp nước.

SARKOZY VỚI CÁC THẨM PHÁN

Đó là tóm lược sự kiện xảy ra đưa tới vụ chống đối hiện nay của nhiều tòa án đối với Nicolas Sarkozy. Thật sự thì tòa án và Sarkozy, từng là luật sư từ năm 1981, đã đụng độ về vấn đề của những kẻ tái phạm từ khi Nicolas Sarkozy còn là bộ trưởng Nội Vụ từ năm 2002.

Nicolas sẳn sàng lên tiếng chống lại bị can là những người tái phạm, an ủi gia đình các nạn nhân và đổ lỗi một cách dễ dàng cho các thẩm phán. Và rồi lại đưa ra thêm một luật trừng phạt nặng hơn những kẻ tái phạm. Từ 2002 đã có sáu đạo luật về vấn đề này.

Lần này, với vụ Laetitia, Sarkozy cũng muốn có thêm một luật mới...nhưng phe đa số khuyên can : Chưa nên làm gì vội trong lúc nội vụ chưa kết thúc.

PHẢN ỨNG KHẮP NƯỚC

Vì những lời tuyên bố của Sarkozy, những cuộc họp đại hội chống đối tràn lan khắp nước. Các thẩm phán, nghiệp đoàn nhân viên tư pháp tung ra một phong trào chống đối chưa hề có : biểu quyết không xử án nữa ! Nhiều nơi, tòa đình lại cho tới cuối tuần những vụ án không thuộc vào loại khẩn cấp.

Nhiều đại hội quyết định thông qua “Ngày công lý chết” (Justice morte) trong hầu hết các thành phố lớn từ Marseille tới Rennes qua Besancon hay Lille. Ngay cả Tòa Phá Án cũng tham gia. Cuộc đọ sức giữa hành pháp và tư pháp trở thành một vấn đề chính trị. “Sự thực, kẻ phạm tội chính là tổng thống Pháp,” lời của Dân biểu Arnaud Montebourg (Xã hội). “Ông ta đã đụng chạm đến cả hệ thống tư pháp của nước Pháp.” Lời tuyên bố của tổng thống lần này “tóm lược tất cả những gì ông ta đã tấn công ngành tư pháp trong mấy năm nay,” lời của biện lý tòa án Nice.

Patrick Devedjian, mới đây là bộ trưởng, lên tiếng bênh vực : “Hệ thống tư pháp của chúng ta đã hết hơi rồi. Ai cũng đòi thêm tiền nhưng thực sự, tiền không đủ.” Nghiệp đoàn nhân viên tư pháp và Cảnh sát không đồng ý. “Trách nhiệm trong vấn đề này là quốc gia. Không ai trong chúng tôi phải bị làm con dê tế thần trong một vụ đã trở thành một vụ chính trị, “ lời của tổng thư ký nghiệp đoàn SGP-Police.

THỦ TƯỚNG FILLON HOÀ GIẢI

Cho rằng chống đối như vậy là “quá độ”, thủ tướng Fillon, kêu gọi các thẩm phán và nhân viên tư pháp trở lại với trách nhiệm của mình. Nhưng khi ra trước Quốc Hội, thủ tướng cũng đã dịu giọng :
- “Nếu đó là do lỗi của cá nhân, người đó phải bị trừng phạt. Nếu đó là sơ hở trong vấn đề tổ chức hay trong guồng máy tư pháp, đó là trách nhiệm của chúng tôi. Chính phủ, bộ Tư pháp, bộ Nội vụ sẽ đề nghị các phương thức để cải thiện.”

Có ngay câu trả lời của các nghiệp đoàn và giới thẩm phán : Thủ tướng vẫn không thấy rõ tầm mức quan trọng của tình hình do lời tuyên bố của Sarkozy !

Thư Tuyệt Mạng của
THẨM PHÁN PHILIPPE TRAN-VAN

Trong ngày 10. 2, lúc các thẩm phán xuống đường và tổng thống trả lời trên truyền hình, trang nhà nouvelobs.com công bố thư tuyệt mạng của thẩm phán công tố Philippe Tran-Van, tự sát ngày 16. 9. 2010 vì không chịu nỗi “sức nặng của công việc.”

