Home Tin Tức Thời Sự Vì sao các thẩm pháp Pháp bãi công ?

Vì sao các thẩm pháp Pháp bãi công ? PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Bảy, 12 Tháng 2 Năm 2011 07:08

 Hàng nghìn thẩm phán trên toàn nước Pháp đã tham gia vào khoảng 30 cuộc biểu tình trên toàn quốc.

 Phẫn nộ của nhân viên ngành Tư pháp

Ngày 10/02/11, hàng nghìn thẩm phán trên toàn nước Pháp đã tham gia vào khoảng 30 cuộc biểu tình trên toàn quốc. Hành động này nhằm phản đối tuyên bố của tổng thống Sarkozy quy trách nhiệm cho giới Tư pháp trong vụ một thiếu nữ bị sát hại

Theo AFP, 10.000 nhân viên ngành Tư pháp đã tham gia vào hoạt động này. Bên cạnh các nghiệp đoàn thẩm phán, còn có các luật sư, các nghiệp đoàn cảnh sát ... Đây là ngày hành động đặc biệt của giới luật gia, tiếp theo các cuộc bãi công bán phần, với việc các thẩm phán quyết định hoãn lại không xét xử các vụ án được coi là không khẩn cấp.

Phong trào phản kháng của giới luật gia kéo dài từ tuần trước tới nay tại Pháp được đánh giá là chưa từng có. Theo kết quả của hai cuộc điều tra dư luận BVA và Harris, có hơn 60% người Pháp ủng hộ các thẩm phán.

Vì sao các thẩm phán Pháp lại bãi công và có thái độ phản kháng quyết liệt như vậy ? Sau đây là phân tích của luật sư Trần Thanh Hiệp, cựu luật sư tòa Thượng Thẩm Paris và giám đốc Trung tâm Việt Nam về Nhân quyền (Paris).

  
 

 RFI : Xin thân chào luật sư Trần Thanh Hiệp, như anh đã biết, tại nước Pháp, trong tuần vừa rồi, đã diễn ra một sự kiện đặc biệt, giới luật sư đã có những phản ứng, như bãi công, không xử các vụ án không khẩn cấp. Còn ngày hôm qua, các thẩm phán tổ chức cuộc biểu tình toàn quốc để phản đối lại thái độ của tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy liên quan đến một vụ án. Vậy, anh có thể cho biết cụ thể về sự kiện này được không ạ ?

Ông Trần Thanh Hiệp : Hiện tượng vừa nói là một hiện tượng có nhiều ý nghĩa pháp lý, chính trị, … nhiều mặt. Chắc phải cần nhiều thời giờ mới nói đủ được. Tôi sẽ cố gắng trình bày tóm lược cụ thể để mọi người có thể theo dõi được. Hãy coi phát biểu này là ý kiến của cá nhân tôi thôi, chứ tôi không có tham vọng nói ra « sự thật ». Sự thật nằm ở chỗ nào, phải có nhiều công trình nghiên cứu mới có thể nói được. Tôi chỉ xin trình bày việc này theo cái nhìn của tôi.

Trước tiên, tôi thấy rằng, phải tìm ra cho đúng từ ngữ để gọi hiện tượng đó. Mỗi người nói một cách. Có người nói, đây là cuộc phản kháng, người thì nói là cuộc bãi công, người thì nói là những cuộc biểu tình, người thì nói là sự biểu hiện của phe đối lập để chống lại phe cầm quyền, …

Tôi xin dùng hai « từ ». Trước tiên, tôi nói rằng, đây là một « phong trào biểu lộ sự phẫn nộ và dùng quyền công kích của các thẩm phán ở Pháp ». Và « từ » thứ hai mà tôi dùng là « đây là sự co giật của một xã hội. Cơ thể xã hội đó đang cần có sự điều chỉnh lại ».

Phong trào biểu lộ sự phẫn nộ của các thẩm phán ở Pháp có một quy mô rất lớn. Tôi đã ở Pháp hơn 40 năm. Chưa bao giờ tôi thấy một phong trào của giới thẩm phán, mà có một quy mô rộng lớn như thế.

RFI : Thưa anh, theo anh, đâu là những nguyên nhân của sự phẫn nộ này ?

Ông Trần Thanh Hiệp : Có những nguyên nhân gần và xa. Nguyên nhân gần là : như mọi người biết, vụ này nổ ra sau khi Tổng thống Nicolas Sarkozy có những nhận định về hoạt động của giới thẩm phán và cảnh sát, nhân vụ Laetitia Perrais. Laetitia Perrais là một thiếu nữ mới 18 tuổi, bị mất tích, sau đó, khám phá ra là cô bị giết. Người bị tình nghi là thủ phạm vụ giết người là một người tù đã mãn hạn, đã từng 13 lần bị kết án, trong đó có một án vì tội hiếp dâm. Mãn hạn tù, trong những ngày đầu năm nay, người này có mặt tại thành phố Nantes, ở phía Tây nước Pháp. Sau đó, cô Laetitia Perrais bị mất tích.

Người ta nghi ngờ và đặt vấn đề, một người có tiền án như vậy đáng nhẽ phải được theo dõi, và nếu cần phải có biện pháp ngay, thậm chí phải giam giữ để cải tạo. Cải tạo ở đây theo nghĩa nhẹ nhàng chứ không phải nặng nề theo nghĩa cải tạo bên nhà ngày trước.