“Tôi đã đem hết công sức làm việc cho công lý và tòa án,” Thẩm phán Philippe Tran Van, 45 tuổi, làm việc tại tòa án Pontoise viết trong thư tuyệt mạng ngày 16. 9. 2010. Trong năm này có 4 người đã tự vận vì cùng một lý do đó, vẫn theo Nouvelobs.com.

“Tôi đã đem hết sức mình lo cong việc, hy sinh cả cuộc sống gia đình...Người ta nói tôi bất lực không lo nỗi văn phòng của mình trong khi theo tôi, cho dù với người tài giỏi nhất thế giới cũng khó lòng giải quyết gánh nặng của công việc. Cho nên tôi đành phải chấm dứt cuộc đời vì cuộc tranh đấu của tôi với cấp chỉ huy để có thêm phương tiện coi như thất bại.” Câu viết của Philippe Tran Van trong bức thư tìm thấy trong nhà cha mẹ ông.

“Tôi luôn luôn trung thành với cấp trên của tôi, những phiếu lượng giá là bằng chứng. Người ta trách mắng tôi đủ thứ chuyện và đồng nghiệp của tôi chỉ ủng hộ ngoài mặt. Xin thân nhân và nhất là các con của tôi tha thứ cho tôi những gì tôi sắp làm và niềm đau mà tôi đem lại cho họ. Tôi thương mến hết lòng. Xin tha tội cho tôi.”

Vài giờ sau khi viết thư này, Philippe Tran Van xuống nằm trên đường rầy chờ xe lửa chạy tới.

Isabelle Tran Van, vợ của ông, nhận được lời chia buồn của bà giám đốc của bộ Tư Pháp, nhưng làm sao khuôi nguây được ? Ngày 2.2.201, bà đã gởi thư tới tổng thống Nicolas Sarkozy, yêu cầu mở cuộc điều tra về vụ này. Cho tới nay vẫn không thấy động tịnh.

BẠN CÓ THÔNG CẢM VỚI SỰ CHỐNG ĐỐI CỦA CÁC THẨM PHÁN ?
54% của 6 679 người được hỏi trả lời “có”, 46% trả lời “không”. (Le Parisien)

*

BÀ MAM ĐI TUNISIE

Cùng một lúc, một vụ khác được nói tới trong mấy ngày liền : Bà Michèle Alliot-Marie (MAM), bộ trưởng Ngoại giao đi nghỉ Noel tại Tunisie trong thời gian những cuộc chống đối tổng thống Ben Ali đang lan rộng. Bộ trưởng cũng như tất cả mọi người đều được nghỉ, đâu là vấn đề ?

Mọi việc là do tờ báo Canard Enchainé, tuần báo phúng thích tung ra là sở phí của chuyến nghỉ này. Trong lúc đi nghỉ tại Tunisie, bà MAM, người bạn đường của bà là Patrick Ollier, bộ trưởng Liên lạc với Quốc Hội và gia đình đã sử dụng máy bay của người thân cận tổng thống Ben Ali, lúc phong trào chống đối lên cao và Ben Ali đã tẩu thoát ra khỏi nước. Điện Elysée liền khuyến cáo bà trả lời công khai trước dư luận. Bà đã xuất hiện trên các đài Canal Plus và France 2.

Chưa gì, các dân biểu đối lập đòi bà từ chức khi bà MAM và POM (tên tắt của bộ trưởng Ollier) ra trước Hạ Viện. Olivier Dussopt, người trẻ tuổi nhất trong số dân biểu đối lập, nói thẳng với thủ tướng Fillon : “Bà bộ trưởng của ông không còn tư cách nữa,” và đòi bà MAM từ chức. Không cần quây mặt lại, Francois Fillon lắc đầu.

Bà bộ trưởng tới trước micrô, gằn giọng : “Nếu tôi có đi nghỉ tại Tunisie, là tiền của tôi, tôi trả tiền du lịch, khách sạn. Khi tới Tunis trong dịp lễ Giáng sinh vừa qua, một người bạn cũng đi tới Tabarka, có máy bay mời chúng tôi đi cùng. Vì máy bay còn chỗ, thay vì đi xe hơi hai giờ đồng hồ, chúng tôi nhận lời. Không phải ông ta giao máy bay cho tôi mà chỉ cho tôi đi trong 20 phút.” Bà nói rõ giữa một hội trường yên lặng.

“Người bạn đó, là một chủ xí nghiệp được kính trọng tại Tunisie, và bị phe thân chính quyền đàn áp!” Những người nghe không có vẻ gì là bị thuyết phục. Họ vẫn la lớn : “Từ chức đi !” Và một người khác : “Madame, đi đi !”, lời của Yves Cochet, của nhóm Môi sinh.

Phe chính quyền cũng cảm thấy khó chịu. “Sau tám năm trong chính phủ, bà hết còn đại diện cho phe hữu,” lời của một đảng viên UMP. “Đáng ra phải đặt Alain Juppé vào chỗ của bà. Việc này quá sức của bà ta chăng ?”

Vấn đề không phải vậy. Chỉ vì bà không nói hết sự thực nên càng ngày bà càng bị lún xuống bùn! Aziz Miled, người chủ hãng máy bay, không phải chỉ cho bà đi nhờ hai giờ đồng hồ mà còn lo cho gia đình bà cả chuyến nghỉ Noel. Ông Miled lại là người thân cận của gia đình đệ nhất phu nhân Tunisie. Công ty Nouvelair của ông ta sáp nhập với công ty Karthago Airlines của Belhassen Trabelsi, em của Leila Trabelsi, đệ nhất phu nhân chứ không phải thuộc phe chống đối.

Theo Tuần báo Nouvel Obs, bà còn đáp máy bay đi lần thứ hai ngày 29.12 để thám du vùng Tozeur, phía nam Tunisie. Máy bay bay qua các vùng đang dấy loạn.

Trên truyền hình, bà tuyên bố : “Đi nghỉ hè, tôi không còn là bộ trưởng ngoại giao nữa.” Nói xong, bà mới biết là nói hớ. Bà luôn luôn là người đại diện cho nước Pháp, bất kỳ ở đâu, bất kỳ nghỉ hay không nghỉ. Nước Pháp bị liên lụy trong vụ này : nước Pháp đi ngược lại nguyện vọng của đa số dân chúng Tunisie ?

TIÊU TỐN CHỪNG 10 000 EURO

Chuyến “quá giang” của bà ngoại trưởng tiêu tốn chừng bao nhiêu cho chủ hãng máy bay ? Le Parisien phân tích rằng với 1 000 cây số bay đi và về từ hai nơi, phí tổn tổng cộng từ 7 000 euro đến 10 000 euro. Có thể lên đến 15 000 euro nếu tính thêm thời gian chờ đợi và những dịch vụ khác, theo lời một chủ hảng máy bay.

NHỮNG NGHI VẤN

Hậu quả của vụ này đưa ra một số câu hỏi có lẽ không có câu trả lời : Làm sao nước Pháp có thể đối thoại với những người đại diện mới khi mà người thay mặt nước Pháp là bà bộ trưởng ngoại giao lại là người đi với phe của Ben Ali ? Một giai đoạn mới diễn ra trên trường quốc tế. Cho tới nay, nước Pháp không có phản ứng gì hết. Phản ứng sao được khi là người từng nhận ân huệ của những kẻ đang bị dân chúng phản đối ! Làm sao giữ được an bình trong khu vực này mà không xuất hiện những tên độc tài mới ? Liên hiệp Địa Trung Hải, mộng ước của Sarkozy rồi sẽ ra sao ?

PHÁP CUNG CẤP VÀI CHỤC TẤN LỰU ĐẠN CAY

Theo Phủ thủ tướng, Pháp đã cung cấp Tunisie vài chục tấn lựu đạn cay chống biểu tình mà hai tấn được chở qua Tunisie trong lúc cuộc biểu tình lên cao. Cuộc đàn áp của nhân viên công lực đã làm cho mươi người tử nạn.

heo nguồn tin này thì bà Michèle Alliot Marie lúc còn làm bộ trưởng Nội Vụ đã giữ vai trò quan trọng trong vụ xuất cảng này. “Giấp phép xuất cảng được cấp hai lần ngày 8.11 sau khi có ý kiến thuận của bộ Nội vụ ngày 28.10,” lời của thủ tướng chính phủ trong thư trả lời chủ tịch Hạ Viện.

ĐIỂM CỦA SARKOZY XUỐNG NỮA !

Nicolas Sarkozy mất 3 điểm đầu tuần này, còn lại 31% người tín nhiệm, theo cuộc thăm dò của CSA đăng trên Le Parisien 7.2.2011. Số điểm chống lên đến 60%. Trong khi đó, Francois Fillon còn được 40% tín nhiệm, cũng mất 3 điểm, và 50% điểm chống.