Như vậy, đáng ra phải bắt, chứ tại sao lại không bắt nghi phạm nguy hiểm này. Khi gia đình của cô Laetitia Perrais đến khiếu nại chuyện đó với Tổng thống, thì ông Tổng thống phản ứng và nói rằng đáng lẽ phải bắt giữ ngay người này để thi hành các biện pháp do luật trù liệu thì không làm. Vậy, nếu có những rối loạn nghiêm trọng nào ở hàng ngũ thẩm phán hay cảnh sát, thì sẽ phải có những trừng phạt. Lời tuyên bố đó đã làm cho một số lớn các thẩm phán bất mãn. Họ bầy tỏ sự bất mãn, công phẫn bằng các hình thức tập thể.

Cho nên, có chuyện là các tòa án mới quyết định hoãn các phiên tòa, và mọi người nhìn đây là một cuộc biểu tình, nhưng tôi không nghĩ đây là một cuộc biểu tình thông thường mà là hình thức để biểu lộ ra sự công phẫn của giới thẩm phán, cho rằng đã bị ông Tổng thống dùng quyền hành pháp để mà can thiệp vào sự độc lập của quyền tư pháp.

RFI : Anh có thể nói thêm về các nguyên nhân sâu xa đằng sau phản ứng mạnh mẽ này của giới thẩm phán tại Pháp không ạ ?

Ông Trần Thanh Hiệp : Tôi kể ra một vài nguyên nhân, ví dụ như nguyên nhân tâm lý, từ lâu rồi, giữa ông Tổng thống Sarkozy và giới thẩm phán đã không bằng lòng nhau. Cái cảnh « cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt ». Phía thẩm phán cho rằng ông Tổng thống khinh miệt, coi thường mình, còn phía Tổng thống thì coi rằng nhiều khi các thẩm phán đã không làm hết nhiệm vụ của mình. Ngoài ra, theo giới thẩm phán, ông Tổng thống phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ phương tiện và nhân sự cho giới thẩm phán, để thực hiện các trách nhiệm của tư pháp tại nước Pháp. Các yếu kém của tư pháp không phải là lỗi của giới thẩm phán. Đó là vấn đề tâm lý.

Bên cạnh đó, còn vấn đề nghiệp đoàn. Thẩm phán bên này vào các nghiệp đoàn thẩm phán khác nhau. Trong các nghiệp đoàn thẩm phán có cánh tả, và cánh hữu. Tuy không làm chính trị, nhưng không thể nào nói các xu hướng thiên tả, thiên hữu không ảnh hưởng. Hai đường lối cai trị khác nhau rồi ghép lại vào, thì thành ra vốn khởi đầu chỉ là phản ứng thuần túy của các thẩm phán, thì bây giờ còn có sự tham gia của các nghiệp đoàn của những nhân viên không phải là thẩm phán làm việc cho tòa án, các cảnh sát, cảnh lại, .., rồi các chính khách ở bên ngoài cũng lên tiếng.

RFI : Lúc đầu anh có đưa ra nhận xét về sự phẫn nộ của các thẩm phán như là sự « co giật của xã hội ». Vậy anh có thể nói rõ hơn về điểm này được không ạ ?

Ông Trần Thanh Hiệp : Ở chỗ này, tôi không đứng về mặt chính trị hay pháp lý, mà tôi đứng về mặt chính trị học hay xã hội học. Hiểu theo cách này thì đây là những hiện tượng co giật của một xã hội, đang cần có những sửa đổi để hoàn chỉnh cơ chế của mình, để làm thế nào đạt được tình trạng hài hòa trong xã hội. Nhu cầu đó biểu hiện bằng những căng thẳng về mặt chức năng, cho nên mới có những hiện tượng như hiện nay.

Một mặt, đúng là chúng ta rất tiếc là đã xẩy ra những hiện tượng như vậy, làm đình trệ một phần nào các việc xét xử, đồng thời gây ra tâm lý trong xã hội có vẻ như không ổn định. Nhưng mặt khác, chúng ta cũng phải nói rằng, trong xã hội Pháp, ai cũng có quyền biểu lộ những ý nghĩa riêng của mình một cách ôn hòa, chứ không đi đến chỗ bạo động.

RFI : Hai ý vừa rồi của anh nói rất rõ, về hiện tượng thể hiện nỗi bất bình bằng sự phản đối, và đồng thời xã hội đang có « sự co giật », hay sự chuyển động mạnh mẽ để hoàn thiện và điều chỉnh các chức năng vốn đã được phân công trong một xã hội pháp quyền và dân chủ. Vậy theo anh, những diễn biến hiện tại có tác động cụ thể nào đến các quan hệ giữa tư pháp và hành pháp của nước Pháp không ?

Ông Trần Thanh Hiệp : Nó có quan hệ, bởi vì nó ảnh hưởng đến nhịp độ bình thường, sinh hoạt bình thường của xã hội. Nhưng nó không có quan hệ đến tầng cơ cấu của xã hội. Các cơ cấu xã hội sẽ phải cải tổ. Và bây giờ chính vì Tổng thống Pháp mà hành pháp muốn cải tổ mạnh mẽ, mà có khi không có sự đồng thuận hoàn toàn của thẩm phán đoàn. Hiện thời bây giờ đang có tranh chấp ở hai xu hướng đó, nhưng chưa được thực hiện bằng các cải cách, gọi là cải cách cơ cấu, cải cách định chế. Cho nên, ảnh hưởng của vụ này có thể là một sự tiếp diễn của tình trạng tranh chấp giữa nhiều xu hướng cải tổ hiện trạng của nước Pháp.

RFI : Ban Việt ngữ RFI xin trân trọng cảm ơn luật sư Trần Thanh Hiệp.