FRANCOIS FILLON ĐI AI CẬP

Canard Enchainé tuần này tiết lộ thêm một tin mới...rất an ủi cho bà MAM : Thủ tướng Francois Fillon qua Ai Cập cuối tháng 12 đã được tiếp rước nhiều hơn bà. Fillon và gia đình đi Assouan trong chiếc Falcon của chính phủ, một chuyện bình thường vì bảo đảm an ninh cho yếu nhân. Chuyện ăn ở của gia đình thủ tướng là do chính quyền Ai Cập cung phụng.

Và chính trong máy bay riêng của tổng thống Moubarak mà gia đình thủ tướng đi thăm một ngôi đền ở Abou Simbel. “Điều đó làm tôi ngạc nhiên nhưng vì thế mà Fillon đã bênh vực MAM !” lời của một bộ trưởng. Tại Điện Matignon (Phủ thủ tướng), người ta bào chữa rằng những cuộc chống đối Moubarak lúc đó chưa xảy ra và ngày đầu năm, thủ tướng Fillon còn đi Alexandrie thăm những người giáo dân Công giáo nạn nhân của một vụ khủng bố. Điều đó có nghĩa rằng ông ta không thờ ơ với những gì xảy ra trong nước Ai Cập.

Phe tả không bỏ lở cơ hội mặc dầu họ vẫn nhớ rằng trước đây, cố tổng thống Mitterrand nhiều lần đem cả hai gia đình thăm Ai Cập ? Phe hữu yên lặng. Francois Coppé, tổng thư ký đảng UMP cho biết ông ta ủng hộ hết mình thủ tướng Fillon chống lại những chỉ trích vô lý của đối phương.

Quyết định cuối cùng của chính phủ : Từ nay, các bộ trưởng, thứ trưởng đi nghỉ dành ưu tiên trong nước Pháp, lời của tổng thống Sarkozy trong buổi họp Hội đồng chính phủ tại Điện Elysée.

TRỞ LẠI VỤ TRANH CỬ 2012

Trong vụ tranh cử tổng thống năm 2012, phe đối lập chộn rộn hơn là chuyện dĩ nhiên. Cũng chỉ một câu hỏi lởn vởn trong đầu những lãnh tụ rắp ranh ứng cử : Dominique Strauss-Kahn, đương kim chủ tịch Qũy Tiền Tệ Quốc tế (IMF) sẽ có dự tranh hay không ?

Câu trả lời không phải từ chính đương sự, vì tổng giám đốc IMF không được quyền nói gì về chuyện chính trị nội bộ của một nước hội viên. “Đối với tôi, tôi không muốn ông ta làm thêm một nhiệm kỳ nữa với Qũy IMF,” lời của Anne Sinclair, phu nhân TGĐ trên tuần báo Le Point. Rõ ràng là bà Anne Sinclair, một nhà báo nổi tiếng, không muốn chồng làm thêm một nhiệm kỳ nữa với Qũy IMF.

Cả nước, cùng với báo chí ngoại quốc nhào vô bình luận : Nếu không muốn ở Washington thêm bốn năm nữa tất nhiên là về Pháp, và về Pháp DSK sẽ ra tranh cử. Ông nói không được thì bà nói, mà bà Anne Sinclair cũng là một nhân vật quan trọng tại Pháp. Bà từng là nhà báo, phân tích thời sự nổi tiếng tại Pháp chứ không phải là một bà vợ tầm thường. (Nhưng dù sao, bà cũng là đàn bà : mối giao du thân mật của DSK với một cựu giám đốc IMF từng phanh phui trên mặt báo có thể còn trong đầu bà chăng ?)

Tin này tới với Martine Aubry lúc bà tổng bí thư đảng Xã Hội đang ở Dakar, sắp sửa gặp tổng thống Sénégal. Bà từ chối, không bình luận gì. Cựu tổng bí thư đảng Xã hội, Francois Hollande nói với vẻ bực bội : Có nói gì là tôi nói thẳng, không cần phải qua ai khác ! (Ô hay, DSK đang ở thế kẹt, nhờ người chuyển dùm message không được sao ?)

Trong Cuộc Sống
GIỜ NÀO NÊN TẬP THỂ THAO ?

Cơ thể chúng ta như một cái đồng hồ : chạy đủ 24 tiếng. Mỗi giờ có một chương trình, được dành cho một việc làm khác nhau. Các nhà khoa học dựa vào đó đặt ra môn chronobiologie khuyên ta phải theo để giữ gìn sức khỏe.

Đồng hồ đó nằm trong vùng hypothalamus ở dưới não bộ, điều khiển mọi hoạt động như là tiết ra kích thích tố, ảnh hưởng tới nhịp tim, huyết áp và nhiệt độ của cơ thể.

Kết quả : Chúng ta sẽ minh mẫn hay khỏe mạnh hơn tùy theo lúc chứ không phải lúc nào cũng giống nhau, lời khuyên của BS Francois Duforez, chuyên về thể thao và giấc ngủ tại Hotel Dieu, Paris.

BUỔI SÁNG, BẮT ĐẦU HOẠT ĐỘNG

Buổi sáng là thời điểm lý tưởng nhất để hoạt động thể thao. Cơ thể làm việc lại sau thời kỳ nghỉ ban đêm. Đây là lúc chúng ta dễ thu thập sự kiện vào óc, là lúc thuận tiện nhất để tập các môn thể thao có kỹ thuật cao (golf, tennis, sports de combat, danse gymnastique...)

Gần 10 giờ, cơ thể sung sức. Đây là lúc cơ thể phát ra nhiều chất cortisol cho ta hai điều lợi : một là tim mạch chạy điều hòa, phổi nở lớn : có thể chịu đựng dẻo dai; và hai : cortisol sinh ra chất lipolyse làm tiêu mỡ.

TRƯA, HẤP THỤ ÁNH SÁNG

Đi đôi giày vải vào lúc trưa để tản bộ là điều nên làm. Mặt trời đứng bóng, Nếu được, làm thể thao ngoài trời giúp chống các bệnh làm cho thần kinh căng thẳng. Sau khi ăn trưa, tuy nhiên, không nên làm thể thao. Không phải vì chuyện ăn no mà vì đồng hồ trong con người. Đó là lúc cơ thể nghỉ ngơi sau khi đã cố gắng buổi sáng và những giờ buổi trưa.

TỪ 17 TỚI 19 GIỜ, ĐỂ NGON GIẤC

Từ 16 giờ trở đi, tinh thần của chúng ta trở lại thơ thới, trong khi các bắp thịt mạnh hơn vào lúc 17 giờ. Đó là lúc làm thể thao, đi bộ hay tập các bắp thịt. Tới 18 giờ, BS Duforez khuyên nên tránh những thể tháo mạnh như là quyền thuật, công phu...làm tăng cường độ của bắp thịt cũng như trí não.

Trái lại, nên làm những động tác nhẹ từ ba hay bốn giờ trước khi ngủ. Những hoạt động này giúp ta ngủ say, chóng hồi phục sức khỏe. (Femina)

MỘT VÀI CHUYỆN KHÁC

TRUYỀN HÌNH VÀ ĐIỆN TOÁN KHI ĂN

Vừa ăn vừa coi truyền hình, ngưới ăn tăng thêm 288 kilo calories. Làm việc trước máy làm căng thẳng thần kinh. Ăn trước máy PC sẽ tăng thêm 299 kilo calories.

ĂN CÁ, GIẢM ĐAU LỢI (NƯỚU RĂNG)

Chúng ta đã biết sự ích lợi của Omega-3 với tim mạch và trí não. Một khảo cứu còn cho biết sự ích lợi của Oméga-3 với nướu răng. Những người hấp thụ nhiều chất DHA (oméga-3 của mỡ cá) giảm rủi ro này xuống 20%.

TIỀN PHẠT ĐẬU XE : 17 EURO

Trong Paris, tiền phạt đậu xe quá giờ hay không trả tiền đậu xe ở cấp thấp nhất 11 euro sẽ được tăng lên 17 euro...trong nhiều tuần tới đây, theo lời của bộ trưởng Ngân sách. Cấp cao hơn, 35 euro không thay đổi.

Số tiền phạt này không tăng từ năm 1986, được các dân biểu đề nghị tăng lên 20 euro, nhưng chính phủ quyết định chỉ tăng tới 17 euro mà thôi. Đây là số thu giúp ngân sách các thị xã tài trợ cho các hoạt động. Rồi đây tiền đậu xe trong các parking cũng sẽ tăng theo ?

1,5 TỶ EURO tiền thu được về những vụ phạt xe, nhưng Viện Kiểm sát quốc gia không thể cho biết rõ đã có bao nhiêu giấy phạt xe trong năm. Một phần tư giấy phạt xe gởi đi trong Paris không được thanh toán. Có tất cả 2 800 cơ quan có thể phạt tiền dân chúng, viện Kiểm sát muốn phối hợp các cơ quan này lại.

TĂNG TIỀN PHẠT XE CÓ CHÍNH ĐÁNG HAY KHÔNG ? 32,8% của 2 928 người trả lời “có”, 67,2% trả lời “không”.

STRASBOURG : TỐC ĐỘ TỐI ĐA 30 CS/G

Kể từ mùa thu năm nay, di chuyển trong thành phố Strasbourg, đông bắc nước Pháp, bị giới hạn 30 cây số/ giờ. Mục đích : giảm tai nạn xe cộ trong thành phố. (50 cs/ g, rủi ro 80%, 30 cs/g rủi ro xuống còn 10%).

SODAS LIGHT HẠI TIM !

Đây là thứ nước sản xuất nhiều và có mặt khắp thế giới. Khắp nơi dân chúng uống nhiều. Một nghiên cứu mới đây của Mỹ cho biết : uống nước soda light mỗi ngày sẽ tăng 61% rủi ro bệnh tim mạch. Để đi tới kết quả đó, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu 2 564 ngưới tham dự chương trình cho biết số lượng và loại nước gì đã uống trong ngày. Từ đó, họ được phân ra làm 7 loại : từ những người không uống soda tí nào, cho tới những người uống ít (một hộp mỗi tháng cho tới 6 hộp mỗi tuần) hay uống mỗi ngày (mỗi ngày một hộp).

Trong thời gian theo dõi là chín năm, các nhà khảo cứu nhận thấy có 559 trường hợp bị tai biến mạch máu não trong số những người tình nguyện tham dự chương trình, kể cả những người bị đông cục máu trong mạch, hay xuất huyết vì đứt mạch máu. Đó là những người uống nhiều soda ngay cả với soda light. (Le Figaro, Le Parisien)

Đặc biệt Nước Pháp
BÉBÉ MÉDICAMENT

Lần đầu tiên một đứa bé được sanh ra mục đích là để cứu hai người anh bị một thứ bệnh đặc biệt. Đứa bé trai, 3 kí 8, sanh ngày 26.1 tại bệnh viện Antoine Béclère ở Clamart, được đặt tên là Umut-Talha, tiếng Thổ nhỉ kỳ có nghĩa là “niềm hy vọng của chúng ta”.

Đứa bé được thụ thai trong phòng thí nghiệm bằng tinh trùng và noãn sào của bố mẹ. Và chỉ nhờ dung dịch trong giây nhau chuyền từ bụng mẹ đến người con là có thể chữa bệnh cho hai người anh.

Thật sự chuyện này đã được thực hiện tại Hoa kỳ, Hòa Lan, Bỉ và Anh từ lâu. Nhưng luật của Pháp vừa mới cho phép năm 2006.

Trước khi ra đời, Umut đã sống trong ống nghiệm. Giáo sư Arnold Munnich, người thực hiện kế hoạch này từ bệnh viện Nhi đồng Necker, đã chọn lựa bào thai không mang bệnh của gia đình này và lại có thể cứu hai người anh. Sau đó, được cấy vào bà mẹ, gốc Thổ nhỉ kỳ.

Vấn đề đang được đặt ra có tính cách luân lý và nghề nghiệp. Theo lời Giáo sư Frydman đây là một kế hoạch có “triển vọng” để cứu những bệnh có thể cứu được. (Le Parisien)

PHÁP ĐANG BỊ SUSHI CHINH PHỤC

Người Pháp đang thích món ăn cá sống của Nhật ! Một tài liệu nghiên cứu cho biết quán ăn Nhật đang lấn chiếm những cửa hiệu fast food như hamburgers hay sandwichs. Năm 2010, Pháp có 1 580 quán ăn sushi, theo bản nghiên cứu của Gira Conseil. Những sản phẩm “made in Japan” ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên bàn ăn của người Pháp. Quán sushi đã qua mặt các hiệu McDonald’s : trên cả nước Pháp chỉ có 1 300 cửa hiệu McDo mà thôi.

“Từ năm 2005, số tăng từ 20 đến 25% mỗi năm,” lời của giám đốc Gira Conseil. Trong các thành phố nhỏ, những hiệu ăn Tàu đang biến thành những hiệu sushi. Có điều là các quán sushi không thu lợi nhiều bằng những quán fastfood khác. Năm 2010, thương vụ của các các quán sushi không quá 864 triệu euro, trong khi các quán fastfood gộp lại đến 4,5 tỷ euro.

Trong thực tế khách hàng của sushi phải trả nhiều tiền hơn khách hàng fastfood khác. Một menu fastfood chừng 8 euro, một menu sushi vào khoảng 13 euro. Cũng có sushi rẻ hơn, bán trong siêu thị nhưng trong vấn đề này, khách hàng nghĩ đến sự bảo đảm chất tươi và an ninh của thực phẩm nhiều hơn. Họ do dự khi đứng trước sushi trong siêu thị.

Vì vậy mà các đầu bếp Nhật bản trong hội All Japan Sushi Federation ở Tokyo đã cho ra một nhản hiệu, cấp cho cửa hàng nào bảo đảm sự tinh khiết của sushi bán ra.
Từ Paris, ngày nay sushi đang đi về các thành phố nhỏ. Các tổ hợp lớn như Sushi Shop, Planète Sushi hay Sushi West...tranh nhau mở hiệu ở các tỉnh. Một tương lai xán lạn cho sushi tại Pháp.

TRẠI CẦN SA Ở LA COURNEUVE

La Courneuve là vùng ngoại ô phiá đông bắc Paris vùng Seine Saint Denis. Ngày 8.2, Cảnh sát đặc biệt (của Văn phòng trung ương bài trừ ma túy và Văn phòng trung ương chống di dân bất hợp pháp) khám phá một chuyện ly kỳ : một trang trại trồng cần sa trong bốn bức tường bê tông rộng bằng căn nhà 5 phòng ! Hơn 700 cây và 24 kí lô lá cần sa đã được chế biến tại đây. Một người gốc Việt coi sóc trang trại này đã bị bắt giữ.

Theo những ước lượng sơ khởi, một năm thâu hoạch từ ba đến năm lần, có thể sản xuất từ 800 kí lô đến một tấn cần sa. Đặt giữa sàn xi măng, 700 chậu cây cannabis chiếm hết 150 thước vuông của nền nhà. Một phòng để sấy lá cần sa. Mùi cần sa xông lên nồng nặc.

Trang bị tối tân : Ánh sáng bằng đèn điện chiếu sáng ngày đêm, dàn nước tuới cây tự động và hệ thống lọc không khí theo lối trồng cây trong nhà. Sự khám phá này giúp trả lời những thắc mắc cho tới nay về sự hiện diện của cần sa tại Pháp : Không phải nhập cảng...mà nội hoá hay xuất cảng.

Cuộc điều tra còn cho biết công trình này thực hiện được là nhờ hệ thống giao liên bí mật bất hợp pháp từ Việt Nam, ngừng lại tại La Courneuve trước khi qua nước Anh (Le Parisien, Đài FR3)

NHỮNG NGÀY SẮP TỚI

Học sinh Vùng C (gồm các khu học chính Bordeaux, Créteil, Paris, Versailles) nghỉ học từ ngày 12.2 cho đến 27.2. Xa lộ bắt đầu kẹt dài dài từ Paris đi tới các vùng núi hay biển.

WEEK END JAPON : 12, 13.2.2011

Trong hai ngày 12 và 13. 2, tại trường đua Paris-Vincennes, từ 12 giờ 30 đến 18 giờ, dưới sự bảo trợ của sứ quán Nhật tại Paris, có chương trình hoạt náo trình bày món ăn và văn hoá Nhật : Sushi, Mangas, Lolitas, Aikido. Biểu diễn cắm hoa Ikebana và xếp giấy Origami. Thời trang Harajuku. Có Miss France 2011 Laury Thillman tham dự.

Muốn biết thêm và để có giấy mời, xin vào trang nhà : www.hippodrome-vincennes.com

PARIS MANGA Ở VERSAILLES

Hằng ngàn thanh thiếu niên Pháp, từ 7 đến 35 tuổi đã xô nhau đến hội chợ ở Versailles, Porte de Versailles, Paris XV nơi có 180 gian hàng triển lãm, hoạt náo về manga, các nhân vật trong các tranh hoạt họa của Nhật, Đại Hàn...

Số vé vào cửa bán trước tăng 25%, ban tổ chức chờ đợi 60 000 người tới xem hội chợ lần thứ 11 này. Một vài họa sĩ nổi tiếng như Gotsubo Masaro (tác giả của loạt truyện Samurai Champloo) hay Dai Sato, tac giả của loạt truyện Eureka Seven hay Cowboy Beebop. Ngoài ra những sách hình là những con người và vật bằng plastique hay bằng nỉ (figurine, peluches, jouets...) và những loại khác được trưng bày.

Từ 10 giờ 30 đến 19 giờ Paris Expo, tại Porte de Versailles. Vào cửa 10 euro. Muốn biết thêm : www.parismanga.fr

UN NOUVEAU FESTIVAL

Centre Pompidou tổ chức lần thứ hai, từ 16.2 đến 7.3, Chương trình đặt tên là “Un nouveau festival” gồm triển lãm, kịch, phim ảnh...Place Pompidou, 75004 Paris. Métro : Les Halles hay Hotel de Ville. (Đóng cửa ngày thứ ba mỗi tuần)

ATELIER DES ENFANTS

Cũng tại Centre Pompidou có những chương trình dành cho trẻ em. Voyager dans les lignes cho các em từ 3 đến 5 tuổi, L’atelier de...do Alexandre Rodtchenko cho trẻ em từ 6 đến 12.

TRIỂN LÃM

Lucas Cranach trở lại với giới mộ điệu Pháp. Cuối năm 2010, bảo tàng viện Louvre đã mua lại bức tranh “Les Trois Grâces” của danh họa người Đức với số tiền một triệu euro lạc quyên được của các nhà hảo tâm.

Mở cửa lại giữa tuần rồi, Bảo tàng viện Luxembourg trưng bày các bức họa của ông dưới đề tài “Cranach et son temps”. Một dịp để giới mộ điệu thưởng ngoạn tài của nhà danh hoạ thời Trung Cổ

Musée du Luxembourg, 19 rue de Vaugirard, 75006 Paris , cho tới ngày 23.5.2011, mỗi ngày từ 10 giờ đén 20 giờ, thứ nsáu và thứ bay cho tới 22 giờ. Giá 11 euro, dưới 25 tuổi 7,50 euro, dưới 13 uổi, miễn phí. Muốn biết thêm, xin vào : www.museeduluxembourg.fr

NGÀY ST.-VALETINE 2011

Ngày của tình yêu năm nay, người Pháp không đưa nhau đi Djerba (Tunisie) hay du thuyền trên sông Nil (Ai Cập) vì tình hình tại các nước này vẫn chưa yên. Nhiều hãng du lịch đề nghị những chuyến đi quanh Âu Châu : Bruxelles, Amsterdam, Vienne hay đi về miền nam : Venise, Florence, Madrid...Trong một năm, 34% vợ chồng đưa nhau đi nghỉ hai lần mà một lần là trong dịp Saint Valentin, theo một tài liệu khảo cứu của www.Promovacances.com

Trong nước Pháp, các hãng du lịch còn quảng cáo các chương trình bồi bổ sức khỏe bằng xoa bóp thân thể, tẩm bùn, rêu, tắm nước biển trong hồ bơi với những máy móc tân kỳ. Các Club loại này mới mở ra rất nhiều để chăm sóc thân hình cho khách hàng, đa số là các bà.

Báo chí còn cho biết : Hàng xa xỉ năm nay bán chạy hơn và các quán ăn sang tại những khu đặc biệt Champs Elysées, Saint Germain des Prés, Montmartre...những rạp ca nhạc như Moulin Rouge, Crazy Horse...đã hết chỗ trong ngày 14. 2. Rạp Lido ở Champs Elysée có chương trình đặc biệt từ ngày 11.2 đến ngày 14.2 : Une escale romantique với 70 nghệ sĩ 23 tấm phông và 600 bộ áo quần xôm tụ. Giá tiền cho mỗi người 140 euro.